Trong Ðại hội lần thứ XIV của HÐGMVN họp từ ngày 30.9 đến 4.10.2019 tại Hải Phòng, Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HÐGMVN đã công bố cho áp dụng thử nghiệm ba năm văn kiện Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên. Bước đầu, tín hữu đã nhìn nhận như thế nào về văn bản này?
NGHI THỨC MỞ CỬA MẢ, ÐẶT LINH VỊ
![]() |
Ông Trần Ngọc Anh (Gx Hàng Sanh, TGP TPHCM): Việt Nam thuộc Á Ðông, vùng đất từ lâu vốn mang nhiều nét văn hóa tâm linh, trong đó việc mở cửa mả cũng là một nét văn hóa lâu đời. Không ai có thể biết việc làm này có từ khi nào, bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng đó là một tục lệ được truyền từ đời cha ông, và đã “ăn sâu vào máu” biết bao thế hệ. Trong suy nghĩ cá nhân, tôi thấy việc mở cửa mả là việc làm đẹp, nếu xét trên nét văn hóa gia đình và bỏ qua yếu tố mê tín. Thật vậy, sau khi người thân mất được ba ngày, dòng họ ra mộ để xem xét, sửa sang lại cẩn thận hơn mồ mả, rồi thắp hương, đọc kinh cầu nguyện thì là quá hay. Hơn nữa, ngày nay, con cháu đa phần bận rộn, phải đi làm ăn xa, thì tập tục mở cửa mả cũng là dịp để họ gắng đợi, nán lại thêm ít hôm để sống với người thân, họ hàng. Miễn là chúng ta phải nhìn nghi thức này trong niềm tin Kitô giáo, chứ không mê tín..
Riêng việc lập linh vị thì tôi cũng đồng ý theo văn kiện là không nên. Nhưng như đã nói, có những tập tục được bà con ta duy trì từ lâu đời thì rất khó xóa bỏ nên với trường hợp này, có một cách làm khá hay mà nhiều gia đình Công giáo ngày nay áp dụng là ghi những thông tin ở một góc trên di ảnh người đã khuất, như một cách nhắc nhở con cháu nhớ đến những điều hay lẽ phải mà người quá cố đã thực hiện. Do đó, việc ghi chép như thế cũng là một cách dung hòa.
THẮP HƯƠNG TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT
![]() |
Ông Nguyễn Ðức Anh (Gx Thới Hòa, GP Phú Cường): Văn kiện đã giải quyết một số vấn đề mà người Công giáo lúng túng từ lâu, đặc biệt là việc có được thắp hương trước bàn thờ Phật mỗi khi đi đám tang những gia đình anh em Phật giáo? Giờ đây Hội đồng Giám mục cho phép, theo tôi là điểm nhấn quan trọng và đáng hoan nghênh trong văn kiện này. Bởi lẽ đất nước chúng ta đa tôn giáo, trong đó Phật giáo là tôn giáo có số lượng người theo đông nhất. Trong ma chay, nhà hiếu bên Phật giáo thường mời người đến chia buồn niệm hương bàn thờ Ðức Phật trước khi viếng người quá cố. Gặp trường hợp như vậy, nếu mình từ chối sẽ gây một cảm xúc “buồn” nơi nhà hiếu. Nay Văn kiện hướng dẫn đã làm an lòng tín hữu : “niệm hương trước bàn thờ Ðức Phật như một đấng đáng tôn kính không mang ý nghĩa như thờ phượng Thiên Chúa”.
CUỐN SỔ TAY GIA ĐÌNH
![]() |
Ông Hoàng Văn Bình (Gx Phước Vĩnh, GP Phú Cường): Trước nay, các tập sách nói về những nghi thức và lời nguyện trong lễ cưới hỏi hay lễ tang, giỗ kỵ có khá nhiều, và dường như mỗi giáo phận có những cách thực hành riêng. Trong Văn kiện lần này, tôi thấy cũng có đề cập đến vấn đề trên, cụ thể là bản hướng dẫn những nghi thức và lời nguyện mẫu trong lễ cưới hỏi, lễ tang và giỗ kỵ. Ðây sẽ là một nguồn “tài liệu” quan trọng, bổ sung cho các gia đình và các giáo xứ khi cần thực hành các nghi thức. Văn kiện cũng trình bày khá chi tiết thứ tự cách thức nên làm. Như thế, đây vừa như một “kim chỉ nam” nhằm củng cố đời sống tín hữu, vừa là một cuốn sổ tay mà mỗi gia đình cần có để thực hành mỗi khi nhà có các hoạt động như vừa kể trên đây.
MỘT LỜI KHẲNG ĐỊNH CẦN THIẾT
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Trí (Gx Bến Cát, GP Phú Cường): Một bộ phận không nhỏ người lương dân và cả bà con Công giáo chúng ta ngày nay quá “lún sâu” vào một hình thức mê tín, nào là coi tuổi, coi “ngày lành tháng tốt”. Từ cưới hỏi của con cái, đến làm ăn, xây nhà, ma chay… đều đi “coi thầy”. Vậy nên mới dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười như nhiều đôi bạn không đến được với nhau vì thầy “phán” là không hợp tuổi, không có tướng phu thê. Ngoài ra còn một vấn đề không thể không nhắc tới là nhiều gia đình, nhất những gia đình có bán buôn thường đặt tượng thần tài, ông địa…, họ quên mất điều đó phạm lỗi giới răn “chỉ thờ phượng và kính mến một Thiên Chúa duy nhất”. Vậy nên tôi rất tâm đắc khi Hội đồng Giám mục một lần nữa nhấn mạnh đến việc không được thực hành những thói tục trái với đức tin Công giáo…
Ngày nay, khi dấn thân hội nhập văn hóa về lòng hiếu thảo với tổ tiên, chúng ta tràn đầy hy vọng vì tổ tiên chúng ta từ thời xa xưa cũng nhận được “những hạt giống Lời” của Thần Khí và được sống trong “sự viên mãn của Ðức Kitô” (Ep 4,13). Cuộc hội nhập văn hóa về việc tôn kính tổ tiên sẽ thành sức mạnh thuyết phục anh chị em lương dân tin nhận rằng: theo đạo Chúa không là bất hiếu với tổ tiên nhưng vẫn hiệp thông với các ngài qua mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Với mầu nhiệm này, nhờ “ơn cứu độ viên mãn” của Ðức Kitô, là vua vũ trụ và là chủ dòng lịch sử (x. GS 45), chúng ta thể hiện lòng biết ơn tổ tiên. Cũng như con cháu của các tổ phụ, Abraham, Isaac, Giacob luôn hy vọng được nhận lãnh ơn lành của Chúa đổ tràn xuống qua các tổ phụ, chúng ta cũng cậy nhờ phúc lành Chúa ban qua tổ tiên ông bà để con cháu được nhận phúc ấm của các ngài, vì suốt dòng lịch sử, “sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ tác động nơi các cá nhân nhưng còn tác động vào xã hội và lịch sử, các sắc dân, các nền văn hóa và các tôn giáo” (Redemptoris Missio 28). (trích Văn kiện Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên) |
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, “đạo Ông Bà” hay nói chung, “đạo hiếu” là điểm đồng quy của Tam Giáo, đã và đang ảnh hưởng trên đa số dân chúng tại các nước Á Ðông, trong đó có Việt Nam. Cách nào đó, “đạo hiếu” đã thành máu thịt, thành căn tính của dân tộc. Lòng hiếu thảo trở thành bối cảnh văn hóa tốt tươi để đón nhận Tin Mừng... (trích Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên). |
ÐÌNH QUÝ (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.