Thứ Năm, 27 Tháng Tám, 2015 23:12

Nét chấm phá ở một họ đạo trẻ

Từ 7 gia đình đầu tiên, sau hơn 10 năm, Thới Hòa (giáo phận Phú Cường) giờ đã là một cộng đoàn với số giáo dân lên tới  vài ngàn người. Dù còn non trẻ nhưng Thới Hòa đã “kịp” khoác lên mình tấm áo chia sẻ và hy sinh. Ở đó, những con người nhiệt thành vẫn đang ngày ngày vun đắp để góp phần cho hạt giống đức tin triển nở.

Xứ trẻ…

Ông Phạm Văn Lại, một trong những người đầu tiên chứng kiến và đồng hành cùng bước đi chập chững của Thới Hòa và cũng là Chủ tịch HĐMVGX từ ngày đầu đến giờ, đã kể lại cho chúng tôi một câu chuyện tưởng như “cổ tích thời hiện đại”.

Ngôi nhà nguyện giáo xứ 

Khoảng sau những năm 2000, một vùng đất rộng ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương rục rịch hình thành một loạt những khu công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân. Những người có tiền từ nơi khác thì đến mua đất làm nhà trọ, bán buôn… Và một khu dân cư mới dần dà định hình.

Trong số  này, có không ít giáo dân. Hằng tuần, họ phải lên nhà thờ Bến Cát cách đó chừng 3 cây số tham dự thánh lễ. Lễ kính Thánh Giuse năm 2005, tại vùng đất mới, có 7 gia đình người Công giáo ngồi lại với nhau ở nhà ông Lại để cùng chung vui và mừng bổn mạng của một số người trong nhóm. Sau đó, họ lên trình với cha Trương Huy Hoàng, chánh sở Bến Cát, xin cho anh em nhận Thánh Giuse làm bổn mạng của nhóm và được cha nhận lời. Nhiều gia đình khi biết về nhóm Công giáo cũng tới xin tham gia sinh hoạt. Đến ngày 19.3.2006, giáo họ Thánh Giuse được thành lập, trực thuộc giáo xứ Bến Cát. Vào lễ kính Thánh Giuse năm 2007, họ Giuse đã có được 70 gia đình giáo hữu.

Buổi sáng chúa nhật của các anh đội thu gom... 

Sống trên đất mới nhưng đức tin của giáo dân không ngừng được nung nấu. Vào mùa Giáng sinh năm 2007, giáo họ ước nguyện có một thánh lễ tại khu công nghiệp. Và Giáng sinh năm đó, trên mảnh đất mượn tạm của giáo dân chưa làm nhà, máng cỏ Chúa Hài Đồng được dựng lên, thánh lễ đầu tiên đã được cử hành. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, mọi người bày tỏ với cha sở muốn có nhà nguyện chung để hằng ngày mọi người có nơi gặp gỡ Chúa. Được cha khuyến khích, cộng đoàn hùn nhau mua miếng đất diện tích 20mx30m và dựng lên ngôi nhà nguyện nhỏ bằng khung nhà tiền chế mua lại của một công ty. Thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện được cử hành vào ngày kính Thánh Giuse năm 2008.

Khi có nhà nguyện, bà con nơi đây ngày càng hăng say với công việc nhà Chúa. Lúc này, cha sở Bến Cát cử cha phó Vinhsơn Nguyễn Tuấn Dương về ở tại đây và lo việc mục vụ. Số lượng người kéo đến sinh hoạt tăng dần. Ngôi nhà nguyện trở nên quá nhỏ bé so với nhu cầu. Đến năm 2011 thì không thể “chứa” được nữa. Sau khi tìm được mảnh đất hiện tại, mọi người ngồi lại bàn bạc rồi quyết định bán khu đất nhà nguyện cũ để chuyển qua chỗ mới. Ngày 4.11.2012 được xem là một ngày trọng đại với đoàn chiên Thới Hòa, thánh lễ đầu tiên trên khu đất mới rộng rãi được cử hành bởi Đức Giám mục giáo phận Phú Cường Giuse Nguyễn Tấn Tước. Đây cũng là ngày Thới Hòa được nâng lên thành giáo xứ. Cha phó Vinhsơn Nguyễn Tuấn Dương được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi. Số giáo dân lúc này đã trên 2.000, chưa kể người tạm trú làm việc tại địa phương. Trên khu đất mới, ngôi thánh đường và nhà xứ được dựng nên.

