Sau những công trình làm đường dân sinh, làm đẹp khuôn viên nhà thờ, làm nhà mục vụ, xây nhà hài cốt, cải tạo đất thánh, linh mục Phaolô Dương Công Hồ (chánh xứ Thánh Tâm, GP Ðà Lạt) tiếp tục làm ngôi chợ nhỏ, thiết kế nhà giáo lý âm dưới lòng đất để đáp ứng nhu cầu mục vụ nơi giáo xứ ngài đang coi sóc.
![]() |
“Chợ cha Hồ” là nơi buôn bán an toàn cho 30 tiểu thương, khắc phục tình trạng buôn bán tự phát trước đó - ảnh: Phêrô Phan Phát Hoàng |
9 phòng, 1 hội trường trong lòng đất
Ngày 19.3, Ðức Giám mục giáo phận Ðà Lạt Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh cử hành thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức cho 77 em trong giáo xứ. Dịp này, ngài đã làm phép 14 phòng học giáo lý mới. Cha chánh xứ Phaolô Dương Công Hồ cho biết, giáo xứ có khoảng 800 em thiếu nhi thuộc các khối lớp. Vì quỹ đất hạn chế, giáo xứ chỉ có 9 phòng học nên không đủ đáp ứng được nhu cầu thực tế, khiến các em phải học rải rác trong suốt tuần vào các buổi chiều tối. Khắc phục tình trạng trên, cùng với sự trợ tá đắc lực của cha phó Phaolô Nguyễn Hữu Phan và sự chung tay của các thành phần Dân Chúa, giáo xứ đã hoàn thành công trình xây dựng phòng học giáo lý gồm 14 phòng. Trong đó có 9 phòng, 1 hội trường được xây âm trong lòng đất (dưới nền sân của nhà mục vụ) và 5 phòng được khai thác không gian của dãy nhà xứ.
Theo vị mục tử 66 tuổi, công trình được khởi công vào tháng 3.2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 700m2. Mỗi phòng giáo lý khang trang rộng khoảng 30m2, được trang bị bàn ghế, quạt máy, hệ thống thông gió và thoát hiểm tươm tất. Bên trên “hầm giáo lý” hiện nay, sân nhà mục vụ vẫn là nơi được đặt màn hình lớn để thuận tiện khi cử hành lễ giãn cách, nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch cho giáo dân. Phấn khởi trước công trình mới, anh Phêrô Phan Hoàng Khương Duy (dự trưởng giáo lý viên) cảm nhận niềm hạnh phúc khi nhìn thấy các em thiếu nhi tung tăng cùng nhau vào lớp học giáo lý trong những căn phòng mới tinh, sáng trưng đèn. Duy nói rằng trước đây, vì thiếu phòng học nên các em học rải rác trong tuần. Cụ thể, ngành Ấu học thứ Ba và thứ Năm, ngành Thiếu học thứ Tư và thứ Bảy, ngành Nghĩa và lớp dự trưởng học vào thứ Bảy và Chúa nhật. Giờ học của các lớp đều bắt đầu từ 18 giờ đến 19 giờ, tiếp sau đó là một số sinh hoạt học cắm trại, ca đoàn…
Hơn hai tuần qua, khi phòng học giáo lý mới được đưa vào hoạt động, tình trạng học luân phiên đã chấm dứt, các lớp đều tập trung học vào thứ Bảy và Chúa nhật, nên những ngày trong tuần thiếu nhi có thời gian tập trung cho việc học tập văn hóa ở trường và ở nhà. Khương Duy chia sẻ: “Em tin rằng từ những điều kiện hiện có, việc học giáo lý của thiếu nhi và các sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ ngày càng thuận lợi và phát triển tốt đẹp hơn”.
![]() |
Phòng học giáo lý khang trang được xây dựng dưới lòng đất ở giáo xứ Thánh Tâm- ảnh: Phêrô Phan Hoàng Khương Duy
|
Phấn khởi với “chợ cha Hồ”
Nhiều năm liền, một số hộ dân cư ngụ dọc theo con đường vào nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm (dài khoảng 200 mét) buôn bán tự phát, có khi lấn chiếm lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… Thương bà con, cha Phaolô Dương Công Hồ đã lên kế hoạch làm một khu dành riêng cho buôn bán hàng tươi sống, rau củ quả. Từ đó, bà con giáo dân gọi là “chợ cha Hồ”. Khu chợ rộng gần 2.000m2 được hình thành ở khu đất gần nhà thờ và đi vào hoạt động từ tháng 7.2021. Hiện nay, chợ có khoảng 30 tiểu thương, hầu hết là giáo dân trong xứ tham gia kinh doanh.
Là một trong những hộ dân thâm niên bán hàng vỉa hè trong hơn 7 năm, ông Phêrô Nguyễn Văn Dương thừa nhận vì gia đình trồng được rau củ, lại ở sau lưng nhà thờ nên đem rau nhà trồng bán ở “chợ tự phát” cho thuận tiện. Bán hàng lề đường gây ảnh hưởng giao thông, lại rất vất vả, chịu nóng bức khi nắng nóng và rét lạnh mỗi khi mưa dầm. “Năm nay thời tiết thay đổi nhiều, từ Tết đến giờ trời mưa liên tục. Kể từ khi có chợ cha Hồ, gia đình tôi vào bán cá và rau củ quả, và cũng từ đó mà chúng tôi và nhiều bà con giáo dân có nơi buôn bán ổn định, an toàn, thoải mái. Chúng tôi biết ơn cha xứ thật nhiều, ngài luôn yêu thương đoàn chiên bằng những việc làm thiết thực nhất”, ông nói với nụ cười tươi trong gian hàng khang trang, rộng 20m2 mỗi ô, nền được tráng xi măng và phần mái được lợp bằng tôn chắc chắn.
![]() |
Cảnh buôn bán trên con đường vào nhà thờ Thánh Tâm trước khi có “chợ cha Hồ” - ảnh: Phêrô Phan Phát Hoàng |
Trong hơn 5 tháng qua, kể từ khi đăng ký bán bánh mì, bà Anna Bùi Thị Trúc Mai cảm nhận mỗi ngày đến chợ với bà là một ngày vui. Niềm vui khi họp chợ từ lúc 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa mỗi ngày của bà Mai đơn giản là cảnh nhộn nhịp, người bán rau củ quả; người bán thịt cá, quần áo, dép guốc; chỗ bán hàng ăn, cà phê; nơi làm gà vịt… Thêm niềm phấn khởi nữa là doanh thu lò bánh mì của gia đình khi bán ở chợ đã tăng gấp đôi so với lúc còn bán ở trước cửa nhà. Mỗi ngày, vợ chồng bà Mai bán lẻ được khoảng 300 ổ và bán sỉ khoảng 1.000 ổ. Theo quy định, bà và các tiểu thương đóng tiền với “giá yêu thương” là 10.000 đồng/ki-ốt/ngày. Nữ giáo dân 50 tuổi, sinh sống bằng nghề làm bánh mì 15 năm qua khẳng định: “Nhờ sáng kiến của cha mà chúng tôi mới có được như ngày hôm nay. Thỉnh thoảng ngài rảo ra chợ động viên bà con giáo dân, hoặc đứng trong nhà thờ ngó ra xem buôn bán thế nào. Sự quan tâm và yêu thương của ngài khiến chúng tôi cảm động và thật khó kể sao cho hết”.
Thú vị với hình ảnh nhộn nhịp ở “chợ cha Hồ” và công trình nhà giáo lý, ông Phêrô Phan Phát Hoàng đã đem máy ảnh cá nhân ghi lại hình ảnh cha xứ vào thăm chợ và khoảnh khắc đổi thay nơi giáo xứ mình. Nói về tên gọi “chợ cha Hồ”, ông Hoàng tâm tình: “Ðây là tên gọi thân thương mà bà con trong giáo xứ Thánh Tâm tự chọn và tự đặt. Cùng với ngôi chợ mới và nhà giáo lý mới, giáo dân ai cũng rất vui mừng, hạnh phúc. Có thể nói cha Phaolô đã nỗ lực làm hết công trình này đến công trình khác. Từ năm 2016 khi về coi sóc giáo xứ, ngài đã làm đường sá, cải tạo khuôn viên, làm nhà mục vụ, tôn tạo nghĩa trang, làm chợ, nhà giáo lý…, đáp ứng nhiều nhu cầu mục vụ thiết yếu. Những sáng kiến và sự nhiệt thành của ngài đã góp phần giúp cho giáo xứ, giáo dân ngày càng thăng tiến trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc sống thường nhật”.
BÍCH VÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.