Ðó là linh mục Phêrô Trần Lục, quen gọi là Cụ Sáu (1825 - 1899). Ông là tác giả của quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm, nơi đặt trụ sở Tòa Giám mục Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình). Quần thể gồm Phương đình, nhà thờ lớn, bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, nhà thờ đá. Các công trình ngoài kiến trúc theo phong cách Á Ðông nổi tiếng đã được nhiều bài nghiên cứu đề cập, nếu tiếp cận sâu hơn sẽ còn thấy trên mỗi công trình của quần thể có nhiều đồ án điêu khắc với dụng ý loan báo Tin Mừng, xin điểm qua vài nét sơ lược.
![]() |
Cha Phêrô Trần Lục |
Theo Quốc lộ số 10 từ hướng Nam đi vào sẽ bắt gặp Ao hồ. Giữa Ao hồ là tượng Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ với hai tay giang rộng đón chào. Từ điển Công giáo viết : “Ðức Kitô là Vua, và là Chúa của vũ trụ, đã trở nên tôi tớ mọi người, vì Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn đời” - Mt 20, 28 (GLHTCG 786). Tín hữu được tham dự vào vương quyền đó qua Bí tích Thánh Tẩy bằng việc chiến thắng sự dữ và khiêm tốn phục vụ, theo gương Ðức Kitô (x GLHTCG 786). Ðức Giáo Hoàng Piô XI long trọng thiết lập lễ Chúa Kitô Vua vào năm 1925 trong Thông điệp Quas Primas. Người đích thực là Vua trong tư cách vừa là con Vua Ðavít, vừa là Ðấng Cứu Thế (x Mt 29, 9; Mc 11, 10). Trong lịch phụng vụ, Hội Thánh mừng kính lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa nhật XXXIV Mùa Thường Niên, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ(1).
Qua Ao hồ thì đến Phương đình. Bốn góc ở tầng hai của Phương đình xây 4 tháp, mỗi tháp có 2 tầng, trên mỗi đỉnh tháp đặt tượng một vị thánh : Tháp phía Ðông - Nam là thánh Máccô, Tây - Nam là thánh Luca, Ðông - Bắc là thánh Gioan và Tây Bắc là thánh Matthêu. Ðó là 4 tác giả sách Phúc Âm hay còn gọi là thánh sử, là những người biên soạn bốn sách Tin Mừng dưới sự linh ứng của Chúa Thánh thần. Tượng 4 thánh sử ở trong tư thế ngồi và mang những nét đặc thù riêng. Cạnh tượng Matthêu là cậu bé, biểu tượng bộ mặt người vì sách bắt đầu bằng gia phả của Chúa Giêsu theo bản tính loài người. Cạnh tượng Máccô có bộ mặt sư tử dưới chân, lấy nội dung mở đầu sách Phúc Âm kể chuyện Baotixita ví mình như “tiếng của người hô trong sa mạc”, nơi ở của sư tử, thú vật. Cạnh tượng Thánh Luca phía dưới có hình mặt bò, vì nhập đề sách của mình, Luca kể chuyện ông Dacaria dâng chiên bò tế lễ Thiên Chúa. Cạnh tượng Thánh Gioan có chim phượng hoàng, vì với bài tựa của sách nói về Ngôi Lời Nhập Thể, người đọc như cùng tác giả lên chiêm ngưỡng cõi nhiệm mầu của Thiên Chúa siêu việt, tựa hồ như chim phượng hoàng bay vút tận trời xanh. Các tượng thánh sử đặt ở trên cao nhắc nhở tín hữu học hỏi và sống Tin Mừng lời Chúa.
![]() |
Nhà thờ đá |
Tại Phương đình, trên vách ngoài còn có những phù điêu tạc các hoạt động của Chúa Giêsu từ khi vào thành Giêrusalem đến khi Chúa lên Trời. Mặt chính phía Nam Phương đình, có phù điêu diễn tả bữa Tiệc ly, gợi lại việc Chúa Giêsu xác lập Giao ước mới và Bí tích Thánh thể.
Nhà thờ Lớn (nhà thờ Chánh tòa) có nhiều tác phẩm điêu khắc được lấy ra từ Sách Tân Ước. Năm lối ra vào được xây bằng đá, phía dưới được chạm khắc rất tinh vi. Trên lối chính giữa là một phiến đá dài, chạm một bụi hoa Mân Côi (hoa hồng) từ giữa tỏa ra. Trên mỗi lối ra vào có 3 bức phù điêu, tạc các mầu nhiệm tràng hạt Mân Côi. Từ trái qua phải là : Thiên sứ truyền tin; Ðức Bà tìm thấy con (Năm sự vui); Chúa Giêsu hấp hối trong vườn; Chúa chịu đóng đinh (Năm sự thương); Chúa sống lại; Chúa lên Trời; Chúa Thánh thần hiện xuống; Ðức Bà lên Trời; Ðức Bà đội triều thiên (Năm sự mừng). Ðó là những nội dung được rút ra từ Lời Chúa trong Tin Mừng (biến cố Truyền tin: Lc1, 26 - 38, thăm bà chị họ Elisabeth: Lc1, 39 - 54…). Những hình ảnh điêu khắc này là một cách hệ thống báo Tin Mừng không gì tốt hơn đối với mỗi Kitô hữu khi vào nhà thờ tham dự thánh lễ.
Trên đỉnh tháp giữa nhà thờ Lớn có tượng hai thiên thần cầm Thánh giá, hai bên là hai thiên thần khác thổi loa, phía dưới là hàng chữ Hán: Thẩm phán tiền triệu (điềm báo trước ngày phán xét), nhắc nhở mỗi người ngày Chúa quang lâm, xét xử tội lỗi.
Trên vách cung thánh nhà thờ Lớn vẽ hình 6 thánh tử đạo đứng hai bên Chúa Kitô Vua. Ðó là bà thánh nữ Anê Ðê (Lê Thị Thành), thánh linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan, thánh Nicôla Bùi Ðức Thể, thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ… Việc các thánh tử đạo được vẽ hình trên cao vách cung thánh một mặt để cộng đồng tham dự thánh lễ tôn kính, mặt khác như tấm gương gợi mở cho giáo dân luôn biết sống đạo và giữ đạo tốt lành.
Nhà thờ Trái tim Chúa Giêsu nơi bàn thờ chính có khắc những con vật tượng trưng Chúa Giêsu : bên trái là hình con Chiên (Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa - Ga 1, 36; Kh 21, 1). Ở giữa là chim bồ nông (thời Trung cổ, chim bồ nông được dùng tượng trưng cho Chúa Giêsu, vì như chim bồ nông đã lấy thịt của mình nuôi con, thì Chúa Giêsu Kitô cũng dùng thịt, máu của mình nuôi con người). Bên phải là con sư tử (Chúa Giêsu là sư tử chiến thắng - St 49, 9; E2 19, 1-9; Kh 5,5)(2). Hình sư tử còn thấy chạm thông phong bằng đá ở cạnh phía Tây nhà thờ Lớn và ở nhà thờ đá (nhà thờ Trái Tim Ðức Mẹ).
![]() |
Tượng Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ giữa Ao hồ |
Nhà thờ Thánh Giuse tọa lạc ở phía Nam nhà thờ Lớn hai bên gian Cung Thánh, trên các chấn song đá, có những phù điêu ghi lại các sự kiện liên hệ tới gia đình Thánh Gia:
+ Tranh chung về Thánh Gia thành Na gia rét (x. Mt 2, 19 - 23):
+ Phía Tây từ trên xuống:
- Thánh Giuse qua đời;
- Lễ hôn phối Ðức Mẹ và Thánh Giuse (x. Mt 1, 16);
- Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu (Lc, 1-20);
- Ðức Mẹ và Thánh Giuse (?) đi thăm Bà Thánh Elisabét (x Lc 1, 39 - 56);
- Thánh gia trốn sang Ai Cập (x. Mt 2, 13 - 16);
- Thánh gia nghỉ chân;
+ Phía Ðông từ trên xuống:
- Thánh Giuse;
- Ðức Maria bị xỉ vả (?);
- Ðức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ (x. Lc 2, 31 - 39);
- Cảnh đầm ấm của Thánh gia.
- Ðức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu (x. Lc 2, 41 - 52);
- Chúa Giêsu làm thợ mộc với thánh Giuse (x. Mt 13, 15; Gio 6, 42)(3).
Phía sau nhà thờ Lớn, chếch về phía Tây là nhà thờ Trái Tim Ðức Mẹ (quen gọi là nhà thờ đá). Bàn thờ của nhà thờ này làm bằng đá cẩm thạch. Mặt trước bàn thờ trổ hình trái tim và lưỡi gươm đâm thấu ở giữa, còn là giếng niêm phong và vườn rào kín, với chiếc cổng bị khóa chặt. Giếng niêm phong và vườn rào kín chỉ sự trinh khiết của Ðức Maria. Phía hông bàn thờ là hình chạm khắc bụi sen với nụ sen, hoa sen, đài sen, lá sen non và lá sen già, biểu trưng sự chết và Phục Sinh. Ðó đều là những hình tượng hóa của Tin Mừng.
*
Loan báo Tin Mừng qua nghệ thuật điêu khắc tại khu quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm là một sáng tạo của linh mục Trần Lục. Thời gian trôi đi, ngày nay các hình thức loan báo Tin Mừng đã và đang trở nên phong phú, đa dạng, nhưng đây vẫn là một hình thức có hiệu quả, rất cần duy trì, phát huy. Bởi ở đó, Lời Chúa được truyền tải một cách sống động và nhân văn, lại dễ gây ấn tượng, nhớ lâu.
(1). Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Giáo lý Ðức Tin, Ban Từ vựng. Từ điển Công giáo, Nxb Tôn giáo, 2016, tr 977.
(2). Linh mục Phêrô Mai Văn Vọng. Cuộc đời và sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu) trong Tọa đàm Công trình Cụ Sáu. Tòa Giám mục Phát Diệm, lưu hành nội bộ, năm 2013.
(3). Ðức Ông Phanxicô B. Trần Văn Khả. Trần Lục, mục tử nhân lành của Phát Diệm, trong cuốn Trần Lục, 1996. Sách in ở nước ngoài, tr 270 - 271.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.