Thứ Tư, 30 Tháng Ba, 2022 16:46

Mục vụ gia tài của mẹ

 

Có câu chuyện như sau. Sau khi phỏng vấn, Tổng giám đốc biết người xin việc mồ côi cha, mẹ anh làm nghề giặt quần áo. Ông đề nghị: “Tối nay, khi về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ anh”. Sáng mai gặp lại người xin việc, Tổng giám đốc hỏi: “Anh cho biết công việc rửa tay cho mẹ anh thế nào? Anh ta nói: Lần đầu tiên, tôi thấy đôi bàn tay mẹ tôi gầy guộc, khẳng khiu, nhăn nheo, khô ráp, sần sùi, nứt nẻ. Tràn ngập xúc động, hai mẹ con tôi gục đầu vào nhau, và đã khóc rất lâu!”. Bây giờ, anh nghĩ gì? “Tôi trân quý đôi tay và biết ơn mẹ tôi. Tôi nhận ra giá trị hy sinh âm thầm, vô vị lợi của gia đình”. Tổng giám đốc chia sẻ: “Khi giữ vai trò quản lý xí nghiệp, cũng giống như một gia đình, chúng ta làm việc không chỉ mục đích kiếm tiền, nhưng luôn trân trọng, biết ơn và chăm lo hạnh phúc cho mọi người”. Ông đánh giá: “Ðôi bàn tay của mẹ anh, như một gia tài của chúng ta”.

Qua mẩu chuyện nhỏ này, tôi xin chia sẻ ít điều về mục vụ gia tài của mẹ.

Nhận thức

Khi nói, gia tài của mẹ, cũng là nhắc đến gia tài của cha. Văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng chế độ mẫu hệ, nên thường hay chỉ nhắc tới mẹ. Ví dụ, phong “Mẹ anh hùng”, hàm ý, trong đó có cả cha. Gia tài là của cải, do cha ông để lại. Gia tài không chỉ là tài sản, cơ ngơi vật chất, tiền của, vàng bạc, nhưng còn là gia tài tinh thần, một nếp sống, truyền thống đạo đức. Cao hơn cả, đó là gia tài tâm linh. Tôi thấy, hiện tại và nhất là tương lai Việt Nam, rất chú ý dành một không gian trang trọng, đặc biệt để xây dựng những trung tâm tâm linh, dành tĩnh tâm, thiền, cầu nguyện. Tôi rất xúc động, khi thấy trong khu nhà của một số đại học, đại gia, họ dành một khu rất đẹp, thiết kế theo kiểu chùa, có bàn thờ tổ, Hùng Vương. Rồi, nhiều gia đình dẫn con đi làm từ thiện, như để truyền lửa cho thế hệ mai sau: “Ðây là tài sản của bá tánh, phải trả lại cho bá tánh”. Tuyệt vời! 

Có nhiều người già, trong các tôn giáo, họ để lại phần lớn gia tài, sản nghiệp của họ cho công ích. Gia tài lớn nhất là Ðức Tin, và đạt được thương hiệu mọi người “Tin - Yêu”. Buông bỏ tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Ðức Tin, còn lòng tin yêu của mọi người, thì vẫn có thể làm lại và đi tới tận cùng lý tưởng của kiếp nhân sinh, đạt tới cõi vĩnh hằng, niết bàn, thiên đàng, hạnh phúc đời đời. Ðức Tin, không chỉ do con người mà còn là một hồng ân của Thượng Ðế. Muốn có Ðức Tin, cần cầu xin và thực hiện tu thân, tích đức, sửa mình, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cụ thể, trước mắt, trong gia đình, khu xóm, sống nhân bản, nhân quả, không làm khổ mình, khổ người; sống từ bi, bác ái;  công bằng, cân bằng. Tin Ông Trời, Thiên Chúa, thấy và lắng nghe hết mọi chúng sinh. Ngài sẽ cho ta được cảm nghiệm gặp Ngài ngay cõi đời này, dù tràn ngập đau khổ, nhưng vẫn sống trong “Bình an và Hạnh  phúc” từng ngày!

Gia tài hiểu theo nghĩa rộng là Ðất, Nước, Dân tộc, Núi Rừng. Ðó là Mẹ Việt Nam, do cha ông để lại. Con cháu phải gìn giữ, xây dựng quê hương bền vững, trường tồn, như lịch sử đã ghi nhận và chứng minh, nhất là trong thiên niên kỷ mới, giai đoạn rực sáng này: Gia tài Mẹ Việt Nam, ví như  “Viên Ngọc quý Á Ðông; như rồng vàng châu Á, như cá chép hóa rồng”.  Gia tài tinh thần: “Ðoàn Kết”. Gia tài tâm linh: “Trời và Ðấng Tạo Hóa”

Thực hành

Kinh nghiệm trên thế giới, những người giàu có, không để lại cho con cái hết tài sản, mà để cho chúng vừa đủ, theo lẽ công bằng, ví dụ 1/4. Họ khôn ngoan, trao lại cho - không cứ gì con cháu trong nhà -  mà là những người có khả năng và trung tín, tiếp tục phát triển sự nghiệp. Người giàu, thường trí tuệ rất cao.  Họ vốn có tầm nhìn rất xa. Họ lập quỹ từ thiện, theo Á Ðông, đó là cách tiếp tục làm giàu: “Làm phúc tới đâu, làm giàu tới đó”. “Ðời cha làm phúc đời con sang giàu”.

