Trở về từ Ðại hội Liên hội Hội đồng Giám mục Á châu - FABC 50, Ðức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc HÐGMVN - đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc cuộc phỏng vấn xoay quanh Ðại hội và những quan tâm của ngài.
![]() |
CGvDT: Thưa Đức cha, trong quá trình dự Đại hội FABC 50 năm, đoàn Việt Nam đã tham gia đóng góp gì cho Đại hội?
- ĐGM Giuse Trần Văn Toản: HĐGMVN đã đóng góp cho Đại hội qua việc đề cử 6 giám mục Việt Nam hiện diện cùng với 220 tham dự viên của đại hội. Đó là Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Đức cha Stephano Tri Bửu Thiên, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên và tôi. Ngoài ra còn có một linh mục là cha Giuse Nguyễn Hai Tính - dòng Tên. Ngài là chuyên viên thuyết trình trong Đại hội.
Trước đó, theo yêu cầu của Ban tổ chức, HĐGMVN góp một báo cáo cho Đại hội với tựa đề “Giáo hội Công giáo Việt Nam sống Tin Mừng trên quê hương Việt Nam”. Xin được tóm tắt: bản báo cáo đề cập đến tình hình về dịch bệnh Covid-19, về xã hội hiện đại, về nhân phẩm, gia đình và văn hóa, và sau đó, đưa ra những phân tích và những đáp ứng của Giáo hội trước các tình hình này. Tiếp đến, bản báo cáo nói đến các thách đố đối với 4 tương quan: Giáo hội và chính quyền, Giáo hội và các tôn giáo, Giáo hội và người nghèo, một Giáo hội thấm nhuần Tin Mừng. Từ những tình hình và thách đố ấy, bản báo cáo đề xuất lộ trình mới mà theo sự trình bày thì Giáo hội Việt Nam đang chuyển mình, trưởng thành và phát triển với lộ trình Giáo hội sống Tin Mừng, nhập thể trong truyền thống văn hóa Việt Nam, và mục vụ hậu Covid-19.
Đoàn Việt Nam cũng trình bày trước toàn thể Đại hội về sinh hoạt của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó đề cập đến các sinh hoạt phượng tự, bác ái xã hội, sinh hoạt của giới trẻ, và đặc biệt là sinh hoạt của các linh mục, tu sĩ, và người trẻ Công giáo cộng tác với toàn xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam… Đoàn tham dự viên Việt Nam còn tích cực tham dự mọi sinh hoạt của Đại hội như các sinh hoạt phượng tự, thánh lễ, cầu nguyện và chầu Thánh Thể; các buổi thảo luận, toàn thể hay từng nhóm; những buổi gặp gỡ, trực tiếp hay trực tuyến với các tổ chức, các phong trào, các vùng miền điển hình của Á châu dã ngoại, thăm giáo xứ điển hình của Giáo hội Thái Lan hay một số thắng cảnh của Bangkok. Sự hiện diện và cùng sinh hoạt với Đại hội tạo nên một bầu khí thỉnh ý hiệp hành, gặp gỡ, lắng nghe, và phân định.
Cuối cùng, không thể không nói đến sự hiện diện của phái đoàn các giám mục, linh mục Việt Nam tại Đại hội còn là một đóng góp bên lề về những hình ảnh đẹp của Giáo hội Việt Nam trong ký ức của nhiều tham dự viên. Điển hình là cuộc tổ chức Đại hội lần X năm 2012 của FABC tại Giáo phận Xuân Lộc và TGP TPHCM. Đó là đời sống, hoạt động, những bài giảng, những tác phẩm tu đức của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đó là sự thán phục về ơn gọi linh mục tu sĩ tại Việt Nam, lòng đạo đức của tín hữu Công giáo gốc Việt Nam tại Thái Lan, Lào, Campuchia.
![]() |
Đoàn 6 Giám mục Việt Nam tham dự Đại hội FABC 50 |
Điều gì từ Đại hội mà Đức cha thấy ấn tượng nhất?
- Tôi xin được chia sẻ 3 điều gây ấn tượng mạnh nhất nơi tôi:
1. Bầu khí hiệp hành của Đại hội: Bầu khí này được thể hiện rõ nét nơi thành phần tham dự, bao gồm cả giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc 19 Hội đồng Giám mục của 29 quốc gia tại Á châu. Cũng có sự tham dự của đại diện Tòa Thánh, và các giáo hội địa phương tại các châu lục khác như châu Mỹ, châu Âu, châu Phi. Đại hội đúng là biểu hiện sự Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ. Sự hiệp hành còn được biểu lộ trong cung cách tổ chức Đại hội, đó là gặp gỡ - lắng nghe và phân định. Sự hiệp hành còn mở rộng trong các buổi gặp gỡ trực tuyến với nhiều thành phần dân Chúa, cá nhân và tập thể, tại 14 quốc gia tại châu Á. Tôi có cảm tưởng Đại hội được tổ chức trong bầu khí huynh đệ gia đình của Thiên Chúa tại Á châu.
2. Bầu khí cầu nguyện: Cụ thể, khai mạc và kết thúc Đại hội là việc cử hành thánh lễ long trọng. Thánh lễ khai mạc được Đức Hồng y Charles Bo, Chủ tịch FABC chủ tế, còn lễ bế mạc thì Đức Hồng y đặc phái viên của Đức Giáo hoàng Luis Antonio G. Tagle chủ sự, với các tham dự viên của Đại hội, sự hiện diện các linh mục, tu sĩ và giáo dân Tổng giáo phận Bangkok. Ngoài ra, khởi đầu mỗi ngày làm việc là thánh lễ. Ban tổ chức phân công để đại diện các HĐGM của FABC lần lượt chủ tế và giảng lễ. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng với tư cách là Tổng Thư ký của HĐGMVN đã chủ tế và giảng lễ ngày 26.10.2022.
Đặc biệt là mỗi buổi sáng, trước cuộc họp đầu tiên, có 15 phút cầu nguyện theo văn hóa và trong bối cảnh riêng của những quốc gia được phân công. Nhưng có lẽ sâu lắng nhất là, như một điệp khúc, sau mỗi phần trình bày của các tham dự viên, trực tiếp hay trực tuyến, luôn được mời gọi dành 2 phút cầu nguyện trong thinh lặng và mọi người trong đại hội đi vào sự hiệp thông sâu xa với con người trong sự phó thác cho sự quan phòng quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa. Một điều tôi cũng nhận ra là trong thời gian Đại hội, tại các Nhà nguyện trong Trung tâm Mục vụ Bangkok, sáng sớm và ban tối, luôn có các cá nhân tham dự viên cầu nguyện trong thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể,
Đây chính là nét nổi bật của đường hướng tu đức dành cho Á châu được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ra trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu, là Chiêm niệm trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm. Qua đó, tôi cảm nhận và xác tín rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động mãnh liệt tại Á châu, trong Đại hội và trong từng tham dự viên.
3. Công cuộc tổ chức Đại hội rất khoa học: đại diện tại Trung tâm mục vụ Baan Phu Waan của Tổng giáo phận Bangkok, có diện tích trên 100 mẫu với các cơ sở vật chất và một không gian rất thuận lợi. Thật ra, Đại hội đã được dự trù tổ chức năm 2020, nhưng vì dịch bệnh, nên việc chuẩn bị càng chu đáo và kỹ lưỡng hơn. Theo các Đức cha Việt Nam tham dự, thì đây là một Đại hội được tổ chức mang tính khoa học cao. Trước hết, Ban tổ chức đã đề ra chủ đề cho Đại hội: Journeying together as peoples of Asia… And they went a different way (Mt 2:12). Xin tạm dịch: “Cùng nhau bước đi như các dân tộc của Á Châu… và họ đã theo con đường khác”. Từ chủ đề, lại đề ra 5 mục tiêu: Để khẳng định và cử hành cuộc hành trình 50 năm đã qua của FABC; để gây ý thức về những thực tại và những thách đố đang xuất hiện mà Á châu và Giáo hội phải đối diện; để khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu tại Á châu; để vạch ra một tầm nhìn của Giáo hội tại Á châu trong cộng cuộc phục vụ các dân tộc của Á châu và trong sự hiệp thông với Giáo hội trên toàn thế giới; và để hình dung những lộ trình mới nhằm phục vụ, đồng hành với nhau như các dân tộc tại Á châu.
Để đạt mục tiêu trên, Ban tổ chức đã sắp xếp diễn tiến của Đại hội theo thứ tự 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 là gây ý thức về những thách đố tại Á châu ngày nay nhờ lắng nghe nhau để biết những tình trạng của các quốc gia, các Hội đồng Giám mục và các nghi lễ. Giai đoạn 2 là học hỏi để thấu hiểu các thực trạng đang xuất hiện ảnh hưởng đến Á châu và Giáo hội, bằng cách đối chiếu với các giáo huấn của các Đức Giáo hoàng mới đây. Giai đoạn 3 là phân định để hình dung ra những lộ trình mới cho Giáo hội hướng tới một Á châu tốt đẹp hơn. Giai đoạn 4 là công bố tầm nhìn mới về con đường tại Á châu của Giáo hội qua sứ điệp gởi đến các dân tộc của Á châu và qua tài liệu chung kết của Đại hội.
Có nhiều chuyên viên làm việc trong đại hội, gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Ấn Độ và Philippines, đã đóng góp rất tích cực, cụ thể là việc điều hành, nội dung, tổ chức, phương pháp làm việc… Tài liệu được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và công phu, đặc biệt là sứ điệp của Đại hội và tài liệu chung kết của Đại hội. Cụ thể, Đại hội tranh thủ ghi nhận những ý kiến đóng góp của từng nhóm thảo luận, từng đại diện của các HĐGM các quốc gia tham dự, và các cá nhân, cả những bài giảng hay chia sẻ trong thánh lễ hằng ngày cũng được ghi nhận.
Tôi cũng ghi nhận sự quảng đại và lòng hiếu khách của Tổng giáo phận đăng cai, Tổng giáo phận Bangkok, cách riêng là Ban Giám đốc điều hành Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan, trong đó có các linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, nổi bật là các giáo viên và các sinh viên học sinh, kể cả không phải Công giáo.
![]() |
Các thành viên trong đoàn Việt Nam thảo luận nhóm theo khu vực tại Đại hội
|
Trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Đức cha quan tâm đến vấn đề nào liên quan đến giáo dân mà Đại hội FABC 50 đặt ra?
- Tình hình tại Á châu rất đa dạng về lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, với nhiều thách đố cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Á châu, tại từng khu vực, từng quốc gia… Ngoài ra, chúng ta cũng ghi nhận đoàn chiên của Chúa tại Á châu chỉ là một đàn chiên rất nhỏ bé trong một châu lục đông dân cư nhất, chiếm trên một nửa dân số thế giới. Số người Công giáo tại Á châu chỉ là 2%.
Trong bối cảnh này, tôi ghi nhận một phát biểu tại Đại hội là nhiều người tại Á châu không cần đến ơn cứu độ của Chúa Kitô (Christian Salvation), vì họ đã theo một tôn giáo, một niềm tin, hay một triết lý sống. Tuy nhiên, mọi người Á châu luôn luôn cần niềm vui tinh thần (Spiritual Joy) và tình yêu vô điều kiện (unconditional love).
Tôi cũng ghi nhận một phát biểu từ một tham dự viên được mời từ một châu lục khác. Theo đó, cộng đoàn Kitô hữu tại Á châu tuy chỉ là thiểu số, nhưng là một cộng đoàn có uy tín trong xã hội và được các tôn giáo khác tôn trọng, đặc biệt là nhờ sự góp phần của Giáo hội trong các lãnh vực về giáo dục, y tế và thăng tiến con người.
Những nhận đinh trên cũng rất đúng tại Việt Nam. Điển hình là trong tình hình dịch bệnh Covid năm 2021 vừa qua: một lá thư “Thương quá Sài Gòn ơi” của Đức Tổng Chủ tịch HĐGMVN; một sự cảm thông với một số người thuộc tôn giáo bạn, do vô tình lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, trong Thư mục vụ của Đức Tổng Giám mục TGP TPHCM; sự dấn thân vô điều kiện bất chấp những nguy hiểm đến sức khỏe và mạng sống của các tu sĩ, linh mục và các người trẻ đã được thể hiện tại các tuyến đầu phòng chống dịch bệnh tại Sài Gòn và nhiều địa phương khác, trong đó có An Giang của chúng tôi, đã là biểu hiện sự cống hiến trao tặng niềm vui tinh thần và tình yêu vô điều kiện, mà các bệnh nhân thuộc mọi thành phần trong xã hội, thuộc nhiều niềm tin tôn giáo, đang rất cần, và điều này đem lại uy tín cho Giáo hội tại Việt Nam.
Với những ghi nhận này, tôi thấy vai trò của người giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội là cần được trân quý vì cần thật. Điều này lại càng đúng hơn tại Việt Nam, nơi mà hàng giáo sĩ và tu sĩ hầu như chưa hiện diện cách chính thức trong các lãnh vực giáo dục, y tế và trong nhiều tổ chức xã hội. Chính vì thế, Giáo hội Việt Nam đang rất cần sự trưởng thành của người giáo dân. Đây phải là trách nhiệm của toàn thể Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là của HĐGMVN, để người giáo dân được đào tạo, nhờ đó có thể thi hành vai trò của mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho đồng bào mình, bằng cách trao niềm vui tinh thần và tình yêu vô điều kiện trong các tương quan thường nhật.
Từ ngày 16 đến 18.11.2022, Ban điều hành của Ủy ban Giáo dân nhiệm kỳ XV sẽ gặp gỡ, lắng nghe và phân định để cùng nhau, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đưa ra đường hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới. Chắc chắn những gì tôi ghi nhận được từ Đại hội sẽ được trình bày và sẽ là chất liệu để chúng tôi đưa ra đường hướng hoạt động của Ủy ban Giáo dân nhiệm kỳ XV. Hai sinh hoạt mà tôi quan tâm là người giáo dân cần được huấn luyện để có thể tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo phận và cùng trao đổi với Ủy ban Giáo lý đức tin trực thuộc HĐGMVN về Tác vụ dạy giáo lý do Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập.
![]() |
“Giáo hội Việt Nam cần tranh thủ sự hiệp hành với người trẻ để thi hành sứ vụ trong thế giới ngày nay…” - ảnh: giaophanthanhhoa.net
|
Theo Đức cha thì Giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận Long Xuyên nơi Đức cha trông coi, có thể rút ra bài học hay kinh nghiệm gì đáng kể sau Đại hội này?
- Cám ơn báo CGvDT đã cho tôi một cơ hội để suy tư, cầu nguyện, và phân định cho sứ vụ của mình tại Việt Nam và tại Long Xuyên.
Theo tôi, chúng ta phải tiếp tục gây ý thức và đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng đối thoại. Theo FABC, có 3 đối tượng Giáo hội cần đối thoại. Đó là đối thoại với người nghèo, với nền văn hóa bản địa, và với các tôn giáo bạn. Riêng tại Việt Nam, tôi nghĩ, việc đối thoại theo giáo huấn của FABC sẽ có thể được thực hiện cách có hiệu quả và được đẩy mạnh bằng tổ chức các Cộng đoàn giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Community - BEC) hay tổ chức các Cộng đoàn nhân sinh cơ bản (Basic Human Community - BHC). Còn tại Long Xuyên, giáo phận có 9 giáo hạt. Có 4 giáo hạt (Vĩnh An, Vĩnh Thạnh, Tân Hiệp và Tân Thạnh) xem ra phù hợp với việc tổ chức các đoàn hội Công giáo tiến hành trong bầu khí giáo xứ để thực hiện loan báo Tin Mừng bằng đối thoại. Còn 5 giáo hạt (Châu Đốc, Chợ Mới, Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên), vì hoàn cảnh địa lý, xã hội, và giáo hội, việc tổ chức Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hay Cộng đoàn nhân sinh cơ bản là phù hợp cho sự đóng góp của người giáo dân vào sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng đối thoại.
Giáo hội Việt Nam cần tranh thủ sự hiệp hành với người trẻ để thi hành sứ vụ của Giáo hội trong thế giới ngày nay, cụ thể tại Á châu, tại Việt Nam và tại Long Xuyên. Trong một bài thuyết trình tại Đại hội, người trẻ tại Á châu được mô tả với 3 sắc thái, được trình bày là 3 C: Credibility - Capability - Creativity (tạm dịch: Đáng tin - Năng lực - Sáng tạo). Đây là ân sủng Chúa ban tặng cho Giáo hội, và cũng là trách nhiệm Chúa trao cho Giáo hội.
Năm 2023, giáo phận Long Xuyên tập trung vào mục vụ thiếu nhi. Mục tiêu, vừa để đáp ứng nhu cầu giáo dục thiếu nhi trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, nhất là tại một giáo phận thuộc vùng nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là để hướng tới tương lai, chuẩn bị nhân sự tông đồ cho Giáo hội, trong đó có ơn gọi linh mục tu sĩ. Ngày 29.11.2022, Ban Mục vụ giáo phận sẽ họp bàn với Ủy ban Giới trẻ Thiếu nhi cùng với các Ủy ban liên hệ để đề ra chương trình mục vụ cho Thiếu nhi năm 2023.
Một lần nữa, xin cám ơn báo CGvDT đã tạo điều kiện để tôi có thể chia sẻ với quý độc giả. Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động và sử dụng chúng ta là dụng cụ trong chương trình của Chúa cho Giáo hội và cho xã hội, cụ thể tại Việt Nam thân yêu.
![]() |
Phải đào tạo giáo dân để họ thi hành vai trò của mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng… (trong ảnh: Một buổi thường huấn quý chức Hội đồng, hội đoàn các giáo xứ thuộc giáo hạt Tân Sơn Nhì - TGP TPHCM) - ảnh: Trần Tin
|
Chúng con xin chân thành cảm ơn Đức cha!
LIÊN GIANG (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.