… mang sức sống mới

Ngày 5.12.2014, cha Đaminh Trạch Cao Xuân Khải được bổ nhiệm về làm chánh sở. Thời kỳ này, thánh đường được tu bổ thêm.

Dù là xứ mới nhưng tới nay, Thới Hòa đã có đủ các hội đoàn và hoạt động cũng dần đi vào khuôn khổ. Khi về đây, cha Khải đã mời gọi mọi người tham gia tích cực để các phong trào thêm lớn mạnh. Giờ đây, Thới Hòa có trên 3.000 giáo dân, ngoài ra, theo những thành viên phục vụ trong xứ, hiện có không dưới 5.000 anh chị em di dân đang tham gia sinh hoạt và con số vẫn đang tăng theo từng ngày. Bốn thánh lễ ngày Chúa nhật và chiều thứ 7, mỗi lễ có khoảng từ 1.200 – 1.500 người tham dự. Vì là mảnh đất có đông người nhập cư nên những người có trách nhiệm luôn tìm tòi những hướng mục vụ phù hợp với hoàn cảnh. Theo cha Khải, ngoài thánh lễ dành riêng cho người di dân ngày Chúa nhật do ca đoàn công nhân phụ trách, sắp tới, giáo xứ đang có kế hoạch thăm viếng những gia đình, tổ chức những ngày gặp gỡ dành riêng cho người di dân... “Để từ đó nuôi dưỡng và đồng hành với họ trong đời sống đức tin vốn gặp nhiều thử thách khi phải sống xa gia đình”, cha nói. Ngoài ra, để hoạt động này thật sự là mảng riêng cần được quan tâm đúng mức, giáo xứ ước mong có một cha phó đặc trách người di dân.

... và anh chị em nhóm phân loại  

Cuối năm nay, giáo xứ sẽ khởi công xây dựng dãy nhà mục vụ  dành cho việc dạy giáo lý và một đài kính Đức Mẹ. “Vì hiện nay, mọi sinh hoạt từ lễ, kinh nguyện, tập hát, hội họp đều bó gọn trong nhà thờ”, cha Khải giải thích. Cha cũng cho biết thêm, hướng đi của giáo xứ là xây nhà mục vụ trước thay vì nhà thờ, vì hiện mọi sinh hoạt của giáo dân đã được ổn định với ngôi thánh đường tuy đơn sơ nhưng rộng rãi. “Mỗi thế hệ có một quãng thời gian vàng nên tôi muốn tận dụng để gieo hạt giống đức tin ngay khi các em còn nhỏ. Nếu vì tập trung xây nhà thờ mới mà lãng quên người trẻ, khi thế hệ đó lớn lên, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gieo hạt giống Đức tin”, cha tỏ bày.

Hiện các hoạt động bác ái trong xứ chưa có một chương trình cụ thể, mới chỉ dừng lại ở việc các cá nhân, hội đoàn đi thăm viếng bệnh nhân và giúp đỡ những gia đình khó khăn. Nhưng sắp tới đây, muộn nhất vào giữa tháng 9 này, Ban Bác ái Xã hội Caritas giáo xứ chính thức ra mắt, đi kèm là nhiều hoạt động như lo học bổng cho học sinh, thăm viếng giúp đỡ người già, gia đình khó khăn...

Nối kết tình thâm giao

Dù Caritas chưa chính thức hoạt động nhưng từ lâu, tinh thần bác ái, quảng đại vẫn được vun đắp trên vùng đất Thới Hòa.

Nơi giáo xứ non trẻ, trong những giây phút hàn huyên, nhiều người nảy sinh ý định sao không thu gom lại những vật dụng mà người dân bỏ đi, vừa giữ sạch môi trường, lại là cách kiếm thêm nguồn lợi cho xứ. Sau khi bàn bạc, cha Dương và bà con quyết định thực hiện. Tháng 3.2013, chỉ trong tuần đầu triển khai, giáo dân hưởng ứng tích cực, từng bao ve chai  được mang đến nhà xứ. Lần đó, số tiền thu về gần 17 triệu đồng. Ngay sau đó, một kế hoạch cụ thể hơn được vạch ra, các ông trùm nhờ người có xe đi thu gom, còn cha sở kêu gọi giáo dân tới phân loại… Được một thời gian, công việc tưởng chừng như phải bỏ dở khi người đến phục vụ thưa dần. Chính khi đó, những anh chị em công nhân Công giáo đứng ra lãnh nhận việc này. Nhóm Thiện Chí gồm đội xe và các anh chị em công nhân ra đời từ đó. 

Mỗi sáng Chúa nhật, 12 người trong đội xe đi theo lộ trình định trước. Tầm 10 giờ, những xe hàng đầu tiên bắt đầu về đến. Ở đó đội phân loại đã túc trực sẵn. Xe về đến đâu họ làm đến đó. Tất cả đều phải liên tay tới tận 1, 2 giờ chiều mới được nghỉ ngơi và cơm trưa. Ông Phạm Thái Hùng, đại diện nhóm Thiện Chí cho biết, ngày đầu thấy các anh đội xe vất vả, cha sở có trích lại một số tiền để hỗ trợ nhưng họ đồng lòng dâng cúng. Riêng với nhóm phân loại gần 40 công nhân, dù việc bươn chải kiếm sống đã tiêu tốn của họ gần hết thời gian và sức lực, nhưng bất kể, nắng hay mưa, bận bịu hay rảnh rỗi, cứ đúng giờ mọi người lại đến. Dù việc nhà Chúa đã lấy đi gần hết ngày Chúa nhật quý giá nhưng chưa một ai từng có ý định bỏ ngang. “Biết là vất vả nhưng được phục vụ mang lại cho chúng tôi nhiều niềm vui, tuần nào không thể đến trong lòng lại cảm thấy áy náy khó chịu. Làm việc nhà Chúa cũng chính là phục vụ cho lợi ích và làm giàu cho bản thân mình”, chị Nguyễn Thị Ngân chia sẻ. Còn anh Nguyễn Văn Triển trong đội xe thì góp thêm: “Các anh chị em tham gia đều là tự nguyện, đã tự nguyện thì phải làm hết mình. Tôi cũng chưa nghe ai than vãn hay kêu ca. Chính sự hy sinh của người này làm động lực cho người kia…”. Cùng nhóm Thiện Chí, các cá nhân, thành viên HĐMVGX và các ông trùm khu vẫn thường xuyên đến để chia bớt gánh nặng. 

Ở Thới Hòa giờ đây, phong trào ve chai dường như đã in sâu vào tâm trí từng người. Phế liệu được các gia đình để dành cho giáo xứ. Trung bình mỗi tuần, từ ve chai, giáo xứ thu được khoảng 10 triệu đồng, một năm chừng 500 triệu đồng. Số tiền này được dùng vào các công việc chung. “Nhưng trên hết, ve chai đã góp phần mang mọi người xích lại gần nhau hơn, tình thâm giao được nối kết. Đó chính là thành quả quý giá nhất mà Thới Hòa có được”, cha Khải đúc kết.

Dù là một xứ trẻ, nhưng người Thới Hòa có thể tự hào rằng, sự trẻ trung, giàu sức sống và tinh thần hy sinh nơi họ đạo luôn cháy bỏng. Đó sẽ mãi là những hành trang quý giá nhất, giúp nâng bước cho Thới Hòa đi lên.

Võ Quới

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm