Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Hai, 2017 15:21

Người trẻ nói gì về năm Gia Đình

Với chủ đề “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”, năm mục vụ vừa qua Giáo hội Việt Nam đã có hàng loạt chương trình ý nghĩa, đọng lại nhiều xúc cảm trong lòng các bạn trẻ.

 

TRẢI NGHIỆM BỔ ÍCH

Tại mỗi giáo phận, nhiều chuỗi hoạt động tập trung chủ đề này đã được tổ chức với quy mô lớn nhỏ. Tháng 4.2017, giới trẻ Tổng giáo phận TPHCM có dịp hội tụ về trung tâm mục vụ tham gia đại hội “Sống Xanh”. Hàng ngàn tham dự viên với thành phần đa dạng, từ những sinh viên đến các bạn đã đi làm, cả trong lẫn ngoài thành phố được tìm hiểu những câu chuyện về gia đình đầy thú vị mà các diễn giả mang lại. Cũng trong dịp Mùa Chay 2017, các nơi như Ðà Lạt, Xuân Lộc, Ðà Nẵng đã tổ chức đại hội giới trẻ, kết nối hàng ngàn trái tim nhiệt huyết. Gần đây nhất, trong hai ngày 21 và 22.11, giáo phận Thanh Hóa đã đăng cai Ðại hội giới trẻ giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XV với số lượng tham dự được ghi nhận là 20.000 người.

Về những cảm nghĩ khi tham dự các chương trình dành cho mình trong năm, anh Dương Minh Hiếu, giáo xứ Ngọc Ðồng, GP Xuân Lộc cho biết các kỳ họp mặt đã để lại trong anh nhiều bài học và niềm vui: “Trước hết, tôi thấy đó là cơ hội để bạn bè lâu ngày được gặp lại, thêm nữa là có thể làm quen bạn mới. Trong chương trình tại giáo phận cũng như giáo xứ luôn có những vị chuyên gia, các cha, các sơ giảng thuyết về hôn nhân Công giáo, thoạt nghe thì có thể lướt qua nhưng bất chợt lúc nào đó nghĩ lại thì thấy thật ý nghĩa”. Còn với chàng sinh viên Công giáo GP Long Xuyên Nguyễn Khắc Tâm, mỗi lần chuẩn bị cho các chuyên đề, sinh hoạt hội nhóm lại rất thích thú vì được bộc lộ sở trường ca hát. “Khi góp mặt vào các hoạt động giới trẻ, tôi không chỉ được sống với đam mê việc sinh hoạt cộng đoàn, mà bản thân phần nào hiểu hơn giá trị ơn gọi gia đình trong chương trình của Thiên Chúa, khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách nhiệm xây dựng gia đình”, Tâm chia sẻ.    

Nhóm trẻ tại các giáo xứ có thể là cái nôi để người trẻ thoải mái thể hiện bản thân, và cũng là môi trường để những kiến thức về hôn nhân và gia đình đến với họ một cách tự nhiên, qua chia sẻ của những bạn bè và những anh chị lớn, cũng như qua những hoạt động chuyên đề của nhóm. Nguyễn Nhật Trường, thành viên nhóm sinh viên Mai Khôi, TPHCM cảm nhận:  “Vì còn nhỏ, chưa tính đến tuổi lập gia đình hay cưới hỏi gì hết nên tham gia nhóm chủ yếu để có chỗ giao lưu, sinh hoạt, làm từ thiện... Dầu vậy, qua những buổi chuyên đề mà nhóm thảo luận, tôi dần nhận ra mình đã học hỏi được nhiều, tích lũy được không ít kiến thức, để dành làm hành trang cho đời sống gia đình về sau, như kỹ năng chia sẻ, cách tổ chức, thói quen lắng nghe…, tất cả thực sự rất cần thiết vì có những điều mình cứ ngỡ là biết hết rồi, nào ngờ chả biết gì!”. Bạn nữ Nguyễn Hoàng Phương Trâm, nhóm sinh viên Công giáo Ðồng Nai lại chia sẻ ấn tượng khi tham dự buổi nói chuyện của nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế tại Học viện dòng Tên về đề tài tình yêu: “Rất ít khi tôi được tham gia các buổi tâm tình  ý nghĩa như thế. Với phong cách thân thiện và sự nhiệt tình, sơ làm đọng lại nhiều bài học bổ ích cho người trẻ như chúng tôi, ở cái tuổi chập chững bước vào đời, tìm hiểu về tình yêu. Rất biết ơn sơ và những người đồng hành!”.

BĂN KHOĂN ?

Năm vừa qua, người trẻ gần như có sân chơi nhiều nhất nên đa số các bạn cũng quan tâm một cách đặc biệt, như nhận xét của linh mục đặc trách giới trẻ TGP.TPHCM Gioan Lê Quang Việt: “Bạn trẻ đã tham gia các chương trình học hỏi, thảo luận, trao đổi nhiệt tình với nhiều câu hỏi được đặt ra. Các bạn đã hiểu biết nhiều về những hướng dẫn của Giáo hội liên quan đến tình dục, tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ mà tôi biết đã có những thay đổi tích cực qua cách sống”.

Ủy ban gia đình thì thực hiện chương trình chuyên đề về gia đình khắp nơi. Về mặt truyền thông, các giáo phận đã in ấn tài liệu học tập về hôn nhân. Bản tin xứ đạo luôn luôn có mẩu chuyện về gia đình, phương châm sống dành cho các bạn. Dù vậy, có lẽ vẫn chưa là đủ, các bạn trẻ vẫn không tránh khỏi những lo lắng, suy tư, như bạn Lê Phúc Dinh, 25 tuổi, giáo xứ Ba Làng, GP Nha Trang tâm tình: “Nói đến đời sống hôn nhân thực sự tôi rất ngại dù bản thân đã có thể lập gia đình. Ðiều đầu tiên e ngại đó là kinh tế. Rồi chuyện vun đắp tình yêu của hai người để có một sống hạnh phúc. Ngày nay, mạng xã hội phát triển mạnh nên việc đồng cảm giữa hai người với nhau như ít đi. Người ta gặp gỡ ảo nhiều trên facebook, zalo, thay vì nói chuyện trực tiếp với đối phương để cảm nhận”. Chung suy nghĩ này, anh Ðaminh Nguyễn Văn Liển, trưởng ban huấn luyện Linh Hoạt viên giới trẻ TGP.TPHCM cũng bày tỏ mối lo về tâm lý của các bạn trẻ khi có dịp song hành trong nhiều chương trình: “Gần như các bạn chưa chuẩn bị tâm lý cho việc lập gia đình, chưa sẵn sàng hy sinh cái tôi bản thân mình để sống một đời sống ơn gọi gia đình đúng nghĩa”.

Thời gian, chất lượng các khóa giáo lý hôn nhân tại họ đạo cũng là mối bận tâm không nhỏ cho những ai đang chuẩn bị hành trang bước đến ngưỡng cửa gia đình. Một số ý kiến cho rằng, do người trẻ bận nhiều việc nên rất ít giờ học giáo lý tại giáo xứ. Chị Nguyễn Thị Như Ý, giáo xứ Phú Bình, TGP.TPHCM thì băn khoăn nội dung giáo lý hôn nhân còn quá ít, cần thêm sự đồng hành của xứ đạo hay cặp đôi đi trước để vững tâm hơn: “Thường thì gần kết hôn chúng tôi mới học giáo lý hôn nhân, vậy ngoài lớp giáo lý này còn những lớp học nào tại giáo xứ dành cho bạn trẻ?”

Dù còn những mối trăn trở nhưng không ít bạn trẻ vẫn cho thấy tinh thần lạc quan khi chia sẻ về hôn nhân, bởi, nói như Phương Trâm ở Ðồng Nai chúng tôi nhắc đến ở trên: “Hôn nhân Kitô giáo là cuộc hôn nhân có tính thánh thiện, được Thiên Chúa thánh hóa nên tôi nghĩ mình cần suy nghĩ kỹ càng trước khi chọn lựa bạn đời. Nhưng… còn trẻ mà, yêu thì cứ yêu đi, miễn là lành mạnh. Với sự quan tâm nồng nhiệt của các hội đoàn, giáo xứ dành cho người trẻ, tôi nghĩ mình không bị bỏ rơi. Thi thoảng, tôi cũng hay tâm sự với các nữ tu để xin ý kiến định hướng!”.

Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm