Nằm dưới chân núi Xuân Vân, trên đỉnh dốc Mộng Cầm và đối diện khu lăng mộ Hàn Mạc Tử, Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng (GP Qui Nhơn) được người dân gọi quen bằng cái tên dân dã: nhà thờ Núi. Ấn tượng đầu tiên khi thăm viếng nơi này là sự thú vị về kiến trúc cũng như ý tưởng xây dựng quá độc đáo, tạo nên quần thể xung quanh ngôi thánh đường vừa đẹp, vừa tận dụng hết không gian mảnh đất vốn gập ghềnh trên những bờ đá.
Vừa qua khỏi cổng khu du lịch Ghềnh Ráng, nhìn bên trái sẽ thấy ngay cánh cổng vào nhà thờ, xéo xéo lối đi lên nơi thi nhân Hàn Mạc Tử an nghỉ. Đây là đỉnh dốc, nếu đi thẳng, xổ hết con dốc sẽ chạm bãi Đá Trứng thuộc khu thắng cảnh Ghềnh Ráng - Tiên Sa. Như vậy, cùng một “đường lên dốc đá” có đến ba điểm nhấn không thể bỏ qua: văn hóa (mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử), thiên nhiên (bãi Đá Trứng), tâm linh (nhà thờ Núi), thuận tiện vô cùng cho du khách khi đến Qui Nhơn thăm thú. Thử hình dung, vào một buổi chiều êm đềm nào đó, trước khi tham dự thánh lễ lúc 18g hằng ngày, sẽ còn gì bằng khi thảnh thơi cảm nhận thủy tú sơn kỳ đất võ giữa làn gió biển mát lành.
1.
Mấy ông lão người địa phương giải thích, cái tên Ghềnh Ráng do những người đi biển bằng thuyền buồm đặt, xuất phát từ thao tác “đổ” bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại (dân biển gọi động tác đó là “ráng”). Khi thuyền buồm đi qua khu ghềnh đá này, người ta phải làm như thế để giảm tốc, dần dần tạo nên địa danh Ghềnh Ráng. Hiện nay, Ghềnh Ráng là tên gọi của một phường thuộc thành phố Qui Nhơn.
Giữa cảnh sơn thủy hữu tình bên bờ đá gập ghềnh đó, tròn 60 năm trước có một hang đá Đức Mẹ được dựng lên, tạo tiền đề cho công trình xây dựng nhà thờ Núi về sau. Hồi ký của cha Giuse Phạm Châu Diên, người khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ vào ngày kính Đức Mẹ Lộ Đức 11.2.1963 ghi: “Khi còn ngồi trên ghế Chủng viện, đọc truyện thánh Grignion de Montfort, thấy ngài thiết lập trung tâm kính Đức Mẹ trên một trái đồi, xung quanh trồng 150 cây thông làm chuỗi Môi Khôi sống, giáo hữu tham gia hăng hái, mỗi lát cuốc là một kinh Kính Mừng, tôi liền ước ao có điều kiện làm cho Đức Mẹ một cái gì giống như vậy. Ngặt một nỗi, khu vực Bùi Chu quá bằng phẳng, không có lấy một mô đất cao. Cái tư tưởng quá khả năng ấy cứ theo đuổi tôi mãi. Năm 1952, đi nghỉ mát tại Hạ Long, tôi lại ước di một hòn đảo về Bùi Chu làm núi Đức Mẹ. Ai dè Chúa quan phòng lại đưa tôi đến hoạt động ở miền Trung đầy sơn thanh thủy tú (1957-1964). Năm 1958 là năm Thánh Mẫu thế giới, kỷ niệm bách chu niên Đức Mẹ hiển hiện nơi Lộ Đức. Lúc đó tôi đang ở Qui Nhơn, ước vọng năm xưa sôi sục và đòi được thực hành. Tôi lưu ý tới núi Xuân Vân, gọi là Ghềnh Ráng...”. Có lẽ, cũng khởi đi từ sự ấp ủ lâu ngày đó, cộng hưởng với việc phát hiện ra được miền đất phù hợp để thực hiện mà ngay trong năm, cha Diên đã lập một giáo họ tại đây, dù theo cha nhận xét thì: “Thôn Xuân Vân lèo tèo ba bốn chục nóc nhà tranh rải rác dưới chân núi, ăn ra tới lợi biển. Cư dân phần nhiều là người nghèo nàn chất phác, lên rừng kiếm củi, xuống biển mò cua, ra thành làm việc... Cả thôn chỉ có một gia đình Công giáo gồm một mẹ một con...”. Nhưng thật lạ lùng, sau khi ngôi nhà nguyện được dựng lên bằng gỗ chặt từ rừng gần đó, với mái tranh lợp thành nhà trên khu đất cao quay ra biển, đã có liền 30 người được Rửa tội. Tới tháng 11.1963, khi số giáo hữu đã tương đối, một ngôi nhà thờ kiên cố hơn bắt đầu được xây dựng và gần một năm sau thì khánh thành. Số giáo hữu trong vùng Ghềnh Ráng ngày càng đông. Đó là buổi sơ khai của nhà thờ Núi.
Bàn thờ được thiết dựng bằng đá cảnh tự nhiên |
Năm 1965, tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Ghềnh Ráng ngày nay (nằm dưới chân núi), cha Giuse Nguyễn Sồ dựng một nhà tiền chế khá rộng, vách xây táp lô, lợp tôn, để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho số đông giáo dân di cư từ các giáo xứ trong vùng chiến tranh. Từ thời điểm này, việc kinh lễ hằng ngày của cộng đoàn Dân Chúa được cử hành tại nhà thờ mới. Nhà thờ Núi lúc này chỉ có thánh lễ Chúa nhật. Nhịp sinh hoạt như thế được kéo dài một thời gian, sau đó, tại nhà thờ Núi chỉ có thánh lễ hằng năm vào dịp bổn mạng - lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì nhà thờ Ghềnh Ráng bên dưới núi chỉ cách vài trăm mét, lại rộng rãi và có sinh hoạt sống đạo ổn định. Tuy vậy, hằng ngày vẫn có giáo hữu đến kính viếng Đức Mẹ tại hang đá...
Sau năm 1975, nhà thờ Núi được chính quyền trưng dụng và dần xuống cấp, nhưng Đức Mẹ tại hang đá vẫn luôn được giáo dân trong vùng thường xuyên lui tới nguyện cầu. Đến năm 2004, tỉnh Bình Định giao lại cho Tòa Giám mục Qui Nhơn khu vực nhà thờ Núi cũ và hang đá này, với tổng diện tích 1.602m2, đồng thời cấp phép xây dựng. Giữa 2005, Tòa Giám mục khởi công xây dựng lại nhà thờ Núi sau 40 năm mưa nắng, gió biển làm hoang phế. Cha Gioan Võ Đình Đệ nhận trách nhiệm tổ chức thi công cũng như quản lý toàn bộ công trình. Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn - Giám mục GP Qui Nhơn lúc bấy giờ - quyết định thành lập khu vực nhà thờ Núi thành Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của giáo phận.
2.
Nếu đối chiếu với hình ảnh tư liệu, sẽ khó lòng nhận ra ngôi nhà thờ của ngày cũ, bởi có quá nhiều biến đổi. Nhà thờ Núi hôm nay độc đáo hơn, đẹp hơn và không còn sự xập xệ như miêu tả của cha Diên thuở trước, chỉ riêng hang đá Đức Mẹ dường như còn giữ nguyên trạng, được trang trí thêm đèn và gia cố chân đế.
Chúng tôi may mắn có những giờ được cha Gioan Võ Đình Đệ - người đứng ra thiết kế, xây dựng ngôi thánh đường - kể cho nghe về quá trình hình thành ý tưởng, cũng như các dụng ý sử dụng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng…, và cả những khó khăn lúc nương theo địa hình đá núi để làm nhà thờ…, nên có thêm nhiều cảm nhận khi thăm thú công trình kiến trúc trang nghiêm nhưng không kém phần thơ mộng này.
Ghế chủ tế, bục giảng |
Phải nói rằng, đi lên đi xuống giữa các khu vực của toàn bộ khuôn viên thánh đường được xây trên khu đồi với độ dốc trên 30% luôn tạo cho khách cảm giác mới lạ và ngạc nhiên. Từ cổng vào, thay vì đường, là xuyên suốt những bậc cấp: thẳng cũng cấp mà rẽ cũng cấp. Sau từng khúc quanh là một mảng tường hay một khối công trình liên kết với tổng thể hiện ra. Hài hòa và tiện ích, nổi bật mà không sặc sỡ. Chính địa hình gập ghềnh vô tình chia công trình thành nhiều tầng riêng. Rất khó tìm được vị trí nào có thể nhìn một cách bao quát tổng thể. Địa thế này đã tạo ra trong quần thể những khu vực riêng như nhà thờ, hang đá Đức Mẹ, đàng thánh giá, dãy tường có phù điêu các thánh tử đạo tại Qui Nhơn... Tất cả hình thành nên nét đặc biệt khó lẫn. Cha Đệ nói mình đã mất ăn mất ngủ suốt hai năm liền, thao thức đến từng chi tiết. Cha giới thiệu: “Phần sân từ cổng vào có cối đá xay bột, có cối giã gạo, có những cụm đá ong để gợi nên chút không gian Việt. Trong không gian Việt này có phù điêu Chúa Giêsu Thánh Thể, biểu hiệu trung tâm Thánh Thể của giáo phận. Còn phần giữa khu đồi là nhà thờ. Nhà thờ được định vị ở vị trí mới, mặt tiền tháp chuông hướng về phương Bắc, liền sát với vách Cung thánh nhà thờ cũ. Vị trí nhà thờ cũ nằm gọn trong sân gạch đỏ trước tháp nhà thờ mới. Với thiết kế theo ý tưởng ‘con tàu Nôê’ hình bầu dục, phần tháp phía Nam dưới chân thánh giá có phù điêu hình chim bồ câu ngậm cành lá. Phía dưới nhà thờ thì tận dụng làm các phòng nghỉ ngơi hay tạm trú cho các cha đến dâng lễ hoặc giảng phòng, còn bên trong nhà thờ có Nhà Tạm được tạo hình với dáng nhà quê Việt Nam, mái tranh vách đất. Bàn thờ, tòa giảng, tòa giải tội, ghế chủ tế… được thiết dựng bằng đá cảnh thiên nhiên. Tóm lại là nét Việt, hồn Việt cũng như ý tưởng hòa hợp thiên nhiên trong xây dựng là chủ đạo”. Mà thật sự, chúng tôi đã dễ dàng nhận ra sự thoải mái, bình an, gần gũi, ấm cúng… khi rảo bước lên những bậc cấp, chạm tay vào cái sần sùi, thô ráp mà mát lạnh của đá. Trên lối đi dẫn vào khuôn viên, trong tiếng sóng biển rì rào, có thể hồi tưởng một chút về lịch sử giáo phận Đàng Trong, về một thời hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất vốn có lòng đạo sốt mến này, qua các tượng á thánh Anrê Phú Yên, thánh Gagelin Kính, thánh Anrê Kim Thông, thánh Giám mục Têphanô Thể…
Hang đá Đức Mẹ còn giữ nguyên trạng như thuở ban đầu |
Thánh lễ chiều hôm ấy, người tham dự không nhiều, trái hẳn với sự đông đúc trong thánh lễ chiều thứ Bảy và Chúa nhật, vì khách du lịch cuối tuần thường đông, còn giáo dân tại chỗ ngày thường đã đi lễ ở nhà thờ Ghềnh Ráng dưới chân núi. Một chi tiết ngoài lề, rằng thánh lễ mỗi ngày dù ít giáo dân nhưng lại là những người giáo dân lớn tuổi có ao ước được rước Chúa mỗi ngày, nhưng vì bận rộn lo cơm nước cho gia đình nên đến 6 giờ chiều mới tranh thủ lên đi lễ. Suốt nhiều năm, hơn chục người như vậy đều đặn dự lễ mỗi ngày, quen thân nhau, nhịp nhàng chia sẻ các công việc như chuẩn bị đồ lễ, đọc sách thánh, hát, xướng kinh, giúp lễ...
Ngôi giáo đường trên đồi thi nhân bây giờ có hướng nhìn ra biển, thấp thoáng bên những rặng phi lao, mở cửa ban ngày để mọi người có thể ghé vào chọn một góc thinh lặng chầu Thánh Thể, dâng lời cầu nguyện…; và luôn có lễ mỗi chiều, thuận tiện cho khách xa, nhất là các đoàn hành hương, sau khi viếng mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử.
Minh Hải
Bình luận