Hơn 1.000 người đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị Yến tiệc The Adora Center (Q. Tân Bình, TPHCM) tối ngày 27.11.2010 để cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật “Gánh nhau trong đời” và chia sẻ tấm lòng giúp đồng bào miền Trung tái thiết cuộc sống sau cơn bão lũ...
Ðây là chương trình do Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam khởi xướng và thực hiện, với sự đồng hành của Tập đoàn Adora, sự chung tay cộng tác của nhiều thành phần trong và ngoài Công giáo. Là người chỉ đạo chương trình, ngay từ lúc ban tổ chức bắt tay vào việc thiết kế và dàn dựng đêm nghệ thuật gây quỹ từ thiện này, Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hy vọng “chương trình sẽ tạo nên sự kết nối tuyệt vời để tập hợp nguồn lực lớn, giúp bà con miền Trung phần nào trong việc tái thiết cuộc sống”...
![]() |
Sân khấu được thiết kế với hình ảnh chủ đạo là chiếc quang gánh - ảnh: Liên Giang
|
Quy tụ những tấm lòng
Tối 27.11, người tham dự đã có mặt từ rất sớm, trước giờ khai mạc hơn cả tiếng đồng hồ để gặp gỡ, chụp hình bên ngoài sảnh của hội trường, nơi được trang trí với phông nền và hình ảnh làm nổi bật chủ đề “Gánh nhau trong đời”. Hình ảnh chiếc thuyền chòng chành đi giữa nước lũ mênh mông được thấy trên tấm phông lớn trở nên quen thuộc với nhiều người vì đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trên thiệp mời từ trước đó. Chia sẻ với Công giáo và Dân tộc về “hình nền” này, linh mục Giuse Ðào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng HÐGMVN cho biết đó là hình ảnh phác họa lại chiếc thuyền đã đưa các Ðức Giám mục đến thăm bà con vùng lũ sau kỳ họp thường niên của HÐGMVN. Chuyến đi này đã khiến các ngài trăn trở nhiều và nghĩ đến chuyện giúp bà con sửa lại ngôi nhà, dựng lại vườn tược, gầy lại con giống, vật nuôi..., khôi phục lại cuộc sống... “Gánh nhau trong đời” từ đó đã được thai nghén, thực hiện để có buổi ra mắt này.
Quả như Ðức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đã kỳ vọng, khách tham dự hội tụ nhiều thành phần. Bên cạnh những người đến theo hình thức nhận “thiệp ủng hộ”, còn có các vị khách mời thuộc các tôn giáo bạn, các vị đại diện lãnh đạo trung ương, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương dù bận công tác không hiện diện được, song cũng gởi điện thư chia sẻ, mỗi vị ủng hộ chương trình 50 triệu đồng.
|
Ca sĩ Quang Linh trình bày 2 ca khúc trong đêm nhạc - ảnh: Ngọc Lan |
Khoảng 30 phút trước khi đêm nhạc mở màn, chúng tôi thấy ở hàng ghế khách mời có một bà cụ đang ngồi lặng lẽ cùng với con gái của mình. Thỉnh thoảng bà đưa mắt nhìn rảo quanh khắp khán phòng. Hỏi ra thì đó chính là bà cụ đến từ Bến Tre - bà Nguyễn Thị Rửa, người đã ủng hộ 4 cây vàng, 2 chiếc nhẫn, 1 sợ dây chuyền, 1.250 đô Úc và mấy tờ ngoại tệ lẻ khi chương trình mới bắt đầu được công bố rộng rãi. Ðây vốn là số tài sản mà bà đã tích cóp được từ thuở cơ hàn đến giờ. Bà là đạo hữu Cao Ðài, rất có thiện cảm với Công giáo, đặc biệt yêu mến Ðức Mẹ, vẫn hay cùng con gái tới viếng Ðức Mẹ La Mã Bến Tre. Con gái của bà - chị Nguyễn Mai Phương, đã là tín hữu Công giáo từ năm 2017, hiện ở giáo xứ Bến Tre (giáo phận Vĩnh Long). Chị trải lòng: “Gia đình tôi vốn đi lên từ nghèo khó nên cảm thấy rất đồng cảm với sự khốn khổ mà đồng bào miền Trung đang phải hứng chịu. Khi biết tin Văn phòng HÐGMVN tổ chức đêm nhạc gây quỹ giúp bà con vùng bão lũ, tôi cảm thấy rất tin tưởng nên chia sẻ với mẹ. Bà nghe xong thì ủng hộ ngay, có bao nhiêu vốn liếng tiết kiệm được, mẹ mang cho tôi đem đi gởi hết cho quỹ từ thiện này. Khi hiện diện tại đây, hai mẹ con cảm thấy rất ấm cúng và thật sự cảm nhận được tình yêu thương mà mọi thành phần đã góp công góp sức tạo nên chương trình ý nghĩa này”. Khi nhắc lại cảnh nghèo của mình và nỗi khổ kinh hoàng mà đồng bào miền Trung phải gánh chịu trong đợt bão lũ vừa qua, chị Phương rưng rưng, hai mắt đỏ hoe và cho biết thêm, hai mẹ con lên ủng hộ thêm cho chương trình, sau đó về lại Bến Tre ngay trong đêm.
![]() |
Nghệ sĩ Hải Phượng (đàn tranh) và Lê Huy (guitar) trình tấu bản “Thương về miền Trung” - ảnh: Ngọc Lan |
Một sân khấu dành yêu thương cho miền Trung
Mặc dù không gian của khán phòng với những điều kiện không được như một nhà hát chuyên dụng, nhưng nhờ sự sáng tạo, đạo diễn Vũ Thành Vinh đã làm nên một sân khấu với sắc màu riêng, ở đó hình ảnh chủ đạo là đôi quang gánh, được đổi màu tùy theo diễn biến của chương trình. Mỗi bài hát, bản nhạc được trình bày, khán giả lại thấy một sân khấu thay đổi cảnh quang theo nội dung nhạc phẩm. Hình ảnh làng quê, con thuyền, chiếc đòn gánh hay cảnh bão lũ tang thương... được thiết kế theo hiệu ứng 4D, giúp ca sĩ, nghệ sĩ trình bày tạo được ấn tượng hơn với khán thính giả.
Phần mở màn với hình ảnh một làng quê an lành, những vệt khói mờ ảo, dòng sông êm ả, hòa theo điệu kèn Saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn qua nhạc phẩm “Ngược dòng Hương Giang” (Ðức Trịnh). Thế rồi giông bão nổi lên, lấy đi sự bình yên của mọi người, cuốn trôi tất cả, để lại sự tan hoang. Sân khấu như tái hiện lại cảnh bão lũ miền Trung trong những thời khắc đáng sợ nhất. Và tiếng đàn tranh đầy nỗi niềm của nghệ sĩ Hải Phượng quyện với tiếng guitar của Lê Huy được cất lên qua bản “Thương về miền Trung”, một sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ. Ðan xen với tiếng đàn, có lời thơ vọng ngân, tha thiết, nhắc lại nỗi đau của những ngày “bão lũ trắng trời trắng đất trắng bàn tay...”.
|
Gia đình ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu và con gái Cece Trương - ảnh: Ngọc Lan |
Ở những phần tiếp theo, các ca sĩ thể hiện những bài hát với giai điệu nhẹ nhàng. Có những ca khúc gợi lên hình ảnh quê hương Việt Nam thân thương cùng ký ức tuổi thơ như Quê nghèo (nhạc Phạm Duy, ca sĩ Ngọc Mai trình bày); Cho tôi lại từ đầu - Trần Quang Lộc, Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy, Gọi những bình yên - Châu Ðăng Khoa (ca sĩ Thu Phương thể hiện); Dòng sông không trở lại - Bảo Phúc (ca sĩ Mỹ Lệ); Thương lắm miền Trung ơi - Hoài Duy (ca sĩ Phương Anh)... Ca sĩ Quang Linh lâu nay vẫn được người hâm mộ nhớ đến với những bài hát da diết về quê hương. Với đêm nhạc này, anh gởi đến khán giả hai ca khúc Chị ơi (Nguyễn Phú Yên) và Ðường xưa lối cũ. Nếu “Ðường xưa lối cũ” đã quen thuộc với hầu hết khán thính giả thì “Chị ơi” có vẻ mới nhưng cũng đánh động lòng người qua ca từ gợi nhiều xúc cảm về một miền quê lũ lụt “Em không về kịp chị ơi. Khi mưa trắng cả một trời Quảng Trị, cơn lũ đầu nguồn như từ thiên niên kỷ, không dừng mà đổ xuống quê mình...”. Ca sĩ Cẩm Vân cũng được nhiều người chờ đợi với bài hát Kinh khổ (Trầm Tử Thiêng), ở phần khác, chị lại xuất hiện với Khắc Triệu và con gái CeCe Trương qua bài Ba kể con nghe, mang lại cảm giác ấm áp cho người nghe. Quang Lê thì trình bày hai ca khúc, trong đó bài Hai vì sao lạc (Anh Việt Thu) được nhiều người nhắc nhớ... Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn không chỉ xuất hiện ở phần mở màn, mà còn cùng với con gái An Trần song tấu nhạc phẩm “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn) gần cuối chương trình.
Hai tiết mục hợp xướng của ca đoàn Lumen diễn ra ở phần cuối, trong đó ca khúc Gánh nhau trong đời là tác phẩm của nhạc sĩ Phanxicô sáng tác riêng cho chương trình. Quê hương Việt Nam trong bài hát được nhân hóa như một người mẹ, có lúc bình an, có lúc muộn phiền. Lúc này đang buồn lắm, nhưng người mẹ mong anh em một nhà biết thương yêu, gánh đỡ nhau những lúc cơ cùng. Nhạc sĩ đã đưa vào tác phẩm những ca từ thân quen với người Việt như “máu chảy ruột mềm, chớp bể mưa nguồn, giữ vẹn tình quê, lá lành lá rách, hãy thương nhau cùng, bão lặng gió ngừng, tàn cơn mưa trời lại sáng...”. Âm nhạc chủ yếu dựa vào làn điệu dân ca Nam Bộ, phảng phất đôi chút dân ca của miền Trung và miền Bắc. Ðặc biệt, mấy nốt nhạc đầu trong ca khúc là cung đọc kinh, nên bài hát còn là một lời cầu nguyện của người tín hữu: “Xin ban bình an cho chúng con!”.
![]() |
Ca khúc “Gánh nhau trong đời” của nhạc sĩ Phanxicô |
Không chỉ là thưởng thức nghệ thuật
Bên cạnh phần trình diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ, khán giả còn được nghe câu chuyện cảm động của vợ chồng anh Nguyễn Trị và chị Nguyễn Thị Thủy đến từ vùng lũ Quảng Bình. Anh chị nghẹn ngào kể lại rằng gia đình mình đã mất trắng hết tài sản trong đợt lũ vừa qua, giờ chỉ còn 2 bàn tay trắng. Trong câu chuyện thuật lại, người nghe còn thấy được tấm lòng nhân ái của người phụ nữ miền quê này, khi trên đường qua nhà hàng xóm nhờ cứu tài sản nhà mình, đã quên mình cùng người láng giềng cứu được một gia đình đang gặp nạn. Kết quả là tài sản nhà chị do không cứu kịp, bị lũ cuốn trôi hết. Giữa lúc lo lắng, rối bời song chị vẫn dang rộng vòng tay, không bỏ rơi người hoạn nạn dù gia đình mình cũng đang gặp nguy nan! Trước bao người đang dõi theo câu chuyện của mình, chị không kềm được nước mắt: “Xin quý vị giúp con một đoạn đường!”.
|
Đôi vợ chồng đến từ Quảng Bình chia sẻ về những gì đã trải qua trong cơn lũ kinh hoàng ở quê mình - ảnh: Liên Giang |
Xen giữa những tiết mục ca hát, nhà giáo Trần Ðình Dũng, người dẫn chương trình cùng với MC Ðỗ Thụy đã tạo sự kết nối với khán giả để mời gọi thêm sự ủng hộ cho chương trình ngay tại chỗ. Có những khoảnh khắc trong đêm nhạc, chúng tôi quan sát được nỗi xúc động rất khẽ bởi sự dồn nén. Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn tháo cặp mắt kính, tay dụi hai mắt khi nhà giáo Trần Ðình Dũng công bố số tiền 100 triệu đồng ngài ủng hộ cho chương trình. Ðó là số tiền hưu của ngài. Có những số tiền đóng góp lớn của các đơn vị được đọc lên đã làm ấm lòng người, như Công ty Tâm Sinh Nghĩa: 1 tỷ đồng; Caritas Tổng giáo phận TPHCM: 1 tỷ đồng; Tập đoàn Adora 500 triệu đồng; Quỹ từ thiện Regina 500 triệu đồng... Rồi người góp 50 triệu, 100 triệu, 200 triệu hay con số 10 triệu đồng hoặc cả người phụ nữ đã tặng ngay 5 triệu đồng cho vợ chồng chị Thủy ở Quảng Bình sau khi nghe xong câu chuyện cảm động của chị... Và không chỉ những người nói lên số tiền ngay trong đêm nhạc, còn rất nhiều người đã âm thầm chuyển khoản hoặc trao gởi đến Ban tổ chức khoản dành dụm của mình để giúp người dân miền Trung trong dịp này. Cả những anh chị em đóng góp cho chương trình bằng công sức, ở nhiều bộ phận... Tất cả đều đáng quý! Con số trên 12 tỷ đồng là kết quả tổng kết sau sự kiện (và chắc chắn chưa dừng lại ở đó), đã cho thấy tấm lòng của rất nhiều người Việt, không phân biệt thành phần, tôn giáo, vẫn luôn đau đáu cho cảnh khốn khó của đồng bào mình, trên tinh thần tương thân tương ái...
Vì thế, có thể nói, thành công của đêm “Gánh nhau trong đời”, không hẳn thuần túy nghiêng về nghệ thuật của một đêm trình diễn ca nhạc, mà nói như Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh thì đó là “một đêm kỳ tích của tình đồng loại, nghĩa anh em”!
LIÊN GIANG - NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.