Nẻo về Hiệp Nghĩa hoa tươi,
Ðường lên Núi Mẹ đầy vơi kinh cầu
Năm mươi năm vẫn tươi màu,
Trung trinh nghĩa hiệp chẳng bao giờ ngừng.
Những câu thơ Ðức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống đã viết cho giáo xứ Hiệp Nghĩa và đài Ðức Mẹ trên ngọn núi đất nhân dịp 50 năm giáo xứ và đài Ðức Mẹ được xây dựng. Từ cột mốc kim khánh vào năm 2011, đến nay đài Ðức Mẹ Hiệp Nghĩa đã có 62 năm hiện diện.
![]() |
Một tấm ảnh tư liệu cũ những năm đầu đặt tượng Đức Mẹ trên đỉnh núi |
Ngọn núi nhỏ có tượng Đức Mẹ nằm cách giáo xứ Hiệp Nghĩa chừng 500m từ hơn 6 thập niên qua vẫn được người dân gọi tên là núi Đức Mẹ Hiệp Nghĩa. Cách núi Tà Cú 9 cây số, núi Đức Mẹ Hiệp Nghĩa ở tỉnh lộ 712, thuộc xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đứng dưới chân núi có thể thấy độc đạo dẫn lên đài Đức Mẹ là những bậc thang nối tiếp. Dù đang ở mùa khô nắng nóng nhưng hai bên cây cối vẫn xanh tốt. Tổng thể con đường dốc nối thẳng từ chân núi đến đỉnh khá ấn tượng bởi độ đồng đều của từng bậc cấp. Ngay từ điểm vào đầu tiên, khách hành hương có thể biết một số thông tin thú vị về công trình. Cụ thể, tấm bia đá ghi rõ ngày 8.12.1961, Đức cha Marcel Piquet, Giám mục giáo phận Nha Trang đã làm lễ khánh thành tượng đài Đức Mẹ. Tháng 12.1974, công trường Lời Chúa trên đỉnh núi đã được xây dựng; năm 1996, xây dựng bậc cấp lên tượng đài; năm 2009, xây dựng 14 chặng đàng thánh giá. Tháng 12.2010, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã cắt băng khánh thành hai công trình 14 chặng đàng thánh giá và đường điện thắp sáng con đường lên núi. Như vậy, tính từ lúc tượng Mẹ được đặt trên đỉnh núi hơn 60 năm trước, đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, chỉnh trang để có một diện mạo núi Đức Mẹ Hiệp Nghĩa như hôm nay. Ngày chúng tôi đến với núi Đức Mẹ Hiệp Nghĩa, xung quanh khu vực tượng đài cũng đang được lát gạch dang dở…
Dù có các bậc lên xuống nhưng vì địa hình núi dốc nên để chinh phục được đỉnh, viếng Đức Mẹ cũng đòi hỏi khách hành hương sự kiên trì và sức khỏe. Quãng đường từ chân núi đến đài Đức Mẹ khoảng 400 bậc thang. Trên đường leo dốc, chúng tôi bắt gặp nhiều người lớn tuổi đôi lần dừng chân nghỉ mệt nhưng sau đó, mọi người đều cố gắng lên được đến nơi. Trên đỉnh, tượng Mẹ được sơn màu áo thanh thiên. Tượng cao khoảng 2m không tính chân đế, phần chân đế vừa được xây dựng tu bổ lại khác ban đầu. Khuôn viên có bài trí ghế đá cho mọi người dừng đọc kinh dâng Mẹ. Nhìn thoáng qua, tượng Mẹ Hiệp Nghĩa khá giống tượng Mẹ Tà Pao. Xét về thời gian đặt tượng thì tượng Mẹ Hiệp Nghĩa được đặt sau Mẹ Tà Pao 2 năm. Khoảng cách từ Đức Mẹ Hiệp Nghĩa đến Đức Mẹ Tà Pao là 80 cây số.
![]() |
Dù chưa phải là điểm hành hương được nhiều người biết đến nhưng theo bà con sống gần đây thì hằng ngày vẫn có người đến với Mẹ. Đặc biệt, Đức Mẹ Hiệp Nghĩa gắn bó mật thiết với bà con giáo dân xứ Hiệp Nghĩa. Theo lịch sử giáo xứ ghi chép, đài Đức Mẹ trên núi được xây dựng cùng giáo xứ Hiệp Nghĩa. Các cụ cao niên trong xứ còn nhắc về vị linh mục tiên khởi người Pháp - cha Gérard Moussay, coi sóc giáo xứ từ năm 1960-1968. Cha biết nói tiếng Việt và đã dành nhiều tâm huyết xây dựng giáo xứ. Cha là người đặt tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm là bổn mạng giáo xứ. Hằng năm đều có lễ mừng Mẹ Vô Nhiễm trên núi Mẹ Hiệp Nghĩa. Với khách hành hương có sức khỏe và muốn khám phá thêm, lượt xuống núi ngoài con đường bậc thang có thể đi xuống bằng đường mòn, dốc đá, nơi có đặt 14 chặng đàng thánh giá…
Tháng 5, đến với Mẹ Hiệp Nghĩa giữa núi đồi đất Bình Thuận, khách hành hương thì thầm dâng Mẹ lời kinh.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.