“Xin các sơ, các thầy đến ‘niệm’ cho bệnh nhân này, bà cụ sắp đi ạ”, lời kêu mời khẩn thiết và chân tình của một nhân viên y tế…
Tôi dừng tay, nhìn nhanh sang chiếc máy bên cạnh đang kêu tít tít liên hồi, ánh đèn đỏ nháy liên tục, chỉ số SpO2 đã xuống ở mức “chết”. Hiểu ngay chuyện đang đến và sẽ đến, tôi đi như chạy sang phòng bên cạnh tìm đồng đội và nói: “Chị ơi, qua đây đọc kinh cho bệnh nhân phòng số..., giường số...”, gấp gáp như sợ không kịp, hối hả như sợ bà cụ sắp tuột khỏi tay mình. Rồi nhóm tu sĩ tình nguyện thực hiện “chuyên môn” của mình. Mọi người bất lực nhìn nhau, chưa bao giờ sự sống lại mong manh như vậy. Cứ như thế, tôi không nhớ mình đã đưa tiễn, đã chứng kiến bao nhiêu người ra đi trước mắt mình.
Nhanh chóng thực hiện những nghĩa cử cuối cùng cho người ra đi |
Trong khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bạch Mai (đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Q7), nơi đoàn chúng tôi phục vụ, các bệnh nhân hầu hết là trong tình trạng nặng và rất nặng. Vẫn biết rằng ai trong chúng ta rồi cũng sẽ đến ngày ra đi, nhưng chứng kiến hằng ngày những người ra đi trong hoàn cảnh dịch bệnh, phải nói rằng quá đau thương. Các nhân viên y tế và nhóm tu sĩ tình nguyện nhanh chóng thực hiện những nghĩa cử cuối cùng cho bệnh nhân mà lòng trĩu nặng, có cố gắng lắm cũng chỉ có thể đi bên nhau một đoạn đường ngắn ngủi tới phòng lạnh, có yêu thương nhiều cũng chỉ là sự tươm tất nhất có thể trong thời khắc nghiệt ngã của giãn cách toàn diện. Nỗi cô đơn trong giây phút cuối cùng có lẽ rất khủng khiếp, cuộc đời cho chúng ta nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm, duy chỉ có sự chết là không, hoàn toàn không.
Tận hưởng cuộc sống hiện tại, người ta truyền cho nhau ý tưởng cuộc sống này là duy vật chất, chết là hết. Nhưng đối diện với sự chết, tự thẳm sâu lòng mỗi người, chúng ta vẫn cảm nhận được còn điều gì đó phía sau sự chết, chẳng thế mà gặp nhau nơi đây, không cần biết ai theo tôn giáo nào, vẫn mời gọi nhau đến cầu nguyện, đọc kinh, vẫn thấy niềm tin tôn giáo là điểm tựa cho cuộc đời ngắn ngủi này. Cuộc đời mà ai trong chúng ta cũng chỉ đi qua một lần, cho nên quý giá biết bao, không có lần thứ hai để rút kinh nghiệm, đâu có sống lần nữa để chọn lại những vấp váp, sai lầm đã qua. Những người đang ở tuyến đầu chống dịch cũng thế, biết nguy hiểm mà vẫn lên đường, thấy vất vả nhưng vẫn chọn dấn thân..., có phải vì đánh đổi mạng sống mình để lấy những lời ca tụng? Không! Chính niềm tin vào cuộc sống phía sau sự chết, tin rằng cuộc sống hôm nay, mỗi giây phút đang sống mang giá trị vĩnh cửu đã thôi thúc họ. Cầu nguyện như chiếc cầu nối giữa các tôn giáo khi chúng tôi gặp nhau ở lằn ranh sinh tử, nơi sự sống và cái chết cận kề. Giáo lý các tôn giáo nhiều điểm khác nhau, nhưng khi bên nhau vì sự sống con người, chúng tôi thấy gần gũi đến lạ. Mỗi người cứ cầu nguyện, đọc kinh theo cách riêng của tôn giáo mình. Rồi khi mọi nỗ lực chạm tới sự bất lực, chúng tôi mời gọi nhau cầu nguyện như chung một niềm tin vào sự sống mới đang mở ra. Tin rằng những lời cầu nguyện chứa đựng sự linh thiêng kỳ diệu, tin rằng những lời kinh nhỏ bé đang vang vọng tới trời cao.
Rời khỏi môi trường bệnh viện dã chiến, trở về với cuộc sống bình thường mới, biết bao hình ảnh trong những ngày tháng nơi tuyến đầu vẫn hiện về trong tôi, những khoảnh khắc bên nhau níu kéo từng hơi thở, biết bao phận người đã rời xa mãi mãi. Những ngày tháng ấy ghi dấu ấn khó phai mờ trong cuộc đời những tu sĩ tình nguyện. Tháng 11, trở về với niềm tin Kitô giáo, lời cầu nguyện trở thành sợi dây thiêng liêng nối kết hai cuộc sống tạm bợ và vĩnh hằng, trần gian và nơi thanh luyện. Tôi tin rằng “chúng tôi vẫn đi bên họ trong lời cầu nguyện, như lời Thánh Gioan Kim khẩu mời gọi: Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ”.
Nữ tu Thérèsa TRỊNH THÙY LINH, dòng Phaolô Sài Gòn
Bình luận