“Văn hóa của người dân tộc là cả một kho báu!”, linh mục Augustinô Phạm Minh Thanh, chánh xứ Tân Văn (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cứ nhắc đi nhắc lại ý tưởng này khi kể về hành trình mục vụ cho người dân tộc trong suốt nhiều năm qua.
|
Linh mục Augustinô Phạm Minh Thanh |
Tìm hiểu và giữ gìn
Bên cạnh phòng khách của cha Thanh, có một căn phòng đầy ắp bình gốm, tranh ảnh, cồng chiêng, sách vở... Tất cả đều nhuốm một màu cũ kỹ, cổ xưa. Trong số đó, nhiều lưu vật mang đậm chất văn hóa, nét hồn riêng của người dân tộc. Qua giọng nói say sưa khi nhắc đến những tập tục, nghi lễ của đồng bào dân tộc, cha như hút hồn người nghe vào chặng đường phục vụ đã đi qua, không ngắn, và cũng chẳng dễ dàng. Mối bận tâm xuyên suốt đời mục tử của cha là làm sao gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Khi về nhận xứ ở Langbiang năm 1991, cha đã nảy sinh niềm trăn trở này.
![]() |
Một buổi giao lưu cồng chiên của anh em dân tộc |
Giáo xứ Langbiang thuộc huyện Lạc Dương – Lâm Đồng. Tại Lạc Dương, về phía Tây, có ba xã thuộc vùng xa là Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông. Thời điểm đó, người dân tộc ở các vùng này muốn đến nhà thờ Langbiang phải đi bộ gần trăm cây số đường rừng. Mỗi lần có giáo dân đến, cha Thanh lo tươm tất cho họ thánh lễ cũng như giải tội, rửa tội cho trẻ nhỏ. Khoảng năm 1995, cha tổ chức để giáo dân về dự các lễ lớn như Phục sinh, Giáng sinh có thể ở lại nghỉ ngơi. Mỗi mùa lễ, có khoảng từ 300 – 1.000 người ở vùng xa đổ về. Cha chia nhỏ thành từng nhóm, gởi họ về các xóm xung quanh giáo xứ lưu trú. Hằng ngày, trưởng xóm đến nhà xứ lấy lương thực lo cơm nước cho họ. Trong những dịp này, cha còn tặng họ chăn đắp, tranh ảnh thờ và tràng hạt. Người đau ốm được cho thuốc men. Langbiang ngày đó đã là một nơi có nhiều khách du lịch lui tới. Nhiều lữ khách đã gởi tặng phẩm, tiếp tay với cha chăm lo cho đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, nguồn nhu yếu phẩm được bổ sung thường xuyên. “Giống y phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá!”, cha Thanh bồi hồi nhắc lại câu chuyện cũ.
Thời gian phục vụ tại Langbiang, với lòng quý mến văn hóa cồng chiêng, cha đã viết nên một kịch bản dành tặng cho giáo xứ của mình. Mỗi lần anh em dân tộc quy tụ, kịch bản ấy lại được đem ra để mọi người giao lưu. Chính cha cũng là người dẫn dắt câu chuyện về gốc gác Langbiang và lồng ghép vào đây công cuộc truyền giáo đã qua. Những ché rượu cần và xâu thịt nướng thơm lừng được cha sắp sẵn cũng là một hình thức gắn kết, đồng thời làm bật lên được nét hoang dã, hào sảng của những người con núi rừng. Ban đầu, cồng chiêng được biểu diễn tại giáo xứ. Về sau cha giao lại cho các nhóm phụ trách. Hiện tại ở xứ Langbiang, có ít nhất 7 nhóm chuyên biểu diễn cồng chiêng, với phần dẫn chuyện bắt nguồn từ kịch bản của cha Thanh.
|
Cha Thanh và giáo dân trong một buổi sinh hoạt văn hóa |
Thời kỳ ở Langbiang, vốn ngoại ngữ Anh, Pháp đã giúp cha truyền tải những nét đẹp trong văn hóa của người dân tộc đến khách du lịch. Nhờ có cha, một xứ đạo lúc đầu chỉ đơn thuần là có đông người dân tộc trở thành một xứ đạo chứa nhiều sinh hoạt văn hóa đẹp trong mắt khách viếng thăm. Trong hành trình phục vụ, khi được bài sai đến nơi nào, cha đều cố gắng học ngôn ngữ của người dân tộc vùng ấy sao cho trôi chảy cả nói và viết. Cha chia sẻ rằng, người lớn thì không nói nhưng trẻ em dân tộc càng về sau này càng mù mờ tiếng mẹ đẻ. Chúng chỉ nói mà không viết được. Hoặc trong diễn đạt lại phải chêm tiếng Kinh vào. Đối với cha, việc trao đổi với người dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ cũng là góp phần gìn giữ văn hóa từ ngàn xưa.
