Thứ Sáu, 10 Tháng Bảy, 2015 14:59

Người nối nhịp cầu liên tôn

Những năm gần đây, mối quan hệ giữa các tôn giáo trên địa bàn TPHCM rất thân tình với những cuộc gặp gỡ, đối thoại và cùng chung tay trong nhiều lãnh vực bác ái nhằm giúp đỡ người khó khăn và xây dựng xã hội ngày một phát triển. Về phía Công giáo, một trong những mối nối để nhịp cầu liên tôn ngày một thắt chặt, vươn xa chính là linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Đặc trách Đối thoại Liên tôn TGP TPHCM...

Những cơ duyên và niềm cậy trông

Tiếp chúng tôi trong văn phòng Đối thoại Liên tôn TGP TPHCM thuộc Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, số 6bis Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM - một căn phòng nhỏ nhưng có khá nhiều sách báo, tranh ảnh, tặng vật từ những tôn giáo khác, chẳng hạn tượng Chúa Giêsu thiền sư (do tỉnh dòng Phanxicô Úc tặng) mang tính hội nhập văn hóa và liên tôn – linh mục Bảo Lộc bắt đầu câu chuyện bằng những lời thăm hỏi thân tình và nụ cười hiền...

Phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thành lập cơ quan phổ thông giáo lý Đại đạo Cao Đài 

Sau năm 1978, khi Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đóng cửa, như bao chủng sinh khác, thầy Bảo Lộc gián đoạn việc tu học, phải sớm ra đời bươn chải với nhiều ngành nghề (bơm mực bút nguyên tử, thợ chụp ảnh...) và tiếp xúc với rất nhiều hạng người. Nhưng chính khoảng thời gian làm mây tre lá ở Tổ lá Bạch Đằng, Hợp tác xã mành trúc Đồng Tâm; tham gia lao động ở nông trường Phạm Văn Cội II; phụ trách lớp học Tình thương Tân Định... đã giúp thầy có thêm vốn sống và kinh nghiệm đối nhân xử thế. Cũng trong giai đoạn này, rất nhiều chủng sinh đã chọn một lối đi khác nhưng thầy vẫn cảm thấy hạnh phúc trong lựa chọn của mình và luôn tin tưởng rằng cuộc đời thế nào đều do chính Chúa sắp đặt, nên ngày 27.6.1992 thầy đã được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt tay phong chức linh mục. Rồi cũng chính ngài đã gợi ý để cha Bảo Lộc nghiên cứu sâu về Thần học Tôn giáo (lãnh vực Tín lý). Thời điểm đó, các Đại Chủng viện ở Việt Nam chưa có ngành này, môn thần học này mới có ở Học viện Công giáo châu Âu vào những năm 1970. Sau một thời gian học tại Học viện Công giáo Toulouse – Pháp, cha Bảo Lộc về nước vào năm 2006 và đã đưa môn Thần học tôn giáo vào giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ năm 2007. Sau đó, Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP TPHCM lúc bấy giờ, muốn thành lập một Ban giúp ngài liên hệ với chức sắc các tôn giáo khác, thế là ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (ĐTLT) ra đời vào ngày 05.12.2009, do cha Bảo Lộc làm Trưởng ban. 

Dắt các chủng sinh thăm pháp viện Minh Đăng Quang 

Dù ở một số giáo phận khác, việc gặp gỡ liên tôn đã có từ nhiều năm trước nhưng chủ yếu do cá nhân (Giám mục, linh mục, tu sĩ) hoặc giáo xứ thực hiện, chưa nơi nào thành lập một ban ngành có cơ chế. Vậy nên có thể nói ban MVĐTLT của giáo phận TPHCM là đi đầu. Bởi tiên phong mà cha Bảo Lộc cũng gặp đôi chút khó khăn khi bắt đầu tiến hành, khởi đi từ việc tìm kiếm và đào tạo nhân sự hiểu biết và tha thiết tương quan với người khác đạo. Dầu vậy, với niềm cậy trông vào Chúa tuyệt đối cộng với nỗ lực bản thân, cha đã thích ứng rất nhanh và cùng với các thành viên của Ban tạo được nhiều cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và các tôn giáo khác trong địa bàn TPHCM. “Ngày còn bé, tôi là một Ấu sinh rồi làm Đầu đàn trưởng và trở thành một Thiếu sinh trong phong trào Hướng đạo nên luôn tâm niệm phải làm một việc thiện và làm vui lòng ít nhất một người mỗi ngày. Trong môi trường Hướng đạo, chúng tôi cũng không phân biệt tôn giáo và luôn thích ứng trước mọi hoàn cảnh, cộng thêm khoảng thời gian vào đời bươn chải trước khi làm linh mục, đã giúp tôi nhận ra chính sự khác biệt đã làm phong phú đời sống tinh thần và tâm linh của mình. Ngay khi còn phục vụ tại giáo xứ Vườn Chuối, tôi cũng thường xuyên thăm hỏi tôn giáo bạn trên địa bàn giáo xứ nên rất hạnh phúc khi làm mục vụ ĐTLT”, cha chia sẻ.  

Niềm vui vượt ranh

Khởi đi từ đó, các cuộc gặp gỡ giữa giới Công giáo thành phố với Phật giáo, Cao Đài, Baha’i, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Minh Lý Đạo... ngày một thường xuyên, nhất là vào ngày lễ lớn của các tôn giáo. Nhiều lãnh đạo tôn giáo đã đến viếng thăm Tòa Giám mục, dùng cơm chay thân mật với Đức Hồng y, với các Đức Giám mục và Ban ĐTLT. Ngược lại, phía Tòa Giám mục cũng hay nhờ Ban đến các chùa, thánh thất, nhà thờ Tin Lành để thăm viếng. Từ Tòa Giám mục, việc gặp gỡ, đối thoại với tôn giáo bạn tại các giáo hạt, giáo xứ ngày một nhân rộng. Nhiều chương trình bác ái hướng đến người nghèo, đồng bào bị lũ lụt phối hợp giữa giới Công giáo thành phố và các tôn giáo bạn ngày một nở rộ. Nổi bật nhất là sự cộng tác ở phòng khám từ thiện Tam Tông Miếu và phòng khám nhà thờ Phanxicô Xaviê (nhà thờ cha Tam). Đặc biệt, từ ngày 27.10.2011 cho đến nay, giáo phận thường xuyên tổ chức chương trình Hội ngộ liên tôn vào ngày 27.10 đã quy tụ hàng trăm chức sắc, tín đồ đến từ các tôn giáo khác để cùng gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ theo từng chủ đề chung.

Để mối quan hệ thêm gần, để các tôn giáo hiểu nhau hơn, cha Bảo Lộc cùng ban ĐTLT còn cùng đạo hữu các tôn giáo thực hiện tập san Nhịp cầu tâm giao ấn bản hằng quý và website nhipcautamgiao.net. Tại hai kênh thông tin này, Công giáo thành phố và các tôn giáo bạn đã giới thiệu về giáo lý, đức tin, hoạt động... của mình qua các bài viết, hình ảnh khắc họa rõ nét về từng tôn giáo để làm phong phú hơn đời sống tâm linh của các tín đồ. “Có người Công giáo e sợ khi đối thoại sẽ bị cuốn hút xa rời niềm tin Kitô giáo. Nhưng qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với anh em tôn giáo bạn, nhiều người trong anh em chúng tôi đã cảm nhận những điều tốt đẹp, những giá trị của tôn giáo bạn, để rồi suy nghĩ, khám phá thêm sự độc đáo trong niềm tin của chính mình. Ví dụ khi chúng tôi tìm hiểu về từ bi, hỷ xả của anh em Phật tử, chúng tôi suy nghĩ thêm về Đức ái để rồi cảm nhận không chỉ “Yêu như Thầy” mà còn “hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đây là những giá trị, mà hình như xét về mặt đối ngoại thì người Kitô hữu nói chung và Kitô hữu Việt Nam nói riêng, chưa làm nổi bật hai đặc điểm mà Chúa Giêsu yêu cầu trong cách nghĩ, cách nói và hành động”, cha giải thích.

Cha có mối quan hệ thân tình với nhiều chức sắc tôn giáo bạn 

Là giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn và Giám học Học viện Mục vụ TGP TPHCM, cha Bảo Lộc đã đưa nhiều chương trình liên quan đến Thần học Tôn giáo, Đối thoại liên tôn (thực hành của môn Thần học Tôn giáo) đến các chủng sinh, tu sĩ và giáo dân. Để các tu sĩ, chủng sinh hiểu hơn và tự tin khi tiếp xúc với tôn giáo bạn, cha đã liên hệ với các tôn giáo khác để dẫn các chủng sinh tham quan các chùa, thánh thất... và tiếp xúc với lãnh đạo, tín đồ của các tôn giáo khác. “ĐTLT là phương thế để loan báo Tin Mừng. Đi đến các tôn giáo khác không phải để cải đạo mà là đối thoại trong cuộc sống. ĐTLT không chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo tôn giáo mà còn là trách nhiệm của giáo dân, vì chính những giáo dân mới là người tiếp xúc với các tín hữu tôn giáo bạn hằng ngày trong nhiều môi trường sống. Chỉ khi tiếp xúc và đối thoại với tín đồ các tôn giáo khác, bản thân được mời gọi bám chặt  hơn vào Chúa Giêsu để thấy những gì có nơi Chúa Giêsu mà mình chưa thể hiện, để canh tân lòng tin, gắn bó vào Chúa Kitô và sống như Chúa Kitô sống”, cha xác tín.

Nhìn bề ngoài, cha Bảo Lộc có phần nhỏ bé và khiêm nhường nhưng theo Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, Phó trưởng ban Trị sự thành hội Phật giáo TPHCM, đó là con người năng nổ, nhiệt tình và có kiến thức sâu rộng về các tôn giáo. Hòa thượng nhận xét: “Qua các bài phát biểu, những lần tiếp xúc tại các hội nghị và các chuyến thăm của Công giáo thành phố, tôi cảm thấy linh mục Bảo Lộc có rất nhiều đóng góp cho liên tôn thành phố đoàn kết và phát triển”.

Về phần mình, cha Bảo Lộc luôn dành nhiều thời gian để tìm hiểu và học hỏi về tôn giáo bạn. Cha cũng thường được mời chia sẻ tại các thánh thất, cơ quan Phổ thông Giáo lý... để giúp các tín đồ tôn giáo khác hiểu hơn về giáo lý Công giáo. Trước mỗi bài phát biểu cha luôn cầu nguyện và dành nhiều thời gian để soạn bài, qua đó giúp cha hiểu hơn về giáo lý và công việc của họ, đồng thời củng cố đức tin của mình. Cha nhận định: “Sống Đức tin một cách sâu xa đòi hỏi đi đến người khác. Tin tưởng và chân thật là hai yếu tố quan trọng trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác, để sinh hoa quả như lòng Chúa mong ước. Khi đến với anh chị em thuộc tôn giáo khác mà mình không tôn trọng người ta, không tin tưởng, còn mang thái độ độc tôn kiêu ngạo... thì mình chưa đủ thái độ nội tâm cần thiết để tạo bầu khí đối thoại trong tin tưởng và chân thành. Đây là một trong những thách đố đối với người môn đệ Chúa Kitô hôm nay”.

Đức Hồng y Joseph Arinze, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đặc trách ĐTLT, đã nói cuộc đối thoại liên tôn là một con đường dài và đầy khó khăn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dấn bước trên con đường này. Thật vậy, linh mục Bảo Lộc, Đặc trách Đối thoại Liên tôn TGP TPHCM, người mạnh dạn dấn thân trên con đường “liên tôn” đã tìm thấy tình huynh đệ, sẻ chia và đức tin Công giáo ngày một sâu xa và mãnh liệt hơn.

Đinh Mưa

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm