Những điều ít biết về khóa 3 Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

Tính đến cái Tết 2023 thì các linh mục thuộc khóa 3 (sau năm 1975) của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn đã ra trường được 24 năm. Sau chừng ấy năm, đến nay các cha thuộc khóa học này vẫn giữ truyền thống hội ngộ hằng năm. Đây cũng là khóa ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn bắt đầu đều đặn tuyển 2 năm một lần.

Các chủng sinh khóa 3 chụp lưu niệm cùng các cha giáo

Còn nhớ một lần, khi Tòa Thánh công bố bổ nhiệm một tân Giám mục từng là Đại Chủng sinh ở một Đại Chủng viện, có một cha cũng xuất thân từ Chủng viện này vui mừng cảm thán cùng nhóm các cha bạn học cùng trường: Chúng ta đã có Giám mục ! (là ngài bắt chước theo câu HABEMUS PAPAM! - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG! - mà vị Hồng y niên trưởng công bố cho toàn thế giới biết, sau khi mật nghị vừa bầu được Đức tân Giáo Hoàng). Ý ngài là sau bao nhiêu chục năm thành lập, đã có một Giám mục xuất thân từ Đại Chủng viện đó. Nói như vậy để thấy rằng, Giám mục là những người ưu tuyển, được Giáo hội chọn từ hàng ngũ các linh mục. Có những nơi như Chủng viện đề cập ở trên, sau nhiều chục năm hình thành, mới có một linh mục học từ đây được Đức Thánh Cha trao phó chức vụ Giám mục. Thế mà, trong Khóa 3 ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, chỉ riêng 20 cha thuộc TGP TPHCM, đã có 3 vị đứng vào hàng ngũ Giám mục, tính đến thời điểm hiện tại. Với toàn khóa gồm 65 linh mục (kể luôn các cha ở những giáo phận khác), mãn trường năm 1999, Khóa 3 sau 24 năm, ngoài ba Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn (GP Hà Tĩnh), Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang (GP Bắc Ninh), Đức cha Giuse Bùi Công Trác (TGP.TPHCM), hiện có rất nhiều những linh mục khác đang là Giáo sư các ĐCV, các học viện dòng tu; Hạt trưởng; hay giữ nhiều trọng trách tại các Tòa Giám mục, các Trung tâm mục vụ…

Các cha nay đều đã trên dưới lục tuần. Đầu năm, hãy nghe các ngài ôn lại thời gian được đào luyện dưới mái nhà Đại Chủng viện.

Một số hình ảnh sinh hoạt, học tập tại Đại Chủng viện


NGÀY THÁNG DƯỚI MÁI TRƯỜNG

Khóa này nhập học tháng 10.1993, với 61 Đại Chủng sinh của 6 giáo phận (trong 6 năm tu học, có bổ sung thêm 4 thầy lớn tuổi): TPHCM, Mỹ Tho, Phú Cường, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phan Thiết; mãn khóa vào tháng 7.1999. Mỗi tháng trong suốt 6 năm đó đều sẽ có một vài sự kiện được ghi chú lại và trở thành những kỷ niệm chung trong kỷ yếu tốt nghiệp của khóa, bên cạnh những trang nhật ký riêng của mỗi người.

Ngày 23.10.1993 là ngày đầu tiên đi học của những tân Chủng sinh khóa 3. Họ non trẻ và bỡ ngỡ cùng những buổi thăm và nói chuyện của Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, với dặn dò sẵn sàng dọn mình làm linh mục trong lối sống tông đồ… Họ cũng có những cột mốc dễ thương vào những tháng sau đó, như đầu năm 1994, đội bóng chuyền cây me thành lập (trong khuôn viên ĐCV khi ấy có 3 cây me cổ thụ); rồi lại được học thêm lớp điện phổ thông dân dụng. Chúng tôi cũng đọc được trong Kỷ yếu của khóa này những dòng “tự sự” như “thứ Năm tuần thánh lần đầu được dự lễ Dầu trong vai trò Đại Chủng sinh mà “lo ra” quá thể”; hoặc “lễ ngân khánh các cha khóa 69, Chủng viện trăm hoa đua nở với các sáng kiến như dùng ống sơn phủ giấy màu làm đèn pha trong tối văn nghệ…”… Năm học 1994-1995 nối tiếp với buổi tối tháng 10 “trà đàm” dưới bầu trời sao về những kinh nghiệm mục vụ mùa hè đầu tiên. Những cột mốc các sự kiện nối tiếp khi gặp gỡ các Đức cha nhiều giáo phận. Năm 1995 đáng ghi nhớ với sự kiện buồn khi Đức TGM Phaolô về nhà Chúa… Niên học 1995-1996 nhiều cảm xúc với lễ giỗ 100 ngày Đức TGM Phaolô. Tu học, miệt mài với đèn sách; sửa mình chỉ trong tu đức; ân cần trong bác ái, giúp mục vụ; siêng năng trong thể thao…, nhưng các thầy thời đó cũng dành ra những khoảng thời gian để giải trí, tiêu khiển lành mạnh. Một cha nhớ lại: “Cuối năm 1995, báo đài thông báo sắp có nhật thực toàn phần tại Việt Nam, chúng tôi cũng nao nức đón xem vì đời người khó thấy lại, tranh thủ thu xếp bài vở để có giờ cùng nhau ngồi chờ và… không thấy gì hết do ở địa điểm không nhìn được…”. Ngày 3.12.1995, ngày đầu tiên các Đại Chủng sinh khóa 3 được mặc áo dòng dự lễ Chúa nhật và các lễ trọng, đánh dấu một khởi sự mới mẻ. Cũng năm này, họ lãnh tác vụ đọc sách và giúp lễ. Năm học tiếp theo, các thầy có dịp dự lễ, giúp hát lễ, giúp lễ trong thánh lễ nhậm chức Tổng Giám mục của Đức Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Và 19.3.1999 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà, Đức Tổng Giám mục GB Phạm Minh Mẫn trao ban tác vụ phó tế cho 36 tu sinh khóa 3 thuộc các giáo phận TPHCM, Phan Thiết, Đà Lạt, Mỹ Tho…

Tấm bưu thiếp cha Đaminh Hà Duy Dũng lưu giữ đến tận hôm nay

Chặng đường tu học 6 năm thật phong phú với những trải nghiệm vui buồn và đầy ắp kỷ niệm, được lưu lại đậm sâu trong miền nhớ của 65 linh mục ngày đó cho đến nay, khi đã có vài cha đã được Chúa gọi về. Nếu những dấu gạch mốc kia ở đôi trang kỷ yếu là trải nghiệm chung, để rồi thêm hiểu, thêm điểm đồng nhất cho một lớp linh mục gắn bó về sau, thì ở mỗi người, Chúa lại có dẫn dắt riêng của Ngài.


ĐÔI DÒNG KÝ ỨC

Nếu tính 6 năm học cùng và 24 năm sau ngày rời trường, đã có 30 năm dài trôi đi. Ký ức có lúc như đã phủ một lớp bụi thời gian, nhưng khi khơi lại chuyện cũ với các linh mục niên khóa này, họ vẫn say sưa kể lại chuyện thầy chuyện học, và cho rằng những gì đã trải qua mãi là hành trang quý giá trong sứ vụ linh mục của mình. Dù đường vào Chủng viện của họ lúc bấy giờ không ít những gập ghềnh và có người phải chờ đợi nhiều năm.

Cha Đaminh Hà Duy Dũng (chánh xứ Tân Chí Linh), kể ngài phải mất một thời gian chờ đợi khá lâu mới được vào học khóa 3, vì sau năm 1975, khóa 1 chỉ mới được bắt đầu từ 1986. Trong những năm chờ đợi, cha vào thanh niên xung phong tận Đắk Nông. Dịp Tết 1987, giữa sự cô đơn và mong chờ thì một tấm bưu thiếp in hình chợ Bến Thành cùng những dòng chữ khích lệ ân cần của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn từ Sài Gòn trở thành sức mạnh tinh thần. Cha cố Tấn sau này trở thành cha linh hướng xuyên suốt quá trình học của rất nhiều Đại Chủng sinh, trong đó có cha Dũng. Cha bồi hồi: “Trong cuộc đời, đôi khi có những điều tưởng chừng giản dị, nhỏ bé mà có sức lay động bền bỉ. Tấm bưu thiếp ngày đó vẫn được mình giữ như một phẩm vật quý giá”. Nhân nhắc chuyện cũ, cha Dũng cũng có dịp bày tỏ sự kính trọng một cách đặc biệt với cha cố Tấn; nhớ đến sự uyên bác của cha cố Giuse Trịnh Hưng Kỷ, Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc; sự nghiêm nghị của cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành… Theo cha Dũng, các ngài và nhiều cha khác là những người rất gần gũi với anh em Chủng sinh - trong đó có các thầy khóa 3 - là những tấm gương, là người gợi ý hoặc là nguồn cảm hứng để nhiều Đại Chủng sinh về sau đạt những thành tựu nhất định và đóng góp lại cho Chủng viện và Giáo hội.

Họp lớp Khóa III năm 2017

Cũng trong tâm tình tri ân như vậy, cha Đaminh Nguyễn Văn Minh (chánh xứ Tân Phước), lớp trưởng khóa 3 thời đó, cho biết cảm thấy may mắn vì được dẫn dắt, học tập bởi những “cây cao bóng cả”. Dù mỗi người mỗi vẻ, mỗi cách…, nhưng có sức ảnh hưởng sâu rộng. Cha chia sẻ: “Cha cố Phaolô Lê Tấn Thành ảnh hưởng đến tôi ở lối sống kỷ luật. Nguyên tắc sống của ngài là giờ nào việc nấy. Nghĩ lại, ngài như một ông bố xem ra rất nghiêm khắc nhưng cũng chỉ là muốn tốt hơn cho con cái của mình. Cha linh hướng Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn thì lại như một người mẹ hiền, ân cần, sâu sắc… Hồi đó các cha giáo cũng không nhiều và hầu hết các ngài đều cao tuổi, nên tình cảm rất gần gũi… Đến nay tôi vẫn nhớ những câu dặn dò đầu vào của cha giáo Tuyên, những lời cha dặn tôi ghi vào nhật ký và vào trí nhớ: Các thầy vào đây tôi không khuyên các thầy học vì học là bắt buộc, cũng không khuyên hãm mình vì đó là điều cần phải làm trong đời tu. Nếu có lời cần nhắc thì nhắc là từ nay trở đi, các thầy không còn thuộc về mình nữa, mà thuộc về Giáo hội”. Cha Minh cũng “mở ngoặc” kể thêm về một kỹ năng mình học được từ Chủng viện: các cha luôn khuyên các thầy nên viết nhật ký, và ngài đã giữ thói quen này cho đến hôm nay, để có dịp đúc kết hoặc nhìn lại những hạn chế hay thuận lời trong quá trình làm mục vụ của mình.

Riêng cha Phêrô Phạm Bá Đương (Giáo sư ĐCV Cần Thơ) còn nhớ bối cảnh ngày nhập học. Cha nói, nếu như việc đào tạo linh mục hiện nay trải qua ba giai đoạn: dự tu, tiền Chủng viện hoặc Chủng viện dự bị, Đại Chủng sinh…, thì thời điểm đó, khóa 3 do hoàn cảnh xã hội không có giai đoạn tiền Chủng viện. “Do đó, từ một dự tu sống giữa môi trường sinh viên, chúng tôi vào thẳng Đại chủng viện mà chưa hề trải qua thời gian sống chung trong môi trường tu luyện. Điều này khiến chúng tôi có nhiều bỡ ngỡ trong những ngày tháng đầu. Chẳng hạn về luật thinh lặng, Chủng sinh phải giữ thinh lặng trong những khoảng thời gian và không gian theo quy định. Chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm về luật thinh lặng này trước đó. Tình huynh đệ cũng là sự nâng đỡ rất lớn đối với tôi trong hành trình tu học. Anh em có chung một ý hướng, theo đuổi cùng một ơn gọi cao quý, tôi cảm nhận sự chân thật trong tình anh em và điều đó mang lại cho tôi niềm vui. Trong những khóa đầu, có sự chênh lệch nhiều về tuổi tác giữa các Chủng sinh trong cùng một khóa, nhưng không hề gây trở ngại cho tương quan giữa anh em với nhau”- cha Phêrô nhớ lại. Nối dài trong mạch chuyện nhớ về những ngày học dưới mái trường Chủng viện, cha Phêrô kể thêm: “Danh sách Ban giáo sư hiện nay ở ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn bao gồm 69 vị. Nhìn vào con số này, hẳn chúng tôi, Chủng sinh những khóa đầu phải… phân bì. Thời đó, do hoàn cảnh xã hội, chúng tôi không có nhiều cha giáo, và phần lớn các cha đều đã lớn tuổi, là các linh mục giáo sư còn lại từ trước năm 1975. Cho tới khi khóa 3 sắp ra trường thì mới có một vài cha du học trở về giúp một số môn”.

Một trong những ngày họp mặt của các linh mục thuộc khóa 3 tại Bãi Dâu

Cha Giuse Tạ Huy Hoàng (nguyên Tổng thư ký UBMV Giáo dân, chánh xứ Tống Viết Bường), cũng là một Chủng sinh của khóa này thì có niềm tự hào khác, đó là “Sự nguyên vẹn của số lượng các anh em đầu vào và đầu ra. Nghĩa là vào bao nhiêu Chủng sinh, ra bấy nhiêu linh mục tốt lành!”. Ngài nói vì được thụ huấn với rất nhiều cha giáo, nhiều giáo sư… gương mẫu, giỏi trong lãnh vực chuyên môn của mình. “Nhờ ơn Chúa ban cách đặc biệt, sự tận tâm của các ngài cách riêng đã góp phần quan trọng giúp anh em chúng tôi được trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản, thiêng liêng, tri thức, và mục vụ”- cha Hoàng cảm nghiệm. Cha cũng pha trò khi nói về khóa 3 của mình: “Thời anh em Chủng sinh khóa 3 vào tu học ở ĐCV, đất nước đã đổi mới. Theo trí nhớ còn khá rõ của tôi, lúc mới vào năm thứ nhất, phương tiện đi lại chủ yếu của anh em khóa 2 vẫn còn là xe đạp. Đến thời khóa 3 mới vào, phần lớn đã là đi xe máy! Vì thế, lúc bấy giờ có người nói trào phúng, có lẽ nào nhờ bối cảnh xã hội như thế mà khóa 3 “bắt tốc độ” chăng?”…


TRONG TÌNH HUYNH ĐỆ

Dù học cùng khóa, mãn trường cùng ngày, nhưng thời điểm thụ phong linh mục của các cha khóa 3 có chênh nhau, tùy vào sự sắp xếp của giáo phận của các ngài. Tại Sài Gòn, ngày thụ phong các linh mục thuộc khóa 3 là 30.6.1999, do Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn chủ sự. Làm linh mục, dù được trao phó các trách vụ khác nhau và ở xa nhau, nhưng tất cả các linh mục thuộc khóa 3 vẫn giữ sợi dây liên lạc rất gắn bó. Được biết, không kể những lần nhóm họp với nhau theo từng giáo phận, các linh mục khóa này vẫn duy trì những cuộc gặp gỡ toàn khóa thành truyền thống hằng năm. Cha Giuse Nguyễn Hữu An (chánh xứ Thánh Tâm, GP Phan Thiết), một linh mục cũng thuộc khóa 3, từng chia sẻ về tình bạn sau một lần họp mặt như vậy ở Vũng Tàu:“Gặp gỡ nhau, anh em ôn lại chuyện một thời “dùi mài kinh sử”, hàn huyên những câu chuyện mục vụ, những thao thức của Giáo hội. Cùng đọc kinh nguyện, dâng thánh lễ. Nhắc nhớ những kỷ niệm một thưở học trò thật vui vẻ và trong sáng. Tắm biển thư giãn, những bữa cơm đầm ấm tình huynh đệ, rôm rả câu chuyện gởi trao. Ai cũng thấy hồn nhiên như năm nào, dù có anh đã 60 ngoài rồi…”. Cha An khoe mình gần như không vắng cuộc họp mặt nào, vì đó là niềm vui của người linh mục sau một năm dấn thân, và cũng bởi: “Mỗi năm gặp gỡ lại thêm nhớ cái ngày xưa thân ái đó. Họp lớp là một cơ hội tốt để gia tăng tình hiệp nhất, lòng nhiệt thành sứ vụ linh mục. Họp lớp luôn để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình bạn, nhiều kinh nghiệm mục vụ và nhiều dấu ấn thiêng liêng…”.

Vẫn là nói về tình đồng môn đồng khóa, cha Phêrô Phạm Bá Đương, người chúng tôi đã đề cập phía trên bài viết, nói có khi gặp để chia sẻ niềm vui, nhưng cũng có lúc gặp để sớt san nỗi buồn. Cha nhắc về hai lần linh mục khóa 3 đưa tiễn hai người anh em trong khóa từ giã cõi đời; và những lần thăm hỏi, chia vui của khóa với ba người anh em được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục… Cha thổ lộ: “Xưa còn đi học, mỗi khi sắp về nhà nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, tôi nôn nao được về với gia đình, nhưng về nhà được một hai tuần thì tôi lại mong đến ngày trở lại Chủng viện để sinh hoạt với anh em. Với tình huynh đệ gắn bó như thế, anh em khóa 3 chúng tôi họp mặt hằng năm để có dịp thăm hỏi nhau và thông tin cho nhau về công việc mục vụ mình”. Cha Đaminh Hà Duy Dũng thì mắt ánh lên nụ cười khi nhớ về người anh em trẻ tuổi hơn trong lớp cứ gặp nhau là chạy lại đọ sức mạnh bằng cách bẻ vật tay… “Tuổi tác có chênh nhau nhiều nhưng tụi mình lớn thì lớn vẫn thương anh em. Quý nhất là anh em giữ tình đoàn kết”, cha khẳng định. Phần lớn các cha đều cho rằng, chính sự liên kết, tính truyền thống và tinh thần hiệp hành để “giữ lửa” được với nhau… đã làm cho mọi người trân trọng và nhớ đến nhau trong đời mục tử.

*

Thời gian trôi đi, những ký ức về một thời ở Đại Chủng viện vẫn in hằn trong các cha. Sau những năm tháng miệt mài tu học, sự gắn bó trong mục vụ, sinh hoạt, tình bè bạn… đã giúp tình cảm giữa các ngài luôn keo sơn. Mỗi vị bây giờ đảm nhận một tác vụ, một trọng trách khác nhau, mục vụ tản mác ở nhiều địa phận, nhưng họ đều có chung một mẫu số là vì tình yêu Đức Kitô thúc bách, nên luôn tận tụy với công việc của mình; và có cùng một kỷ niệm để nhớ về : KHÓA 3 ĐCV THÁNH GIUSE SÀI GÒN.

Minh Hải - Hùng Luân

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Sơ Maria Nguyễn Thị Bích Hằng, 36 tuổi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, có thể đã tử vong trong sự cố sập cầu Phong Châu - Phú Thọ sáng nay.
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
Vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát giáo đường mùa giải 3 với tên gọi “Thăng hoa”, do CLB Lửa Hồng tổ chức, vừa diễn ra ngày 8.9.2024 tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường (TGP. TP.HCM).
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
8 nữ tu chia thành 3 cộng đoàn hiện diện tại Việt Nam. Ðó là con số khiêm tốn khi nói về nhân sự dòng Ðức Mẹ Canvê, một hội dòng truyền giáo xuất thân từ Pháp.
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Sơ Maria Nguyễn Thị Bích Hằng, 36 tuổi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, có thể đã tử vong trong sự cố sập cầu Phong Châu - Phú Thọ sáng nay.
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
Vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát giáo đường mùa giải 3 với tên gọi “Thăng hoa”, do CLB Lửa Hồng tổ chức, vừa diễn ra ngày 8.9.2024 tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường (TGP. TP.HCM).
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
8 nữ tu chia thành 3 cộng đoàn hiện diện tại Việt Nam. Ðó là con số khiêm tốn khi nói về nhân sự dòng Ðức Mẹ Canvê, một hội dòng truyền giáo xuất thân từ Pháp.
Lễ tiệc trong đời sống Công giáo, thế nào là phù hợp?
Lễ tiệc trong đời sống Công giáo, thế nào là phù hợp?
Vừa qua, Tòa Giám mục Long Xuyên đã phổ biến“Hướng dẫn mục vụ về an táng và bữa tiệc áp dụng trong giáo phận Long Xuyên”. Riêng với tiệc mừng, bản hướng dẫn là dịp để nhìn lại và cải thiện những hạn chế vì lợi ích chung của cộng...
Linh và món ăn theo ước nguyện
Linh và món ăn theo ước nguyện
Phương Thị Tuyết Linh không chỉ vào bếp mỗi ngày cho bữa cơm của gia đình mình, mà nhiều lần còn tự tay nấu hàng trăm phần ăn phục vụ cho người khó khăn. Câu hỏi “hôm nay nên nấu gì cho người nhận ăn ngon và vui?” đã thôi...
Tượng Thánh Giuse ngủ khổng lồ thu hút đông đảo giáo dân
Tượng Thánh Giuse ngủ khổng lồ thu hút đông đảo giáo dân
Khi tượng ông Thánh Giuse ngủ với chiều dài 23m, cao 6m ở giáo họ biệt lập Hà Phát (GP. Xuân Lộc) hoàn thiện, hơn một tháng nay, đã có rất nhiều khách hành hương đến chiêm ngưỡng.
Lời chúc cho năm học mới
Lời chúc cho năm học mới
Niên học mới (2024-2025) lại bắt đầu, Ðức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục giáo phận Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo HÐGMVN đã gởi thư đến các học sinh, sinh viên với những tâm tình, kỳ vọng nơi thế hệ trẻ…
Tết Trung Thu
Tết Trung Thu
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam dành ngày Trung Thu cầu nguyện cho trẻ em. Hầu hết các giáo xứ sẽ có thánh lễ buổi chiều cho thiếu nhi, thường là sau giờ các cháu đi học về.
Chữa lành người điếc câm
Chữa lành người điếc câm
Ngày nay, dù với khoa học tiến bộ và đời sống no đủ, số người mắc các dạng điếc câm về thể lý vẫn không giảm và dạng điếc câm về tinh thần còn tăng hơn.