Thứ Năm, 18 Tháng Bảy, 2019 16:57

Những người kế nghiệp Thánh Đa Minh

 

Hơn 400 năm hiện diện trên đất Việt, những tu sĩ của dòng Anh em Thuyết giảng (dòng Ða Minh) không khi nào ngừng lại bước chân hân hoan loan truyền Nước Chúa đến mọi người ở mọi nơi.

 

SỨ VỤ GIẢNG THUYẾT

Mang trong mình sứ vụ “công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới”, các linh mục, tu sĩ Ða Minh hăng say ra đi đến nhiều vùng miền để gặp gỡ bao người. Giảng thuyết là hoạt động chính yếu mà mọi thành viên trong dòng đều hướng đến và thi hành. “Ðể làm tốt sứ mạng của mình, bên cạnh việc sống 3 lời khuyên Phúc Âm thì học tập cũng là một cột trụ quan trọng mà mỗi anh em luôn cần phải duy trì. Chúng tôi luôn nhắc nhớ chính mình phải hiểu đúng, hiểu sâu trong từng vấn đề thì mới có thể truyền đạt tốt cho người khác”, linh mục Giuse Nguyễn Ðức Hòa, Bề trên Giám tỉnh tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam chia sẻ.

Một thánh lễ khấn dòng - ảnh: daminhvn.net

Thật vậy, dường như bầu khí học tập luôn bao trùm những nơi có sự hiện diện của các tu sĩ Ða Minh. Học viện của dòng không chỉ đào tạo nhân sự nội bộ mà còn là nơi nhiều dòng tu khác gởi các thành viên của mình đến để được học về Thánh Kinh, Giáo hội, thần học, triết học… Mỗi thành viên ngày ngày nỗ lực tiếp thu tri thức để làm giàu cho bản thân, rồi từ đó mang tất cả những gì mình có san sẻ cho tha nhân. Lớp trên truyền kinh nghiệm cho lớp dưới, đàn em trao đổi cùng đàn anh những trở ngại gặp phải trong việc học cũng như trong cuộc sống hằng ngày, khiến cho tình huynh đệ càng thêm khắng khít.

Sau 2 năm học triết, các tu sĩ được cử đi thực tập tại các giáo xứ còn khó khăn trong khoảng một năm để sống gần với giáo dân và cảm nghiệm được những gì họ phải đối mặt, những vất vả trong nhịp sống thường nhật. Theo lời cha Hòa thì “đó là những trải nghiệm hữu ích giúp cho anh em có thể áp dụng những điều đã học vào thực tiễn, tránh trở thành những người chỉ hiểu biết qua sách vở mà dễ có khả năng trở nên vô cảm với tha nhân”.

Trao tu phục cho các tập sinh - ảnh: daminhvn.net

SỐNG ÐỜI CHỨNG NHÂN

Cùng với hoạt động rao giảng, các chương trình bác ái xã hội cùng được các thành viên Ða Minh song song duy trì. Việc thăm viếng, nâng đỡ người nghèo, người khuyết tật, các mái ấm… là sinh hoạt quen thuộc tại 36 giáo xứ trong cả nước do dòng coi sóc, nổi bật ở Sài Gòn là các nhà thờ Ða Minh Ba Chuông, Mai Khôi, Mân Côi… Bên cạnh đó, không thể không nói đến huynh đoàn giáo dân Ða Minh - những cánh tay nối dài của các tu sĩ - đang sống và phục vụ đó đây. Huynh đoàn này được lập ra nhằm mục đích giúp người giáo dân có đời sống đức tin sâu và là những Kitô hữu gương mẫu trong chính môi trường họ sinh sống.

Thăm viếng bệnh nhân, người già neo đơn

Ðể có thể sống lý tưởng loan báo Tin Mừng cho mọi người theo tinh thần và đoàn sủng của dòng, người đoàn viên huynh đoàn phải có đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, học tập và thi hành sứ vụ tông đồ. Khi quyết tâm sống theo lý tưởng Ða Minh, người đoàn viên sẽ cảm nhận được ơn gọi này bao trùm toàn bộ cuộc đời mình và cuộc sống dần thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”, chị Phương Kim, một thành viên Huynh đoàn tâm niệm. Dưới sự hướng dẫn của các linh mục, tu sĩ, mọi người luôn được nhắc nhở rằng “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Ðấng Cứu Ðộ chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa cho mình hoặc cho tha nhân”. Chính vì thế, bên cạnh đời sống cầu nguyện, các thành viên của Huynh đoàn cũng tự tổ chức cho mình các hoạt động thiện nguyện, đem Tin Mừng đến với vùng ngoại biên. Mỗi người họ không chỉ sống linh đạo Ða Minh mà còn đang góp phần làm cho linh đạo ấy trở nên phương thế hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Các tu sĩ tham gia hiến máu nhân đạo - ảnh: daminhvn.net

469 năm hiện diện và phát triển trên dải đất hình chữ S, dòng Ða Minh có rất nhiều đóng góp cho sự thăng tiến của Giáo hội Việt Nam. Thật khó để liệt kê chi tiết những đóng góp ấy, song trong tâm khảm của rất nhiều giáo dân thì những người kế nghiệp của thánh Ða Minh đã và đang giúp họ thêm hiểu về Chúa, thêm yêu Chúa qua lời giảng, qua đời sống chứng nhân thường ngày để từ đó họ sẽ được đến gần Thầy Chí Thánh hơn và có thêm động lực vươn lên giữa vòng xoáy cuộc đời.

 

Giữa thế kỷ XVI, các tu sĩ Ða Minh đã có những thăm dò đầu tiên cho sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam. Năm 1550, nhà truyền giáo Gaspar Santa Cruz (Bồ Ðào Nha) từng đặt chân đến Hà Tiên. Từ năm 1596 đến năm 1629, các nhà truyền giáo Ða Minh thuộc tỉnh dòng Mân Côi, theo lời mời của các vua hoặc quan đại thần Chân Lạp, đã thực hiện bốn chuyến truyền giáo đến miền Nam Việt Nam. Những địa danh ghi dấu chân các ngài là Châu Ðốc, Cửu Long, kinh thành Lovea En, Thuận Hóa, Cửa Hàn...

Năm 1676, từ mong muốn của Ðức cha Lambert de la Motte, tỉnh dòng Mân Côi bắt đầu sứ mạng truyền giáo ở Ðàng Ngoài. Kể từ đó, đã có liên tục 243 thừa sai thuộc tỉnh dòng này xin chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Theo đà phát triển, ngày 18.3.1967, tỉnh dòng Ða Minh được thành lập tại Việt Nam với thánh hiệu hiện nay là “Nữ Vương các thánh tử đạo Việt Nam”. Số tu sĩ của tân tỉnh dòng bấy giờ là 98 người. Vị Giám tỉnh tiên khởi là cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm (1967-1981).

Hiện nay, tỉnh dòng Việt Nam đã có 7 tu viện (6 tại Việt Nam và 1 tại Canada) và hiện diện trên địa bàn 16 giáo phận với số nhân sự là 425 người. Bề trên giám tỉnh đương nhiệm là cha Giuse Nguyễn Ðức Hòa. Trụ sở chính của tỉnh dòng được đặt tại 229 - 231 Võ thị Sáu, phường 7, quận 3, TPHCM. 

 

TRỌNG NHÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm