ĐÌNH QUÝ
Mằng Lăng là quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên, chứng nhân tử đạo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lăng cũng là ngôi nhà thờ cổ nhất của giáo phận Qui Nhơn.
Ngôi nhà thờ cổ
Theo các cụ cao niên, vùng đất này trước đây là rừng bằng lăng trắng, nhưng tiếng địa phương thì lại quen gọi là mằng lăng. Rừng cây được người dân tận dụng để xây dựng nhà thờ vào năm 1892, rồi lấy luôn tên Mằng Lăng đặt cho ngôi nhà thờ. Trong khi phá rừng, có một cây mằng lăng rất lớn được giữ lại, xẻ ra làm bốn cái bàn gỗ, mỗi cái có đường kính 1.7m và được đặt ở bốn nơi: Mằng Lăng (hiện để tại nhà khách), nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn, Chủng viện Làng Sông và nhà thờ Hộ Diêm.
|
Nét cổ xưa nhà thờ Mằng Lăng |
Khởi công năm 1892 nhưng phải 15 năm sau mới được khánh thành (nhà xứ cũng được xây trong thời gian này). Nhà thờ được xây dựng với lối kiến trúc Gothic. Bao bọc mặt tiền và hành lang là những khung hình mái vòm. Trải qua thời gian dài và thời tiết làm hư hao nên đã qua nhiều lần tu sửa. Riêng mặt tiền với hai tháp chuông và thánh giá ở giữa vẫn y nguyên như thuở ban đầu. Thay đổi lớn và dễ nhận ra nhất là trần gỗ bên trong nhà thờ nay không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic. Cha sở Phêrô Trương Minh Thái, quản xứ Mằng Lăng cho biết, đó là “hậu quả” của trận bão năm 1924, khiến trần nhà bị sập, nên khi làm lại phải cho hạ mái xuống và được làm phẳng như hiện nay.
So với các công trình nhà thờ cổ nổi tiếng ở Việt Nam như nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt)…, quy mô của nhà thờ Mằng Lăng nhỏ và thiết kế bên trong đơn giản hơn. Nhưng toàn bộ khối kiến trúc Công giáo nơi vùng duyên hải này lại toát lên vẻ cổ xưa với sơn phủ màu xanh xám đã sờn màu qua hơn một thế kỷ. Bên trong hiện có phần mộ của linh mục Lacassagne, mất năm 1900, người khởi công xây dựng nhà thờ và tượng Á Thánh Anrê đặt ngay cửa chính, được dựng lên sau khi ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Chân phước ngày 5.3.2000.
![]() |
Thiết kế bên trong nhà thờ khá đơn giản |
Mằng Lăng là cái nôi truyền giáo trên địa bàn Phú Yên. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên vùng đất này từ thế kỷ XVII, do các thừa sai Dòng Tên đến từ cư sở Nước Mặn, Qui Nhơn. Cách nhà thờ Mằng Lăng một cây số về hướng Đông Bắc có Thành Cũ (Dinh Trấn Biên) được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập năm 1926. Tại đây, ngôi nhà nguyện đầu tiên của Phú Yên được Công chúa Ngọc Liên lập năm 1636. |
Được biết, giáo xứ đang muốn phục chế lại nhà thờ theo như hiện trạng ban đầu. Theo kế hoạch, nếu mọi việc thuận lợi, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2017, thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng: nhà thờ 125 năm tuổi và ngày 26.7.2017 (26.7 là ngày tử đạo của Chân Phước Anrê) sẽ khai mạc Năm Thánh 400 năm giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618 - 2018). Tuy nhiên, cha sở Phêrô lo lắng: “Phục chế là phải khôi phục hiện trạng ban đầu, nhất là những đường nét đã từng bị chỉnh sửa”. Hiện cha đang tìm kiếm đơn vị có thể đảm đương công trình.
Sức sống tiềm tàng
Ở khuôn viên bên trái nhà thờ là Đền Thánh Anrê Phú Yên, hoàn thành năm 2008. Đền thờ nằm trong lòng một ngọn đồi nhân tạo, bên trong có nhiều bức tranh kể lại những câu chuyện về cuộc đời của vị Chân phước tử đạo, cùng một bức tượng và chứng tích là những sợi tóc được mang về từ trụ sở Dòng Tên ở Rôma, nơi cất giữthủ cấp củangài. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều hình ảnh chụp nhà thờ Mằng Lăng từ xưa tới nay và nhiều hiện vật lịch sử của giáo xứ. Đặc biệt, trong đền thờ còn có cuốn sách “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), bản in năm 1651 tại Ý, bằng hai thứ tiếng Latinh và Quốc ngữ…
![]() |
Bên trong đền thờ kính Á thánh Anrê Phú Yên |
Ngoài các đoàn du lịch, hằng năm giáo xứ còn đón nhiều khách hành hương. Tại Mằng Lăng, hai năm một lần, giáo phận lại tổ chức Đại hội dành cho giới trẻ và giáo lý viên trong ngày lễ kính Á Thánh Anrê Phú Yên. Khách đến ngày một đông nhưng hiện nay giáo xứ vẫn chưa có nhà lưu trú, phải tận dụng nhà giáo lý và hội họp để đón khách. Trong kế hoạch, giáo phận cũng đang dự tính xây dựng một nhà hành hương trên khu đất khoảng 10.000m2 gần nhà thờ.
Sau khi ba giáo họ được tách ra để hình thành giáo xứ Chợ Mới cách đây ba năm, Mằng Lăng hiện còn hơn 2.000 giáo dân. Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, đa phần gắn bó cùng đồng ruộng; số khác đi làm thuê, làm mướn; người có chút vốn thì bán buôn nhỏ ngoài chợ. Dù còn nhiều vất vả nhưng tinh thần tương trợ luôn được mọi người thúc đẩy và góp phần, sẻ chia với những gia đình còn nhiều thiếu thốn. Quỹ học bổng của xứ hằng năm giúp cho nhiều con em gia đình nghèo trong vùng có thể tiếp tục đến trường, với sự hỗ trợ tùy theo từng cấp học. Các em còn được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế để gia đình bớt được gánh nặng chi phí khi ốm đau nằm viện. Số người neo đơn trong xứ hằng tháng vẫn đều đặn nhận được gạo và nhu yếu phẩm. Từ năm 2013, giáo xứ phối hợp với địa phương để mỗi năm có thể tu sửa khoảng 4 - 6 căn nhà hư hỏng của dân.
![]() |
Cuốn sách "Phép giảng tám ngày" của cha Đắc Lộ in năm 1651 |
Đến Mằng Lăng, khách tham quan sẽ biết thêm nhiều điều mới mẻ về quê hương của vị “chứng nhân đầu tiên”, và cùng cảm nhận sức sống tiềm tàng nơi xứ cổ.
ĐÌNH QUÝ
Bình luận