Lời Tòa soạn :
Văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” vừa được Hội đồng Giám mục Việt Nam cho áp dụng thử nghiệm trong 3 năm, và theo như Lời Giới Thiệu của Ðức cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giuse Ðặng Ðức Ngân là “đánh dấu một khúc quanh lịch sử của Giáo Hội Việt Nam về lòng tôn kính tổ tiên thuộc giới răn Thứ Tư trong Mười Ðiều Răn Ðức Chúa Trời về Thảo Kính Cha Mẹ”.
Thật ra, từ năm 1965, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam đã có Thông cáo về việc Bộ Truyền giáo chấp thuận đề nghị của Hàng Giám mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est (Ban hành ngày 8.12.1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam; sau đó, ngày 14.11.1974, Hội đồng Giám mục miền Nam ra thêm Quyết nghị yêu cầu phổ biến Thông cáo năm 1965 cho rộng rãi người giáo dân biết mà áp dụng, đồng thời chấp thuận một số hình thức và nghi thức theo truyền thống, với sự nhấn mạnh lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên và nghi lễ tôn kính vị thành hoàng là những nét văn hóa cần tôn trọng, có thể kể vài nội dung như sau : “Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm” (số 2); “Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các yêu thần, tà thần” (số 6). Dầu vậy, Văn kiện sau khi ban hành vẫn được nhiều người, nhiều giới đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập và thời đại tiếp nhận văn hóa có khi chỉ qua một cái nhấp chuột hiện nay, bởi chi tiết hơn, cụ thể hơn, lại có những hướng dẫn cặn kẽ từ nghi thức đến lời nguyện. Hơn nữa, Văn kiện còn có tính phổ quát, xuyên suốt cho từ Bắc chí Nam, lại ra đời trong buổi bùng nổ thông tin nên có thể giúp từng giáo dân cập nhật để có những ứng xử phù hợp. Ðặc biệt là đối với những linh mục, các ngài đã đón nhận trong sự hoan hỉ vì theo họ, Văn kiện sẽ giúp bản thân có cái nhìn thấu đáo hơn về các vấn đề gặp phải trong mục vụ, và cũng là “kim chỉ nam” để đối chiếu, tra cứu… để thực hiện cho đúng trong một số tình huống có thể gặp.
Báo Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi ngắn, như một hình thức “hội luận bàn tròn” với 7 linh mục thuộc các giáo phận khác nhau, từ cao nguyên đến đồng bằng, từ thành phố ra miền biển…, xung quanh một Văn kiện thiết thực vừa công bố của HÐGM Việt Nam.
Xin giới thiệu cùng quý độc giả.
Theo cha Vinhsơn Bùi Tuấn Hiếu, chánh xứ Cái Ðôi, GP Long Xuyên thì việc HÐGMVN ban hành văn kiện hướng dẫn tôn kính tổ tiên là điều cần thiết, bởi lẽ, thực tế đạo Công giáo và người Công giáo vẫn bị hiểu lầm, trên phương diện thực hành thờ kính ông bà tổ tiên. Mặt khác, ngay chính một bộ phận tín hữu Công giáo cũng có thể chưa vững giáo lý hoặc không mạnh dạn thể hiện niềm tin, họ còn sợ, lo lắng…, chẳng hạn khi dự đám tang người ngoài Công giáo, thắp nhang cho người quá cố, theo Giáo luật có được làm không ? Việc dâng trầu cau và tưởng nhớ gia tiên trong đám ăn hỏi phải làm cách nào ?... thì nay văn kiện đã xác định rõ ràng, những chỉ dẫn chi tiết trong văn bản chắc chắn sẽ giúp nhiều cho giáo dân. Ở Việt Nam, nhất là tại các vùng quê như nơi tôi đang phục vụ, người ngoài Công giáo xưa nay vẫn thường hay cho rằng theo Công giáo sẽ “bỏ” ông bà tổ tiên, theo nghĩa không được phép hiếu thảo, thờ kính, tưởng nhớ khi mất. Quan niệm này ăn sâu trong quần chúng, vô tình tạo thành định kiến, và tất nhiên đó sẽ là một yếu tố không thuận lợi cho việc rao giảng Tin Mừng, dù giáo lý Hội Thánh Công giáo luôn đề cao chữ Hiếu. Trong Thánh Kinh, ngay điều răn thứ 4, Chúa đã buộc phải “Thảo kính cha mẹ”. Khi đặt điều răn thứ 4 đứng ngay sau 3 điều răn mến Chúa và đứng đầu tiên trong 7 giới răn yêu người, Hội Thánh đã nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải kiện toàn đạo hiếu của người Kitô giáo là phải tôn kính, biết ơn, vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng. Chăm sóc cha mẹ khi còn sống. Khi cha mẹ qua đời, phải lo an táng, làm việc lành, dâng lễ cầu nguyện cho các ngài… Và, Giáo hội qua từng thời đều nhấn mạnh việc làm chính đáng, phải đạo này. “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. (Ep 6,1-3). Thậm chí, trước thời các thánh tông đồ, tìm trong Cựu Ước, nhất là sách Huấn Ca cũng thấy những tư tưởng khái quát về đạo Hiếu, nhưng làm thế nào cho phù hợp thì giáo dân và cả một số linh mục nơi này nơi khác vẫn có những lúng túng. Nay có Văn kiện này với sự triển khai cụ thể các tín lý, giáo huấn của Giáo hội, mà đặc biệt là làm rõ hơn “Quyết nghị của HÐGM miền Nam Việt Nam về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên” ban hành năm 1974 tại Nha Trang, nên chắc chắn các thành phần Dân Chúa sẽ dễ dàng tìm hiểu và nắm bắt được vì cách trình bày khá súc tích.
![]() |
Cũng trong tâm tình đó, linh mục Giuse Phạm Quang Minh, chánh xứ Thanh Hà, GP Kontum nói người Công giáo Việt Nam mong đợi từ rất lâu những hướng dẫn chính thức và cụ thể về việc tôn kính tổ tiên đang khi thực hành niềm tin Kitô giáo của mình, và Văn kiện này đã đáp ứng phần lớn những mong đợi ấy. Dù có thể chưa trọn vẹn trong mọi lãnh vực lý thuyết và thực hành, nhưng đó vẫn là những cách thức quý báu cho việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương Á Ðông, cách riêng tại Việt Nam chúng ta. Cha Giuse Nguyễn Hữu An, chánh xứ Thánh Tâm, GP Phan Thiết cũng rất đồng tình với những thao thức của cha Minh. Ngài cho biết bản thân làm trưởng ban văn hóa giáo phận nên đã nhiều lần tham dự các hội thảo ủy ban văn hóa 27 giáo phận, và đã không ít lần nghe các thảo luận xung quanh việc tôn kính tổ tiên với không ít những băn khoăn, do đó rất vui khi tiếp cận Văn kiện này. Cha nhận định các Ðức Giám mục Việt Nam với tư cách thầy dạy đức tin đã đi tiên phong trong việc áp dụng giới răn yêu người và thảo kính cha mẹ vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam, đã có những nỗ lực thích nghi và hội nhập về văn hóa thờ kính tổ tiên theo từng giai đoạn cụ thể trong dọc dài lịch sử.
![]() |
Cũng trong tâm thế vui với Văn kiện mới được ban hành nhưng với những linh mục từng làm mục vụ ở thời điểm năm 1974 - năm có “Quyết nghị yêu cầu phổ biến Thông cáo năm 1965” của Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam thì không bỡ ngỡ lắm vì theo các ngài, đây là một sự tiếp nối và hoàn thiện, mở rộng những quy định đã có, như chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, chánh xứ Tân Sa Châu, Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP TPHCM : “Tôi không ngỡ ngàng khi đón nhận Văn kiện vì trước đây đã có 3 Văn kiện về việc tôn kính tổ tiên rồi. Trước tiên là Huấn thị Plane Compertum Est do Ðức Hồng y Phêrô Fumaloni Biondi, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo thời bấy giờ công bố ngày 8.12.1939; kế đến là Ðề nghị của HÐGMVN về việc áp dụng huấn thị Plane Compertum Est đã được Tòa thánh chuẩn y ngày 20.10.1964, sau đó là Thông cáo ngày 14.6.1965 của HÐGM miền Nam hướng dẫn thực hành; rồi đến ngày 14.11.1974, HÐGM miền Nam lại có Quyết nghị và yêu cầu phổ biến Thông cáo 1965. Bản thân tôi cũng như nhiều vị làm mục vụ trong cả nước chắc chắn đều đã có nghiên cứu những tài liệu trên và đã đôi lần phổ biến cho giáo dân, dù chưa thường xuyên và rộng khắp. Tất nhiên, Văn kiện hướng dẫn mới ban hành sau 80 năm việc tôn kính tổ tiên được Tòa Thánh chính thức chấp nhận và từng bước áp dụng những hình thức hay lễ nghi thực hành… đã cụ thể, rõ ràng hơn. Sau những ý niệm tôn kính tổ tiên chung chung, ở phần 1 với những định hướng rất cụ thể, như trong mục III đã quy định bàn thờ và lễ gia tiên như thế nào, việc sử dụng cờ ngũ hành ra sao; mục IV với những thói tục trái đức tin Công giáo mà người giáo hữu cần phải tránh. Phần 2 là thực hành, có các mẫu nghi thức và lời nguyện cũng như các bài Thánh Kinh trong nghi lễ Quan Hôn Tang Tế… Phần này rất tiện lợi cho việc áp dụng. Tóm lại, hướng dẫn mới cụ thể và có tính thực hành hơn…”. Cũng vậy, cha Antôn Vũ Thanh Lịch, chánh xứ Dũng Lạc, GP Ban Mê Thuột cho biết từ lâu nay, ngài đã được biết, đã được hướng dẫn để áp dụng, hội nhập vào văn hóa thờ kính tổ tiên tại địa phương. Tuy nhiên, khi HÐGM Việt Nam ra Văn kiện chính thức thì mọi người có cơ sở hơn bởi có thể ứng dụng tốt trong bối cảnh hôm nay, cũng như lên những chương trình cụ thể để các hoạt động rao giảng Lời Chúa đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.
![]() |
Vâng, đúng như khẳng định của cha Antôn Lịch, Văn kiện ra đời trước hết giúp những vị mục tử có cơ sở vững chắc để áp dụng vào từng tình huống mục vụ mà các ngài gặp thường xuyên trong quá trình giúp giáo dân sống đạo trọn vẹn, như cha Vinhsơn Hiếu ở GP Long Xuyên có những dự định : …“Giáo xứ Cái Ðôi mà tôi phụ trách thuộc hạt Chợ Mới cũng là vùng đa tôn giáo. Giáo dân sống chung với người Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo…, vấn đề hội nhập văn hóa, tôn giáo càng được chú ý. Trong nhịp sống hằng ngày, thường xuyên có các lễ lạt, có khi của người Công giáo, có khi của tôn giáo bạn. Mọi người tham gia chung với nhau. Khi giáo dân nắm bắt Văn kiện kỹ càng và được trang bị vững vàng thì tham gia thực hành, các sinh hoạt với tôn giáo khác sẽ không lúng túng. Phổ biến Văn kiện trước hết phải nhắc lại ý nghĩa của việc kính nhớ tổ tiên và phân biệt sự khác nhau giữa “tôn kính” và “thờ phượng”. Thực hành tôn kính tổ tiên là sự tôn trọng, kính nhớ, biết ơn tiền nhân, tri ân người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình. Khi tham gia các hoạt động ma chay, giỗ chạp của tôn giáo khác thì thực hành thắp nhang, cúi đầu… là một cử chỉ tôn trọng của người có văn hóa trước người đã lìa thế, chứ không phải là thờ phượng. Kinh Thánh dạy rằng: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi” (Lc 4,8). Thật ra, trước nay, khi phụ trách các giáo xứ, các linh mục cũng ý thức trách nhiệm phải hướng dẫn giáo hữu sống đạo hòa cùng các giá trị văn hóa địa phương, miễn là không đi trái với giáo lý đạo mình. Trong phụng vụ, hằng năm các dịp Mồng Hai Tết Nguyên đán, Tháng Các Ðẳng…, tham dự các lễ giỗ, an táng… cũng là cơ hội để nhắc nhớ giáo dân về bổn phận với ông bà, tổ tiên. Sắp tới, trong các bài giảng, các giờ sinh hoạt của giáo xứ, tôi cũng sẽ giúp giáo dân học hỏi, tìm hiểu Văn kiện cụ thể…”. Còn cha Giuse Minh trên Komtum thì tâm sự trong niềm vui : “…Bản thân tôi trước tới nay thường kiêm nhiệm những xứ đạo đa phần anh em dân tộc ít người, trong khi mình lại là người Kinh nên nhiều nét văn hóa của bà con mình vẫn còn khá bỡ ngỡ. Do đó Văn kiện sẽ rất hữu ích trong việc mục vụ tại các giáo xứ địa phương, với những hướng dẫn khá cụ thể sẽ giúp tôi có cơ sở để áp dụng trong việc thực hành các nghi thức phượng tự bình dân và có đặc tính văn hóa mà từ trước tới giờ vẫn còn là một mối nghi ngại vốn được giải thích theo nhiều cách thức khác nhau…”. Cha Ðaminh Ðinh Văn Vãng, chánh xứ Sao Mai, TGP TPHCM cho biết ngài đã đọc đi đọc lại nhiều lần Văn kiện mới này và nhận ra những hướng dẫn năm 2019 này rất cụ thể, có phần đi sâu đi sát thực tế và dễ áp dụng hơn các hướng dẫn năm 1965 và 1974, hơn nữa được ban hành khi nước ta đã liền một dải từ Bắc chí Nam nên hy vọng sẽ giúp ích cho các tín hữu biết cách ứng xử phù hợp đức tin trong lễ cưới và lễ tang trong các gia đình không Công giáo. Ngài phân tích Việt Nam hiện tín hữu Công giáo chỉ chiếm 7-8 % dân số, nên có nhiều tục lệ biểu lộ sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ đã chết ở nhiều tôn giáo khác nhau. Người tín hữu Công giáo sống gần bên hay có khi là người thân trong các gia đình không tôn giáo hoặc không cùng niềm tin, hằng ngày phải chứng kiến, hoặc có khi theo vị trí thứ bậc còn phải chủ động tổ chức các lễ nghi tập tục đối với người thân qua đời. Họ không biết điều gì được làm và điều gì không được làm theo đức tin Công giáo, nên dễ bị áy náy lương tâm mỗi khi tham gia các việc cúng giỗ, nên rất cần được các vị mục tử hướng dẫn thực hành phù hợp với đức tin, và Văn kiện là “thầy dạy” hữu ích và chính xác nhất. Rồi quả quyết : “Nhất định tại giáo xứ Sao Mai tôi sẽ cho in ấn VĂN BẢN HƯỚNG DẪN VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN và phổ biến đến từng gia đình, từng học viên Giáo Lý Hôn Nhân, Dự Tòng và Sống Ðạo trong giáo xứ. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các buổi tĩnh tâm thảo luận tại nhà thờ trong Mùa Vọng hay Mùa Chay sắp tới, để đưa vào áp dụng cụ thể tại tư gia, nhất là tại các gia đình hôn nhân dị giáo…”.
![]() |
Cũng trong cuộc thảo luận nhỏ này, khi được hỏi trước thời điểm có Văn kiện 2019, các cha có kinh nghiệm hay khó khăn gì trong việc xử lý các vấn đề của giáo dân liên quan đến thờ cúng tổ tiên; bái lạy, thắp hương trong quan - hôn - tang - tế; hay những nghi thức, nghi lễ khác tôn giáo trong gia đình, dòng tộc…, các cha tham gia đã nêu lại những câu chuyện hay các “ca” mình từng gặp, trong bối cảnh mục vụ đặc thù từng địa phương, rất thú vị và cũng không kém phần hữu ích, từ đó cho thấy sự cần thiết và những giá trị, các tiện ích mà Văn kiện 2019 sẽ đem lại cho toàn thể mọi người trong Hội Thánh tại Việt Nam.
Cha Giuse Nguyễn Hữu An ở GP Phan Thiết kể trong xứ cũ của mình có đôi bạn trẻ yêu thương nhau, mối tình của họ có nguy cơ tan vỡ. Gia đình đàng gái cương quyết chú rể phải theo đạo mới gả con. Gia đình đàng trai là lương dân nhất định không cho con trai theo đạo Công giáo. Họ bảo, theo đạo là bỏ ông bà cha mẹ, không thờ cúng tổ tiên…, là bất hiếu. Ðôi bạn đến nhà xứ trình bày câu chuyện tình nồng thắm của mình với cha xứ. Ðôi bạn có ý định dắt nhau trốn đi xa, trong nước mắt, họ xin giúp đỡ. Tuần sau đó, cha chủ động đến thăm gia đình lương dân ấy. Thấy có bàn thờ gia tiên, cha thắp nhang và cúi đầu 3 lần trước bàn thờ rồi cắm nhang vào lư hương. Ông bà trố mắt ngạc nhiên : “Linh mục mà cũng thắp nhang và cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên của gia đình sao ?”. Lúc đó cha mới bắt đầu giải thích cho họ về lòng hiếu thảo, tôn kính ông bà cha mẹ của người Công giáo. Họ hiểu và hứa cho con trai theo đạo. Ðôi bạn trẻ vui sướng tạ ơn Chúa. Sau khóa giáo lý tân tòng và hôn phối, ngài cử hành các bí tích khai tâm cho chú rể và dâng lễ cưới trong niềm hân hoan của hai gia đình. Nay đôi vợ chồng ấy đã có 2 con xinh đẹp ngoan hiền đạo đức. Gia đình trẻ sống đạo rất tốt, gương mẫu trong giáo xứ. Và cha kết luận : “Mình hiểu và biết cách làm cho họ hiểu, còn đôi bạn trẻ thì không. Nay có Văn kiện rồi, sẽ phát cho từng giáo dân để họ hiểu và giải thích cho anh em, họ hàng xung quanh…”.
![]() |
Cha Antôn Vũ Thanh Lịch là một linh mục thuộc cao nguyên Trung phần, nơi có nhiều anh em sắc tộc cùng chung sống lại có những đúc kết như sau : “…Giáo xứ tôi có khoảng 600 tín hữu là đồng bào dân tộc Êđê. Bà con đôi khi ngại ngần gia nhập đạo vì nghĩ rằng đạo Công giáo thì không được thờ ông bà, không được chơi cồng chiêng… Thế nên, khi loan báo Tin Mừng cho họ, chúng tôi phải làm cho họ hiểu rằng văn hóa thờ cúng tổ tiên vẫn luôn được trân trọng và duy trì song song với niềm tin Kitô giáo. Chúng tôi chứng minh rằng đạo Chúa không xóa bỏ đi những nét đẹp văn hóa của họ mà còn cùng với họ gìn giữ và duy trì mãi về sau. Thêm một điều nữa có thể nhận thấy là thông qua những nghi thức hôn nhân khác đạo, chúng ta cũng đang đến gần những người ngoài Công giáo hơn. Ðó là những thành quả đáng trân trọng Giáo Hội nhận được từ những nỗ lực hành động suốt thời gian qua. Như vậy, với việc chính thức có văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp với văn hóa địa phương, việc Phúc Âm hóa mọi người trong bối cảnh xã hội thực tại sẽ càng thêm thuận tiện bởi nó hòa hợp những nét đẹp truyền thống dân tộc, giúp mọi người biết rằng sống mến tin Thiên Chúa nhưng cũng không bao giờ bỏ qua lòng hiếu kính với tổ tiên minh…”.
Cha Giuse Phạm Quang Minh, một linh mục trẻ dòng Don Bosco nhưng cũng đang phục vụ người thiểu số trên miền Kontum thì rất thật tình : “Tôi từng lúng túng khá nhiều bởi Việt Nam chúng ta bao gồm nhiều vùng miền, nhiều sắc tộc, mà mỗi dân tộc lại mang đậm một nét văn hóa tổ tiên khác biệt. Có thể kể ra những trắc trở mà bản thân đã gặp phải như không dễ dàng có kinh nghiệm để giải thích các thắc mắc như linh hồn của ông bà, cha mẹ, anh chị em hay những người đã quá cố có thể về để gặp gỡ con cháu hay người thân còn sống hay không ? Việc đặt hoa quả, trái cây trên bàn thờ tổ tiên có ý nghĩa thế nào, nên hiểu ra sao ? Những ứng xử cụ thể khi đến viếng thăm các tôn giáo bạn ? Làm sao để cắt nghĩa cho giáo dân hiểu những tập tục có màu sắc tâm linh đôi khi chỉ là những nét văn hóa của gia đình, gia tộc, họ tộc, dân tộc…, có thể cần bảo tồn như cách lưu giữ truyền thống, nhưng sống đạo thì chỉ được tin vào Chúa ? Bây giờ Văn kiện sẽ giúp tôi giải đáp tất cả…”.
Ðến từ giáo phận “kế Út” của Giáo Hội Việt Nam - tính theo năm thành lập - là Bà Rịa, cha Giuse Trần Ðình Túc, chánh xứ giáo xứ Nam Ðồng cho rằng Văn kiện là một món quà quý đối với ngài : “… Tôi rất mừng vì Văn kiện là hướng dẫn chính thức của Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng tôi đã mong đợi từ lâu một chỉ dẫn chính thức và phổ quát về thờ cúng tổ tiên để giúp cho việc mục vụ chăm sóc cộng đoàn Dân Chúa chính xác hơn. Hy vọng thời gian tới sẽ không còn khó khăn trong một số hoàn cảnh cần thiết vì đã có tài liệu để xem xét, soi chiếu. Theo tôi, sự ra đời của Văn kiện này là cần thiết cho mọi thành phần Dân Chúa. Các nghi lễ được quy chiếu theo Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh. Văn kiện cũng xác định rõ ràng những thực hành nào phù hợp hay trái ngược với Tin Mừng, với đức tin Công giáo; và cũng có những gợi ý, mẫu cụ thể giúp cho mọi người không loay hoay tìm kiếm tài liệu khi cần. Trước mắt, tôi sẽ có chương trình học hỏi Văn kiện nhằm hướng dẫn cho Ban hành giáo và các hội đoàn vào các dịp tĩnh tâm, sinh hoạt thường kỳ của giáo xứ; cũng như sẽ phổ biến cho mỗi gia đình một bản để tiện sử dụng…”.
![]() |
Ðể khép lại cuộc hội luận, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, một bậc “trưởng lão” về Văn hóa nói chung và Văn hóa Công giáo nói riêng, được biết đến nhiều không chỉ tại Sài Gòn - nơi ngài đang phục vụ - mà còn trên khắp cả nước, đã nói lên tầm quan trọng của một Văn kiện dù không “mới” nhưng rất “mở” về độ bao quát và sự công phu trong định hướng, cũng như đã tháo khá nhiều “nút thắt” cho không chỉ giáo dân mà còn cả đối với những linh mục đang hằng ngày hòa mình vào giữa dòng đời để loan báo Tin Mừng. Từ đó, ngài đề nghị làm sao để ai cũng đọc và hiểu được Văn kiện này, để có những ứng xử khéo léo, tế nhị và đúng mực hơn trong các sinh hoạt thường nhật, nhất là trong các trường hợp có liên quan đến nghi lễ, phong tục, truyền thống… dân gian hoặc của riêng những anh em ngoài Công giáo. Cha kết luận : “…Trước khi có Văn kiện, những mục tử thường cảm thấy một chút khó khăn khi đi vào thực tế, thí dụ, lễ gia tiên thì đọc gì, nói gì, xá lạy thế nào, những ngày kỵ cúng giỗ làm sao ? Một vấn đề nữa cho tới nay vẫn tồn đọng là cảm nhận của anh chị em tôn giáo bạn khi gả con hay cưới cho con một người Công giáo, họ vẫn ngại nhất khi nghĩ theo đạo là bỏ ông bà, không còn người cúng giỗ. Ðiều này do Công giáo không mạnh mẽ giải thích, tuyên truyền cho mọi người hiểu, nhất là tại các lớp dự tòng… Tuần trước, tôi còn nhận được điện thoại của một giáo dân hỏi “Chồng con bên Phật giáo, liệu trong ngày giỗ, con có được nấu cỗ cúng, có được cúng và ăn cỗ cúng không?”. Ðúng là chúng ta yếu về mặt tuyên truyền giải thích về điều răn thứ tư của chúng ta cho lương dân, thậm chí cho giáo dân. Các phương tiện truyền thông Công giáo phải hoạt động mạnh hơn nữa, cụ thể là phải phổ biến ngay và rộng khắp Văn kiện này; các phong trào liên tôn, đại kết phải được mọi người am hiểu và tham gia…”.
Nhóm Phóng viên báo CGvDT thực hiện
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.