Thánh sử Maccô tường thuật Chúa Giêsu và các tông đồ sau khi rao giảng đã lên thuyền qua bờ bên kia, thế mà dân chúng vẫn đi theo đông đảo. Tin Mừng ghi rằng khi ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy rất đông dân chúng thì Người chạnh lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt. Và Người lại quên việc nghỉ ngơi để rồi tiếp tục dạy dỗ họ. Một tấm lòng tràn đầy tình yêu thì luôn nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân.
Biết đám đông dân chúng không chỉ khát về mặt tâm linh mà còn đang đói cả về thể lý, Chúa Giêsu đã truyền các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6,37). Biết bao nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của tha nhân cần đáp ứng mà nếu có chút tấm lòng nhạy bén thì hẳn ai cũng sẽ dễ nhận ra. Đoàn dân Thiên Chúa đang có nhu cầu gì, các vị mục tử có thấu hiểu chăng và ngược lại? Anh chị em xung quanh chúng ta đang cần đáp ứng điều gì và đâu là nhu cầu căn bản của xã hội chúng ta đang sống, quốc gia mà chúng ta là công dân? Vấn đề là mỗi tín hữu có biết thao thức để cho tâm trí mình được bén nhạy như thế nào.
Nhạy bén trước nhu cầu của nhau không phải là để đó, nhưng là để bắt tay thực hiện ngay những gì có thể, dù là bé nhỏ. Có đó tình trạng biết được nhu cầu của tha nhân nhưng vì quá tính toán, quá khôn ngoan, kiểu chờ đến thời cơ thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi rồi mới thực hiện, và vì thế đã bỏ qua nhiều việc phải làm. Khi tường thuật “nhìn thấy đám đông dân chúng” thì Chúa Giêsu hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây”, và Tin Mừng thánh Gioan ghi tiếp: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (x. Ga 6,5-6).
Thánh Gioan viết rằng, chúng ta phải yêu thương nhau vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu cốt ở điều này là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (x.1Ga 4,7-10). Việc Chúa Cha cho Chúa Giêsu thực thi thiên tính bằng dấu lạ hóa bánh cá ra nhiều khiến chúng ta phải xác tín rằng đã yêu thì phải làm ngay những việc cần làm và Chúa sẽ giúp thêm cho.
Tin Mừng cũng thuật lại câu chuyện người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Để được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời thì hãy làm người anh em, chị em thực sự của những ai đang cần đến tình yêu liên đới, chia sẻ, đỡ nâng của chính mình. Và để tình yêu này thành hiện thực thì ắt cần phải có động thái “ra đi” theo nhiều chiều kích. Ra đi khỏi tình trạng an thân thủ phận, có lẽ là điều kiện đầu tiên để có thể sống yêu thương.
Lối sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình quả thật rất khó qua mặt thiên hạ và dường như ngay cả bản thân mình lòng cũng chẳng được bình an. Tuy nhiên nhiều kiểu sống an thân thủ phận thì lại dễ qua mặt tha nhân và có khi với cả chính mình với nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý. Vị tư tế trong câu chuyện Chúa Giêsu kể rất có thể tự trấn an lương tâm với việc giữ luật khi chu toàn nghĩa vụ tư tế (tránh bị ô uế vì tiếp xúc với máu?). Vị trợ tế cũng có thể tự biện bạch với lẽ khôn ngoan rằng phải cẩn trọng trước nhiều thủ đoạn “giăng mồi” của kẻ cướp vùng hẻo lánh này.
Một biểu hiện của sự ra đi khỏi tình trạng an thân, thủ phận, đó là can đảm “liều một chút”. Trong tình yêu thì luôn có động thái liều. Quá cẩn trọng, quá cân nhắc đắn đo thì thật khó mà sống đạo yêu thương, sống tình liên đới. Chắc hẳn vị Samaritanô trong câu chuyện Chúa Giêsu kể ít nhiều cũng biết những trường hợp bọn cướp đã giăng mồi nhử trên quãng đường này. Thế nhưng khi đã chạnh lòng thương thì ông ta vượt qua mọi tính toán cân nhắc để rồi liều lĩnh xuống khỏi lưng lừa, tiến đến nạn nhân, thực thi các nghĩa cử ân tình đến nơi đến chốn.
Những hình thức quá tính toán và biện bạch rằng “một con én không làm nên mùa Xuân” có thể chỉ là cách bào chữa cho lối sống thụ động, ích kỷ, dửng dưng và có thể là nhát đảm. Cố nhạc sĩ họ Trịnh có ca từ: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...”. Khi có tấm lòng thì chúng ta sẽ biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, nhất là nhu cầu của những người kém phận. Sự bén nhạy của lòng chúng ta có thể dần hóa thành xơ cứng nếu không biết bắt tay làm ngay những việc phải làm. Dù rằng trong các chương trình, kế hoạch phải biết cẩn trọng vì “dục tốc bất đạt”, nhưng xin chớ quên rằng động từ yêu (love - aimer) nếu ở thì tương lai thì nhiều khi là “vô nghĩa”.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - GP Ban Mê Thuột
Bình luận