Nhiều khi tôi thắc mắc về việc đổi mới chuyện học tại các trường, rồi nghĩ đến việc thay đổi cách dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho các trẻ em tại các giáo xứ.
Tại các trường học, việc đổi mới các môn học thay đổi liên tục, giáo viên bộ môn cũng phải học tập, để phù hợp với thời đại, từ năng khiếu giảng dạy đến nội dung môn học phụ trách để cách giải thích và kiến thức mà mình đắc thủ sao cho phù hợp với xã hội hôm nay. Nhìn lại lối giảng dạy giáo lý của mình, đã lâu lắm rồi không có một chuyển biến nào, nếu có, họa chăng chỉ đơn lẻ tại một số giáo xứ, tùy theo sự bén nhạy nơi các vị phụ trách giáo xứ.
![]() |
Tôi là một linh mục quản xứ có kinh nghiệm về vấn đề này. Có những giáo lý viên dạy Kinh Thánh nhưng khả năng hiểu biết về Kinh Thánh của họ rất giới hạn và lơ mơ, không đủ tự tin để trình bày, trong khi vấn đề truyền bá đức tin trước hết là phải xác tín về lòng tin của mình rồi mới truyền bá cho người khác được. Nếu chúng ta hiểu biết đức tin một cách mơ hồ thì chỉ truyền lại cho người khác một cách mơ hồ mà thôi.
Thấy đó là một lỗ hổng, một thiếu sót trầm trọng, nên tôi có một vài ý kiến xét ra rất khả thi trong lúc này.
Trước đây, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh rất ít, nhưng nay số lượng đã nhiều hơn. Ủy ban Kinh Thánh trực thuộc HÐGMVN có thể mời các vị này phụ trách đào tạo các giáo lý viên dạy Kinh Thánh, theo từng khóa, vào thời gian thuận tiện. Sau đó, các giáo lý viên sẽ về truyền đạt cho các lớp sau. Tôi nghĩ, chuyện này chúng ta có thể làm được và làm ngay. Ðây là công cuộc chung của Giáo hội mà mỗi người chúng ta phải sẵn sàng.
![]() |
Còn các tài liệu mà chúng ta đang sử dụng đã là công cụ hữu hiệu trong thời gian qua, nhưng nay cũng cần điều chỉnh và bổ sung phù hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II kêu mời chúng ta đối thoại; nhất là Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum) thúc bách phải đổi mới cái nhìn về cách biểu lộ đức tin với Lời Chúa.
Các lớp học khác cũng vậy, mặc dù không phải lớp Kinh Thánh nhưng làm sao mỗi bài học đều chuyển tải một vài câu Kinh Thánh - Lời Chúa để học viên làm quen.
Trong khi chờ đợi, chúng ta đã có một tài liệu mà qua đó ai cũng có thể tự học Kinh Thánh, đó là tập sách của cha Thêôphilô Ngô Hoàn Cầu, dòng Ngôi Lời (SVD), gồm những cuốn: Ngưỡng cửa vào sách Tin Mừng, Ðọc Tin Mừng thánh Mátthêu, Ðọc Tin Mừng thánh Máccô, Ðọc Tin Mừng thánh Gioan, Ðọc sách Công vụ Tông đồ.
Lm. Phaolô Ðậu Văn Pháp, SVD
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.