Ngày... tháng 1 năm 2016
Phước hôm rồi ra quán cà phê đầu ngõ, đem theo chiếc Ipad. Tưởng anh đã chê báo in nay chuyển sang báo điện tử đọc tin tức, mình kéo ghế sang ngồi xem ké. Thì ra ông bạn già đang lẩm nhẩm theo dõi trang web tiếng Anh cho người lớn tuổi. Hỏi sao già rồi lại quay lại học ngoại ngữ, bộ muốn xuất ngoại? Anh phân trần: “Đúng là sắp xuất ngoại đi... CAM, theo chương trình du lịch do nhóm thân hữu tổ chức, nên cần dợt lại một số câu thông dụng hầu dễ dàng giao tiếp khi muốn tìm hiểu về đất nước bạn”. Mình biết anh là người ham học, anh vẫn đi dự thánh lễ cử hành bằng tiếng Anh tại một nhà nguyện nhỏ ở vùng Chí Hòa vào mỗi Chúa nhật. Nhân chuyện học ngoại ngữ, anh chuyển đề tài về việc các nước Đông Nam Á vừa hình thành Công đồng kinh tế ASEAN, gọi tắt là AEC bắt đầu từ 1.1.2016, và hỏi mình có biết việc này? Mình ậm ừ là cũng có nghe biết vậy thôi. Phước thao thao: “Rồi đây công nhân, viên chức thương mại các nước sẽ vào Việt Nam làm việc. Người Việt Nam cũng dễ dàng sang lao động tại các nước láng giềng với điều kiện có tay nghề cao, có kinh nghiệm”.
Hứng chí, Phước nghĩ đến người Công giáo Việt Nam rồi sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều dân tộc Á châu, hẳn là cũng cần biết ngoại ngữ, nhất là các vị linh mục, tu sĩ, các vị phụ trách công cuộc loan báo Tin Mừng. Nếu không thông thạo một ngoại ngữ thông dụng nào đó như tiếng Anh, tiếng Pháp thì sao có thể nói với những anh chị em các nước lân cận về Đức Giêsu, làm sao có thể giới thiệu những hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cho họ.
Anh hỏi mình trong chương trình giảng dạy của các chủng viện, dòng tu có chú ý đến vấn đề này không? Mình cũng như anh thôi, chẳng rõ điều này lắm. Nhưng chắc điều anh quan tâm mang tính thời sự này, thì các đấng bậc trong nhà đạo mình cũng quan tâm.
Người Lữ hành Emmaus
Bình luận