Thứ Năm, 04 Tháng Năm, 2023 09:05

Những bàn thờ Chúa và tấm lòng đạo hạnh đơn sơ

 

Họ đạo La Dày (GP Phan Thiết) thuộc xã Ða Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vốn chỉ có lối 700 tín hữu sinh sống rải rác trên một vùng rộng lớn có núi non, hồ thủy điện, sông ngòi… Trong số đó, có 10% là tín hữu sắc tộc và những người nghèo trú ngụ ở các nhà bè trên lòng hồ Hàm Thuận. Vùng truyền giáo La Dày vì vậy có những nét khác biệt…

 

 Chị K’ Quyên khoe được Đức cha giáo phận rửa tội vào năm ngoái

 

Bán kính của họ đạo La Dày chừng 20 cây số, vì thế con đường mục vụ của cha sở tương đối rộng và xa. Ở đây, đồng bào thiểu số chủ yếu thuộc dân tộc K’ho, thường sống rải rác ở các thôn núi. Theo cha chánh xứ Phaolô Nguyễn Ngọc Trác, trước kia người đồng bào còn canh tác và sống gần phía ngoài trung tâm thôn La Dày, nhưng về sau họ bán đất dần dần, rồi di chuyển vào sâu hơn dựng nhà. Cũng vì vậy, dấu chân người mục tử ở vùng đất này buộc phải năng động hơn khi đến những xóm xa đường, xa nhà thờ.

Trên chiếc xe máy xóc nẩy vì đá dốc, ít nhất mỗi tháng đôi ba lần, cha Phaolô hay các ông trùm khu đều thu xếp ghé vào thông báo chuyện đạo nghĩa ở xứ, thăm hỏi hoặc có khi gởi quà… Cha Phaolô chia sẻ, con đường đến với người đồng bào thiểu số mà cha làm chính là sự duy trì tiếp nối của các dấu chân mục tử tiền nhiệm. Ngoài ra, đó cũng là mong muốn của Đức cha giáo phận cổ võ sự chăm sóc cho người nghèo vùng đồi núi này. Trong chuyến đi cùng cha chánh xứ, người viết được đến hai điểm đặc biệt khó khăn, gồm những xóm nhỏ người đồng bào K’ho và nhà bè nổi thuộc giáo họ Giuse lòng bè. Hai điểm đến này đã đem lại nhiều xúc cảm về hành trình truyền giáo vùng sâu.

Dưới những căn nhà thấp lụp xụp, bên trong trống trải đồ đạc, chiếc bàn thờ nhỏ treo ảnh tượng Chúa, Mẹ hay Thánh Gia trở thành điểm chú ý khi bước vào. Bằng nụ cười phảng phất nét buồn, họ kể về niềm tin của mình vào nhà thờ với âm giọng lơ lớ. Chị K’ Quyên có con nhỏ đang bế cặp bên hông, khoe được Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục giáo phận Phan Thiết - rửa tội cho mình. Nam giới trong nhà đã đi làm rẫy từ sớm, chị K’ Quyên cùng mấy chị nữ khác ở nhà trông con và phơi bông đót làm chổi. Nhà họ chẳng có gì quý giá cũng không có gì để giải trí, nên suốt buổi sáng, phụ nữ, trẻ nhỏ chỉ quẩn quanh bên nhau, làm mấy việc lặt vặt. Họ nói về lòng đạo giản đơn rằng biết đọc vài kinh ngắn, biết làm dấu và tin vào lòng tốt của ông cha cũng như sự thánh thiêng của bàn thờ, của nhà thờ. Một người phụ nữ khác, chị K’ Quỳnh Như thì không giấu diếm niềm vui khi kể gia đình mình được rửa tội đến nay được một năm. Còn nhiều bỡ ngỡ nhưng khi được cha hay hội đồng giáo xứ mời gọi, các nhà trong xóm đều sẽ đến nhà thờ hoặc linh đài ông thánh Antôn La Dày dự lễ. Chị thật bụng: “Nhà mình có bàn thờ do cha cho đó. Tháng nào thiếu gạo ăn cha cũng nói ghé nhà thờ lấy gạo. Đi lễ thấy đôi dép mòn đứt, ông cha cho đôi mới đi về…”.

Bàn thờ nhỏ bé trong căn nhà đơn sơ

 

Được biết, những xóm làng xa nhất cách giáo xứ La Dày gần 20 cây số đường núi đồi. Chính vì xa và thường các gia đình không có đủ xe di chuyển nên rất khó để những bổn đạo mới này đi lễ Chúa nhật hằng tuần. Do vậy, ở điều kiện của một vùng còn nhiều cách trở, thì mối dây neo giữ lòng đạo mới nhen không nguội lạnh chính nhờ sự liên kết của mục tử và các bổn đạo cũ. Như lời anh Nguyễn Minh Dương, một chức việc ở xứ chia sẻ: “Giáo xứ vùng kinh tế mới còn non trẻ, nhưng nếp đạo thì mọi người đã quen từ quê cũ. Còn anh chị em người đồng bào thiểu số thì còn bỡ ngỡ, chưa quen nên ai cũng hiểu và sẵn sàng giúp đỡ”. Ở La Dày, thánh lễ hằng ngày được xen kẽ vào các tối thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và các sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, Chúa nhật. Riêng linh đài thánh Antôn mà giáo xứ vừa khánh thành sau cái Tết vừa rồi luôn mở cửa cho mọi người đến nguyện kinh.

Ngoài những gia đình đạo mới là anh chị em dân tộc thiểu số sống rải rác ở các xóm núi, còn có một nhóm hơn 20 gia đình sống trên các bè nổi ở lòng hồ Hàm Thuận cũng được giáo xứ chăm lo. Đa số những hộ sống trên hồ là người Kinh đến từ nhiều nơi khác nhau. Ngoài ra, có một ít gia đình thuộc dân tộc Khmer di dân từ miền Tây lên đây sinh sống. Cũng có một số là giáo dân di cư đến đây lập nghiệp từ trước khi hồ Hàm Thuận xây dựng thủy điện Đami. Từ lòng hồ để di chuyển đển nhà thờ dự lễ Chúa nhật hay tham gia sinh hoạt ở giáo xứ quả thực còn nhiều khó khăn, bất tiện.

Mấy năm gần đây, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng khi có chuyến đi thăm mục vụ vùng truyền giáo La Dày - Đami đều đến với người đồng bào thiểu số và cả những gia đình sống trên hồ nước. Đức cha rửa tội cho một số gia đình trong số họ. Khi thấy được nỗi vất vả này của bà con giáo dân, ngài đã đề xuất làm một nhà nguyện nổi ở lòng hồ. Trong Tết Quý Mão vừa qua, bà con sống trên các bè đã có thể dễ dàng kết nối hơn với nhau khi có điểm đọc kinh tối, cầu nguyện. Nhiều người dân La Dày vẫn nhắc đến lời chia sẻ của vị mục tử giáo phận cùng với thao thức mục vụ khi đến đây dâng lễ: “Hãy đến vùng ngoại biên, để không ai bị lãng quên trong mục vụ truyền giáo của giáo phận”. Lấy bổn mạng thánh Giuse, giáo họ lòng bè ra đời với một nhà nguyện nổi khiêm tốn chỉ chừng hai chục mét vuông. Vào mùng 4 Tết, tại nhà nguyện nổi, Đức cha Giuse cùng cha chánh xứ và hơn 30 gia đình người dân tộc K’ho, 25 gia đình sống trên lòng hồ Hàm Thuận đã lần đầu tiên quy tụ dự thánh lễ cầu bình an cho năm mới trong tình yêu mến.

Những gia đình sống trên nhà bè lòng hồ có cuộc sống nhiều khó khăn

 

Ông Phạm Văn Phúc, trùm giáo họ Giuse lòng bè cho biết, vào ngày 12 hằng tháng tại nhà nguyện nổi có thánh lễ 4 giờ chiều. “Từ ngày có nhà nguyện nổi, những gia đình ở đây rất vui vì cảm thấy ấm áp hơn về tinh thần. Nhờ cha chịu khó mà bà con cũng siêng năng đọc kinh, giữ đạo sốt sắng hơn”, ông Phúc nói. Trong vai trò “chủ nhà”, ông trùm Phúc lái xuồng máy chở khách lênh đênh vài vòng hồ, đã kể về đời sống của bà con trên “miền lênh đênh”. Thường cứ mấy nhà lại neo thành một cụm. Những căn nhà nổi cũng na ná nhau đều nhỏ bé, đơn sơ và được lấp đầy bởi rất nhiều đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ đánh bắt cá. Đánh bắt cá, làm thuê cho các rẫy trồng cây ăn trái là kế mưu sinh chính của họ. Ở xóm chài này, rất dễ nhận ra nhà của các tín hữu Công giáo. Nhà của tín hữu ở La Dày đều có bàn thờ ngay gần cửa vào nhà. Theo ông Phúc, các tranh tượng ảnh của những gia đình đạo mới đều được giáo xứ gởi tặng. Xóm chài nghèo dường như cảm thấy được sự nâng đỡ về tinh thần khi dưới mỗi mái nhà có ảnh tượng các Đấng gần gũi.

Trong cái chòng chành giữa chiều muộn, chiếc xuống máy rời xa dần xóm lênh đênh. Với ánh mắt ngoái theo, vẫn thấy bóng tượng Thánh Gia ở mái nhà như một điểm neo tâm trí người đến đây…

 

Minh Hải

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm