Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2020 17:07

Những người trẻ lớn lên từ mái ấm

 

Trưởng thành trong gia đình có đầy đủ cha mẹ và tình thân sưởi ấm, có lẽ là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn, nhưng cuộc sống luôn cấu thành từ những mảng màu phức hợp. Ở đâu đó trong thành phố này hay trên mấy nẻo đường quê, vẫn có các mái nhà rất đặc biệt, là bệ phóng của những con người cũng rất đặc biệt…

 

CHO EM MỘT CHỐN ÐI VỀ

Nằm sâu trong con hẻm 238, đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TPHCM, mái ấm Sơn Kỳ - nơi nuôi dạy 60 em mồ côi, bất hạnh, không biết từ lúc nào đã đi vào tâm thức và chiếm trọn tình cảm của anh Nguyễn Hồng Ngọc, 27 tuổi. “Bởi tôi được như ngày hôm nay, phát triển khả năng của mình là nhờ mái ấm. Bây giờ, đối với tôi, đây là thực sự là gia đình, dù rằng tất cả anh em không cùng máu mủ ruột rà gì”, anh nói. Ngọc sinh ra tại Ðồng Nai trong một căn nhà nghèo khổ, ba mẹ lam lũ mãi vẫn không đủ lo cho các con. 14 tuổi, anh rời quê lên thành phố tìm việc, khi lang thang đó đây thì tình cờ gặp thầy Giêrônimô Nguyễn Ðức Mạnh (cựu tu sĩ Salêdiêng Don Bosco), thầy gọi về mái ấm. Thế là anh được kết nạp vào đại gia đình Sơn Kỳ. Thầy uốn chàng thiếu niên này sinh hoạt chung theo tinh thần cha thánh Gioan Bosco, tạo điều kiện để con đường học hành không dang dở… Nhờ sự bảo ban của thầy, anh Ngọc đã kiên trì để tốt nghiệp đại học, có công việc hẳn hoi. Với vốn tiếng Anh khá, anh trải qua nhiều việc như làm nhân viên văn phòng, rồi dạy ngoại ngữ, đến hướng dẫn viên du lịch…, và rồi lại chọn lựa gắn bó cuộc sống mình với mái ấm, trở thành cánh tay đắc lực của thầy. Hơn một chục năm qua, mái ấm Sơn Kỳ đã lặng lẽ ở đó để gom nhặt và dựng xây. Nhiều bạn trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn được rèn luyện và hòa vào xã hội với hành trang các kỹ năng tốt.

Trưởng thành từ mái ấm Sơn Kỳ, anh Nguyễn Hồng Ngọc quyết định quay về phụ giúp thầy và các em ở đây

 

Tại quận Bình Tân, mái ấm La Vang do anh Nguyễn Minh Chánh gầy dựng từ đầu những năm 2000, hiện đang nuôi gần 100 bé, kể cả nam lẫn nữ. Anh Nguyễn Văn Sỹ, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba, Trường Ðại học Tài chính Marketing, đứa “con” của “bố Chánh” tâm sự: “Quê tôi vốn ở Kiên Giang. Lúc nhỏ, cha tôi bị ung thư, còn mẹ quá nghèo. Tôi được bố Chánh nhận, từ đó tôi sống luôn ở đây. Ngày nào, nếu đến trường thì 4 giờ sáng, tôi dậy bắt xe buýt, chiều học xong thì về. Lớn rồi, hiểu được sự vất vả của bố Chánh nên tôi cũng phụ bố để bảo ban các bé gắng sức học”. Cậu sinh viên trẻ có dáng hình mảnh khảnh, nói trong ưu tư. Sỹ cho hay mình sắp ra trường nên đang nỗ lực trau dồi bản thân để có một công việc ưng ý. Nói về đứa con xuất thân cùng quê với mình, anh Chánh nhận xét ngắn gọn : “Sỹ sống hiền lành, ngoan và chịu khó”. Ở mái ấm, tất cả các con của ông bố được sinh hoạt khá nền nếp. Chúa nhật, các cha dòng tới trực tiếp dâng lễ. Các em xem nhau như anh em, vui buồn cùng một nỗi niềm. Và dường như “ngoan, chịu khó”, là đặc điểm chung của bọn trẻ.

Viết về những nơi chăm sóc và nuôi dạy các trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, không thể không kể tới trường chuyên biệt Thanh Tâm, Ðà Nẵng do các nữ tu dòng thánh Phaolô phụ trách. Suốt hơn 25 năm, với sự đầu tư cả về nhân lực lẫn vật lực, đào tạo nghề, tìm đầu ra, nhiều đứa trẻ thuộc những gia đình nghèo miền Trung tuy mang trong mình những khiếm khuyết số phận nhưng đã được chắp cánh. Nữ tu Anne Nguyễn Thị Tuyết Lan, hiệu trưởng của trường cho biết rất nhiều em sau khi học xong tại trường đã có nghề nghiệp hẳn hoi, làm việc tại các cơ sở nghề, có thể tự kiếm sống. Cũng mang tinh thần giúp đỡ trẻ nghèo, khuyết tật, trường tình thương Nhân Ái, Cà Mau đang thành công trong việc dạy nghề, giúp đỡ trẻ khuyết tật. Có thể nói, với các bạn trẻ không may, dù vì hoàn cảnh gì nhưng nhờ sự đồng hành của các mái ấm hay trường tình thương, cuộc đời như đã được ánh lên tia hy vọng.

Những bạn trẻ được gởi vào trường chuyên biệt Thanh Tâm, Đà Nẵng học nghề từ nhỏ để có thể có được công việc ưng ý

 

VƯỢT NGHỊCH CẢNH

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc trường tình thương Nhân Ái Cà Mau phấn khởi khi giới thiệu cho chúng tôi hình ảnh anh Lê Pha Lil, 27 tuổi, một nghệ nhân thành công xuất thân từ mái nhà Nhân Ái. Anh Lil, hiện đang làm việc tại cơ sở điêu khắc Thiên Phú Thạo (huyện Hóc Môn, TPHCM). Chàng trai với vẻ ngoài trầm tĩnh. Chủ cơ sở, nghệ nhân Nguyễn Hữu Thạo và cũng là người thầy hướng dẫn anh cho biết: “Tôi được cha giới thiệu em, một đứa con xuất phát từ một ngôi trường tình thương. Thấy em có khiếu nên tôi muốn giúp. Em Lil bị tật câm, điếc bẩm sinh. Vì thế, để trao đổi qua lại là cả một vấn đề. Tôi đã tập học, hiểu ngôn ngữ ký hiệu. Có lẽ, điều khiến tôi có động lực để cố gắng như vậy là khi nhìn sâu vào đôi mắt em trong giao tiếp, tôi thấy cái nhìn chứa nhiều khao khát”. Anh Thạo tâm sự, bản thân anh đánh giá cao sự cần cù, vượt khó của học trò mình. Như những gì nghệ nhân Nguyễn Hữu Thạo chia sẻ, ở anh Lil, điểm ấn tượng với người khác ngoài sức trẻ toát lên, sự nhanh nhẹn, giỏi dang, ẩn sâu trong màu mắt còn chứa nhiều khát vọng. Với mức lương khoảng 8 triệu/ tháng, được bố trí chỗ ở tại cơ sở, anh Lê Pha Lil đã có thể tự lo cho chính mình.

Nữ tu Anne Nguyễn Thị Tuyết Lan ngoài Ðà Nẵng cũng khá hài lòng về những bạn trẻ xuất thân từ ngôi trường chuyên biệt Thanh Tâm : “Mình giúp các em được chút nào thì hay chút đấy. Có cái nghề, các em có thể giảm bớt sự bận tâm từ gia đình. Không những thế, ở miền Trung này, một số em có khi còn giúp lại nhà mình. Xuất thân các bé đã không may. Ðể có được nghề nghiệp và được cơ sở nhận vào làm như người bình thường đòi hỏi một sự chịu thương, chịu khó vô cùng”. Anh Lê Tấn Tài, 26 tuổi, một thợ bánh xuất sắc từ trường nghề của các sơ là một minh chứng cho sự vượt khó, khi đã ra nghề có thu nhập đều đặn. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, Tài bị chứng chậm phát triển, ngay từ lúc 3 tuổi đã được gởi vào dòng để điều trị can thiệp sớm.

 

Sự thành công của những bạn trẻ như Tài, như Lê Pha Lil, không chỉ đòi hỏi phải biết cách tự mình khắc phục khiếm khuyết mà còn cho thấy cần sự yêu thương, đồng hành của xã hội, của mái ấm, trường tình thương.

Anh Nguyễn Hồng Ngọc chia sẻ, nhờ cảm nhận được tình thương của thầy mà anh quyết định ở lại, chung tay. “Tôi biết ơn thầy lắm. Thầy cho chúng tôi nhưng không thì mình cũng cho nhưng không, với các bạn nhỏ. Mỗi em ở mái ấm là một hoàn cảnh, một câu chuyện, cần vực dậy các em để có một tương lai sáng sủa. Vì chúng tôi chỉ có thầy, mà không thể để thầy lo cho tất cả mọi thứ được, khi mình đã lớn”, anh bày tỏ. Còn cậu sinh viên Nguyễn Văn Sỹ vừa hồi hộp lo cho tương lai phía trước, vừa dặn lòng dẫu có ra sao cũng san sẻ với bố: “Thật sự ở trường, kiến thức được học ít quá, mà đi làm, người ta luôn đòi hỏi kinh nghiệm. Tôi đang tự học rất nhiều thứ. Không biết, rồi mai sẽ ra sao. Tôi không muốn phụ lòng bố, vì bố và tôi còn có các em ở trong mái nhà này!”. Dù biết con đường dài sẽ còn khó khăn nhưng ở các bạn, luôn nhìn thấy ý chí phấn đấu cùng trái tim yêu thương rộng mở.

 

Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm