Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2019 15:33

Những tân tòng trong đêm Vọng Phục Sinh

 

Lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong đêm Vượt qua hẳn là điều đặc biệt với các dự tòng, bởi lẽ đây như một cột mốc để sống cuộc đời mới cùng niềm tin mới…

 

CHUẨN BỊ KỸ CÀNG

Ðó là lý do mà trong thánh lễ rất quan trọng này, nhiều nơi đã tổ chức để các tân tòng chịu các bí tích khai tâm Kitô giáo. Trước đó, dự tòng phải trải qua thời gian dài học hỏi, tìm hiểu đạo Chúa. Ở giáo xứ Chánh tòa Hà Nội, ngay từ sáng Chúa nhật I mùa Chay, Ðức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã cử hành nghi thức ghi danh và tuyển chọn cho 37 anh chị em đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Chánh tòa Hà Nội. Họ trải qua nhiều kỳ sát hạch, trau dồi kinh sách và các kiến thức cơ bản mới có thể lãnh nhận các bí tích trong đêm Vọng Phục Sinh. Tại giáo xứ Tân Sa Châu - TGP TPHCM, từ nhiều tháng nay đã có các khóa giáo lý dự tòng. Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết cho biết lễ Phục Sinh tới sẽ ban Bí tích Thánh Tẩy cho 21 tân tòng. Còn ở giáo phận Mỹ Tho, riêng xứ Chánh tòa, cha Giacôbê Hà Văn Xung cũng đã mở lớp chuẩn bị cho 6 anh chị em vào đạo.

ghi danh dự tòng tại giáo xứ Chánh toà Hà Nội - ảnh: tonggiaophanhanoi.org

Ðiểm qua một vài nơi chốn, việc chuẩn bị hết sức chu đáo. Có nơi, người đứng lớp là các tín hữu nhiệt thành, dày tâm huyết và kinh nghiệm trong việc dạy giáo lý. Có chỗ, chính cha xứ hoặc cha phó đồng hành. Chương trình học tổ chức bài bản theo mẫu giáo lý dành cho dự tòng. Vì vậy, càng tăng thêm lòng yêu mến cho người đạo mới. Chị Huỳnh Ngọc Hân, học viên lớp giáo lý dự tòng tại xứ Tân Sa Châu không giấu nỗi háo hức: “Tôi chưa tham dự lễ Phục Sinh lần nào. Ở chỗ làm việc, có nhiều người Công giáo, nghe các anh chị kể lại thánh lễ hôm ấy diễn ra rất trang trọng, đến nghi thức Rửa tội, những ai chịu phép Rửa sẽ mặc đồ trắng, được cha Rửa tội trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người, bầu khí thật thiêng liêng…”. Chị cũng chia sẻ thêm, trước khi chính thức xin gia nhập đạo, chị đã có thời gian tìm hiểu rất lâu nhưng chưa sẵn sàng, cho đến lúc gặp bạn trai là người Công giáo, được anh hỗ trợ, chị mạnh dạn xin học giáo lý. Còn anh Phạm Ngọc Quân, 24 tuổi, bạn cùng lớp của chị Hân bày tỏ những cảm nghiệm sau thời gian ba tháng tiếp xúc với đạo: “Về giáo lý,  tôi chưa hiểu nhiều lắm nhưng trong các kinh đã được học, tôi rất tâm đắc với 10 điều răn. Ðó như nền tảng của cuộc sống, dạy bảo mình những lẽ phải. Chỉ tới lui nhà thờ mấy tháng nay mà tôi cảm thấy mình sống thanh thản hơn, có thể tỏ lòng sẻ chia với nhiều người, không gò bó chính mình”.

Trong khâu tổ chức, có thể thấy được sự chu đáo của các giáo xứ, hội đoàn. Song, những tín hữu tân tòng cũng tự trang bị cho mình nền tảng đức tin. Ban đầu, có khi xuất phát từ những việc đơn giản, dễ làm như đi lễ ngày Chúa nhật, ngày thường. Bạn trẻ Nguyễn Thanh Ngân, sinh viên năm nhất Ðại học Tiền Giang kể cho chúng tôi nghe về thói quen lần chuỗi Mân Côi của mình: “Ðược sự ủng hộ của cha mẹ cho theo đạo, mấy tháng qua tôi đi học giáo lý. Bây giờ, mỗi ngày tôi đều lần chuỗi Mân Côi trước khi ngủ và hay cầu nguyện với Ðức Mẹ những lúc vui buồn…”.

Một buổi học giáo lý dự tòng tại xứ Tân Sa Châu, TGP TPHCM - ảnh: HL

ÐỠ NÂNG CỦA NGƯỜI ÐỒNG HÀNH

Trong những câu chuyện vào đạo của các tân tòng mà chúng tôi gặp gỡ, mỗi người mang một nét thú vị. Có trường hợp đến với đạo vì lòng yêu mến bạn đời của mình, muốn cùng nhau dựng xây đời sống hôn nhân trong đức tin Kitô giáo. Cũng có nhiều trường hợp đến với Chúa bằng chính những trải nghiệm thực tế, rồi đức tin được đánh động. Tuy nhiên, con đường đến với Công giáo của các tân tòng dường như chung một điểm là có sự hỗ trợ của người thân bên cạnh. “Rất may mắn cho tôi vì Chúa ban cho người bạn yêu thương mình thật sự. Tôi cảm nhận điều này rất rõ trên từng phương diện. Ví như chuyện học giáo lý, anh lo lắng cho tôi khi chưa thuộc kinh, quên tới quên lui những điều răn, anh ấy chỉ cách cho tôi nhớ kinh mau hơn, luôn ở bên để giúp tôi cách này cách khác”, chị Ngọc Hân tâm sự. Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh Trang (28 tuổi, TPHCM) bày tỏ niềm vui vì có chỗ dựa vững chắc là bạn trai của mình: “Ban đầu, tôi đi học giáo lý nhưng thú thật chẳng hiểu gì nhiều. Nhờ có anh hướng dẫn, cắt nghĩa thêm mà về sau tôi càng thích hơn. Gần gũi với anh và các bạn bè, anh chị là tín hữu Công giáo, tôi nhận ra mọi người sống chan hòa, yêu thương. Rồi từ từ, tôi đã chủ động nhiều trong việc đi lễ, học kinh. Tôi thích nghe thánh ca lắm, những ca khúc làm mình cảm thấy nhẹ nhàng và bình an”.

Có được sự dìu dắt từ người thân trong việc học hỏi đạo là điều thuận lợi. Có thể nói, chính cách sống, cách nghĩ của những tín hữu đạo gốc ảnh hưởng ít nhiều đến người đạo mới. Ðối với các tân tòng, càng tác động đặc biệt. Bạn sinh viên Thanh Ngân ở Tiền Giang khi chuyện trò đã không ngần ngại chia sẻ chính lối sống đạo đức của người bà trong họ hàng mình đánh động mạnh mẽ và khiến bạn xin gia nhập đạo. Bạn cho biết, tuy lớn lên trong gia đình mà cha mẹ không theo Công giáo nhưng trong họ hàng, người bà và một số cô chú khác giữ đạo rất tốt. Họ sống yêu thương, đùm bọc. Vì thế, được sự cho phép của gia đình, bạn đã xác quyết tin vâng.

Lễ Vọng Phục Sinh 2019, nhiều dự tòng sẽ được Rửa tội. Ðêm cực thánh ấy hẳn mang lại nhiều cảm xúc cho những anh em đạo mới và sẽ in dấu dài lâu. Anh Bùi Văn Hoàng, giáo dân xứ Mai Phốp, giáo phận Vĩnh Long, người tín hữu mà 21 năm trước được chịu Phép Rửa trong đêm Vượt Qua, hồi tưởng: “Nhanh thật! Mới đây mà hơn 20 năm tôi theo đạo. Cảm giác đêm đó không thể quên được. Tiếc là ngày trước không thể có những phương tiện hiện đại như máy ảnh, điện thoại để chụp lại khoảnh khắc đặc biệt đó, nhưng với tôi, giây phút ấy ý nghĩa lắm. Khi theo đạo, ban đầu bỡ ngỡ, được sự đồng hành của người bạn đời, bõ đỡ đầu… mà càng ngày đức tin tôi càng lớn. Rồi sau này chúng tôi có con cái cũng giáo dục con mình trên nền đức tin ấy”.

HÙNG LUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm