Một sáng mùa hè khi nắng vừa ửng hồng, chúng tôi đến ngôi thánh đường Hà Nội (GP. Xuân Lộc) để thấy tận mắt, nghe tận tai và cảm nhận bằng trái tim những chuyển biến nơi xứ đạo có hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển.
1.Vào thập niên 1950, cha F.X Vũ Kim Loan mang theo một số giáo dân di cư đến xã Hố Nai, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa sinh sống và thành lập giáo xứ Hà Nội - nay thuộc KP5, P. Tân Biên, Biên Hòa, Đồng Nai. Hố Nai ngày ấy hoang vu, cây cối um tùm, các loại cây cho gỗ quý không hề hiếm và còn nhiều thú dữ. Người dân ủi đất lấy chỗ ở và dựng tạm một ngôi nhà nguyện vách gỗ đơn sơ làm nơi dâng lễ, cầu kinh.
Năm 1956, cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền nhận bài sai về làm chánh xứ Hà Nội thay thế cha Loan tuổi cao sức yếu. Bỡ ngỡ trong lúc nhận quyết định, nhưng cha Hiền đã nhanh chóng hòa nhập, từng bước ổn định các sinh hoạt mục vụ, củng cố đức tin nơi đoàn chiên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hình ảnh nhà thờ trải chiếu trên nền xi măng cho giáo dân ngồi và cột kèo mối mọt khiến cha chạnh lòng. Trước đòi hỏi thực tế, vị mục tử quyết định cho xây dựng ngôi nhà thờ mới.
Thời gian vun vút trôi, 12 năm sau với nhiều thay đổi, dân cư ngày một nhiều thêm, cầu đường được xây dựng, xe cộ qua lại tấp nập, người người tăng gia sản xuất, đời sống kinh tế thêm phần phát triển. Nhằm đáp ứng nhu cầu thăng tiến của giáo xứ Hà Nội, năm 1969, ngài cùng với cộng đoàn xây lại ngôi nhà thờ mới với kích thước 24m x 64m bằng vật liệu kiên cố, hoàn thành hai năm sau đó. Ngôi thánh đường là di sản thiêng liêng cha Hiền để lại cho con cháu vẫn còn vẹn nguyên dáng dấp cho đến bây giờ. Năm 1975, cha Đaminh Trần Xuân Thảo thay thế cha Phaolô coi sóc giáo xứ. Cha Đaminh tiếp tục hoàn thiện các sinh hoạt, xây cất thêm cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của xứ đạo.
Giáo xứ Hà Nội ngày xưa chủ yếu là dân di cư từ các giáo phận Hà Nội, Thái Bình, sau năm 1975, trở thành xứ “thập phương”, đón nhận thêm nhiều tín hữu nhập cư, tạo thành một giáo xứ lớn với nhiều nét văn hóa phong phú và ngày càng thăng tiến trong cuộc sống đạo đời.
Trao tặng nhà tình thương |
2.Giữa năm 2015, giáo xứ Hà Nội chào đón vị chủ chăn mới, cha Giuse Tạ Duy Tuyền. Lúc này, xứ đạo đã có tới 17 ngàn giáo dân, chia thành 10 khu.
Ngày mới về, cha Tuyền quyết định dành 5 tháng đầu đi đến từng gia đình trong cộng đoàn, hỏi thăm, nghe ngóng, quan sát cuộc sống của đàn chiên … Qua những lần đi thực tế, ngài nhận thấy tấm lòng quảng đại nơi giáo dân, người nghèo cũng không ít, vì thế, vị chủ chăn phát động và đẩy mạnh chương trình bác ái để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cách sống hòa mình vào đàn chiên của cha Giuse đã xóa tan mọi khoảng cách, giúp vị mục tử và đàn chiên ngày càng gắn bó.
Cha đã thể hiện nhiều việc làm thiết thực. Dẫn chúng tôi đi tham quan những con đường bê tông mới cùng nhiều ngôi nhà tình thương được giáo xứ trao tặng, ông trùm Vũ Kim Tuyền, giáo khu Mẹ Lộ Đức, cho biết: “Con đường dọc bên hông nghĩa trang dài 500m sình lầy, ổ gà, ổ voi không ai đi, cha sở đã vận động giáo dân chung sức làm lại thành đường bê tông sạch đẹp”.
Vượt qua những đoạn đường ngoằn ngoèo sâu bên trong quốc lộ, chúng tôi đến gia đình anh Trương Quốc Kỳ vừa mới được cha sở làm phép ngôi nhà tình thương. Đang dở tay làm việc thấy có người đến hỏi thăm, anh nói: “Hai vợ chồng cùng ba đứa con sống chung với bà nội mười mấy năm, mua được miếng đất nhỏ mà không có tiền xây. Qua sự giới thiệu của ông trùm khu, tôi làm đơn trình cha, ngài xuống thăm hỏi tình hình, thấy hoàn cảnh đáng thương nên giúp đỡ”. Được biết, anh Kỳ phải cắt một bên thận nên mất sức lao động, ba đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học, nhờ cha hỗ trợ, gia đình mới có được chỗ ở đàng hoàng cho con cái. Nói về tấm lòng vị mục tử, anh xúc động: “Cha gần như không quan trọng ai là người giàu hay người nghèo, đều như nhau hết, giúp đỡ cái này cái kia. Nhiều khi cha còn cho phiếu lấy thịt heo về ăn”.
Nhà thờ giáo xứ Hà Nội ngày xưa |
Thời điểm người dân Đồng Nai trồng trọt, chăn nuôi bị ép giá, đứng trước nguy cơ phá sản, cha đã lên chiến dịch “giải cứu chuối”, “giải cứu heo”, thu mua giúp bà con, sau đó đem về giáo xứ Hà Nội kêu gọi giáo dân tiêu dùng để hỗ trợ người nông dân. Đợt đó, giáo xứ tiêu thụ được khoảng 5 tấn chuối và gần 200 con heo, tất cả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà giá lại mềm hơn ngoài chợ. Không chỉ kêu gọi tình liên đới, đích thân cha cùng anh em trong giáo xứ xông xáo xuống tận nơi thu mua heo cho bà con. Rất nhiều người cảm kích tấm lòng của ngài. Người “thầy cả” không chỉ thấu hiểu chiên đang gặp khó khăn, mà còn làm cho đàn chiên hiểu ý nghĩa của việc san sẻ khó khăn với nhau trong cuộc sống.
“Hội chợ Tết đồng giá” là một việc làm ý nghĩa nữa mà cha Tuyền dành tặng cho những mảnh đời kém may mắn. Hàng trăm mặt hàng từ rổ, rá, bát, đĩa, quần áo, giày dép… được bày bán trong khuôn viên nhà thờ chỉ với giá 5.000 đồng. Người nghèo đi chợ không bị mặc cảm bố thí, người bán thì nhận thấy lòng quảng đại của mình đặt đúng chỗ. Tất cả tạo nên niềm vui và tình liên đới được lan tỏa. Dịp Giáng sinh, giáo xứ Hà Nội còn tổ chức khoảng 70 - 80 bàn ăn, mời hết những người vô gia cư, bán vé số... cùng các cha, các nữ tu ngồi quây quần bên nhau dùng “bữa cơm thiên đường”, ra về còn nhận được những phần quà trao tặng.
3.Luồng gió mới mà cha Tuyền thổi vào giáo xứ Hà Nội đã góp phần cải thiện đời sống vật chất của người dân và làm thăng tiến đời sống tinh thần. Cha luôn quan tâm sâu sát tới mọi giới, kề vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là hết mực yêu thương các em thiếu nhi. Anh Vũ Huy Tiếp, trưởng ban GLV bày tỏ: “Sự gần gũi, vui vẻ của cha đã chiếm trọn tình cảm nơi các em thiếu nhi. Ngài luôn biết cách đặt câu hỏi gợi sự hứng thú và có những phần quà khích lệ tinh thần”. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức đều đặn trong năm như Ngày của mẹ, trại hè, những buổi chia sẻ chuyên đề cho giới trẻ... Chuyện lớn chuyện bé gì ngài đều có mặt để giúp đỡ những khi cần kíp.
Vị mục tử chia sẻ tình yêu không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cách sống chân tình nên đã chạm tới hàng ngàn con tim nơi xóm đạo Hà Nội. “Có thời gian tôi không đi lễ xứ nhà, nhưng từ khi cha Tuyền về, thấy những điều tốt đẹp mà ngài làm cho giáo dân, tôi cảm mến thật sự và quay về với giáo xứ của mình ”, giáo dân Phạm Văn Trọng giải bày. Còn cô Nguyễn Thị Thủy Tiên trước đây vốn bàng quan với việc nhà đạo, nay lại cảm thấy gắn bó với các sinh hoạt của giáo xứ bởi cung cách của vị mục tử đồng hành với người nghèo và khơi gợi tình đoàn kết, yêu thương.
NGỌC LAN
Bình luận