Những túi quà năm ấy

Đến giáo phận Kontum, hỏi thăm về vị mục tử chuyên đi mua và bán nhu yếu phẩm giúp người Thượng, ai cũng cười gật gật: “À, là ông Bình ‘Ben’ đó”. Do vùng có bốn linh mục cùng tên Bình nên mọi người gọi kèm biệt danh để dễ bề phân biệt và “Ben” là nói tắt của Bênêđictô, tên thánh của cha. Tựa ông già Noel mang niềm vui, sự an lành đến mọi nơi, cha Bình đã gởi trao đồng bào những món quà độc lạ, khó quên trên bước đường dấn thân.

Cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình

Hiện thời, cha “Ben” Nguyễn Văn Bình coi sóc giáo xứ Phú Bổn (thị xã Ayunpa, tỉnh Gia Lai) với hơn 2.700 tín hữu người Kinh và phụ trách giáo xứ Phú Tâm gồm 700 giáo dân cả người Kinh lẫn Thượng. Trong đó, giáo điểm Bi Yong và Klah thuộc Phú Tâm là cộng đoàn nhỏ của đồng bào Bahnar. Dù có sự pha trộn sắc tộc, tất cả đều được dẫn dắt dưới cùng trọng tâm yêu thương, hiệp nhất, cũng như dòng sông Ayun và Pa chảy từ hai nhánh khác nhau, đã gặp nhau tại một điểm hợp thành Ayunpa, vắt ngang thị xã.

Hơn hai năm ở đây, với cha, công việc có đôi chút khác biệt vì các xứ cha phục vụ ngày trước đều toàn người dân tộc, rất ít người miền xuôi. Mà vốn dĩ, những mục vụ lo cho bà con Thượng thường không giống người Kinh, đòi hỏi nhiều hy sinh và mang nét đặc thù riêng. Do vậy, tuy nay bớt gắn mình cùng buôn làng nhưng trong tâm tưởng cha vẫn nhớ về ngày xưa tháng cũ.

Năm 2006, sau khi thụ phong linh mục, cha Bình về xứ đạo Kon Dŭ (huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum), gần 100% giáo hữu thuộc gốc Sêđăng. Lần kia, chứng kiến cảnh tiểu thương người Kinh lợi dụng sự mù mờ của cụ già dân tộc đã “hét giá” quá mức giữa chợ, lòng cha buồn vô hạn. “Hai con cá biển nhỏ xíu, ngang cỡ hai ngón tay mà bán ba chục ngàn (giá năm 2006), thiệt quá lẽ, trong khi đúng giá đâu phải vậy”, cha nhắc lại. Nhưng những “nạn nhân” lại chớ hay biết. Ít học, thật thà, cả tin, nói sao nghe vậy... dẫn tới việc bị gạt đáng thương trong trao đổi hàng hóa. Bản thân họ cũng không muốn so đo, hơn thua nên chỉ cười trừ. Thương điều này ít, thương giọt mồ hôi sớm hôm làm lụng mới có được đồng tiền lại bị lừa dối càng nhiều gấp bội. Cứ đà như thế, chẳng mấy chốc bà con sẽ nhẵn túi để có được bó rau, ký thịt. Trên đường quay về, một kế hoạch được vạch định nhanh chóng nhằm chấm dứt chuyện trái khuấy bấy lâu.

Là con dân của đất võ Bình Định, cha biết rõ cảng cá Quy Nhơn - điểm thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất miền Trung có mức giá đổi trao dễ chịu. Tìm mối lái, phương tiện và người vận chuyển, cha bắt đầu chuỗi ngày đi mua hàng dùm người đồng bào, trước hết là mua cá. Lần lượt đủ loại cá biển, cá sông theo những chuyến xe hàng nối đuôi về tận làng bản. Điểm xuống hàng được đặt tại nhà một số Yao Phu, bà con ở gần ngoắt nhau tới coi thử. Từ dạo ấy, người Thượng hết lo bị xí gạt, được mua đúng giá sản phẩm bán ra. Thấy cũng vui, theo đề nghị của anh em, cha “lấn sân” mua xà bông, khăn mặt, kem đánh răng... đem về thêm cho khắp thôn. Nói là bán chứ thực tế là đi mua dùm bà con, mua tận gốc, đem về tận nơi, nên những chuyến xe lên bản được xem như những chuyến quà nâng đỡ giá trị họ có được từ giọt mồ hôi lao nhọc. “Bao quà” của “ông già Noel” thời hiện đại ngày một phong phú và cứ vậy nặng dần lên.

Gắn bó cùng Kon Dŭ bốn mùa Xuân, tháng 3.2010 cha nói lời tạm biệt bổn đạo, đặt chân đến Đăk Chô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kontum), xứ đạo của hơn 6.000 giáo hữu Sêđăng. Hòa nhịp sống cùng con chiên ít lâu, cha vỡ lẽ, giống như ở Kon Dŭ, nơi đây vẫn dẫy đầy chuyện bà con Thượng không biết mình mua “hố” với giá “trên trời”. Lòng trắc ẩn một lần nữa trỗi dậy, cha quyết định “hành nghề” cũ, ngược xuôi theo xe hàng đi mua đồ về. Lần này, cha mua thêm gạo, dầu ăn, nước mắm... rồi cũng giao các Yao Phu phụ bán. Tùy thời điểm, nhu cầu mà mỗi chuyến sẽ đặt mua mặt hàng nào. Ví dụ, tới mùa buôn làng thu hoạch lúa tất không cần có gạo, đổi lại họ cần các nhu yếu phẩm và vật dụng gia đình.

Thời gian trôi, nhờ việc mua tận chỗ, bán lại sát giá, thậm chí thấp hơn như cách thức hỗ trợ người dân tộc, đời sống dân trong vùng bớt khổ cực, tiền làm ra có ít đồng dư để dành. Họ không còn sợ cảnh “đội giá” khi mua, không lo một số người Kinh từ xuôi lên “cân ít nói nhiều”, “mua nhiều nói ít” nữa. Dù phía sau, phí chuyên chở cho đoạn đường vài trăm cây số không nhỏ, mua vào bán ra chịu lỗ thường xuyên nhưng cha tin tưởng: “Có tình yêu ắt làm được tất cả, có lẽ vì vậy mà ‘Hũ bột đã không vơi, bình dầu đã chẳng cạn’ (1V 17,16)”. Quả thế, biết mục đích vị chủ chăn làm, các đại lý thường bán đúng giá gốc không lấy lời và chịu huề vốn. Khi ấy, người Thượng càng có thêm nhiều hàng hơn, cũng với một số tiền không đổi.

Tháng ngày ở Đăk Chô, quanh các ngã đường dẫn vào buôn, lâu lâu già trẻ lớn bé lại thấy bóng cha tạt vào ghé thăm, hỏi han đời sống ra sao. Có lúc, chính cha là người cầm lái chiếc xe bán tải chạy lên con dốc, lách qua vũng lầy. Nếu khi xưa, “ông áo đỏ, mũ đỏ, râu trắng” quảy túi quà trên vai, điều khiển xe tuần lộc thì ở thế kỷ 21, cha “Ben” cầm vô-lăng xe bốn bánh, đựng quà trong những thùng to tướng. Những món quà tuy không xinh, bắt mắt về kiểu dáng, có phần đơn sơ, bình thường nhưng giống như ý nghĩa của hình tượng già Noel, niềm vui, sự ấm áp cha mang tới đã chạm đến đáy lòng người nhận.

Cha Bình luôn hòa cùng các anh chị em người dân tộc

Sống giữa đồng bào, cỏ cây Tây Nguyên vài năm, vị mục tử lại nảy ra sáng kiến mới trong mục vụ đỡ nâng sắc tộc. Từ xa xưa, người Thượng không có tục vui Tết Âm lịch như người Kinh, thay vào là Tết lúa nước, mừng mùa gặt hái. Tuy nhiên, do sống gần và ảnh hưởng, họ cũng dần thưởng thức hương vị tất niên, tổ chức đón giao thừa. Để hạnh phúc được vẹn toàn, cuối năm, cha khảo sát xem mỗi nhà muốn mua mấy ký bánh mứt, mấy chai nước ngọt... đặng đặt làm tại những nơi uy tín. Bởi chưng, như cha giải thích: “Không cẩn thận sẽ dễ mua nhầm thực phẩm kém chất lượng, nguy hại sức khỏe”. Hơn thế, sợ bà con lâm cảnh “đưa tiền dư” hay bị cân non, cha mau mắn đi mua rồi bán ngược trở lại như vẫn thường làm. Bên cạnh, cha hướng dẫn họ gói bánh tét, bánh chưng, làm heo, cắt lá... rồi chia cho khắp bản. Từng nói: “Xấu xấu cũng không sao, miễn vui là chính” nên những đêm thức canh nồi bánh bên ánh lửa bập bùng, giòn giã tiếng cười mãi thành kỷ niệm đậm sâu.

Sau bảy năm mua - bán dùm các mặt hàng, nay cha không còn “chở quà” mà đổi sang “chuyển quà”. Ở xứ cũ, cha từng chỉ vài gia đình làm măng khô nhằm tạo kinh tế và việc làm cho những ai hay vào rừng kiếm măng tươi. Họ tự thương lượng với nhau, người bán cần tiền hay gạo thì quy đổi sao phù hợp, vừa lòng đôi bên. Măng sau khi luộc, xắt đều, sấy khô, cha nhờ Hội Bà mẹ Công giáo tại xứ Thăng Thiên cho vào bao nặng 500gam bọc kỹ và nhờ các nhà thờ Đức An, Hoa Lư, Thánh Tâm (tỉnh Gia Lai)... hay các xứ Bắc Hải, Nam Hải, Phúc Lâm tận Đồng Nai bán giúp. Biết người dân tộc khổ, nghèo, còn trăm thứ phải lo và chi tiêu, không thể chờ tới ngày bán hết mới lãnh được tiền nên cha thường ứng, vay mượn trước để gởi cho họ, mặc có hơi… phiêu. Và công việc bán dùm, chuyển dùm vẫn đang được duy trì, dẫu người môn đệ đã chuyển đổi mục vụ.

Một mùa Đông nữa lại về trên địa phận vùng cao. Trời giá buốt, gió vi vu. Mặc cái lạnh, rét mướt, từng có một “ông già Noel đặc biệt” lẳng lặng chở hơi ấm vào tận sâu các bản làng. Những túi quà của ông không cầu kỳ và đều không có “đáy” vì lòng thương yêu đích thực có bao giờ ta thấy được điểm tận cùng.

Quảng Khê

Chia sẻ:

Bình luận

Em đang giúp Cha bán măng dùm anh em dân tộc, anh chị nào có nhu cầu liên hệ em nhé. hiện Cha còn khỏang 2 tấn nên em cũng đang xin bán tại các nhà thờ. anh chị nào có thời gian rảnh tham gia cùng chúng em hen.
Em đang giúp Cha bán măng dùm anh em dân tộc, anh chị nào có nhu cầu liên hệ em nhé. hiện Cha còn khỏang 2 tấn nên em cũng đang xin bán tại các nhà thờ. anh chị nào có thời gian rảnh tham gia cùng chúng em hen.

có thể bạn quan tâm

Đại hội giới trẻ hạt Trà Lồng - Cần Thơ
Đại hội giới trẻ hạt Trà Lồng - Cần Thơ
Với chủ đề “Nên thánh giữa đời”, khoảng 400 bạn trẻ đến từ 14 họ đạo trong giáo hạt Trà Lồng, giáo phận Cần Thơ đã tham dự Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2024 tại họ đạo Đường Láng ngày 24.3.2024
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm  trại phong Ba Sao
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm trại phong Ba Sao
Ngày 23.3.2024, Ban Caritas giáo xứ Hà Đông, TGP Hà Nội, đã thăm và chia sẻ bữa cơm trưa với bệnh nhân tại trại phong Ba Sao - Hà Nam.
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
Nhóm thiện nguyện Gia Kiệm đã phối hợp với giáo xứ Sơn La, giáo phận Hưng Hóa lắp đặt 2 máy lọc nước ở trụ sở UBND xã Long Hẹ và trường Tiểu học Co Mạ 1
Đại hội giới trẻ hạt Trà Lồng - Cần Thơ
Đại hội giới trẻ hạt Trà Lồng - Cần Thơ
Với chủ đề “Nên thánh giữa đời”, khoảng 400 bạn trẻ đến từ 14 họ đạo trong giáo hạt Trà Lồng, giáo phận Cần Thơ đã tham dự Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2024 tại họ đạo Đường Láng ngày 24.3.2024
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm  trại phong Ba Sao
Ban Caritas giáo xứ Hà Đông thăm trại phong Ba Sao
Ngày 23.3.2024, Ban Caritas giáo xứ Hà Đông, TGP Hà Nội, đã thăm và chia sẻ bữa cơm trưa với bệnh nhân tại trại phong Ba Sao - Hà Nam.
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
 Nhóm thiện nguyện và giáo xứ Sơn La tặng 2 máy lọc nước
Nhóm thiện nguyện Gia Kiệm đã phối hợp với giáo xứ Sơn La, giáo phận Hưng Hóa lắp đặt 2 máy lọc nước ở trụ sở UBND xã Long Hẹ và trường Tiểu học Co Mạ 1
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc mừng lễ bổn mạng
Mừng bổn mạng Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Đức Giám mục giáo phận Gioan Đỗ Văn Ngân đã cử hành thánh lễ kính thánh Giuse vào ngày 19.3.2024.
Nhớ cha Giuse Đặng Chí San
Nhớ cha Giuse Đặng Chí San
Ngày lễ kính Thánh Giuse, cha Quang, nguyên Bề trên dòng Thừa Sai Đức Tin, cũng là cháu cha Giuse Đặng Chí San, báo tin cho mình: “Cha San đang yếu dần”. Rồi tối ngày 23.3.2024, cha lại nhắn: “Cha cố Giuse đã về Nước Chúa lúc 17 giờ 30....
Giáo dân La Dày cùng xem phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Giáo dân La Dày cùng xem phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Món quà tinh thần của vị linh mục chánh xứ trong Tuần Thánh 2024 là buổi chiếu phim để bà con hiểu hơn về Cuộc Thương Khó…
Giới trẻ trong tương quan với xã hội,  giáo hội
Giới trẻ trong tương quan với xã hội, giáo hội
Nhiều giáo phận đã tổ chức đại hội cho giới trẻ trong Mùa Chay 2024, qua đó mời họ tham gia các hoạt động của Giáo hội đồng thời khuyến khích đừng trở thành nô lệ của những đam mê không cần thiết, biết phân định và có trách nhiệm...
Lễ kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính
Lễ kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính
Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã chủ tế thánh lễ đồng tế kính hai thánh Stêphanô Cuénot Thể và Gagelin Kính tại nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn ngày 14.3.2024
Khoảng 1.000 tín hữu đi Đàng Thánh giá
Khoảng 1.000 tín hữu đi Đàng Thánh giá
Khoảng 1.000 tín hữu giáo phận Xuân Lộc cùng khách hành hương đã tham dự 14 chặng đàng thánh giá tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi.