Quyết định tham gia phục vụ tại tuyến đầu chống dịch Covid-19, với mình là một cuộc “đấu tranh tư tưởng” không dễ giữa việc ở lại và lên đường…
Ở lại vì còn dang dở việc học, rồi khóa thường huấn và tĩnh tâm năm của hội dòng. Ðặc biệt theo kế hoạch trong tháng 9, mình sẽ về Nhà Mẹ ở Pháp để chuẩn bị cho chương trình khấn trọn. Cuối cùng, gác lại mọi việc riêng, trái tim vẫn thúc giục mình lên đường, đến với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, TP Thủ Ðức).
![]() |
Khi còn đang phân vân, câu Lời Chúa “Anh em đã nhận không thì hãy cho không như vậy”, và câu nói của Ðức Thánh Cha Phanxicô, “Tôi thà chấp nhận một Giáo hội ra đi bị lấm lem, bị thương tích, bị bầm dập còn hơn một Giáo hội ở trong sự an toàn của mình”, chính là động lực để mình tình nguyện đi phục vụ bệnh nhân Covid-19. Mình không lên đường một mình, nhưng mang theo biết bao lời cầu chúc, lời cầu nguyện, tình thương, sự quan tâm của chị em trong dòng, của người thân và của tất cả các tín hữu dành cho anh chị em tu sĩ thiện nguyện.
Công việc của mình thay đổi khá thường xuyên vì nhiều lý do. Mấy ngày đầu, mình làm ở nhóm dinh dưỡng, chủ yếu là tiếp nhận phần ăn của công ty và phân phát cho các nhân viên làm việc trong bệnh viện. Bên cạnh đó, chúng mình còn làm trong căn tin của bệnh viện là nơi phục vụ bữa ăn sáng, trưa, tối cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Ở đây, có nhiều đoàn bác sĩ đến từ các bệnh viện khác nhau trong thành phố và các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An..., nên việc đảm bảo các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết, để các y bác sĩ có đủ sức làm việc.
Sau đó, mình và 11 bạn khác được cử đến khoa 8A, là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng. Một trong những việc ban đầu của nhóm mình tại đây là làm vệ sinh và dọn những dụng cụ cần thiết để đón bệnh nhân. Những ngày làm việc cùng nhau, mình đặc biệt ấn tượng về tinh thần làm việc của thiện nguyện viên các tôn giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo... Mình thấy không có sự phân biệt, ai cũng vui vẻ, hòa đồng, trách nhiệm và có cùng một tinh thần chung là sống tình nhân ái, tận tâm phục vụ bệnh nhân và cống hiến hết mình vì tinh thần này. Các nhân viên y tế mang khẩu trang N95 rất đau nhưng họ vẫn chịu đựng để chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân dù cho có căng thẳng và lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Có một nét đặc trưng nào đó mà qua tiếp xúc và qua cách làm việc, các bệnh nhân nhận biết chúng mình là những người “khác thường”. Họ nói các sơ nhẹ nhàng, tận tuỵ và chịu khó, không nề hà bất cứ việc gì. Nhiều người không theo đạo, không biết gì về các tu sĩ Công giáo, phải giải thích mãi họ mới hiểu. Một số bệnh nhân khác thì hay gọi chị em mình là “các dì phước”. Mình hy vọng, sự hiện diện của anh chị em tu sĩ trong thời gian qua một phần nào đó đã hỗ trợ hiệu quả và giảm đi áp lực công việc cho các nhân viên y tế, hơn nữa, có thể đem lại niềm an ủi cho nhiều bệnh nhân.
Mặc dù làm việc trong bệnh viện, nguy cơ lây nhiễm rất cao, công việc nhiều, giai đoạn nhóm mình phục vụ là lúc dịch hoành hành nghiêm trọng, bệnh nhân mỗi ngày mỗi tăng, nhưng được Ðức Tổng Giuse quan tâm, gởi tin nhắn động viên tinh thần; ngài cùng với các ân nhân còn gởi quà cho anh chị em tình nguyện nên mọi người đều cảm thấy được tiếp thêm động lực, vui tươi, can đảm làm đoàn chứng nhân của Chúa
Sơ Maria Nguyễn Thị Minh,
dòng Tiểu Muội Ðức Mẹ Lên Trời
Ngọc Lan (ghi)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.