Từ cây nêu đến cây thập giá
Ở nhà thờ Langbiang, cây thập giá được đặt bên cạnh cây nêu, một biểu tượng văn hóa của người Tây nguyên. Hình ảnh hội nhập văn hóa này luôn được cha thể hiện nơi vùng đông đồng bào dân tộc.
![]() |
Cha Thanh chia sẻ với bà con giáo dân trong đêm Giáng sinh |
Nhờ biết tiếng dân tộc, cha có thể dễ dàng tiếp xúc với họ. Bên cạnh việc góp phần gìn giữ, cha còn thường xuyên nói cho anh em dân tộc biết rằng họ có những phong tục, nghi lễ tuyệt vời. Để từ đó, bản thân từng người cảm thấy tự hào và ý thức hơn trong việc giữ gìn phát huy truyền thống. Cũng nhờ nhịp cầu ngôn ngữ, những chuyến thăm viếng tại địa phương của cha diễn ra thuận lợi. Cha lắng nghe hoàn cảnh của anh em rồi ủi an, gỡ rối và đỡ nâng họ. Từ sự quan tâm, gần gũi đó, đồng bào dân tộc dần đặt trọn niềm tin tưởng vào cha. Kỷ niệm cha có với anh em dân tộc không ít, nhưng làm cha nhớ mãi có lẽ là sự kiện xảy đến khi cha đã chuyển về làm chánh xứ Tân Văn năm 2007. Một buổi chiều tháng mười, trời nhá nhem tối, một anh người dân tộc đến nhà xứ gặp cha và nói bằng tiếng thượng: “Con giao con của con cho cha!”. Trong chiếc giỏ lác anh mang trên tay là đứa bé đã chết vì sinh non. Cha giữ em bé lại để lo chôn cất giúp. Lúc chờ các thứ hòm xiểng hoàn tất, buổi tối phải để em bé trên bàn tại phòng khách. Vì không an tâm, cha đem em treo ở đầu giường để lánh chuột. Ngày hôm sau, cha thông báo về cái chết này tại nhà thờ và đám tang được rất nhiều người tham dự. Sau việc này, cha càng thấy mối dây liên kết giữa mình và anh em càng thêm bền chặt.
Đối với người dân tộc, cồng chiêng là tài sản lớn. Nhà nào được một bộ (gồm có sáu chiếc lớn nhỏ), ví như có ba đứa con, sau này chúng lập gia đình thì bộ đó phải xẻ làm ba, mỗi đứa hai chiếc. Vì vậy, mỗi lần muốn biểu diễn, phải được sự đồng ý của ba nhà. Từ nhiều năm nay, cha Thanh luôn để ý tìm mua các bộ cồng chiêng cổ. Khi đã có đầy đủ, cha đem bộ đó tặng lại cho các giáo xứ. Đến nay, đã có chừng sáu bộ cồng chiêng cổ được cha Thanh trao đi. Tại Tân Văn, dịp lễ lớn, cha Thanh còn cho đưa cả cồng chiêng vào phần âm nhạc trong thánh lễ. Người tham dự lễ nghe được cái hồn của chính dân tộc họ qua từng âm thanh chiêng cồng, cảm thấy gần Chúa hơn và đức tin càng thêm mạnh mẽ. “Cồng chiêng làm tôi gắn bó với Chúa, vì thấy hình ảnh của ngài rất giống những người anh em xung quanh tôi”, bằng giọng lơ lớ, một giáo dân Tân Văn khẳng định. Những hoạt cảnh vào đêm Giáng sinh hay văn nghệ nhân ngày lễ lớn trong năm ở Tân Văn luôn mang tinh thần của người dân tộc, từ trang phục đến từng chi tiết diễn xuất. Điều này cũng chính là chủ ý của cha Thanh để từ chính những gì gần gũi thân thuộc, người dân tộc tăng trưởng trong đời sống đức tin.
Cha Thanh là một người lạc quan vui vẻ. Ông Phaolô Nguyễn Văn Vân, Thư ký giáo xứ Tân Văn đùa: “Tôi từng nghĩ xem có cách nào làm cho ông linh mục này buồn. Nhưng chịu. Lúc nào cũng thấy ông cười hì hì hà hà, dù cho đụng việc gian khổ”. Có lẽ sống quen với người dân tộc, sự giản đơn và lòng nhiệt thành yêu đời đã dần ngấm vào tâm khảm của vị mục tử này. Để ngay cả trong cách nói, công việc loan báo Tin Mừng của ngài vẫn mang một vẻ sinh động lạ lùng : “Vùng đông anh em dân tộc giống như một cánh đồng truyền giáo bát ngát. Chúa gởi tôi vào đấy và tiếp sức cho tôi gieo trồng, thu hoạch...”.
Thiên Lý
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.