Mơ ước có một đường hướng mục vụ dành riêng cho người dân tộc thiểu số

Ðó là trăn trở của cha Phêrô Nguyễn Vân Ðông, Tổng Ðại diện giáo phận Kontum, khi chia sẻ về hoạt động Loan báo Tin Mừng của giáo phận. Hơn 170 năm rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho đồng bào các sắc tộc thiểu số miền Tây Nguyên, giáo phận Kontum đã gặt hái được nhiều thành quả, song vẫn còn đó những thách đố. Báo Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với cha Phêrô Ðông xoay quanh công cuộc Phúc Âm hóa nơi vùng đất đặc biệt này.

CGvDT: Thưa cha, con đường thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng ở Tây Nguyên trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn Khai sáng - Miền truyền giáo Kontum (1848-1932); Giai đoạn Phát triển - Giáo phận Tông tòa Kontum (1932-1960); Giai đoạn Trưởng thành - Giáo phận Chính tòa Kontum (1960-nay). Cha có nhận định như thế nào về những thành quả đã đạt được?

Lm Phêrô Nguyễn Vân Ðông: Giáo phận Kontum hiện nay bao gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum. Tổng dân số là hơn 2 triệu người, trong đó tỉnh Gia Lai có 1,7 triệu dân, tỉnh Kontum khoảng 500.000 người. Diện tích hai tỉnh là 25.500 km2. Người Công giáo của địa phận là 350.000 tín hữu. Trong đó có 250.000 bổn đạo người bản địa gồm các sắc tộc như Sêđăng, Rơngao, Bahnar, Jrai, Gié-Triêng, Rơmăm, Hơlăng, Jơlưng…, còn người Kinh khoảng 100.000 người.

Cách đây hơn 170 năm, rừng núi Tây Nguyên đã có sự xuất hiện của người Kinh. Họ lên đây buôn bán với người bản địa để làm giàu. Ðồng thời cũng có các thừa sai tới để rao giảng Tin Mừng cho đồng bào sắc tộc. Giai đoạn đầu, các vị trải qua vô vàn gian khổ, nhiều hy sinh mất mát..., nhưng đã để lại hạt giống tình thương của Chúa Kitô trong lòng người dân bản địa. Các ngài đến không chỉ lo phần hồn, làm lễ, ban các bí tích…, mà còn lo cả đời sống cho biết bao người nghèo đói, đau yếu bệnh tật. Chính các vị đã đem những viên thuốc đầu tiên lên trị bệnh sốt rét cho dân làng, đã sáng tạo ra chữ viết cho người Bahnar, mở nhà in đầu tiên để in sách cho người Bahnar đọc, mở trường để anh em sắc tộc được nâng cao dân trí. Trường tiêu biểu nhất mà giáo phận Kontum mở vào đầu thế kỷ 20 là trường Cuenot nơi đào tạo các thanh niên người dân tộc biết học, biết đọc, biết viết, biết giảng dạy để làm Yao Phu (người làm việc cho Giáo hội). Trước đó, vào những năm 1930, các ngài cũng mở cơ sở để chăm sóc cho bệnh nhân phong. Hai bệnh viện tầm cỡ cũng được thành lập để chữa bệnh cho người bản địa trước năm 1975. Ðó là những công lao to lớn của các vị thừa sai đi mở đạo trên vùng này. Hoa trái các bậc tiền bối để lại vô cùng có ý nghĩa với thế hệ đời sau, nhờ đó mà chúng tôi được tiếp thêm động lực ra sức thi hành sứ mạng.

Ưu tiên mở lớp học xóa mù chữ

CGvDT: Hơn 170 năm qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ đã miệt mài phục vụ trong bất kỳ tình huống nào. Ðâu là thách đố cần phải vượt qua nhất trong công cuộc Loan báo Tin Mừng hiện nay thưa cha?

Giáo phận Kontum không có nhiều ơn gọi như các giáo phận khác. Bởi phần lớn tín hữu là người dân tộc thiểu số, thiếu điều kiện học hành đến nơi đến chốn nên rất khó khăn trong việc thi tuyển vào chủng viện hay các dòng tu. Hiện nay giáo phận có khoảng 350.000 giáo dân, nhưng chỉ có hơn 140 vị linh mục cả triều lẫn dòng đang phục vụ. Trong khi đó, tín hữu sắc tộc chiếm đa số với khoảng 250.000 bổn đạo, đông nhất trong 27 giáo phận. Họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau, vì thế công việc của chúng tôi rất vất vả khó khăn. Các linh mục phải học ngôn ngữ của người bản địa, cũng có vị học được vài thứ tiếng, cũng vì vậy mà việc thuyên chuyển linh mục từ vùng này sang vùng khác có một số khó khăn. Còn tín hữu người Kinh có tới 100.000 người, nhưng nói đủ thứ giọng : giọng Bắc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh... Trong nhà thờ, người Kinh không thôi cũng đã khó đọc kinh chung với nhau rồi, nếu người Bắc xướng kinh thì người Quảng Ngãi chịu thua, mà người Quảng Ngãi xướng kinh thì người Bắc cũng không đọc được, cho nên chúng tôi rất gian nan trong cả mục vụ lẫn phụng vụ. Một cuốn lịch mà đưa về Qui Nhơn thì chỉ việc bán cho giáo dân, còn ở Kontum thì chúng tôi phải dịch ra tiếng Bahnar, rồi tiếng Jarai... Ðó là cả một sự cố gắng của giáo phận Kontum.

Giáo phận có nhiều sắc tộc là thế, song mới chỉ có các làng người Jrai là hầu như được thánh tẩy, còn rất nhiều làng sắc tộc khác cũng cần được Phúc Âm hóa. Có lần tôi vô trong buôn người Bahnar ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, gặp một ông cụ bị phong, có con làm thôn trưởng. Ăn trưa xong tôi hỏi: “Ở đây ông có biết Inh krao Mat Yang Ba, Yang Kon (Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con) không?”. Ông nhìn tôi rồi hỏi: “Bok xoi (linh mục) hả?”. Tôi nói phải, ông liền trả lời là nhiều người muốn lắm nhưng không ai dạy hết! Vậy mới thấy “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”.

Ai phục vụ ở địa phận này phải biết thương người đồng bào cùng khổ

CGvDT: Không chỉ khắc khoải với đồng bào sắc tộc, cha còn có nhiều ưu tư về ơn gọi người đồng bào sắc tộc để phục vụ người đồng bào sắc tộc. Xin cha chia sẻ về mối bận tâm này.

Trong vấn đề đào tạo ơn thiên triệu, nếu lấy tiêu chuẩn chung của người Kinh áp dụng cho người sắc tộc thì rất khó khơi gợi được ơn gọi nơi tín hữu bản địa. Thực tế, người bản địa tự phục vụ người bản địa sẽ hiệu quả hơn nhiều. Vì thế, cần phải xây dựng phương pháp riêng. Tôi ao ước có một nơi đào tạo chung ơn gọi linh mục, tu sĩ sắc tộc cho ba địa phận Kontum, Ban Mê Thuột, Ðà Lạt, vì các giáo phận này có rất đông tín hữu người bản địa. Họ có những truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ, lối tư duy và tâm tình mang những nét rất đặc trưng. Ðiển hình các sắc tộc ở giáo phận Kontum thôi là đã có 34 thứ tiếng khác nhau rồi. Vì thế, rất cần thiết có một nơi đào tạo riêng phù hợp với nét đặc thù này, như là một cách hội nhập để bảo tồn văn hóa cho người bản địa, trong đó có chữ viết, y phục truyền thống, âm nhạc dân tộc…, và nhiều giá trị khác nữa, đồng thời góp phần giải quyết sự thiếu thốn thừa sai trên cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát này.

Niềm vui và hy vọng của giáo phận là ở anh chị em người bản địa, nên tôi tha thiết mong Hội đồng Giám mục Việt Nam mau chóng có một đường hướng mục vụ dành riêng cho người dân tộc thiểu số. Phải công nhận từ khi đón nhận Tin Mừng, đời sống tâm linh và xã hội của họ tốt hơn rất nhiều. Trong các thư chung, HÐGM cũng cần nhắc đến anh chị em đồng bào sắc tộc Công giáo để họ cảm thấy mình thuộc về Giáo hội. Ðiều này là một sự khích lệ lớn giúp họ vững vàng trong đức tin, đồng thời nhắn nhủ tín hữu người Kinh nên nâng đỡ, giúp họ thăng tiến...

CGvDT: Hướng đến tương lai, giáo phận Kontum ưu tiên những vấn đề nào, thưa cha?

Giáo phận Kontum có hai điểm đặc biệt: thứ nhất là anh em đồng bào các sắc tộc và thứ hai là người nghèo. Ai làm linh mục, tu sĩ ở giáo phận này thì phải biết thương người thiểu số, thương người nghèo. Vì thế giáo phận nỗ lực thăng tiến đời sống người dân tộc thiểu số qua ba việc: nâng cao năng lực tri thức; chăm lo sức khỏe; và mạng lưới nước sạch. Ba vấn đề này giáo phận đã thực hiện, song nhu cầu là rất lớn và vẫn thật cấp bách.

Về giáo dục: chúng tôi ưu tiên xây dựng thêm nhiều nhà nội trú. Có hai loại, nơi dành cho các em được đi học và nơi cho những em không có điều kiện đến trường (nhà nội trú sẽ giúp các em học tiếng Kinh, đào tạo nhân bản, giáo lý, Kinh Thánh, âm nhạc và cả nấu ăn). Cái khó khăn nhất của trẻ em người dân tộc khi đi học là tiếng Kinh. Các nữ tu trong giáo phận đã mở được hơn 70 nhà nội trú, giúp được cho hơn 3.000 em có chỗ ăn, chỗ ở. 90% các em học sinh nội trú là nữ cấp I và II. Cá nhân tôi mỗi năm vào dịp hè thường vận động những sinh viên Công giáo tình nguyện đi tới giúp ở các làng dân tộc, dạy các em nghe và tập nói tiếng Kinh, giúp các em chuẩn bị bài vở cho năm học mới. Công việc này không dễ dàng nhưng vô cùng cần thiết.

Về chăm sóc sức khỏe: mạng lưới các nữ tu, trạm xá, xe cứu thương luôn sẵn sàng phục vụ đồng bào. Người bản địa vì nghèo nên dễ bị bệnh, khi bệnh thật nặng mới đến bệnh viện cho nên khó chữa lành. Ðể có tiền chữa bệnh, nhiều nhà phải bán đất, bán bò, đôi khi tiền mất mà người không còn. Caritas giáo phận có 3 xe cứu thương nhưng cũng không phục vụ được tất cả mọi trường hợp. Giáo phận Kontum có số người mắc bệnh phong nhiều nhất so với 26 giáo phận còn lại. Tất cả đều được chúng tôi hỗ trợ đi điều trị tại trại phong Qui Hòa. Có khoảng hơn 3.000 bệnh nhân phong người sắc tộc thiểu số của giáo phận được chữa lành từ năm 1987 đến nay.

Về mạng lưới nước sạch: hiện nay rừng không còn, vì thế nguồn thức ăn nước uống của người đồng bào rất khan hiếm. Từ xưa, bà con dân tộc bản địa không đào giếng, chỉ uống nước sông, nước suối, nước ngọt mà rất sạch. Bây giờ sông suối cạn kiệt và ô nhiễm nên chúng tôi buộc phải giúp khoan giếng để họ có nguồn nước đảm bảo. Công việc khoan giếng rất tốn kém và may rủi. Khoan 150m mà không có nước thì mất luôn 20 triệu đồng tiền công khoan. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, nhiều giếng nước, ruộng nước được hoàn thành kịp thời, có nước sạch cho bà con sử dụng, song còn rất nhiều làng ở vùng sâu vùng xa chưa có được may mắn này.

CGvDT : Xin cảm ơn cha!

NHÃ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm  trại phong Ba Sao
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm trại phong Ba Sao
Ngày 23.3.2024, Ban Caritas giáo xứ Hà Đông, TGP Hà Nội, đã thăm và chia sẻ bữa cơm trưa với bệnh nhân tại trại phong Ba Sao - Hà Nam.
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
Nhóm thiện nguyện Gia Kiệm đã phối hợp với giáo xứ Sơn La, giáo phận Hưng Hóa lắp đặt 2 máy lọc nước ở trụ sở UBND xã Long Hẹ và trường Tiểu học Co Mạ 1
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Mừng bổn mạng Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Đức Giám mục giáo phận Gioan Đỗ Văn Ngân đã cử hành thánh lễ kính thánh Giuse vào ngày 19.3.2024.
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm  trại phong Ba Sao
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm trại phong Ba Sao
Ngày 23.3.2024, Ban Caritas giáo xứ Hà Đông, TGP Hà Nội, đã thăm và chia sẻ bữa cơm trưa với bệnh nhân tại trại phong Ba Sao - Hà Nam.
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
Nhóm thiện nguyện Gia Kiệm đã phối hợp với giáo xứ Sơn La, giáo phận Hưng Hóa lắp đặt 2 máy lọc nước ở trụ sở UBND xã Long Hẹ và trường Tiểu học Co Mạ 1
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Mừng bổn mạng Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Đức Giám mục giáo phận Gioan Đỗ Văn Ngân đã cử hành thánh lễ kính thánh Giuse vào ngày 19.3.2024.
Giáo dân La Dày cùng xem phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Giáo dân La Dày cùng xem phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Món quà tinh thần của vị linh mục chánh xứ trong Tuần Thánh 2024 là buổi chiếu phim để bà con hiểu hơn về Cuộc Thương Khó…
Giới trẻ trong tương quan với xã hội,  giáo hội
Giới trẻ trong tương quan với xã hội, giáo hội
Nhiều giáo phận đã tổ chức đại hội cho giới trẻ trong Mùa Chay 2024, qua đó mời họ tham gia các hoạt động của Giáo hội đồng thời khuyến khích đừng trở thành nô lệ của những đam mê không cần thiết, biết phân định và có trách nhiệm...
Lễ kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính
Lễ kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính
Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã chủ tế thánh lễ đồng tế kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính tại nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn ngày 14.3.2024
Khoảng 1.000 tín hữu đi Đàng Thánh giá
Khoảng 1.000 tín hữu đi Đàng Thánh giá
Khoảng 1.000 tín hữu giáo phận Xuân Lộc cùng khách hành hương đã tham dự 14 chặng đàng thánh giá tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi.
Năm Thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ Long Định 1
Năm Thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ Long Định 1
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ Long Định 1, ngày 18.3.2024.
Tân linh mục và phó tế dòng Cát Minh
Tân linh mục và phó tế dòng Cát Minh
Các tân chức gồm linh mục Phêrô Phạm Trọng và các tân phó tế là Antôn Nguyễn Công Thành, Gioan Baotixita Hoàng Thừa Thế và Phaolô Đặng Văn Tuấn.