Gõ từ khóa “trappitvn” trên Google, sẽ thấy xuất hiện một trang web khá khiêm tốn về hình thức lẫn nội dung, song chứa đựng những điều cô đọng về chân dung đan sĩ dòng kín Tráppít. Sức hút nằm ở sự năng động của các đan sĩ có mái tóc “đầu đinh” trẻ trung, mà những bước đi đầu tiên của họ đã để lại dấu ấn trên đất Việt từ mười năm nay, vô cùng âm thầm.
Một cơ may cho chúng tôi được làm quen với hai sư huynh đến từ Ðan viện Tráppít Ðức Mẹ Sept-Fons trong khuôn khổ những ngày Gặp gỡ Ơn gọi của họ, được tổ chức đầu tháng 4-2022 tại một nhà tĩnh tâm ở TPHCM.
|
TỪ CÙNG MỘT NGỌN ÐUỐC
Chưa hề có đan viện Tráppít tại Việt Nam, song bề dày tu đức của dòng Tráp (Trappe) đã là một nguồn gợi hứng rất lớn cho cha Henri Denis, M.E.P. (tên Việt là cố Biển Ðức Thuận), thành lập một dòng chiêm niệm dành cho nam tại Việt Nam, tiền thân của chi dòng Xitô Thánh Gia, thuộc dòng Xitô Chung Phép (O.Cist.) sau này. Quả thật, cố Biển Ðức Thuận khi khai mở đời sống đan tu trên núi Phước Sơn (giáo phận Huế) vào 1918 vẫn ôm ấp ước mong được sáp nhập vào dòng Tráp, tên chính thức là Xitô Nhặt Phép (Order of Cistercians of the Strict Observance O.C.S.O.). Vì nhiều yếu tố khách quan của thời cuộc, ước muốn này chỉ nằm lại trong những trao đổi thư từ giữa các bề trên, để rồi cái tên dòng lạ lẫm ấy bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian cả hơn một thế kỷ qua.[1]
“Nhặt Phép” không có ý phân biệt với “Chung Phép”, vì cả hai cùng thuộc đan tu trào Biển Ðức-Xitô. Cha Marie-Thomas, đặc trách ơn gọi vùng Á châu của Sept-Fons giải thích: “Tên gọi nhắm đến tầm quan trọng của các phép tuân thủ. Chúng tôi muốn sống một cách truyền thống nhất, nghĩa là theo những phương thức cụ thể trong khuôn khổ đan tu vốn đã được thanh lọc qua lớp lớp thế hệ đan sĩ. “Nhặt” không có nghĩa là gay gắt, hóc búa, nhưng là diễn tả một tinh thần cố gắng nhất để giữ đúng giá trị, đường hướng của các đấng sáng lập dòng: trở nên những người cầu nguyện, không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa”. Ba phép tuân thủ nền tảng là cầu nguyện, lectio divina (đọc sách hướng thần) và lao động: chúng giống như chiếc kiềng ba chân vững chắc, nâng đỡ đời sống đan tu.
![]() |
Sept-Fons cuối thế kỷ XVIII |
Trong một giờ Lặp lại,[2] sư huynh Marie-Noël, phụ tá của cha Thomas, phân tích: “Chúng tôi bị hiểu là dòng “khổ tu”, điều này có phần đúng, xuất phát từ những trào lưu cải tổ, ở một vài giai đoạn trong lịch sử, mà điểm nhấn đặt nơi việc hãm mình đền tội, lao động khổ chế…, chẳng hạn như cải tổ của cha De Rancé ở đan viện La Trappe thế kỷ XVII (cùng thời kỳ này, cũng đã có cải cách ở đan viện Sept-Fons nhờ công của Dom Eustache de Beaufort với sự quân bình gần hơn với Tu luật Thánh Biển Ðức). Rốt cuộc các “phép nhặt” này, thay vì là phương tiện đã trở nên mục đích, khiến đi trệch truyền thống, đến độ quên đi điều tối quan trọng cần thiết, điều không thể bị lấy đi: sự kết hiệp mật thiết với Ðức Giêsu”.
Nếu như khởi điểm của ơn gọi đan tu là một ước muốn nên bạn nghĩa thiết với Ðức Giêsu được chính Người nhen nhóm trong tim chúng ta, thì nó đã thực sự trở nên ngọn đuốc sáng, ngay từ mái nhà Nazareth, trên tay Ðức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Ngọn đuốc ấy được chuyển giao cho các tông đồ, đại diện là thánh Gioan - người môn đệ Chúa thương, dưới chân thập giá; được lan tỏa đến những môn đệ khác, đến những người bạn của Chúa, cách riêng ba chị em nhà Bêthania… Cuộc rước đuốc dần lan sang phương Ðông, đến Ai Cập vào thế kỷ IV trên tay thánh Antôn và các đan phụ sa mạc, được truyền đến Tây Âu vào tay thánh Biển Ðức thế kỷ VI, từ đó được chuyển giao đến các đấng sáng lập dòng Xitô cuối thế kỷ XI và thực sự rực rỡ nơi người con ưu tú của dòng là thánh Bernađô. Ngọn đuốc ấy đã lan tỏa đến Sept-Fons cùng thời kỳ. Và hãy còn tỏa rạng ngày nay với một sức cuốn hút vượt bậc khiến nhiều bạn trẻ tứ phương trên thế giới đến tìm kiếm Thiên Chúa tại một trong những cội nguồn truyền thống nhất của dòng Xitô-Tráppít.
|
Ca triều trong nhà thờ |
MỘT CHÚT TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA ÐAN TU
Không dễ có cơ may được gặp đan sĩ Tráppít, những người hằng túc trực bên chân Chúa và sống vĩnh cư trong nội vi đan viện. Chính vì thế, lần đầu tiên khi được tiếp xúc với những người bạn của Chúa, anh Phanxicô Xaviê T.Q.C. (nhân viên kế toán, Q.1) cảm thấy vô cùng ấn tượng: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra rất mãnh liệt từ cha Thomas và sư huynh Noël. Chỉ có hai đan sĩ thôi mà mang đến cả một bầu trời bình an cho người đối diện. Bình an khi đi vào cung thánh tâm hồn và khám phá ra khao khát thẳm sâu mà Chúa đã đặt vào tim tôi từ lâu, một ước muốn chỉ sống cho riêng Người”. Chính hai vị đan sĩ gần gũi này sau những giờ đồng hành đã giúp chàng ứng sinh Tráppít thêm can đảm sẵn sàng trả giá cho chọn lựa cuộc đời của mình, một “cái giá” mà anh ví như “một cuộc tử đạo kéo dài vì đẹp lòng Chúa”. Chẳng phải các đan sĩ và các trinh nữ thánh hiến sau thời kỳ bách hại ban đầu của Giáo hội được gọi là những vị “tử đạo trắng” sao?
Chân thành. Trực diện. Xoáy vào bản ngã. Ðó là cách mà vị linh phụ buộc người thụ huấn phải nhìn thẳng vào con người thật của mình trong khi ân cần gợi mở để họ tự diễn đạt bản thân, điều sâu kín trong lòng một cách khách quan nhất. Người môn đệ không thể đeo mặt nạ khi đối diện với linh phụ. Phương pháp huấn luyện 1:1 đặc thù này của Sept-Fons[3] đưa người môn sinh đi vào tương quan mật thiết với linh phụ, từ đó truyền thống đan tu được chuyển giao. Sư huynh Noël, đan sĩ người Việt tiên phong ở Sept-Fons, chia sẻ về kinh nghiệm thụ huấn của anh: “Ơn gọi của tôi có trổ sinh hoa trái hay không tùy thuộc vào việc mở lòng với linh phụ trong mọi sự. Ðối với tôi, ngài hơn cả một người cha. Là cha, ngài chăm chút cho tôi về mặt vật chất lẫn tinh thần, là linh phụ thì ngài chỉ tôi con đường đến với Chúa khi phát huy mọi phương tiện mà truyền thống cung cấp - ở đây là những phép tuân thủ, và nhất là biết mình tường tận hơn, ưu điểm lẫn khuyết điểm, trên hết biết cách tận dụng những khó khăn thường ngày để phụng sự Chúa tốt nhất. Tôi vẫn nhớ lời nguyện mà cha Thomas đã dạy tôi vào giai đoạn có thể nói là thử thách nhất trong đời tu của mình: Lạy Chúa Giêsu, khó khăn không là cản trở, nhưng mỗi khó khăn là một bệ đỡ đưa con đến gần Chúa hơn”.
|
Lao động |
Ðối với Phêrô T.N.Ð.V., một “con mọt sách” về linh đạo Ðông phương, anh hoàn toàn bị chinh phục khi được khai tâm vào lối cầu nguyện đan tu, vốn chú trọng vào sự hiện diện với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng những phương tiện rất dễ dàng và cụ thể như đọc sách, thinh lặng nhìn Chúa với lòng trìu mến, đọc lời nguyện tắt. Bạn sinh viên Ðại học Quốc tế TP.HCM này đơn sơ bộc bạch: “Trong cộng đoàn ứng sinh Tráppít ở Fatima Bình Triệu, anh em thường hay trêu mình là “gã mộng du của thế kỷ” vì tâm trí mình hay bay bổng trên mây trời để theo đuổi những ý tưởng đôi khi rất đỗi thiêng liêng, nhất là trong những giờ kinh và nguyện ngắm. Qua những giờ giảng huấn của các đan sĩ, tôi đã hiểu rằng cầu nguyện không phải là đi tìm ý tưởng cao đẹp, cũng chẳng phải là quyết tâm dốc lòng điều gì đó, cho bằng ở lại với Chúa như một trẻ thơ an nhiên chơi đùa trong sự hiện diện của mẹ. Mà để ở lại lâu dài với Người, phương tiện mà các đan sĩ Sept-Fons dạy tôi quả thật hữu dụng. Tôi cũng nhận ra rằng đời sống thiêng liêng phải được xây dựng trên những điều vững chắc và hết sức nhân bản. Tôi lấy làm vui, thậm chí khi cha Thomas thẳng thắn nhắc tôi cần bận một cái áo trông tươm tất hơn” (cười).
![]() |
Văn hóa đan tu được hai đan sĩ dòng Tráp áp dụng trong những buổi gặp gỡ ơn gọi ở Việt Nam, phần nào giúp các bạn trẻ hiểu hơn về nếp sống đan tu tại Sept-Fons ngang qua các giờ lễ, với các bài giảng “như thể lúc nào cũng dành riêng cho chính tôi” (Phêrô B.L. - một kiến trúc sư trẻ - tiết lộ), kinh Thần vụ - xen kẽ bằng tiếng Pháp lẫn Latinh là tiếng Việt - nguyện ngắm, lectio divina, giờ Lặp lại, lao động, đồng hành cá nhân, bữa ăn huynh đệ... Tất cả đều diễn ra trong bầu khí thinh lặng. Bạn Maria V.T.H.B. cho biết bốn ngày tìm hiểu ơn gọi tuy ngắn ngủi nhưng lại gặt hái được nhiều điều ý nghĩa. Bạn cứ ngỡ việc tập sống thinh lặng sẽ rất buồn chán và ngược lại với tính hoạt bát của mình. Nhưng không, nhờ thinh lặng, cô sinh viên khoa sư phạm tiểu học trường Ðại học Sài Gòn, đã khám phá được kho tàng của lòng mình: “Chính khoảng thời gian sống trong thinh lặng là lúc tôi nghe được tiếng thì thầm của Chúa. Ðiều đó, giúp tôi thêm can đảm để đối diện với những khó khăn trong đời sống ở gia đình và kiên vững hơn trong việc theo đuổi lời mời gọi của Ðấng duy nhất trong trái tim tôi”. Ðấy cũng chính là viên ngọc vô giá mà Maria Bêthania N.N.L. đã nhận ra và muốn tậu cho bằng được khi từ bỏ nghiệp cầm bút của mình và dành toàn giờ học tiếng Pháp hầu một ngày không xa vào Ðan viện Chambarand, một cộng đoàn các nữ đan sĩ do Sept-Fons đỡ đầu.
Không chỉ để gieo những mối nhân duyên mới, những ngày Gặp gỡ Ơn gọi mà Sept-Fons tổ chức còn là dịp nối lại những tương quan cũ. Có nhiều bạn trẻ, đã từng đến Sept-Fons tìm kiếm Chúa, nhưng sau đó có hướng đi khác, các đan sĩ áo trắng vẫn liên đới, tiếp tục thêm lời động viên họ trong hành trình tương lai, “vì dù ở bất kỳ đâu, ta cũng chỉ phụng sự cùng một Chúa và chiến đấu cho cùng một vị Vua” (Tu luật Thánh Biển Ðức). Trở về Việt Nam sau hai năm tập làm đan sĩ tại Sept-Fons, anh Phêrô H.T. (Quảng Trị), sẽ chuyển hướng sang một dòng hoạt động để truyền giáo cho đồng bào dân tộc quê anh. Anh đã kể lại tâm sự cuối cùng đầy cảm động với cha Thomas: “Tôi mang ơn Sept-Fons đã khai tâm cho tôi một đời sống gắn bó với Chúa Giêsu thật sâu sắc, “hồn tông đồ” cho sứ vụ của tôi mai này. Nhắc đến Sept-Fons là nhắc đến cầu nguyện. Nhớ về Sept-Fons luôn là lời mời gọi tôi đi vào tương quan thân tình với Chúa Giêsu hơn, nhờ đó tôi mới có thể dẫn đưa những buôn làng xa xôi của dân tộc tôi đến với Người”.
|
Giờ kinh Canh thức
|
ÍCH LỢI GÌ NHỮNG ÐAN SĨ DÒNG KÍN?
Những năm đầu khi trở về quê hương giới thiệu ơn gọi Tráppít, sư huynh Noël lấy làm bối rối trước nhận xét của một linh mục. “Cuộc sống và ơn gọi của các thầy rất đẹp”, sư huynh bồi hồi kể lại, “nhưng nó như thể một mô hình đặt trong lồng kính, chỉ để ngắm nhìn, không có tính thực dụng ở Việt Nam. Thiếu gì dòng đan tu ở đây!”
Trước khi nói đến hiệu quả tông đồ của các dòng chiêm niệm, mà thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là một đại diện, được đặt ngang hàng làm bổn mạng các xứ truyền giáo bên cạnh thánh Phanxicô Xaviê, chúng ta cần tìm hiểu sâu xa đâu là lý do hiện hữu của các đan sĩ Tráppít. Lời biện hộ đầy nhiệt huyết nhất xin nhường lại cho Dom Chautard, Viện phụ Sept-Fons (1899-1935…) trong bài điều trần trước Ủy ban Thượng viện Pháp, hầu cứu toàn dòng Tráp khỏi bị trục xuất khỏi lãnh thổ theo quy chế tách biệt đạo - đời của chính quyền 1903.
![]() |
Một tôn giáo lấy Thánh Thể làm nền tảng thì đương nhiên phải có những đan sĩ tận hiến cho việc phụng thờ và kết hiệp với Người… Ðức Kitô không phải là một nhân vật quá cố… Người vẫn sống và Người ở giữa chúng ta. Người hiện diện trong Mình Thánh Chúa… Chính vì thế mà Thánh Thể là nền tảng, là trung tâm điểm, là cốt lõi của tôn giáo chúng tôi, từ đó phát sinh mọi sự sống, và chỉ từ đó chứ không từ nơi nào khác… Chúng tôi xem Người như là Vua của chúng tôi… Vậy, vị Vua - Thiên Chúa ấy mà chẳng có triều thần để tôn vinh Người sao? Không cần có một số người lấy việc sùng kính Người làm vinh dự tối thượng, làm lẽ sống đời mình sao?... Ðó chính là vai trò mà chúng tôi tự đặt ra cho mình. Giữa sự im lặng của các tâm hồn ngủ quên, chúng tôi đến nhân danh chính mình và nhân danh anh em đồng loại để tôn thờ Ðức Kitô đang hiện diện và đang bị quên lãng.[4]
Những giá trị của đời sống siêu nhiên không thể đo lường bằng não trạng chuộng hiệu năng của người thời nay, đơn giản vì nó không cùng bình diện với đời sống vật chất, thậm chí tinh thần. Thomas Merton, cây bút nổi tiếng của dòng Tráp mà Ðức Thánh Cha Phaxicô xếp vào hàng những nhân vật để lại ảnh hưởng thiêng liêng lớn nhất ở Hoa Kỳ, từng viết: “Ai lại không thể mường tượng điều mà một vị thánh có thể làm cho nhân loại. Bởi vì sự thánh thiện thì mạnh mẽ hơn cả toàn bộ hỏa ngục gộp lại. Cùng với Chúa Kitô đang cư ngụ trong lòng mình, thánh nhân có đầy đủ sức mạnh từ quyền đế vương và quyền cai quản của Ðức Kitô. Và vì thánh nhân ý thức như thế, nên các ngài dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Chúa Kitô, để Người có thể dùng sức mạnh của Người qua những hành vi bé nhỏ nhất và hết sức tầm thường của các ngài ngõ hầu cứu rỗi thế giới.”[5] Thiên Chúa vẫn tiếp tục thu hút đến Sept-Fons nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng như các nước mong muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa vì lợi ích của nhân loại, cụ thể là trở nên thừa sai bằng cầu nguyện: đấy là câu trả lời.
Ðan viện Tráppít Ðức Mẹ Sept-Fons được thành lập năm 1132 trong thời hoàng kim của dòng Xitô theo mong muốn của Cha thánh Bernađô, mà hai viện phụ đầu tiên được tin là họ hàng của thánh nhân. Gần chín thế kỷ hiện diện, dù qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những khủng hoảng về nhân sự, vật chất, thiêng liêng… đời sống đan tu vẫn được duy trì liền mạch như một sợi chuỗi mà mỗi mắt xích đều có ý nghĩa của nó. Những giá trị truyền thống theo tinh thần của các đan phụ sa mạc - cội nguồn của đời tu và của Cha Thánh Biển Ðức cần được kế thừa nguyên tuyền và đào sâu có tính thích nghi, phải là ưu tư hàng đầu cho sự tồn tại lâu dài và phát triển của bao thế hệ đan sĩ ở miền Trung nước Pháp này. Nơi đây là một cộng đoàn quốc tế có ơn gọi đến từ bốn châu lục, tạo nên một “trường học Ðức Ái” gồm 80 đan sĩ, đa phần là trẻ, chưa kể gần chục sư huynh được gửi đi sứ mạng đến trợ giúp những cộng đoàn gặp khó khăn hoặc thành lập nhà con ở một số nơi. Một sự phát triển tưởng như là phép lạ giữa một xã hội Tây Âu tục hóa, quay lưng lại với Kitô giáo. Hướng đến kỷ niệm 900 năm thành lập đan viện (2032), một sự hiện diện ổn định hơn của các đan sĩ Tráppít tại Việt Nam là điều được nhiều người mong đợi. Dĩ nhiên, nếu Chúa muốn. Như cách mà Ðấng Quan Phòng, từ mười năm qua đã dẫn dắt các bạn trẻ, nam lẫn nữ, đến môi trường đan tu tại Pháp này để được thụ huấn một cách hoàn bị, với định hướng trở về quê hương một ngày không xa. |
Ngọc Lan
1 X. Gioan Thánh Giá Lê Văn Ðoàn, O.Cist., Tiểu sử Cố Biển Ðức Thuận, bản tiếng Pháp của Centre Sèvres, Paris, 2004.
2 Tiếng Pháp là “Répétition”, là giờ chia sẻ của đan sĩ thâm niên dành cho đàn em, đơn thuần “chỉ lặp lại” những giá trị truyền thống trong huấn luyện đan tu được thừa hưởng từ thế hệ trước.
3 Tại Sept-Fons, đan sĩ trong thời gian thụ huấn mỗi ngày đều đến thỉnh giáo linh phụ và cuối ngày gặp lại ngài trong chốc lát để điểm lại ngày sống, xin ngài chúc lành.
4 Trích Dom Chautard, Sư huynh Tráppít, anh là ai?, ấn bản của Sept-Fons, 2015.
5 Trích Thomas Merton, Ngọn núi bảy tầng, Nxb. Hồng Ðức, 2020
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.