Chúng tôi gặp Nguyễn Trịnh Trung Trực bất chợt trong một chuyến công tác cách đây đã lâu. Khi ấy, em còn là học sinh cấp 3, tại trường quê thuộc tỉnh Hậu Giang. Trong cái nhìn đầu tiên, chúng tôi đã ấn tượng bởi cậu luôn tươi cười và hoạt bát dẫu không may mắn được lành lặn như bạn bè đồng trang lứa.
Trực được cha sở Phêrô Trần Hoàng Diệu, chánh xứ Vinh Phát (GP Cần Thơ) nhận xét là cậu bé ham học. Mỗi lần chuyện trò với cha về thiếu nhi trong họ đạo, cha thường đề cập đến Trực. Em bị tật từ khi mới lọt lòng mẹ. Ði đứng bất tiện. Gia đình em nghèo, cha trồng rẫy, mẹ buôn bán nhỏ. Suốt 12 năm học, em liên tục là học sinh khá giỏi, đại diện trường tham dự các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Lớn lên ở giữa xóm đạo, cùng với bạn bè, từ nhỏ Trực tham gia vào các phong trào rất sôi nổi. Khởi đầu là hội viên của nhóm Legio Mariae thiếu nhi, rồi khi họ đạo lập phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, em xung phong để sớm trở thành huynh trưởng, đoàn trưởng. Cậu bé Trực cũng hay giành giải cao trong các kỳ thi giáo lý cấp giáo hạt, giáo phận. Nhà thờ như ngôi nhà thứ hai em hay lui tới cùng các bạn để phụ cha sở, các dì trong những chuyện sinh hoạt.
Nguyễn Trịnh Trung Trực (áo TNTT) trong một buổi sinh hoạt |
Hiện tại, Trực là sinh viên năm ba, ngành Ngữ văn của Ðại học Tây Ðô. Em ở trọ trong lưu xá sinh viên Công giáo, cùng tham gia các hoạt động với phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Vốn là đứa trẻ của nhà đạo nên khi lớn lên, em vẫn rất gắn bó nhà Chúa. Một mặt, ngoài việc học, em sinh hoạt cùng các bạn. Mặt khác, để có tiền trang trải cho cuộc sống, em tự làm thêm các việc trong khả năng. “Em không nghĩ mình có thể học đến đại học vì gia đình không có điều kiện kinh tế, nhưng cuối cùng em cũng được bước chân vào giảng đường. Nhà đã vất vả đến nỗi nhiều lúc cha em chẳng còn tha thiết với Chúa. Năm đầu, em không có xe đi học. Rồi sau đó, bạn cùng lớp đã giúp đưa rước em đi học hằng ngày. Em ở trong lưu xá Công giáo nên được sự quan tâm, giúp đỡ của các cha, các sơ rất nhiều. Em thỉnh thoảng cũng viết bài cho các cửa hàng linh kiện điện thoại, thiết kế blog/web... Những công việc như thế giúp em đỡ được phần nào chi phí học tập. Và em thật sự mang ơn những người đã hỗ trợ mình bằng cách này, cách khác”, Trực tâm sự chân thành.
Gần gũi với Trực, sẽ dễ nhận thấy khát vọng mãnh liệt toát ra nơi em. Hơn hết mọi thứ, đó là niềm khao khát vượt lên số phận. Dù chưa bao giờ em nói ra, nhưng chúng tôi cảm nhận Trực muốn phát triển bản thân để bù đắp lại những mất mát. Ở em, thay cho nỗi tự ti, mặc cảm là tinh thần lạc quan và nghị lực. Ðiều quan trọng, trong những vui buồn, em luôn phó mình cho Chúa với niềm tín thác: “Dù phía trước có khó khăn nhưng em tin với tình yêu và bàn tay của Chúa, em sẽ thành công”.
Anh Nguyên
Bình luận