Thứ Sáu, 12 Tháng Mười Một, 2021 07:00

Mang Tin Mừng đến với bệnh nhân Covid-19

 

Sự tận tâm, tình yêu thương và lòng nhiệt thành của những tu sĩ tình nguyện tại các bệnh viện Covid-19 chính là lời loan báo sống động Tin Mừng của Chúa Giêsu.


LỜI TRĂNG TRỐI

Lên đường thi hành sứ vụ phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ đợt đầu tiên vào cuối tháng 7, nữ tu Cecilia Cao Trang Minh Hằng, dòng Ðaminh Lạng Sơn - Gò Vấp, vẫn âm thầm ở lại phục vụ bệnh nhân đến khi dịch đã tạm lắng, tổng cộng tròn 3 tháng. Ðiều gì trong bệnh viện đã giữ chân chị lâu như vậy? Sơ trả lời nhẹ tênh: “Tình yêu thương. Vào viện, đối diện với an nguy sinh tử rồi mình mới cảm nghiệm sâu sắc mạng sống con người quý giá đến dường nào. Bệnh nhân lâm vào cảnh hiểm nghèo không có người thân bên cạnh săn sóc và là chỗ dựa tinh thần, nên rất cô đơn. Mình muốn cận kề bên họ, trở thành người thân của họ và chia sẻ tình thương của Chúa đến với những người đang đau bệnh nằm đó. Ðây cũng là dịp để mình làm chứng cho Chúa”. Vì yêu, nên cung cách phục vụ của nữ tu Cecilia và các tình nguyện viên (TNV) đã chạm đến trái tim của bệnh nhân, khiến cho họ phải thốt lên, những người này là ai mà chăm lo cho bệnh nhân tận tụy như vậy.

Linh mục làm phép rửa tội cho người bệnh

 

Bệnh nhân tên D gây ấn tượng với sơ Cecilia bởi vì xăm mình kín hết người. Khi được sơ lau người thì anh ấy khóc và nói “phải có cái tâm mới làm được những điều này”. Sơ kể: “Anh D chia sẻ với TNV chúng mình là từ khi nhập viện nằm một chỗ, quan sát thấy các tu sĩ thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân, mỗi cử chỉ, mỗi hành vi đều làm với sự ân cần nâng niu. Anh mới tò mò hỏi các tu sĩ là ai? Ðạo Công giáo là gì? Từ đó anh bắt đầu cảm mến đạo và muốn tìm hiểu về đạo của Ðức Giêsu”.

Bệnh nhân D không chỉ được sơ Minh Hằng mà còn được các TNV khác quan tâm, như thầy Micae và thầy Giacôbê. Từ tràng chuỗi Mân Côi được các TNV cho, anh bước chân vào đạo. Những lúc tỉnh táo, anh hay hỏi các TNV kinh Mân Côi là gì? Cầu nguyện như thế nào? Thầy Giacôbê đã kể cho anh nghe các tích truyện Mân Côi và thầy Micae viết ra giấy kinh Kính Mừng để học thuộc. Ngoài ra, thầy còn chỉ một lời nguyện vắn tắt “Lạy Chúa Giêsu Kitô xin thương xót con, vì con là kẻ yếu đuối”, để anh dễ nhớ và có thể thầm thì cầu nguyện những khi tâm trí trống rỗng. Vị tu sĩ không quên an ủi, động viên khi thấy anh bị giày vò bởi bệnh tật. Thầy nói: “Những khổ đau bệnh nhân đang chịu sẽ có ích nếu chịu đau khổ với tình yêu vì Chúa Giêsu. Bởi không ai sống cho chính mình, không ai chết cho chính mình, sống và chết đều cho Chúa và thuộc về Chúa”.

Khi thấy anh D. tha thiết muốn học đạo, đặc biệt, trong giờ phút lâm tử, anh đã đồng ý gia nhập đạo Công giáo, thầy Micae không khỏi xúc động: “Dù mới được nghe biết về đạo nhưng anh D lại có một đức tin rất mãnh liệt. Anh luôn cầm tràng chuỗi Mân Côi và tờ giấy kinh Kính Mừng trên tay để đọc. Khi mình mời linh mục đến rửa tội cho anh, thì anh đề nghị quay clip để gởi cho gia đình và để lại lời trăng trối muốn vợ và con ở nhà cũng hãy vô đạo. Gia đình cho biết, trước đây anh thường khiến người thân phải khổ tâm, không ngờ những giây phút cuối đời, anh lại biết hoán cải”.

TNV ân cần chăm sóc bệnh nhân


XIN ÐƯỢC THEO CHÚA

Những bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hầu như là bệnh nhân nặng, rất nặng và nguy kịch, lại không có thân nhân bên cạnh nên việc chăm sóc cho họ không đơn giản. Luôn phải có điều dưỡng hoặc TNV túc trực bên cạnh 24/24 để chăm sóc toàn diện, không chỉ về vệ sinh cá nhân, hỗ trợ vật lý trị liệu mà còn là điểm tựa tinh thần, đức tin cho họ.

Bỗng nhiên trở thành người thân của một người xa lạ có dễ dàng không? Không hề đơn giản nếu như không có tình yêu. Một vị linh mục đã nói, chuyên môn của các tu sĩ là chuyên môn yêu thương, vì thế thầy Giacôbê đã không ngại ngần xả thân làm bất cứ việc gì bệnh viện yêu cầu và bệnh nhân mong muốn. Với tinh thần xông pha không ngại khó, không quản mệt nhọc khi chăm sóc cho bệnh nhân, thầy đã truyền cảm hứng, tiếp lửa cho các TNV khác thêm hăng say phục vụ. Thầy Giacôbê tâm tình: “Tự nhiên trong mình có một niềm khát khao muốn làm thật nhiều cho bệnh nhân, nên trung bình một ngày mình làm 2 ca để có nhiều cơ hội giúp người bệnh hơn. Tuy những công việc phục vụ của mình chỉ nhỏ bé thôi như cắt tóc, lau mặt, lau mình, vệ sinh…, nhưng được làm với tình yêu nên bệnh nhân nhớ mãi không quên. Khi khỏi bệnh về với gia đình, họ vẫn nhớ và nhắn tin nhắc mãi”.

Tranh thủ những giờ giải lao, TNV và các nhân viên y tế chia sẻ với nhau về cuộc sống

 

Ðức tin mãnh liệt nơi các tu sĩ thiện nguyện không chỉ gợi sự chú ý cho các bệnh nhân, mà còn cho các nhân viên y tế. Không ít người bắt đầu lên mạng tìm hiểu về nhà thờ, về đạo Công giáo, về các dòng tu. Nhớ một lần, khi đang phục vụ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách (đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Q7), sơ Rosa Hoàng Kim Anh, dòng Ðaminh Rosa Lima, chia sẻ: “Trong những giờ giải lao ngắn, chúng tôi thường ngồi nói chuyện với các bạn nhân viên y tế. Họ cũng thắc mắc về đời tu và dòng tu của các TNV. Có một bạn hỏi tôi, nếu được chọn lại có chọn đi tu hay không? Tôi vẫn xác tín với bạn là có. Suốt 2 tháng làm việc cùng đội ngũ y bác sĩ, dù chúng tôi không cùng tôn giáo, nhưng ai cũng tin rằng đức tin sẽ chữa lành tất cả. Ngay khi có bệnh nhân tử vong, các nhân viên y tế liền đi tìm và nhờ chúng tôi cầu nguyện cho người mới qua đời”. Trong các trình thuật Tin Mừng, những người đau khổ, bệnh tật đã được Chúa chữa lành chỉ vì họ có lòng tin. Ðiều này sơ Rosa đã nhận thấy rõ khi phục vụ bệnh nhân, nhất là những người bệnh không cùng đức tin: “Khi tôi nói với họ về Chúa và về việc sẽ được Chúa chữa lành thì họ rất yên tâm. Như trường hợp một chị bệnh nhân nọ, tôi chẳng làm gì nhiều, chỉ hướng dẫn họ một câu cầu nguyện ngắn và tôi nhận được phản hồi: ‘Em đã cảm thấy rất bình an khi cầu nguyện với Chúa’. Lúc này, không chỉ bệnh nhân nhưng chính bản thân tôi cũng được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Bệnh nhân này sau một thời gian điều trị đã được xuất viện. Chị vẫn gởi tin nhắn cho tôi: Cám ơn Chúa đã chữa cho em”.

Các linh mục, tu sĩ thiện nguyện dấn thân ở tuyến đầu đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng các bệnh nhân và nhân viên y tế. Các vị đệ tử Ðức Kitô đã làm chứng, đã rao giảng về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính nghĩa cử cúi xuống, chạm đến những đau khổ của tha nhân, nhờ đó đã giúp nhiều người được biết đến Chúa. 

 

NGỌC LAN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm