Các xứ đạo, dòng tu vẫn hằng ngày sống tinh thần hiệp hành, bằng việc nối dài cánh tay nghĩa tình, đỡ nâng người có hoàn cảnh khó khăn.
![]() |
Mang bữa cơm và các phần quà đến người dân tộc thiểu số ở các làng vùng sâu, GP Kon Tum |
Mỗi người, mỗi cộng đoàn là một kiểu đồng hành. Song, có thể nói, đi qua những ngày tháng dịch dã, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái được thắm thiết, mặn nồng hơn. Các chương trình bác ái vốn là hoạt động thường xuyên của các xứ đạo được mở rộng ra, “đi ra vùng ngoại biên”. Trung tuần tháng 9.2022, Caritas giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang, TGP TPHCM đã thực hiện chuyến đi thiện nguyện, trao quà cho trẻ em và người nghèo miền Kon Tum. Đoàn đã đến xuyên suốt 12 điểm thuộc giáo phận để gởi trao quà là các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết. Chương trình có sự kết hợp hành hương với điểm cuối cùng dừng chân là Đức Mẹ Măng Đen. Bà Ngô Thị Sáng, Trưởng ban Caritas giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang chia sẻ, chương trình là cơ hội để các thành viên tiếp tục nghĩa cử trao yêu thương, sống tinh thần bác ái thiết thực: “Sau thời gian dài gián đoạn vì dịch, chuyến đi lần này làm thành viên đoàn phấn khích vì bấy lâu nay phải tạm ngưng các chuyến thực tế. Đến với vùng xa, còn khó khăn, chúng tôi cảm nhận anh chị em, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, cuộc sống vẫn còn khó khăn và cần được giúp đỡ nhiều hơn”.
Giáo phận Kon Tum, nơi có đông đồng bào thiểu số, cũng thu hút sự quan tâm của các hội, nhóm thiện nguyện. Chương trình Bếp cơm vui vẻ 9, do chị Nguyễn Thị Thảo Uyên phụ trách, vẫn đều đặn mang các suất ăn, các phần hỗ trợ, khi thì lương thực, khi thì thuốc men, tiền bạc cho những trường hợp đau yếu, khốn khó. Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, nguyên Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum, trong những ngày đi hưu cũng dành thời gian cho việc chăm lo người sắc tộc. Nhiều chương trình thiết thực dưới sự tổ chức, kêu gọi của cha đã được thực hiện, mang đến niềm vui cho người nghèo, trẻ em miền này. Ngày 24.9.2022, cha đã kêu gọi ủng hộ và trao 8 xe đạp cho cô nhi viện Vinh Sơn 2, Kon Tum để các trẻ nhỏ nơi đây có phương tiện đến trường. Cha còn trực tiếp viếng thăm giáo dân và bà con ở các làng sâu, xa thuộc địa phận. Trong những nơi đến thăm, cha thường gởi trao các phần quà và động viên tinh thần bà con vươn lên trong cuộc sống.
![]() |
Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, nguyên Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum khi đi hưu vẫn thao thức mục vụ cho anh em sắc tộc |
Sự ấm áp, ân cần của vị mục tử đã làm cảm động không ít người. Chị Uyên, tháp tùng với cha trong một số hành trình, chia sẻ cảm nhận: “Mặc dù cha tuổi đã cao song luôn thao thức mục vụ chăm lo cho bà con sắc tộc. Mỗi khi đi thăm làng, cha thường đọc kinh với tín hữu, tặng quần áo, mì gói... Các chuyến viếng thăm của cha, lời hỏi han, trái tim yêu thương của cha còn hướng về dân làng. Bà con khi gặp cha đều vui mừng, nét hớn hở hiện ra trên khuôn mặt”.
Cơn dịch ở giai đoạn bùng phát mạnh mẽ nhất đã đi qua. Một số chương trình bác ái nổi lên khi ấy, cần kíp và ý nghĩa cho nhiều người nghèo đến bây giờ vẫn còn thực hiện. Đơn cử, Caritas giáo xứ Chánh tòa Bà Rịa, với chương trình “Trao nhận trong yêu thương”, phát rau, thực phẩm, cháo, mì... cho người nghèo và bữa ăn cho người vô gia cư, thu nhập thấp khởi đi từ đỉnh điểm của dịch Covid-19 năm 2021 đến bây giờ vẫn còn tiếp tục, giúp ích cho không ít hoàn cảnh. Anh Nguyễn Văn Hoàng (giáo xứ Chánh tòa, giáo phận Bà Rịa) chia sẻ, bản thân thấy vui và cảm nhận được sự ấm áp, nghĩa tình trong xứ: “Chương trình này đã nối kết bà con với nhau hơn”.
Tại miền Đồng bằng Sông Cửu Long, rảo qua các giáo phận cũng có thể thấy hàng loạt dự án, mục vụ bác ái dày công, tâm huyết của nhiều cộng đoàn, giáo xứ. Mới đây, vào đầu tháng 9.2022, Ban Khuyết tật - Caritas Vĩnh Long đã gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và thành lập nhóm Khuyết tật gồm 15 thành viên thuộc xã Long Thới (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Mục đích của việc thành lập nhóm không chỉ là các thành viên chia sẻ cho nhau những niềm vui, khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, người khuyết tật sẽ được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để giúp nhau vươn lên và vượt qua những khó khăn cũng như những giới hạn của bản thân. Nhóm đã thảo luận, đưa ra nhiều hình thức gây quỹ để có nguồn kinh phí hoạt động và chia sẻ khi gặp khó khăn như nuôi heo đất, bán lịch, bán hoa tại các giáo xứ vào những ngày lễ, tết…
![]() |
Chương trình “Trao nhận trong yêu thương” tại giáo xứ Chánh tòa Bà Rịa |
Trong khi đó, tại cộng đoàn dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, các nữ tu tiếp tục vận động chương trình hỗ trợ bệnh nhân phong, trao học bổng cho trẻ em nghèo vùng sâu, nâng bước các bé đến trường. Nữ tu Maria Dương Thị Bé Mười, Trưởng ban Bác ái của dòng bày tỏ, hiện diện giữa vùng đồng bằng sông nước, nơi cuộc sống của một bộ phận dân chúng còn nhiều gian khó, các nữ tu muốn góp phần giúp đỡ, san sẻ nỗi khó nhọc và đây cũng là hoạt động thường niên của dòng: “Hội dòng vẫn sẽ tiếp tục các chương trình bác ái với ước mong đỡ đần phần nào sự khó nhọc của bà con nghèo, thôn quê; giúp cho các bé phát triển, có khả năng đến trường...”.
Tại giáo xứ Thiên Phước, giáo phận Mỹ Tho, những ngày giữa tháng 9, xứ đạo đã đưa vào chương trình mục vụ Tủ quần áo 0 đồng và Tủ thuốc 0 đồng dành cho người nghèo, những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tủ quần áo 0 đồng mở cửa từ 7g - 11g sáng Chúa nhật hằng tuần. Để phục vụ cho nhu cầu của bà con, cha Antôn Trần Quốc Huy, phó xứ cho biết: “Tủ quần áo 0 đồng với phương châm ‘ai thừa mang đến - ai thiếu mang đi’ sẽ thu nhận những quần áo đã qua sử dụng nhưng còn tốt của nhiều ân nhân trong, ngoài giáo xứ. Và những người khó khăn khi cần có thể đến chọn lựa đem về sử dụng”. Chương trình ngay khi bắt đầu đã đón nhận sự ủng hộ của giáo hữu.
Có thể nói, nhiều cộng đoàn, giáo xứ đã và đang sống tinh thần bác ái, sẻ chia cách cụ thể và hiệu quả. Tất cả, dẫu có những khác nhau trong cách thức hoạt động, quy mô dự án, song đâu đó phảng phất tinh thần Kitô giáo, lối sống dựng xây huynh đệ, nhân văn, nối kết tha nhân, vượt qua những trở ngại để vươn lên trong cuộc sống.
Anh Nguyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.