Gia tài của Mẹ sẽ bị mai một, vì nhiều lý do. Trong đó có lý do văn hóa “Sớm thỏa mãn”, cho thế là quá đủ rồi; sáu mươi tuổi đã muốn nghỉ hưu, không muốn phát triển thêm. Có khi lại vì một kinh nghiệm lịch sử nào đó trong đời, họ quá sợ hãi, không dám mở rộng cho dân tộc.

Trong một chuyến xe bus đi học, năm 2005, tôi rất ấn tượng khi gặp một người Do Thái, râu dài, tóc bạc, nhưng còn quắc thước, dáng khỏe mạnh. Tôi biết ông vẫn còn làm Tổng giám đốc và hôm nay đi làm. Tôi hỏi: “Ông làm để làm gì”? Ông không nhìn tôi, trả lời rất dứt khoát, khẳng định và xác tín, như một văn hóa Do Thái: “Cho thế hệ mai sau. Không phải cho con cháu mà cho Dân tộc”. Tôi được biết, những tổng giám đốc ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ, hầu hết là người Do Thái, hoặc gốc Do Thái. Gia tài của họ, không phải chỉ là tiền tệ, mà còn là cái gì giá trị hơn? Có câu chuyện kể rằng, trong một cơn hỏa hoạn nọ, bà mẹ Do Thái hỏi con, lúc này con cần mang theo gì? Người con trả lời: “Con đem theo tiền bạc”. Mẹ can: “Không”. Người con lại nói: “Vậy con sẽ đem theo sách vở”, bà mẹ vẫn nói: “Không”. Vậy con cần mang gì? Mẹ lấy tay chỉ vào đầu con, xác tín: “Mang theo trí tuệ”. Hơn nữa, theo họ, người giữ gìn đất nước không phải là quân đội, mà là thầy, cô giáo. Trí thức và giáo dục đối với họ là thượng sách. Chỉ cần có trí tuệ, tầm nhìn và ý chí vươn lên, có triết lý giáo dục, mới giữ gìn và phát huy được gia tài.

Phát huy và gìn giữ gia tài của mẹ phải bằng cách dứt khoát loại bỏ cái cản trở. Thực hiện “Hài hòa âm dương”, nhưng lúc này, muốn phát triển ngang tầm, phải nghiêng về dương.

Khi tiếp xúc với một số người, tôi thấy còn không ít tật. Tật chưa quen sống và làm việc theo định hướng, định hình và pháp luật; dễ thay đổi ý kiến, ứng xử không kiên định, thiếu nguyên tắc và thiếu cả quyết đoán; Bệnh làm ăn kiểu sản xuất nhỏ; không chú tâm cạnh tranh, chiếm lòng tin khách hàng, mà lại lo liên kết với nhau, loại trừ khách hàng, loại trừ nhau, nhất là ở nông thôn. Và cũng không thiếu những nhà quản lý vẫn còn tác phong nông nghiệp, vẫn còn rất “Tân Sửu” theo kiểu “Ðủng đỉnh; Lừ đừ như ông từ vào đền”; không coi trọng thời gian, và rất hay nhắc tới câu tục ngữ lỗi thời: “Dục tốc bất đạt”. Ngày nay: “Dục tốc tất đạt”. Tiền bạc, thành công, giàu có,  tính theo “Chữ Tin - Yêu và bằng giây”.

Hai điều cốt lõi cần phát huy, thứ nhất là tinh thần “Ðoàn kết”. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một bọc trứng, nở ra trăm con, năm mươi con theo mẹ lên núi, bảo vệ miền sơn cước; bốn mươi chín con theo cha xuống biển, bảo vệ vùng hải Ðảo. Một người ở lại đồng bằng dựng Nước. Ðoàn kết và chia lìa đều là bản chất. Theo kinh nghiệm lịch sử, dân tộc Việt Nam, chỉ đoàn kết khi có phẩm chất anh hùng xuất hiện. Bản  chất anh hùng là cứu nhân độ thế. Dân tộc chúng ta nghèo, lại hay bị lũ lụt và ngoại xâm, ai cứu dân thì đoàn kết được dân. Vì thế, liên tục không ngừng nâng cao tính anh hùng trong mọi lãnh vực; thứ đến là phẩm chất “Ðạo đức”. Dân tộc Việt Nam, trọng đức: “Tài tán Ðức tụ; thăng tất tụ”. Càng tu thân, tề gia, chính trị càng cao, càng quy tụ được dân. Gia tài của Mẹ đó là “Cứu Dân - Ðộ Ðời và Ðạo Cao - Ðức Trọng”. 

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm