Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng, 2018 11:39

Một thoáng họ đạo 130 năm tuổi

Hơn 7.000 giáo dân với sự góp mặt của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, họ đạo Sóc Trăng vừa có nhiều đặc điểm dị biệt vừa hòa hợp, thống nhất. Ngày nay, giáo xứ không chỉ phát triển về mặt đức tin mà còn có nhiều đổi thay về đời sống.

 

 

ÐA DẠNG TRONG HIỆP NHẤT

Nhà thờ tọa lạc giữa vùng đất bốn bên là chùa chiền, trường Phật học, trung tâm Phật giáo. Cư dân bản địa xen lẫn các sắc tộc người, nói đủ thứ tiếng. Tuy tín hữu Khmer bây giờ không phải là chính yếu nhưng trải qua bao biến cố thăng trầm, sự hiện diện của các anh chị em mang một ý nghĩa quan trọng.

Có thể nói, Sóc Trăng là họ mẹ hoặc nếu không thì cũng là bậc “dì dượng” của hai họ nhánh Việt Kiều và Ðại Tâm. Ngày trước, số tín hữu Khmer tại họ đạo khá đông, đến nỗi trong mục vụ, các cha cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ dân tộc. Cách đây hai chục năm có lẻ, cố linh mục Phêrô Tống Văn Năm được giao nhiệm vụ chuyên trách cho bà con Khmer. Cha không ngại xa xôi, cách trở mà đến từng nhà thăm viếng. Họ đạo cũng luôn có chương trình bác ái, sẻ chia với những anh em khó khăn. Sự tâm huyết của vị mục tử đã nâng con số tân tòng từ vài trăm lên đến vài ngàn trong thời gian ngắn. Vì bà con ở xa nhà thờ, giáo dân đến dự lễ Chúa nhật phải tới lui mấy mươi cây số nên dần theo thời gian, Ðức Giám mục giáo phận thiết lập các điểm lẻ và nay nâng lên thành xứ đạo. Hiện chỉ còn độ hai trăm giáo dân Khmer sống gần nhà thờ, thuộc về giáo xứ.

Phòng truyền thống giáo xứ trưng bày những hình ảnh, kỷ vật suốt chặng đường dài phát triển

Gắn bó năm này qua tháng nọ nên trong giao tiếp, sinh hoạt giữa anh em có sự cởi mở, thân tình. Người Hoa tại họ đạo có chừng một trăm hoặc hai trăm trở lại, sống tại các chợ và hòa nhịp cùng cộng đồng. Hơn chục hội đoàn được các anh em dân tộc tham gia như hội Legio, huynh đệ Chúa Quan phòng, Mến Thánh giá tại thế…. Cha sở P.X Phan Văn Triêm cho biết bởi xứ truyền thống nên giáo hữu hăng say việc nhà đạo. Mọi hoạt động đều tự sắp xếp rất bài bản. “Lâu nay, giáo xứ duy trì thói quen làm việc bác ái, tuy có nhiều cách thức khác nhau. Caritas thường phát cơm, gạo cho các hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc người phong trong bệnh viện và hỗ trợ cho các bệnh nhân mổ mắt, kết hợp với các nơi khác. Ðây đều là những việc ý nghĩa mà người Công giáo nên làm”, chị Phạm Thị Mai, thành viên Caritas giáo xứ chia sẻ. Cha sở còn thông tin thêm, họ đạo thường hỗ trợ các xứ nhỏ lân cận nơi sâu xa bằng những chuyến quà tình thương hay tổ chức các chuyến sinh hoạt như thăm trại phong, dâng lễ cho bệnh nhân với tinh thần tương thân tương ái được đặt lên hàng đầu.

 

GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Linh mục Phêrô Tri Văn Vinh (chánh xứ An Hòa, GP Cần Thơ) khi kể về hành trình ơn gọi tại quê nhà Sóc Trăng, có nhắc đến các người anh chị hàng xóm và họ hàng có người chọn lựa đời sống thánh hiến như là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định dấn thân. Cha còn cho biết họ đạo này là cái nôi của ơn gọi, có đến hàng chục linh mục và rất đông tu sĩ qua các thời xuất thân từ đây. Và, cả Ðức cha hiện tại Stêphanô Tri Bửu Thiên. Ông Trần Minh Lương, chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Sóc Trăng, kiêm trưởng ban ơn gọi tiết lộ tại họ đạo từ nhiều năm rất chăm lo đến việc tìm kiếm ơn gọi cho cả nam lẫn nữ. “Giáo xứ có ban ơn gọi đồng hành cùng các em có ý hướng đi tu. Mỗi tuần hoặc mỗi tháng chúng tôi quy tụ các em lại, hoặc chia sẻ với từng em về những ý niệm, định hướng, giúp các em vững vàng hơn về giáo lý và nhân bản”, ông nói. Cha Phanxicô Xaviê thì lý giải nếp sinh hoạt nơi giáo xứ là yếu tố thúc đẩy ơn gọi nên qua các đời cha xứ phục vụ rất quan tâm uốn nắn thiếu nhi giữ lòng yêu mến nhà đạo: “Giờ sinh hoạt của các em thường được diễn ra trước thánh lễ. Ở đó huynh trưởng kể chuyện về các thánh, xướng ca, tập hát và giải đáp thắc mắc giáo lý, tập cho các em chủ động tham gia phong trào. Khi được chia sẻ với nhau thì cái hay, cái đẹp sẽ gieo vào những tâm hồn ngây thơ ấy cách tự nhiên nhất. Và khi biết trẻ có niềm yêu thích riêng thì từ đó người lớn mới có thể đồng hành”.

Caritas Sóc Trăng tích cực trong công việc thiện nguyện

Với diện tích rộng 6000 m2, nhà thờ Sóc Trăng còn là nơi diễn ra một số thánh lễ đặc biệt của giáo phận như truyền chức linh mục hay lễ làm phép Dầu. Ngày Chúa nhật có 5 thánh lễ. Ðể đáp ứng các nhu cầu này, họ đạo cũng thiết lập 5 ca đoàn khác nhau và còn có 1 ca đoàn tổng hợp phục vụ lễ lớn. Khuôn viên thánh đường được giáo dân gìn giữ sạch đẹp. Ngôi nhà thờ này được cha xứ gọi là “nhà thờ không ngớt tiếng kinh”. Hằng năm, cha tổ chức chương trình “24 giờ thánh gia” vào các dịp quan trọng. Theo đó, mỗi khu xóm chia nhau một giờ chủ sự cầu nguyện và lần chuỗi. Mỗi ngày, các hội đoàn cũng luân phiên đến nguyện gẫm. Bên cạnh các phòng học giáo lý, cha sở còn thiết lập phòng truyền thống lưu giữ các kỷ vật, tranh ảnh hoạt động của giáo xứ. Không gian nhà thờ như mái ấm chung. Thi thoảng, vào dịp Giáng Sinh hay lễ tết, giáo dân họ đạo Sóc Trăng còn mời hàng xóm là các anh em tôn giáo bạn cùng tham dự. Và ngược lại, mỗi khi đến mùa lễ hội của các bạn thì cư dân họ đạo rất nhiệt tình chung vui. Tất cả làm nên một mối giao hảo khắng khít, suốt trăm năm.

HÙNG LUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm