Giải Nobel hòa bình năm 2015 cuối cùng đã được trao cho bộ tứ người Tunisia vì những nỗ lực của nhóm này trong việc kiến tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia Bắc Phi. Tuy nhiên, trong danh sách những ứng viên trước đó, không ít người tiên đoán và nghĩ đến cha Mussie Zerai, người Eritrea.
Eritrea là một quốc gia châu Phi, giáp Sudan về phía tây, Ethiopia về phía nam và Djibouti về phía đông nam. Phần phía đông và đông bắc Eritrea còn có các đảo ven bờ trong biển Đỏ. Quần đảo Dahlak và rất nhiều đảo thuộc quần đảo Hanish thuộc lãnh thổ Eritrea. Eritrea tuyên bố độc lập và được quốc tế công nhận vào năm 1993.
Cha Mussie Zerai được tiến cử vì đã giúp cứu hàng ngàn mạng sống di dân đang băng qua Địa Trung Hải.
![]() |
Việc mục vụ của cha bắt đầu từ năm 2003, khi cha đưa số điện thoại của mình cho một nhà báo đang cần giúp dịch các câu chuyện đời của người Eritrea trong các trại tù ở Libya. Cha Zerai trở thành trung tâm của một đường dây hỗ trợ khủng hoảng, để các di dân gọi điện thoại xin giúp đỡ, khi họ mắc kẹt trong những chiếc xe ở sa mạc Sahara hay trên những con tàu lênh đênh trên biển cả. Cha gởi vị trí GPS của họ đến đội tuần duyên Ý và hải quân EU để thực hiện công tác giải cứu. Con số cuộc gọi tăng lên quá nhiều, nên cha đã lập trung tâm điện thoại “Canh chừng Địa Trung Hải” với hàng chục tình nguyện viên nói nhiều ngôn ngữ.
Cha Zerai đã gặp ĐTC Phanxicô tại một hội nghị về vấn nạn buôn người. Cha cho biết: “Ngài bảo tôi hãy có can đảm hơn nữa, hãy tiếp tục dấn bước. Tại sao Kinh Thánh không cho phép chúng ta quay lưng lại với những đứa trẻ đang bị chết chìm”.
Không chỉ đối với dòng người di dân và tị nạn châu Phi, Giáo hội còn luôn mời gọi các Kitô hữu lưu tâm và giúp đỡ thành phần này ở khắp các vùng miền.
Tại Việt Nam, nhân Ngày thế giới Di dân và tị nạn lần thứ 102 (17.1.2016), trong Thư gởi các tín hữu xa quê, Ủy ban Mục vụ Di dân (MVDD)/HĐGMVN đã khẳng định HĐGMVN quyết tâm đồng hành với anh chị em di dân cách cụ thể hơn, qua việc ủy thác cho Ủy ban MVDD soạn thảo “Hướng dẫn mục vụ di dân” để giúp các tín hữu được chuẩn bị và chăm sóc đời sống đức tin khi rời xa quê hương, xứ đạo. Tài liệu này sẽ được trình lên Hội nghị thường niên kỳ I/HĐGMVN 2016 để được phê duyệt. Ngoài ra, Ủy ban MVDD cũng sẽ phối hợp với Ủy ban BAXH cùng các đối tác thực hiện đề án hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho giới trẻ nông thôn.
Còn trong Sứ điệp năm nay, ĐTC nhắn nhủ: “Hơn bao giờ hết, Tin Mừng của Lòng Thương Xót (LTX) đang lay động lương tâm chúng ta, không để chúng ta vô cảm với nỗi đau của người khác, và chỉ cho chúng ta phương thức đáp lại nỗi đau ấy, dựa trên nền tảng của đức Tin Cậy Mến, thể hiện cách cụ thể qua những việc thương xót, phần hồn cũng như phần xác… Nơi tâm điểm của Tin Mừng LTX, sự gặp gỡ và đón nhận người khác đồng nhất với sự gặp gỡ và tiếp đón Thiên Chúa: Đón nhận người khác nghĩa là tiếp đón chính Thiên Chúa! Anh chị em đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng và niềm vui sự sống phát sinh từ việc anh chị em cảm nghiệm Lòng Chúa thương xót, được bày tỏ nơi những người anh chị em gặp gỡ trong hành trình ra đi”.
Với tâm tình của ĐTC, cùng những nỗ lực của Ủy ban MVDD, chắc hẳn các tín hữu, như người Samari xưa, sẽ mẫn cảm và đồng lòng thương xót mở rộng vòng tay tiếp đón dòng người di dân.
Hoàng Anh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.