Cứ xế trưa, nhiều người khuyết tật, lao động chân tay, sinh viên nghèo lại rẽ chân vào quán cơm tình thương 2.000 đồng tại giáo xứ Mactinô (TGP.TPHCM). Họ tới đây không chỉ để tiết kiệm một khoản sinh hoạt phí, mà còn để cảm nhận tình thương và sự quan tâm của cộng đồng giữa dòng đời vội vã.
Có rất đông người lao động ghé chân tới quán vào giờ cơm trưa |
Mỗi sáng Chúa nhật hằng tuần, hơn 200 người khuyết tật thường tới nhà thờ Mactino dùng bữa cơm có tính chất gia đình do cha chánh xứ Phêrô Vũ Minh Hùng tổ chức. Địa chỉ ấy trở thành điểm trao và nhận yêu thương, hạnh phúc suốt 8 năm nay. Từ chỗ chia sẻ với các anh em này, cha còn muốn dang rộng vòng tay, giúp đỡ thêm nhiều đối tượng khó nghèo, nhọc nhằn khác. Thao thức, mong mỏi trên càng đau đáu khi Giáo hội mở ra Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lời nhấn mạnh của Đức Thánh Cha, Giáo hội là của người nghèo, các mục tử cần “vượt ranh”, đi ra vùng “ngoại biên” để vấy mùi chiên, đỡ nâng những hoàn cảnh bị bỏ rơi, gạt ra bên lề xã hội ngày càng thôi thúc. Thế là cha cùng các cộng sự lên kế hoạch thực hiện điều ấp ủ.
Từ tháng 3.2016, giáo dân trong xứ rục rịch chuẩn bị mặt bằng, sắm sửa thêm dụng cụ bếp núc, bàn ghế, muỗng nĩa... sẵn sàng cho ngày đón tiếp và phục vụ tha nhân. Nói về căn cơ tình cảm dành cho người nặng gánh mưu sinh, cha ôn tồn trải lòng: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, cha tôi mất sớm, mẹ phải tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi các con. Chuyện cả nhà thiếu ăn, thiếu mặc vẫn hay xảy ra. Còn nhớ thời sinh viên trường Đại học Bách Khoa, tôi thường ngủ 4 tiếng/ngày do buổi tối phải rong ruổi ngoài đường chạy xích lô hay đi dạy kèm để có tiền trang trải này kia. Từng sống trong cảnh thiếu thốn, lao động cơ cực nên có lẽ vì vậy mà bản thân có nhiều sự đồng cảm với những anh em cùng cảnh ngộ”. Mang trong mình sự cảm thông, thấu hiểu từ lúc ấy nên khi trở thành linh mục, giúp bà con được việc gì, tới đâu, cha mau mắn bắt tay vào làm.
Nhờ cơm ở Mactinô, nhiều người tiết kiêm được một khoảng chi phí sinh hoạt |
Lễ Thánh Giuse Thợ - quan thầy của người lao động vừa qua, cha chọn dịp này khai trương quán. Bên cạnh những người tàn tật quen thuộc hay lui tới, giờ đây quy tụ thêm các thành phần sinh viên, công nhân vệ sinh, thợ hồ, chạy xe ôm, bán vé số, làm thuê... Cha nhẩm tính, nếu chỉ san sẻ bữa cơm ngày Chúa nhật như trước nay thì không thể đỡ đần mọi người là mấy nên hiện giờ, ngoại trừ thứ Bảy, những ngày còn lại, giáo xứ đều tổ chức nấu bếp. Mỗi bữa trưa bớt được vài đồng cơm canh, như vậy họ có thể tiết kiệm được không ít chi phí nơi Sài Gòn đắt đỏ.
Có mặt từ sớm, anh Nguyễn Hữu Long nhấc đôi nạng sang một bên, trầm ngâm: “Tôi đi bán vé số khắp các con đường, ngõ hẻm. Trưa nào mà tại khu vực mình đang dạo bán có quán cơm từ thiện là mừng lắm, tiết kiệm mười mấy ngàn lại được ăn đến căng bụng. Với anh em lao động thì dè sẻn, chắt chiu được đồng nào hay đồng đó”. Góp thêm vào câu chuyện, ông Đặng Văn Khiết - một lao công vừa phủi áo quần đầy cát vừa nói: “Bình thường hễ làm xong buổi sáng tôi thường về nhà nấu cơm chứ ăn ở tiệm hoài thì tiền nào cho đủ. Ăn xong thì lại tới giờ làm chiều nên cứ lật đật, cập rập thời gian. Giờ có quán cơm 2.000 ở đây, tôi đỡ mất công nấu, có thời giờ ngả lưng chợp mắt một xíu, mừng!”.
Về phía giáo dân thiện nguyện, có dịp phục vụ, thể hiện cử chỉ yêu thương với người chung quanh đã mang lại cho họ không ít niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. “Cha sở từng chia sẻ với chúng tôi, đây là cơ hội thiết thực để mọi người sống Năm Thánh đang diễn ra. Khi mỗi cá nhân hy sinh thời gian, công việc tới phụ rửa rau, xắt thịt... để lo cho bữa ăn chung chính là lúc mình thực thi lòng thương xót. Việc làm tuy đơn sơ, bình thường, nhưng quả thật ai cũng thấy thích thú, muốn góp vào công sức”, chị Thu Vân, một người tới phụ việc thổ lộ. Với phương châm không phân biệt bất cứ ai, tất cả đều được chào đón nên nơi đây hình thành một bầu khí thân tình, gần gũi giữa mọi người. Những câu hỏi ân cần “Chú ăn cơm thêm không chú?”, “Canh vừa miệng chứ bác hả?”, “Để con lấy khăn giấy cho ông”… giây lát lại vang lên. Đôi khi có người thật tình góp ý về mùi vị thức ăn nhưng được các giáo dân hiểu ý, lắng nghe, không phiền trách, nhờ vậy, họ không những an tâm mà còn cảm nhận được tình thân thương.
Mới đi vào hoạt động không lâu, quán khó tránh khỏi vấn đề nhân sự phục vụ bữa mỏng bữa dày, lo lắng về những thiếu sót, chưa tươm tất. Nhưng sau mối bận tâm đó, tấm lòng liên đới, sẻ chia với tha nhân vẫn bền chặt qua các bữa cơm đượm tinh thần “Agape” (tiệc thương yêu).
Quán cơm 2000 đồng của giáo xứ Mactinô, chợt nhớ đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói trong bài giảng thứ Năm tuần Thánh 2004: “Agape là bác ái, là tình yêu. Do đó bữa ăn Agape là bữa ăn đem lại sức sống cho tình yêu, cho nhân ái, cho cảm thông và cho mọi người đồng bàn niềm vui, một niềm vui tha nhân”.
PHÚ KHANG
Bình luận