Thứ Năm, 29 Tháng Mười, 2020 11:40

Miền Trung oằn mình chống bão

 

Khúc ruột miền Trung bi thương tan tác khi dư âm cơn bão số 8 chưa chấm dứt thì bão số 9 ập tới. Bão và sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của bà con nơi đây.

 

Nhiều địa phương bị chia cắt do ngập vì bão - ảnh: TTXVN

 

NGƯNG TRỆ CÁC HOẠT ÐỘNG

Từ đêm 27, rạng sáng 28.10, bão số 9, tên quốc tế là Molave, tuy còn ở ngoài khơi nhưng khu vực đất liền các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã bắt đầu có gió lớn, mưa nặng hạt. Có nơi mưa rất lớn. Trước dự báo về sức tàn phá khủng khiếp của bão, nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo, văn hóa… đã phải đình lại. Giáo phận Ðà Nẵng đang trong đợt thuyên chuyển linh mục lớn vào những ngày cuối tháng 10 với hơn 20 linh mục thay đổi nhiệm sở, tuy nhiên nhằm tránh tối đa rủi ro do bão, ngày 27.10, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân đã quyết định tạm ngưng việc chuyển đổi xứ giữa các cha theo lịch dự kiến diễn ra trong ngày 28.10. Linh mục P.X Nguyễn Ngọc Hiến, theo bài sai sẽ nhận xứ Trà Kiệu nhưng lại dời chưa đi được nên vẫn ở lại trú bão với bà con Hòa Khánh.“Bão đang vào, thật đáng sợ! Bây giờ giao thông tắc nghẽn, chẳng ai có thể ra ngoài vì gió mạnh khủng khiếp. Mái tôn các nhà bay tứ tung. Các hộ dân ngay cạnh nhà thờ Hòa Khánh, tôn bay hết, mưa như trút nước. Thương giáo dân lại sống cảnh màn trời chiếu đất”, cha nói.

Còn linh mục Gioan Trần Văn Hoàng, tân chánh xứ Tam Tòa, giáo phận Ðà Nẵng cùng là linh mục nằm trong số chuyển đổi đợt này, nhưng đã nhận xứ hơn nửa tháng, nên bây giờ với cha là quãng thời gian làm quen với giáo xứ và tập trung tìm phương cách tránh bão: “Giáo xứ Tam Tòa vẫn thuộc thành phố, nhà giáo dân đa số kiên cố. Thêm vào đó, sau cơn bão số 8, nhiều người cũng đã gia cố nhà cửa chống bão nên lần này chúng tôi không quá lo lắng. Tuy nhiên, ở vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi thì chắc thiệt hại hơn vì tâm bão đi vào khu vực đó”. Cơn bão chỉ trong chưa đầy một ngày kể từ khi đổ bộ vào đất liền đã hoành hành, phá tan nhà cửa, cây cối. Tại khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam bà con đã bị mất điện hàng loạt, giao thông trì hoãn. Ông Nguyễn Hoài Thanh, 55 tuổi, giáo xứ Thuận Yên (tức huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho hay từ sáng bão vô, gia đình đã sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Một số căn nhà đã sập, nhiều căn nhà và trường học bị tốc mái. Hiện tại, các trụ cột sóng di động cũng bị sập gây khó khăn cho liên lạc: “Sợ lắm, bây giờ bão đang dữ dội, nhà cửa, cây cối đổ tan hoang”. 

Một căn nhà bị tốc mái ở Quảng Ngãi - ảnh: CTV

 

Bão kéo vào, thành thử mọi hoạt động kinh tế, sản xuất, văn hóa bị ảnh hưởng. Sở Giáo dục và Ðào tạo Thừa Thiên - Huế ngay từ chiều 27.10 đã cho phép học sinh nghỉ học. “Tuy Huế là vùng đuôi bão nhưng sức ảnh hưởng mạnh lắm. Cả ngày 28.10 mưa không ngớt. Buổi tối, mưa càng to hơn. Từ những ngày trước, nghe theo dự báo thời tiết và sự kêu gọi của chính quyền nên các hộ dân đều đã gia cố nhà cửa. Mùa này, theo kinh nghiệm những năm trước thì tự bà con cũng luôn đề phòng bão. Nhà tôi mới bị ảnh hưởng từ cơn bão số 8, nước ngập đầy nhà, khắc phục chưa xong thì hiện tại lại phải đương đầu với bão này, nghe nói còn mạnh hơn nhiều lần”, anh Trương Minh Phương, giáo dân xứ Chánh tòa, TGP Huế nói.

Tại Kon Tum, mưa đổ xuống, lũ tràn về. Theo số liệu đo đạc từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước trên sông Ðăk Bla, lúc 13 giờ ngày 28.10 tại điểm Kon Plong là 596,01m, vượt báo động 3 là 1,51m; tại điểm Kon Tum đo được là 518,42m, vượt báo động 1 là 0,42m. Chị Nguyễn Thị Thảo Uyên, giáo dân xứ Phương Hòa, giáo phận Kon Tum cho hay chiều ngày 28.10.2020, nước trên sông Ðăk Bla đã bị nước nhấn chìm các cầu nhỏ qua lại. Có thôn với khoảng 1.500 hộ dân bị cô lập. “Bà con ở nhánh từ thành phố Kon Tum về hướng Ðức Mẹ Măng Ðen, dọc theo quốc lộ 24 bị thiệt hại nặng nề. Vùng xã Ngọc Wang, huyện Ðắk Hà, cà phê bị ngập sâu, lúa ngả đầy. Ở ngay thành phố vẫn còn cầm cự được. Tuy nhiên, đường vào buôn làng đã bị nghẽn lại”, chị nói. Vì thế, vốn đã lên kế hoạch chu đáo trong các ngày tới cho các chuyến thiện nguyện, cứu trợ bà con do ảnh hưởng của bão đợt rồi thì đột nhiên lần này bị dừng lại hẳn. Chị tiếc nuối khi mấy hôm trước vẫn còn gồng mình, vượt sình, lội suối đi được để chia sẻ thực phẩm, tôm khô… cho dân làng, nhưng hiện tại phải tạm ngưng.

 

NHÀ CHÚA LUÔN RỘNG MỞ GIÚP NGƯỜI TRÁNH BÃO

Ðể chủ động giúp bà con tránh bão, giáo xứ Ðốc Sơ (TP Huế) đã liên tục cập nhật tình hình thời tiết từ sáng ngày 27.10 trên trang mạng xã hội của giáo xứ, nhắc nhở mọi người chuẩn bị thực phẩm đủ dùng trong 2 - 3 ngày, những người cư ngụ ở khu vực dễ xảy ra sạt lở phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, tháo dỡ bảng biển hiệu quảng cáo, chặt tỉa cây cành có nguy cơ ngã đổ vào mái nhà, sạc đầy pin điện thoại và thiết bị tích trữ nguồn điện, ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng về cứu hộ, cứu nạn của địa phương. Ðặc biệt, để đề phòng tai nạn khi mưa bão đổ bộ, bà con ở giáo xứ Ðốc Sơ được khuyến cáo không ra khỏi nhà từ lúc 9 giờ tối, trường hợp gia đình nào cảm thấy không an toàn cần lập tức đến nhà mục vụ của giáo xứ để tạm trú.

Cũng từ đêm 27.10, hội trường giáo xứ Sơn Quả (ấp Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cách Tòa Tổng Giám mục Huế 28km đã trở thành nơi tá túc của trên 100 người đủ mọi lứa tuổi. Trong đó, có nhiều gia đình xin cho cả nhà đến trú trong nhà thờ, vì những căn nhà cấp 4 không đủ để bà con an tâm tránh bão. Lúc này, chỉ cần mùng mền, chiếu gối đơn sơ và những bữa ăn giản đơn cũng là niềm hạnh phúc lớn đối với những người đang phải đối diện với hiểm nguy trước cơn bão dữ nếu không có nơi trú ngụ chắc chắn. Không chỉ chăm lo cho bà con trong xứ, linh mục chánh xứ Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) còn kêu gọi thanh niên trong xứ đạo trao phần cơm nóng hổi cho những hành khách và đoàn thiện nguyện bị kẹt xe nhiều giờ liền trên quốc lộ, từ hầm Hải Vân đến hầm Phú Gia. Trong lúc mưa bão, linh mục Phanxicô Xaviê Trần An (đan viện Thiên An Huế) cùng những anh em của Nhà Hướng Thiện do ngài coi sóc đã cùng quây quần trong giờ kinh đêm 28.10 để “dâng lên Mẹ La Vang tràng chuỗi Mân Côi, cầu nguyện cho quê hương đất nước và người miền Trung được bình yên”.

Giáo dân tránh bão trong nhà xứ Sơn Thủy, TGP Huế.

 

Không bị ngập lụt như các giáo xứ ở vùng trũng, nhưng giáo xứ Sơn Thủy thuộc vùng núi của huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ quét và sạt lở trong đợt bão lũ lần trước. Nay chưa kịp khắc phục thì bão số 9 lại tiếp đến, đường sá sạt lở chưa kịp khắc phục khiến hai xe cứu trợ tới giáo xứ bị kẹt trên tuyến quốc lộ 49 (đoạn nối quốc lộ 1A với A Lưới). Trong khi đó, giáo xứ đã kịp thời cấp phát gần 7.000 phần quà hỗ trợ bà con Công giáo và người dân trên địa bàn giáo xứ. Mỗi phần quà gồm 1 thùng mì tôm (hoặc 10kg gạo) và các nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, nước tương… Riêng những hộ nghèo được giáo xứ ưu tiên thêm một phần gạo. Lúc  này, vô hình trung, quà hỗ trợ bão lũ nay đã trở thành thực phẩm để các hộ dân dự trữ khi đối diện với bão số 9.

Ðồng hành với bà con trong lúc khó khăn, từ đêm 27.10, cha Ðaminh Xuyên Vũ Ngọc Cương (chánh xứ Sơn Thủy) đã chào đón nhiều giáo dân cũng như người ngoài Công giáo đến tạm trú trong phòng hội trường, nhà khách của giáo xứ. Không chỉ lo chỗ ở, ngài còn mời gọi các bà mẹ Công giáo và người trẻ phụ trách nấu nướng, chăm lo chu đáo cho người tạm trú từng bữa cơm nóng ấm, ngon lành. Ðang khi cơn bão số 9 hoành hành, gây mất điện trên diện rộng, cây cối thi nhau ngã đổ, sức gió mạnh khủng khiếp chưa từng thấy (theo lời miêu tả của những người đã cư ngụ ở huyện A Lưới trong nhiều năm qua), đêm 28.10 vị linh mục dòng Thánh Tâm Huế vẫn luôn rộng mở cánh cửa nhà Chúa, để những người cần nơi trú ngụ có thể tìm đến bất cứ lúc nào.


 

Bão số 9 với sức gió giật cấp 12

Cổng chào ngoài trời của Công viên châu Á, Đà Nẵng, bị gió quật ngã - ảnh: TTXVN

 

Khoảng 12 giờ ngày 28.10.2020, bão số 9 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Ðịnh. Ðến 13 giờ, vị trí tâm bão ở trên đất liền hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 -100 km/giờ), giật cấp 12. Trong bán kính khoảng 150km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; trong bán kính khoảng 50km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.

Theo báo cáo nhanh số 14 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 28.10, bão số 9 đã gây thiệt hại đáng kể. Hơn 53.300 nhà dân đã bị tốc mái, hư hỏng (trong đó thị xã Ðức Phổ 300 nhà; Tư Nghĩa 23.800 nhà; Trà Bồng 22 nhà; Sơn Tây 42 nhà; Sơn Tịnh 493 nhà; Ba Tơ 32 nhà; Sơn Hà 1 nhà; Nghĩa Hành 12.500 nhà; Mộ Ðức 15.200 nhà và Lý Sơn 1.000 nhà ); 9 nhà bị sập đổ. Bão số 9 làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái; 2 chợ bị hư hỏng. Lượng lớn cá nuôi trong 48 lồng bè ở Lý Sơn bị chết. Tám canô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. Bốn cơ sở y tế và Trường Cao đẳng Y tế Ðặng Thùy Trâm bị tốc mái…

Tại tỉnh Bình Ðịnh đã có 19 người bị thương, hai tàu đánh bắt xa bờ bị chìm với 26 ngư dân mất tích, hàng chục ngôi nhà bị sập, gần 2.000 ngôi nhà bị tốc mái cùng 122 sự cố lưới điện. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về  bất ngờ gây ngập hàng loạt các địa phương và hàng ngàn hộ dân tại vùng miền núi huyện An Lão và huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Ðịnh.

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), tính đến 11 giờ 30 phút ngày 28.10, ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Ðăk Lăk, mưa to và gió mạnh gây mất điện khoảng 7.500 trạm biến áp phân phối tại 400 xã/phường.

Chiều 28.10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Ðà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

(Theo TTXVN)

 

 

Hùng Luân - Bích Vân

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm