Thứ Sáu, 07 Tháng Chín, 2018 15:04

Mái nhà Martinô của bệnh nhân nghèo vùng ven

 

Gần ba mươi năm qua, phòng thuốc Ðông y Martinô của dòng Ðaminh Rosa Lima, nằm đối diện giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang (Thủ Ðức), luôn đong đầy sự yêu thương và đã trở thành địa chỉ đầy tin cậy để người dân nghèo đến chạy chữa khi đau bệnh.

 

Buổi sáng thứ sáu cũng là ngày làm việc cuối trong tuần của phòng khám. Khi chúng tôi đến, bệnh nhân có mặt khá đông, có người đã mướt mồ hôi vì gần kết thúc bài tập vật lý trị liệu, người khác đang đợi bốc thuốc… Hôm ấy, từ 6g30, phòng khám đã mở cửa do lượng bệnh đông hơn ngày thường.

Những nữ tu trong trang phục thầy thuốc trao cho bệnh nhân không chỉ những thang thuốc chữa bệnh, mà còn cả sự an ủi, vỗ về. Phần lớn những bệnh nhân đến đây đã lớn tuổi, thường mắc các bệnh về xương khớp và nhiều bệnh mạn tính, nên các sơ tiếp đón càng thêm phần nhẹ nhàng, thông cảm... Bà Trần Thị Tuyết (Bình Dương) tâm sự: “Nhà tôi cách đây chục cây số nhưng vẫn đều đều đến mỗi tuần vì các sơ ‘mát tay’. Ở đây bầu không khí nhẹ nhàng khiến tinh thần cũng dịu hơn!”. Bà Trần Thị Lệ, ngụ tại Thủ Đức vui vẻ góp chuyện: “Phòng khám này tốt lắm. Nhờ nơi này mà những người già bệnh đau rề rà quanh năm như tôi tiết kiệm được nhiều khoản tiền. Ai hay đau nhức hỏi thăm là tôi chỉ vô đây liền đó”. Có lẽ cũng bởi những lời “giới thiệu” truyền tai mà số lượng bệnh nhân đến phòng khám không ngừng tăng lên.

Thành lập vào năm 1990, cơ sở này ban đầu chỉ gói gọn trong một căn nhà cấp 4 với vài gian phòng nhỏ dành cho việc khám bệnh, bốc thuốc. Ngày đó, thao thức về chăm lo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người già neo đơn, người nghèo; đồng thời thấy được thực tế đầy khó khăn của cư dân trong khu vực, phòng chẩn trị đã được hình thành và hoạt động bền bỉ đến nay. Theo thời gian, phòng chẩn trị y học cổ truyền Martinô (trước đây có tên là Trinh Vương) dần được xây dựng khang trang hơn, có chỗ cho nhiều phòng chức năng.

Với đội ngũ nhân sự gồm 2 bác sĩ cùng 10 nhân viên được đào tạo tốt chuyên môn, làm việc vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, nơi đây đã điều trị hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Vì là phòng khám Đông y nên phương pháp điều trị chính là châm cứu, bó thuốc, laser bán dẫn, laser nội mạch và dùng thuốc thang, thuốc hoàn...

Những ngày đầu chỉ có một vài người ở gần đến khám bệnh, nhưng càng về sau, bệnh nhân nghèo từ nhiều nơi xa cũng tìm về. Hiện nay, cơ sở có máy móc, thiết bị tương đối đầy đủ, đáp ứng quy mô của một phòng khám Đông y. Nhờ được hoàn toàn miễn phí cũng như hỗ trợ nhiều mặt khác trong quá trình điều trị, người nghèo khó không phải gồng gánh nhiều khoản chi phí.“Chúng tôi cố gắng đỡ đần phần nào cho những người túng thiếu lâm cảnh đau bệnh. Khi có người tìm đến, chị em đem hết khả năng ra để chăm sóc họ”, nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Lệ Thu, người phụ trách phòng khám chia sẻ. Cũng theo sơ Thu, phòng khám vẫn thường phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân để tặng quà cho người nghèo, liên kết với các cơ sở y tế khác để giúp bệnh nhân khi cần điều trị Tây y.

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại phòng khám - ảnh: M.H

Trong phòng châm cứu, sơ Maria Goretti Nguyễn Đoàn Thảo Sương và các “đồng nghiệp” không ngơi tay giúp các bệnh nhân chạy máy, chiếu đèn... Sơ hơi nhón chân khi di chuyển dù miệng vẫn luôn nở nụ cười chào hỏi các bệnh nhân. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, sơ Sương nhẹ nhàng giải thích: “Là bệnh nghề nghiệp đấy! Việc không nặng nhọc gì nhưng vì phải đứng và đi lại rất nhiều nên nhiều chị em thường bị đau gót chân”. Hầu như suốt từ 7g sáng đến khi người bệnh nhân cuối cùng ra về, thường vào giờ cơm trưa, các nữ tu hiếm khi rảnh tay. Một ngày, phòng khám phục vụ hơn 20 bệnh nhân mới và gấp đôi số ấy đang trong quá trình điều trị. Đông bệnh nhưng các thầy thuốc đặc biệt không bao giờ đánh mất sự kiên nhẫn, vẫn luôn dịu dàng, ân cần. Vì vậy mà có những người khi được các sơ hỏi thăm đã chảy nước mắt mở lòng và dần xem đây là “mái nhà” để an tâm tựa nương lúc trái gió trở trời. Chính khi họ tâm sự về bệnh tình cũng như hoàn cảnh riêng, các y - bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và điều trị...

“Mái nhà” Martinô với sự nhiệt tình, tận tâm của các nữ tu cứ thế âm thầm với sứ vụ chữa lành cho người đau yếu, bệnh tật.

MINH HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm