Thứ Năm, 28 Tháng Mười, 2021 22:43

Người cung ứng thực phẩm cho bếp tu sĩ phục vụ tuyến đầu

 

Gần 3 tháng hoạt động, 12 Bếp cơm Tu sĩ đặt tại 12 dòng ở Sài Gòn đã được ông Giuse Lê Thanh Liêm cung ứng nguyên liệu, thực phẩm. Ông thuộc giới Doanh nhân Công giáo và thường xuyên tham gia các chương trình bác ái xã hội của Tổng Giáo phận.

 

Với 23 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, ông Lê Thanh Liêm đã được Tòa Tổng Giám mục tin tưởng và mời cộng tác tổ chức chuỗi Bếp cơm Tu sĩ trong suốt nhiều tháng thành phố bùng dịch dữ dội, qua việc lên kế hoạch sản xuất, chế biến, dự trù và cung cấp nguyên liệu cho các bếp. Chuỗi Bếp cơm Tu sĩ của Tòa Tổng Giám mục có 12 bếp, đặt tại các dòng, trong đó có 1 bếp đặt tại Văn phòng Hội đồng Giám mục VN. Trung bình mỗi ngày, 12 bếp cung cấp tổng cộng khoảng 3.000 phần cơm. Các suất ăn này được Tòa Tổng Giám mục phân phối, gởi đến tuyến đầu, các bệnh viện đang điều trị Covid-19, phục vụ nhân viên y tế, bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bếp Tu sĩ đặt tại dòng Đức Bà Truyền Giáo

Chịu trách nhiệm cung ứng nguyên liệu, thực phẩm nên thực đơn các món ăn cũng do ông Liêm lựa chọn: “Thực đơn do bộ phận chuyên môn xây dựng với sự góp ý của các dòng tham gia chuỗi Bếp Tu sĩ. Thực đơn này được cân đối dinh dưỡng một cách khoa học, bao gồm các món ăn phổ biến thường ngày của người Việt Nam, hài hòa khẩu vị giữa ba miền. Trong thời gian dịch hoành hành nghiêm trọng, chúng tôi cũng phục vụ cho các bệnh viện và khu cách ly. Chúng tôi lấy các suất ăn này làm chuẩn cho các Bếp Tu sĩ nên chất lượng tương đương với các suất ăn dành cho bệnh nhân và nhân viên y tế trong các bệnh viện lớn của thành phố. Ðây là công việc chuyên môn của công ty chúng tôi, nên tiến hành khá dễ dàng”.

3 ngày 1 lần, mỗi bếp cơm sẽ được cung cấp khoảng 500kg nguyên liệu, thực phẩm. Với kinh nghiệm quản trị một doanh nghiệp chuyên ngành thực phẩm, ông Liêm nhận rau, củ, quả, thịt, cá… từ những nhà cung cấp có uy tín, nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hai loại hộp đen và trắng dùng để đựng các phần ăn sau khi chế biến không phải là loại hộp xốp thông dụng ngoài thị trường, mà là loại có đăng ký hợp quy để sử dụng cho thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. So với thời điểm bình thường, việc cung ứng thực phẩm cho các Bếp Tu sĩ trong giai đoạn giãn cách cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Ông Liêm bày tỏ: “Về mặt thuận lợi, chúng tôi có sẵn nguồn cung ứng nguyên liệu, đồng thời cũng được hỗ trợ từ nguồn thực phẩm trao tặng, phần lớn là gạo và rau, củ, quả từ các tổ chức trong và ngoài Giáo hội. Nhiều nơi bán rẻ không lấy lời vì biết chúng tôi làm bếp ăn bác ái, phục vụ nhân viên y tế ở tuyến đầu và bệnh nhân. Trong những tháng thành phố giãn cách xã hội, tuy nguồn thực phẩm không thiếu nhưng khâu vận chuyển lại gặp khá nhiều khó khăn làm tăng chi phí, thời gian vận chuyển kéo dài, chậm trễ kế hoạch cung ứng, thậm chí làm hỏng thực phẩm phải bỏ đi. Khó chỗ nào, chúng tôi tìm cách tháo gỡ, khắc phục chỗ đó, để không ảnh hưởng đến công việc chung. Vì thế, suốt thời gian qua, các bếp cơm đều đỏ lửa, cho ra lò hàng ngàn phần cơm mỗi ngày”.

Các phần cơm được chuyển đến tuyến đầu 

12 bếp cơm hoạt động suốt cả tuần. Hằng ngày, mỗi dòng nhận chế biến từ 200 - 500 phần ăn. Có thời điểm, một vài bếp đã phải ngưng hoạt động vì cộng đoàn có người nhiễm SARS-CoV-2, nhưng lập tức có dòng khác thay thế. Chia sẻ về tinh thần làm việc của các nữ tu, ông Liêm thổ lộ: “Thật lòng, tôi rất an tâm khi quản lý chuỗi Bếp ăn Tu sĩ này. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải nhắc nhở các nữ tu về kỹ thuật chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản thực phẩm nhưng lại thấy hơi thừa, vì các sơ vốn đã quen phục vụ người khác nên các công việc này không quá xa lạ, cộng thêm các chị luôn có lòng bác ái, tôn trọng, tận tụy phục vụ tha nhân nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm với những suất ăn do các dòng đảm nhận”.

Vì quy định giãn cách, đồng thời cũng để bảo vệ cho người khác nên suốt thời gian điều phối bếp cơm, ông Liêm chủ yếu kết nối, làm việc, trao đổi với mọi người qua tin nhắn, điện thoại, hỗ trợ bằng hình ảnh và clip chứ không gặp trực tiếp. Nhân viên của ông và các nữ tu tại 12 bếp cơm là những người làm việc với nhau nhiều nhất. Tuy không gặp trực tiếp, nhưng mọi người hợp tác rất suôn sẻ. Ai cũng đồng lòng, luôn thông cảm và cùng nhau giải quyết những khó khăn, trục trặc xảy ra suốt thời gian bếp cơm hoạt động. Vị doanh nhân chia sẻ: “Chỉ có các thầy Ðại Chủng sinh lo việc vận chuyển vật tư và nguyên liệu thực phẩm là tiếp xúc với cả hai bên. Các thầy là những người rất vất vả, phải đi ra ngoài nhiều và vì thế cũng chịu nhiều rủi ro nhiễm bệnh nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ các thầy còn trẻ, đây cũng là cơ hội để dấn thân, tích lũy thêm nhiều trải nghiệm để trở thành một mục tử tương lai. May thay, đến giờ phút này, các thầy vẫn bình an và đã bàn giao công việc để quay lại với việc học”.

Nhớ lại một ấn tượng khó quên khi lo liệu cung ứng nguyên liệu cho Bếp Tu sĩ, ông Liêm bồi hồi: “Trong thời giãn cách, việc các nhà cung cấp thực phẩm và vật tư giao đến tận nơi cho Bếp Tu sĩ là một vấn đế nan giải vì có nhiều nhà cung cấp các mặt hàng khác nhau. Chúng tôi phải tập trung tất cả vào một nơi sau đó dùng xe tải nhỏ phân phối từng ‘tổng phần’ cho mỗi bếp. Như vậy, thường thì chúng tôi dùng 2 xe để phân phối cho 12 bếp ăn. Các thầy Ðại Chủng sinh đang làm việc này một cách suôn sẻ thì một ngày nọ, cha Giuse Ðào Nguyên Vũ - Ðại diện Tòa Tổng Giám mục trong các chương trình cứu trợ và chống dịch của TGP - báo: ‘Hôm nay chưa xin được giấy đi đường nên phải nhờ bên chùa Vĩnh Nghiêm chuyển hàng cho mình!’. Khá bất ngờ, tôi quan sát trên hệ thống máy quay an ninh, thì thấy cả chục chiếc xe du lịch lần lượt từng chiếc một vào kho để nhận hàng, vì sức chứa mỗi chiếc chỉ nhận được hàng của một bếp thôi. Ðây là xe tư nhân tham gia thiện nguyện với nhà chùa. Mấy chiếc xe tải nhỏ mà cha Vũ sử dụng cho các thầy đi giao hàng cũng là xe chở nhạc cụ của một doanh nghiệp Công giáo làm thiện nguyện. Qua đó, mới thấy rằng sự hiệp thông và hợp tác trong chương trình này thật là phong phú”.

Mỗi suất cơm luôn đảm bảo chất lượng

Trải qua gần 3 tháng hoạt động, với sự cộng tác của trên 100 người, đến nay Bếp Tu sĩ đã phục vụ hơn 200.000 suất cơm cho tuyến đầu và người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch.

NHÃ VĂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm