Thứ Tư, 20 Tháng Bảy, 2022 19:01

Nhà khoa học - truyền giáo thời chúa Nguyễn

 

Linh mục Christoforo Borri (1583 - 1632), còn được gọi là Christopher Borrus theo các nguồn tiếng Anh cũ hơn, là nhà truyền giáo ở Việt Nam, đồng thời là nhà toán học, nhà thiên văn học và nhà hàng hải.

 

Năm 1583, cha Borri chào đời trong một gia đình quý tộc ở thành Milan của Ý. Ngài gia nhập dòng Tên, thụ phong linh mục ngày 16.9.1601. Đến năm 1616, theo sự sắp xếp của bề trên, cha Borri cùng linh mục dòng Tên Marquez từ Macau đến Đàng Trong vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Cha Borri cùng với cha Pedro Marquez và một số vị thừa sai khác là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam.

Cha Borri và quyển bút ký về xứ Đàng Trong


Giai đoạn ở Việt Nam

Từ năm 1600, khi từ Bắc trở về Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng quyết tâm xây dựng một thế lực độc lập với chúa Trịnh. Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng qua đời. Kế thừa ý chí của cha, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nỗ lực tăng cường sức mạnh kinh tế, quân sự, tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía Nam và khuyến khích di dân lập ấp.

Trong những năm đầu tiên của Đàng Trong, cha Borri và cha Marquez đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Vị Giêsu hữu ở Hội An từ cuối năm 1617 hoặc năm 1618 cho đến năm 1622, và thời gian này người địa phương gọi ngài là cha Bruno. Trong giai đoạn ở Đàng Trong, cha cùng với hai linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa.

Thời gian rảnh rỗi, cha viết bút ký tường thuật về xứ Đàng Trong (chủ yếu xoay quanh xứ Quảng), sau đó được in thành sách với tựa đề Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina. Tên tiếng Việt của tựa sách này là “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”. Tập bút ký được ghi chép bằng tiếng Ý, mô tả vùng đất từ Quảng Trị đến Phú Yên. Tổng cộng khoảng 20.000 từ, được viết từ năm 1618 đến 1622.

Di tích cư sở Nước Mặn - GP Qui Nhơn ngày nay


Tác phẩm đầu tiên về Việt Nam ở nước ngoài

Sách được xuất bản lần đầu tiên ở Rome vào năm 1631. Thời điểm sách lên kệ, thế kỷ 17 thiếu thốn các phương tiện liên lạc, không có nhiều tư liệu về những đất nước xa xôi. Vì vậy tác phẩm của cha Borri được đặc biệt yêu thích ở châu Âu, tương tự như sự đón chào của xã hội ngày nay trước bộ truyện Harry Potter hoặc The Da Vinci Code. Trong vòng 2 năm, sách được chuyển ngữ sang 5 thứ tiếng. Năm 1631, thời điểm bản gốc được xuất bản tại Rome, cha Antoine de la Croix, dòng Tên, đã dịch sang tiếng Pháp.

Năm 1632, bản Latinh ra đời nhờ một linh mục dòng Tên khác là cha J. Bucelleni tại Vienna (Áo). Cùng năm, cha Jacobus Susius chuyển ngữ và xuất bản sách tiếng Hà Lan của quyển này. Năm 1633, bản tiếng Đức xuất hiện, một lần nữa ở Vienna, sau đó là tiếng Anh ở xứ sở sương mù. Tác phẩm cũng được đưa vào Bộ sưu tập các chuyến du hành của Churchill (năm 1704), và sau đó là bộ sách Neue Beitrage zur Volkerund Länderkunde bằng tiếng Đức vào năm 1793.

Quyển bút ký của cha Borri được xem là một trong những nguồn thông tin tốt nhất về Đàng Trong, được ghi chép chi tiết về tình trạng địa lý, chính trị và những điều kiện của Giáo hội Công giáo thời đó.  Sau khi quay về, cha Borri dạy toán học ở Coimbra. Năm 1632, cha qua đời.


Thành tựu khoa học

Sinh thời, cha Borri còn thực hiện các quan sát về sự biến thiên của từ tính ở la bàn. Theo cha Athanasius Kircher, linh mục dòng Tên và nhà khoa học người Đức, cha Borri đã vẽ hải trình đầu tiên của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cho thấy các điểm mà kim từ trường hợp thành góc với đường kinh tuyến. Nếu thông tin chính xác, cha Borri đã đi trước nhà khoa học Edmund Halley (1656-1742) liên quan đến vấn đề này.

Cha Borri đã giải thích về biểu đồ mình trong một bản thảo hiện được cất giữ tại Viện Hàn lâm Hoàng gia ở Lisbon (Bồ Đào Nha). Trong một bản thảo khác có tên Tratada da arte de navegar pelo Cristovao Bruno (Hiệp ước về nghệ thuật lái tàu của Cristovao Bruno), hiện giờ được bảo tồn ở TP Évora (Bồ Đào Nha), vị linh mục đưa ra được những đề xuất là biện pháp mới nhằm xác định kinh tuyến trên biển và những vấn đề liên quan đến cải thiện hải trình. Vua Philip II của Tây Ban Nha vì muốn hiểu các nghiên cứu và phát minh của cha Borri đã mời ngài từ Coimbra đến Madrid. Cha cũng viết các tác phẩm khác về nhiều lãnh vực như khoa học, thần học và ghi chép một số cuộc hải trình của mình cho hậu thế.

 

HỒNG HOANG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm