Ðến Ðankar, xứ đạo của hơn 90% giáo dân người Châu Mạ thuộc giáo phận Xuân Lộc để được nghe, nhìn và cảm nhận sự chân chất, lòng nhiệt thành của những Kitô hữu dẫu còn nhiều khốn khó nhưng luôn hết lòng sống với đức tin.
|
Giáo xứ Đankar |
Xứ đạo nghèo
Phụ nữ dân tộc Châu Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải truyền thống với những hoa văn tinh xảo hình chim thú, hoa lá nhiều màu sắc. Nhưng khi kỹ nghệ phát triển, các sản phẩm dệt may công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú... với giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm thủ công, các chị em có tay nghề dệt trong xứ dần bỏ nghề bởi chi phí duy trì cao mà sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ. “Dệt vải tốn công lắm, không bán được thì không có tiền ăn nên tôi đi làm thuê, không dệt lâu rồi”, một chị giáo dân người Mạ nói với chúng tôi.
|
Lấy nước tại hệ thống máy lọc nước miễn phí của họ đạo |
Không chỉ dệt, nghề rèn sắt nổi tiếng trong các làng người Châu Mạ lúc xưa cũng chẳng còn nữa. Trong xứ trước kia có 1 cụ ông rất giỏi rèn nhưng đã đi theo con cái di cư đến vùng khác, chẳng ai biết tin gì về ông nữa. Linh mục chánh xứ Giuse Đinh Văn Thành cho biết: “Bà con xứ Đankar đa phần là nông dân, song là nông dân không ruộng đất. Họ phải đi làm thuê, quanh năm suốt tháng quần quật mà có lúc còn chẳng đủ ăn nên đòi hỏi họ giữ lại nghề truyền thống khi điều kiện gia đình chưa ổn định là điều khó khăn”. Anh K’ Văn Tới (35 tuổi), một giáo dân trong xứ kể chỉ cách nay hơn 10 năm, xứ đạo còn nghèo lắm với những con người ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những cánh đồng, với đám trẻ nheo nhóc chạy khắp nơi là ấn tượng khó quên trong những ai một lần ghé. Đăn là đồi núi, kàr là tre nứa, ý nghĩa của cái tên gợi lên hình ảnh xứ đạo mộc mạc nhiều năm trước. Ước mơ lớn lúc bấy giờ là được ăn no, mặc ấm còn chuyện học hành của lớp trẻ thì đành để sau. “Nhiều nhà không có tiền cho con đi học nên cứ để chúng chạy khắp nơi, đến tuổi thì phụ bố mẹ làm nương, làm thuê kiếm cái ăn”, ông K’Ái - Chủ tịch HĐMV giáo xứ hồi tưởng. Thế nên, cái nghèo mãi đeo đẳng, đè nặng khiến họ có lúc như tuyệt vọng.
|
Giáo dân Đankar luôn tích cực góp sức vào việc chung - ảnh: Mai Lan |
Niềm tin thắp lên hy vọng
Cùng với việc họ đạo được nâng thành xứ và có mục tử đồng hành, trang sách mới cũng được mở ra. Cha sở thấy đường sá trong xứ còn lạc hậu nhiều nên đã vận động và cùng với bà con giáo dân chung sức cải tiến dần dần, trải bê tông những con đường nội bộ để lối đi về không còn gồ ghề, trơn trượt. Bộ mặt chung của họ đạo nhờ đó mà nên đẹp hơn, nếp sinh hoạt thường ngày cũng ngăn nắp hơn.
Ngày chúng tôi đến thăm, cả khuôn viên nhà thờ rộng rãi vang rộn tiếng cười đùa của thiếu nhi. Dịp hè không phải đến trường, đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của các bạn nhỏ. Bé trai rủ nhau chơi tạt dép, đá banh, bé gái cùng ôn lại điệu múa chuẩn bị cho hội thao giáo xứ sắp tới. Xen vào đó là tiếng chổi xào xạc, tiếng nói cười của các bà, các mẹ đang quét dọn, làm sạch ngôi nhà chung. Vị chủ chăn xứ đạo nói: “Ở nhà các em không có không gian để thỏa thích vui chơi nên nhà thờ là nơi thích hợp nhất. Các em đến đây vừa học vừa chơi, đồng thời cũng làm cho bầu khí xứ đạo thêm sống động”. Với sự khuyến khích, hỗ trợ của cha sở và nhiều phía, con đường học hành của đám trẻ nay được kéo dài hơn. Có những năm, cha chánh xứ còn mời các giáo viên, nữ tu về dạy các môn toán, tiếng Việt, Anh văn để bổ túc kiến thức cho các em. Những phần quà, học bổng được trao hằng năm góp phần khích lệ tinh thần hiếu học. Dẫu cho số lượng theo học cấp 3, cao đẳng, đại học còn rất khiêm tốn nhưng cũng thắp lên ánh sáng cho ngày mai của vùng quê nghèo.
|
Sân nhà thờ rộng rãi là khu vui chơi quen thuộc của các bạn nhỏ - ảnh: Mai Lan |
Suốt 9 năm qua, 102 ngôi nhà tình thương đã được xây lên, 200-250 phần quà là nhu yếu phẩm được trao đến những gia đình khó khăn mỗi tháng, máy lọc nước trong khuôn viên thánh đường vẫn đều đặn cung cấp nguồn nước sạch, an toàn cho bà con. Những hoạt động này được cha sở khởi xướng và nhận được sự chung sức từ nhiều người. Cộng đoàn vẫn có nhiều trăn trở trong đời sống nhưng khi được giao phụ trách việc chung thì sẵn sàng tham gia. Các hội đoàn trong xứ vẫn đều đặn sinh hoạt và phát triển như bao nơi khác. “Đankar nghèo nhưng con người thật thà, luôn tích cực khi giáo xứ có việc cần. Có lần nọ, một chị tín hữu Tin Lành đến xin tôi giúp gia nhập đạo vì ‘thấy nhà thờ vui quá’. Tôi nghĩ truyền giáo đôi khi chỉ đơn sơ vậy thôi”, linh mục chánh xứ nhận định.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Đankar ngày nay đang khoác lên mình bộ mặt mới không chỉ ở cơ sở vật chất khang trang mà còn ở đời sống đạo sôi nổi. Bà con giáo dân vẫn còn nghèo, đời sống còn gập ghềnh khó khăn, nhưng nụ cười chân chất vẫn luôn nở trên môi, niềm tin vẫn âm thầm hun đúc cho ngọn lửa hy vọng về tương lai tốt đẹp mai sau.
Trước khi thành lập giáo xứ Ðịnh Quán, đã có anh chị em Công giáo người dân tộc thiểu số từ Di Linh, Lâm Ðồng xuống khu vực đồi 112 mọc đầy tre nứa để sinh sống. Họ đạo Trung Hiếu (Bòn Yàng Kơlỵ) được thành lập. Thời gian đầu, vào thập niên 1960, cha Giacôbê Trần Mạnh Thắng thường xuyên đến đây giúp đỡ bà con giáo dân. Một năm sau, họ đạo Trung Hiếu được đổi tên thành Ðankar và trực thuộc giáo xứ La Ngà. Năm 1971, một số đông anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số được rửa tội tại đây và linh mục Antôn Nguyễn Tuế, chánh xứ Ðịnh Quán được giao coi sóc giáo họ này. Khi linh mục Giuse Phạm Hùng Sơn được cử làm chánh xứ Ðịnh Quán và quản nhiệm giáo họ, ngài đã cùng với cộng đoàn khởi công xây dựng nhà thờ với kiểu dáng nhà rông dài của dân tộc Châu Mạ - K’Ho. Năm 2008, nhà thờ mới được khánh thành và cũng chính thời gian này, Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh (Giám mục Xuân Lộc từ năm 2004-2016) nâng Ðankar lên thành giáo xứ và đặt cha Giuse Ðinh Văn Thành làm chánh xứ tiên khởi. |
MAI LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.