Ðã tạo nên hơn 100 mẫu tượng điêu khắc chuyên về đề tài Công giáo, điêu khắc gia Mai Văn Chương còn là một trong những người có xưởng điêu khắc có thể cung cấp ảnh tượng xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ những năm 2000, bằng sự tinh xảo, khéo léo và cả năng lực sản xuất tượng với số lượng lớn lại có giá cạnh tranh, tượng của xưởng Mai Văn Chương đã tìm được con đường “xuất ngoại” bền vững. Hiện nay, các mẫu đa dạng đề tài về tượng thờ Công giáo của điêu khắc gia ở tuổi ngũ tuần này có chỗ đứng uy tín với các bạn hàng lâu năm trên 10 quốc gia, đặc biệt ở những thị trường vốn nổi tiếng là cái nôi của ảnh tượng Công giáo như Anh, Pháp, Philippines...
![]() |
Điêu khắc gia Văn Chương bên mẫu tượng gia đình thánh gia do ông tạo mẫu |
Chúng tôi đến nhà và cũng là xưởng của điêu khắc gia Mai Văn Chương trong một con hẻm cụt, thuộc TP Thủ Ðức giữa những ngày xưởng bận rộn. Khắp các tầng lầu (mỗi tầng một công đoạn sản xuất) là tượng bày kín lối. Kích thước, mẫu mã đều đa dạng. Nhà điêu khắc vừa dẫn khách tham quan vừa không quên giới thiệu về nhà xưởng của mình. Theo đó, cơ ngơi hiện tại chỉ mới hiện diện ở đây một vài năm, còn trước kia xưởng cũ nằm đối diện nhà thờ Fatima Bình Triệu. Xưởng mới không xa xưởng cũ nhiều nhưng yên tĩnh, tách biệt hơn. Xưởng điêu khắc này đã tạo việc làm cho mấy chục lao động cũng như dạy nghề cho một số thanh niên muốn theo nghiệp tạc tượng. Dù còn có nhiều khó khăn từ tình hình dịch bệnh, nhà điêu khắc đến từ quê hương Nam Ðịnh không thiếu sự lạc quan “xưởng vẫn sản xuất đều và vẫn duy trì hoạt động”.
![]() |
Trong câu chuyện trà nước, chúng tôi được rõ hơn về con đường bám trụ và thăng hoa với nghề cũng như nhiều suy tư của điêu khắc gia Mai Văn Chương. Ông kể rằng bắt đầu học nghề từ năm 16 tuổi. Tính đến nay, ông có hơn 30 năm say mê với nghề. Quê nhà ông thuộc giáo phận Bùi Chu, thường có những làng nghề chuyên về điêu khắc tượng gỗ, những nghề thủ công tinh xảo… Ông say mê các tác phẩm ảnh tượng Công giáo từ khi còn nhỏ. “Trong lời khấn thuở bé với Ðức Mẹ, tôi xin cho được trở thành nhà điêu khắc. Tôi bắt đầu tự mày mò làm theo cảm tính, rồi sau đó thi và học chuyên nghiệp ở trường lớp. Vừa học vừa làm, chưa ra trường, tôi đã mở một xưởng nho nhỏ cùng với vài người anh em trong nghề và trải qua không ít khó khăn mới có được như hôm nay…”, ông Mai Văn Chương nhớ lại. Trong câu chuyện vui, ông kể rằng thật ra ông cũng muốn đi tu khi còn trẻ, nhưng ông đã rẽ bước sau nhiều lần tìm hiểu. Với ông, lựa chọn làm ảnh tượng Công giáo, say mê với các bức tượng Chúa, Mẹ cũng chính là một cách âm thầm phục vụ Giáo hội trong niềm cảm mến của mình.
![]() |
Các khâu hoàn thành một bức tượng hoàn chỉnh |
Truyền tải niềm tin vào những bức tượng từ cảm xúc rất thật của mình chính là cốt lõi mà ông theo đuổi. Trong tâm tình của người nghệ sĩ Công giáo, ông chia sẻ: “Tôi cố gắng làm toát lên cái “thần” của tác phẩm để hy vọng giúp mỗi ai bắt gặp được cảm giác an ủi, niềm tin khi sở hữu bức tượng”. Có lẽ vì vậy mà không ít người đã quan tâm đến tượng của Mai Văn Chương bởi thần thái gương mặt, ánh mắt từ tác phẩm của ông luôn có hồn, cuốn hút, mà thanh thản, gần gũi. Nhà điêu khắc này quan niệm, những ảnh tượng thanh thoát sẽ giúp nâng tâm hồn lên. Do đó, ông luôn cố gắng “thổi hồn” làm bật nét tôn nghiêm, đặc biệt thể hiện nét thiện mỹ qua từng đôi mắt. Ông cũng là người rất chú trọng yếu tố tâm hồn, đức tin nên trước khi bắt tay vào khắc họa đường nét tượng, ông luôn dành thời gian suy niệm nội dung, ý tưởng thần học. Cầu nguyện trong sự an tĩnh là điều không thể thiếu với ông khi sáng tác.
Các tác phẩm của ông chủ yếu bằng chất liệu polyester và sợi thủy tinh, có ưu điểm nhẹ, bền, dễ đổ khuôn sản xuất số lượng lớn. Một điểm đặc biệt đó là mẫu tượng của xưởng Mai Văn Chương luôn có đăng ký bản quyền. Thương hiệu và bản quyền tác giả được đăng ký chính là một trong những nguyên nhân khiến ảnh tượng của xưởng dễ dàng xuất khẩu và dần có được chỗ đứng trong các thị trường nước ngoài…
Minh Minh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.