Thứ Tư, 23 Tháng Mười Một, 2022 14:58

Những ước mong được hiệp hành của người trẻ tại Tổng Giáo phận TPHCM

 

Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2023 khơi lại trong toàn thể Giáo hội ý tưởng về lối sống hiệp hành cách thiết thực, cụ thể, hướng đến mọi thành phần xã hội. Người trẻ - hiện tại và tương lai của Giáo hội - cũng cần hiệp hành để được trang bị những hành trang vững chắc cho hành trình mai sau. Ðặc biệt, sống trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, các điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi..., người trẻ dễ có nguy cơ rơi vào lạc lõng, và vì thế càng là đối tượng được quan tâm, hiệp hành. Tìm đến Ðại hội Giới trẻ TGP TPHCM 2022 vừa được tổ chức vào ngày 19.11, chúng tôi có dịp lắng nghe tâm tư của các bạn trẻ.


GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Anh Nguyễn Quang Trường (Giáo xứ Tân Việt, TGP TPHCM): Quê gốc của tôi ở Đắk Nông, nhưng  sinh sống và làm việc tại TPHCM. Tôi sinh hoạt tại giáo xứ Tân Việt và đó có thể được xem là “ngôi nhà thứ hai” của tôi khi mới bước chân vào thành phố. Sinh hoạt tại giáo xứ, tôi cảm nhận được sự ấm áp của cộng đoàn, mọi người hay giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau, cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động bác ái, những trại hè hay những khóa tĩnh tâm hằng năm. Tôi hy vọng giáo xứ mở rộng nhiều hội nhóm liên quan đến việc giúp đỡ những sinh viên ở nơi xa đến học tập, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số… Các giáo xứ ở TPHCM nên có mục vụ dành cho các bạn dân tộc thiểu số đang sống, học tập tại đây. Tôi cũng mong giáo xứ có những khóa học thần học cho những bạn trẻ có hứng thú với lĩnh vực này, những khóa học đàn và các kỹ năng cơ bản như giao tiếp, việc chọn lựa nghề nghiệp và phân định, giải quyết những khó khăn, làm sao để không lung lạc đức tin trước sức cám dỗ của cuộc sống thực dụng... Việc mở những lớp giáo lý cho người trưởng thành và khuyến khích theo học cũng là một phương pháp để giúp họ bồi dưỡng kiến thức vốn đã và đang bị lung lay theo thời gian. Những người trẻ di dân cần được hỗ trợ và đón tiếp để dù xa giáo xứ mẹ nhưng không xa Chúa vì đã có giáo xứ tại địa phương nâng đỡ.


HỘP THƯ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

Anh Trần Thành Đạt (Giáo xứ Tân Hương - TGP TPHCM): Tôi lớn lên ở giáo xứ Tân Hương và đang phục vụ trong vai trò là huynh trưởng. Tham gia tại xứ đạo với các em thiếu nhi giúp cho tôi cảm thấy vui, hạnh phúc vì được dạy Kinh Thánh, giáo lý cho các em, những buổi sinh hoạt ngoài trời hay hội trại cùng thiếu nhi trong xứ đạo cũng để lại nhiều kỷ niệm. Thời gian gần đây, giáo xứ có mở một trung tâm Anh Văn giảm học phí cho các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại xứ đạo. Người trẻ cũng cần có thêm địa chỉ để được giải đáp các chủ đề về Giáo hội, giáo luật, phụng vụ..., cũng như lời khuyên về lối sống, ứng xử cho người trẻ Công giáo. Vậy thì tại giáo xứ và cả giáo phận có “cánh cửa” nào để giới trẻ gõ? Khi liên hệ cũng cần được giải đáp nhanh, cụ thể và nhiệt tình. Tôi nghĩ mục vụ giới trẻ cần để ý đến cả việc giải đáp những tâm tư, khúc mắc hay khó khăn của người trẻ trong suy nghĩ, nhất là với các vấn đề tế nhị.


ĐƯỢC THAM GIA VÀO SINH HOẠT GIÁO XỨ

Chị Nguyễn Thị Tâm (Giáo xứ Minh Đức - TGP TPHCM): Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, nhưng sau khi tốt nghiệp, đã sống và làm việc tại TPHCM. Tôi sinh hoạt tại giáo xứ Minh Đức và nhận thấy rằng giáo xứ có nhiều hoạt động bổ ích nhằm hỗ trợ người trẻ xa quê. Vào những dịp hè hằng năm, giáo xứ thường tổ chức những chuyến dã ngoại, hoạt động tông đồ đến với những vùng sâu, vùng xa, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để phát quà. Đặc biệt, vào đợt dịch bùng phát, các bạn trẻ ra đi giúp đỡ, phân phát lương thực cho những hộ dân trong xóm giáo. Tôi cảm thấy rất vui vì có người trẻ không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh để lan tỏa yêu thương đến với mọi người và tôi được tham gia vào các hoạt động này. Tôi ước mong giáo xứ có thể làm nhiều việc hơn nữa để giúp đỡ cho những người trẻ xa quê đến học tập và làm việc, như lập những nhóm sinh viên Công giáo, hội hỗ trợ công nhân, ban hỗ trợ di dân... để kết nối với nhau, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nếu các xứ tại thành phố tổ chức nhiều cuộc thi vào cuối năm để người trẻ đang sinh hoạt ở đó giao lưu thì rất hay, hoặc hỗ trợ tiền vé xe cho những sinh viên, người  hoàn cảnh nghèo có nhu cầu về quê mỗi dịp Tết đến nhưng còn gặp khó khăn cũng là một việc làm thiết thực, giúp được nhiều người có niềm vui tròn đầy. Vì với sinh viên nghèo hay các bạn trẻ mới ra trường, thu nhập thấp thì vé xe, tàu về quê cũng là vấn đề.


BUỔI CHIA SẺ KỸ NĂNG

Chị Đinh Ngọc Thùy Trâm (Giáo xứ Hiển Linh - TGP TPHCM): Quê gốc của tôi ở Phú Thọ. Trong thời gian học đại học, tôi tham gia nhóm Sinh viên Công giáo Nhân Văn thuộc giáo xứ Hiển Linh. Nhóm có nhiều hoạt động hữu ích cho sinh viên như các giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể, các chương trình chia sẻ kỹ năng, trại nhóm…, và còn có Giải thưởng Đắc Lộ hằng năm với mục tiêu là rèn luyện Tâm Thể, Tín Trí. Tôi hy vọng rằng xứ đạo sẽ có thêm nhiều buổi chia sẻ hữu ích, mời các chuyên gia trình bày những đề tài hấp dẫn, bổ ích cho giới trẻ. Những buổi đó có thể là những chia sẻ từ các linh mục, nữ tu hay các vị có chuyên môn, kinh nghiệm về những kỹ năng trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm cung cấp kiến thức phù hợp cho người trẻ. Và chắc chắn những buổi chia sẻ như vậy sẽ giúp giải đáp được thắc mắc của các bạn trong đời sống, học tập và đức tin. Ngoài ra, nếu có thể thì giáo xứ nên có thêm sân thể thao để mọi người rèn luyện sức khỏe, xung quanh trồng nhiều cây xanh để thư giãn và tạo cảm giác trong lành, bình yên giữa chốn thành thị.


NHỮNG NHÀ TRỌ CÔNG GIÁO

Anh Đỗ Xuân Bách (Giáo xứ Xóm Chiếu, TGP TPHCM): Tôi sinh ra ở Nam Định và cùng gia đình di cư vào TPHCM để lập nghiệp và sinh sống. Hiện tại, tôi sinh hoạt tại giáo xứ Xóm Chiếu. Tôi mong ước giáo xứ có những hội nhóm chuyên sâu về Kinh Thánh, Lời Chúa để mở rộng am hiểu Tin Mừng cho những người trẻ. Tôi hy vọng giáo xứ sẽ có những kênh để chia sẻ thông tin việc làm đến với mọi người trong xứ đạo, những người thất nghiệp đang cần công việc. Việc tổ chức những buổi họp mặt cuối tuần tại nhà thờ để nấu ăn, cầu nguyện với những anh chị em đồng hương cũng là một điều tôi mong ước xứ đạo làm cho những người xa quê. Cuối cùng, nếu các xứ ở TPHCM có thể có thông tin về nhà trọ Công giáo để những người trẻ đi làm có thể tìm, ở chung, rồi sinh hoạt, chia sẻ với nhau như một xóm đạo thì ý nghĩa biết mấy. Họ sẽ có cảm giác gần gũi, thân tình và thân thiện như xứ nhà. Thông thường, các lưu xá Công giáo chỉ dành cho sinh viên.

 

Hùng Luân (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm