Với giáo dân trong hạt Hóc Môn (TGP. TPHCM), lớp dạy nghề điện cơ, điện lạnh của các tu sĩ dòng Salêdiêng Don Bosco (SDB) từ lâu đã trở nên thân thuộc, dù đó là một cơ sở hoạt động có phần âm thầm...
THAO THỨC...
Cộng đoàn SDB hiện diện tại giáo xứ Hóc Môn đã hơn 30 năm nay. Ngày đó, vùng này còn thưa dân, đời sống chật vật khó khăn, các em nhỏ cũng bị cuốn vào dòng xoáy mưu sinh, việc học hành thường dang dở, đứt đoạn. Lý do thôi học phần lớn vì nhà không đủ lo học phí hay phải nghỉ để có thêm “tay” lao động phụ giúp cha mẹ. Dù từ nguyên nhân nào đi nữa, kết cục chung cho tất cả các em gần như là ngõ cụt về đường học vấn, công danh. Trăn trở trước tương lai không mấy tươi sáng của lớp trẻ trong vùng, với quyết tâm thực hiện sứ mệnh chăm lo giáo dục để yêu thương, đỡ nâng những thanh thiếu niên khó khăn, các thầy dòng Don Bosco đã mở ra lớp dạy nghề điện, đến nay gần tròn 20 năm.
|
Một buổi học về lắp đặt mạng điện gia dụng |
Năm 1997, lớp nghề chính thức đi vào hoạt động. Đối tượng tiếp nhận là tất cả các bạn trẻ từ 15 tuổi trở lên không còn học văn hóa tại các trường phổ thông, đặc biệt ưu tiên cho các em nghèo và thất học. Trường hợp dưới 15 tuổi sẽ được xem xét hoàn cảnh, năng lực, ý chí để nhận vào lớp. Thời gian đầu, thầy trò cùng học tập trong căn phòng nhỏ bên hông nhà thờ. Vì khuôn viên giáo xứ rất “khiêm tốn” nên điều kiện có phòng học rộng rãi, tiện nghi là điều bất khả thi. Dù vậy, nhiều khóa học vẫn đều đặn diễn ra suôn sẻ. Khi phải nhường không gian lại cho lớp giáo lý, các thầy mua mảnh đất cạnh giáo xứ, chuyển cộng đoàn và lớp nghề về đó, ổn định tới nay.
|
Chăm chú thực hành thiết kế mạng điện |
Biết mục đích của lớp nghề nhằm trợ giúp, dìu dắt những thanh thiếu niên học chữ chưa tới nơi, nghề nghiệp chưa tới chốn nên mấy năm qua, đây là địa chỉ tin cậy của không ít phụ huynh. Một vài em cá biệt không học văn hóa cũng không lao động được gia đình gởi tới lớp để được uốn nắn, truyền nghề. Bất kể hoàn cảnh, tính tình, khả năng tiếp thu, các thầy đều đón nhận với tinh thần, trách nhiệm của nhà giáo dục Công giáo. “Trọn cuộc đời Thánh Don Bosco đã đồng hành, sống cùng giới trẻ nên chúng tôi phải luôn tiếp nối điều ấy trên bước đường dấn thân của mình. Ở mọi thời mọi nơi, người trẻ luôn có rất nhiều việc cần chăm lo, hướng dẫn, cách riêng những em khó khăn, bướng bỉnh lại càng phải được quan tâm, yêu thương nhiều hơn nữa”, tu sĩ Phan Văn Bàng, phụ trách lớp nghề cho biết.
... VÀ HÀNH ĐỘNG
Từ thứ Hai tới thứ Năm, trong căn phòng nhỏ gọn nơi đầu dãy hành lang, tiếng giảng bài, tiếng máy móc kêu rè rè lại trộn lẫn vào nhau, đôi khi xen vài câu hỏi: “Tại sao phải mắc nối tiếp chứ không phải song song vậy thầy?”, hay lời “cầu cứu”: “Thầy ơi coi dùm con sao đèn vẫn không sáng?”. Lớp bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc khi đồng hồ điểm 11 giờ. Thời gian rảnh còn lại, các em có thể đi làm thêm hay làm việc nhà. Một khóa học như vậy kéo dài 12 tháng, chia làm hai học kỳ. Sáu tháng đầu tiên, các thầy hướng dẫn học viên về điện gia dụng và điện cơ như thiết kế mạng điện trong nhà; sửa chữa, bảo trì thiết bị gia dụng; các mạch điện tự động điều khiển bằng khởi động từ... Lý thuyết và thực hành được phối hợp song song ở mỗi giờ lên lớp. Sáu tháng còn lại, học viên học điện lạnh với các phần động cơ một pha, ba pha; sửa chữa, quấn dây máy biến áp; sửa chữa, bảo trì tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa... Theo trọn vẹn một năm như thế, người học sẽ nắm vững kiến thức, tay nghề để có thể mở tiệm kiếm sống.
|
Lớp nghề điện giúp nhiều bạn trẻ có tương lai mới |
Vào mỗi cuối năm học, các thầy đều gởi mẫu đơn xin học về các giáo xứ lân cận như Bùi Môn, Trung Chánh, Bà Điểm, Bạch Đằng,... để chiêu sinh khóa mới. Trung bình một đợt có khoảng 10 em đăng ký. Tùy gia cảnh từng học viên, sẽ nhận học phí khác nhau, song thường là 100.000 đồng/tháng/học viên. Riêng những em khó khăn sẽ được giảm một nửa hay hoàn toàn. Bởi mục đích cốt lõi của lớp học là mong có thể tiếp thêm niềm tin, hy vọng để những người trẻ không dễ dàng buông tay, chịu thua hoàn cảnh. Thỉnh thoảng, trong khóa lại có bóng dáng học viên người dân tộc hay khuyết tật. Điều này nằm ngoài dự tính nhưng chính nghị lực, ý chí của họ đã thầm tiếp thêm “lửa” cho những người đứng lớp qua từng ấy năm.
Có một khó khăn đáng buồn là, do chỉ là lớp dạy nghề quy mô nhỏ nên dù lúc hoàn tất khóa học, mỗi người đều đạt chuyên môn vững vàng song không có chứng chỉ công nhận, chứng thực như các kỳ thi chính quy. Việc này ảnh hưởng không ít tới chuyện tìm kiếm việc làm của học viên nơi các công ty, xí nghiệp. Bởi thế, hầu hết đều được các thầy trực tiếp giới thiệu tới những cơ sở tư nhân để sớm ổn định nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ít học viên khóa trước sau khi gầy dựng được cơ sở riêng vẫn hay nhờ các thầy đào tạo lớp thợ mới để về phụ giúp, vừa đáp ứng nhu cầu vừa xem như lời tri ân mái nhà xưa. Bài toán việc làm nhờ vậy lần hồi tìm ra đáp số. Anh Võ Nguyễn Hoàng Huy, cựu học viên cho biết: “Khi nghỉ học văn hóa, tôi cứ nghĩ tương lai sau này sẽ đi làm mướn làm thuê gì đó, nhưng không ngờ lớp nghề đã giúp tôi có định hướng mới cho ngày mai. Có cái nghề trong tay rồi, các thầy còn giúp chúng tôi tìm việc làm. Cuộc sống và công việc nay đã ổn, tôi lấy làm mừng lắm”.
Có thể nói, từ thực tế lỡ làng học hành, ngỡ như là dấu chấm buồn, lớp nghề của cộng đoàn SDB ra đời đã kịp thời chìa đôi tay nhỏ bé giúp cho thanh thiếu niên tung bay vào đời.
Phú Khang
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.