Thông tin Ðức Giáo Hoàng Phanxicô gởi thư mục vụ đến Giáo hội tại Việt Nam ngay lập tức trở thành đề tài của những buổi sinh hoạt, trò chuyện của người Công giáo Việt Nam. Nhiều độc giả là các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ trước những dòng tâm tình, huấn giáo này.
MỜI GỌI THỂ HIỆN ĐỨC TIN PHONG PHÚ HƠN
Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn (dòng Đa Minh): Trong bức thư này, Đức Phanxicô nhắc lại lời Đức Gioan Phaolô II về một số ưu điểm của người Việt Nam, và nhắc tới tinh thần của người tín hữu Việt Nam trong dịch Covid-19. Có lẽ hoa trái đời sống đức tin của người Kitô hữu trong xã hội hiện nay là chứng tá về một thái độ “có trách nhiệm và đáng tin” trong đời sống thường ngày; và trong cơn đại dịch, đó là sự dấn thấn rộng khắp và quảng đại của nhiều tầng lớp Kitô hữu. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Nói chung, ta thấy người tín hữu rất nhiệt thành trong việc đạo, nhưng không mấy người nhận ra trách nhiệm xã hội như một đòi hỏi của chính đức tin. Những lời giảng của các đấng bậc ít khi triển khai được một thái độ sống trong xã hội xuất phát từ nền tảng đức tin. Không ít người trong Giáo hội cho rằng cần phải phân biệt đạo ra đạo và đời là đời: các giám mục, linh mục, tu sĩ chỉ nên tập trung ở Kinh Thánh và đạo lý… Những yếu tố này làm cho đời sống đức tin Kitô giáo Việt Nam rơi vào tình trạng khép mình vào khuôn khổ thuần túy đạo nghĩa. Với tâm trạng như thế, chuyện có một Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú, có lẽ, đối với đa số người tín hữu, chỉ là chuyện ngoại giao và phần lớn người Kitô hữu chỉ hy vọng việc này sẽ dễ dàng hơn cho Giáo hội Việt Nam trong đời sống đạo. Song, bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nhằm chuyện “thuần túy nhà đạo”, mà còn mời gọi Giáo hội Việt Nam thể hiện được một đức tin phong phú hơn: đồng hành với xã hội, góp phần vào sự phát triển và làm chứng cho Cha trên trời, với thái độ của một người tín hữu có trách nhiệm với xã hội trong chiều kích “công dân”.
MỘT TIN TỐT LÀNH
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu (dòng Tên): Việc vị Đại diện Tòa Thánh có Văn phòng Thường trú tại Việt Nam chắc chắn là một tin vui cho người Công giáo trên quê hương. Thiên Chúa đưa con người xích lại gần nhau, tháo gỡ những vướng mắc và xây nhịp cầu tin tưởng cảm thông. Lá thư mới đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi cộng đoàn Công giáo Việt Nam càng khích lệ chúng ta tiếp tục dấn bước, “cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của Dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Quê hương Việt Nam vẫn còn đó những khó khăn cần sự cộng tác và đóng góp của mọi công dân, trong đó có gần 7 triệu người Công giáo. Với sự hiện diện thường xuyên của vị Đại diện Tòa Thánh, hy vọng sự hợp tác và hiểu biết nhau giữa đôi bên được nâng lên cho tới mức viên mãn.
SỐNG BÁC ÁI NHƯ TIN MỪNG DẠY
Linh mục Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min): Loan báo Tin Mừng ngày nay là kiến tạo hòa bình và thịnh vượng. Đức Thánh Cha Phanxicô không quên nhắc lại sứ điệpPacem in terriscủa Đức Gioan XXIII sáu mươi năm trước và mời gọi người Kitô hữu Việt Nam trở thành những người chung sức xây dựng hòa bình, ý thức rằng khi gặp gỡ và đàm phán, mọi người sẽ nhận thức rõ hơn mối dây liên kết họ với nhau phát xuất từ chỗ cùng mang chung một bản tính nhân loại, tình yêu phải ngự trị chứ không phải nỗi sợ hãi. Ngài nhắc nhở trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự, các tín hữu không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa, phải luôn thích nghi và biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc là ưu tiên hợp tác thực thi bác ái, nỗ lực phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, các tín hữu Công giáo xây dựng Hội Thánh bằng các sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể cho con người, như Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử.
PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG VỚI NHIỀU CÁCH THỨC
Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Lan (Dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ Nha Trang): Trong số những điều Đức Thánh Cha đề cập, tôi đặc biệt ấn tượng việc khuyến khích người tín hữu tiếp tục truyền thống dấn thân thực thi đức ái, thể hiện lòng bác ái qua đời sống chứng nhân giữa lòng dân tộc, giữa lòng xã hội. Lời Đức Thánh Cha như thêm động lực để giới tu sĩ thêm hăng say lên đường theo linh đạo đã được chọn gọi. Với sứ mạng cầu nguyện, cổ võ lòng yêu mến Đức Mẹ,truyền giáo, mục vụ giáo xứ,giáo dục thanh thiếu niên, y tế, chăm lo cho người nghèo, tất cả các cộng đoàn của hội dòng ưu tiên mục vụ giáo xứ, mở nhà trẻ tư thục, chăm sóc trẻ mồ côi và người khuyết tật, mục vụ người nghèo qua mô hình quán cơm tình thương… Không chỉ phục vụ người xung quanh mình, các chị em còn tìm đến những bản làng, những vùng xa xôi, đem niềm vui đến với đồng bào qua những chuyến viếng thăm, tiếp sức đến trường cho trẻ em bằng chương trình học bổng, trao tặng xe đạp… Cho dù ở thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa hay cao nguyên, các chị em hội dòng chuyên chăm mục vụ nơi mình hiện diện, cộng tác với địa phương, với Giáo hội để hòa chung vào bầu khí yêu thương, để cùng phục vụ tha nhân qua nhiều phương cách.
CÙNG MẠNH MẼ DẤN THÂN
Ông Nguyễn Đình Trúc (Họ đạo Thị Nghè, Tổng Giáo phận TPHCM): Sứ điệp này là biểu hiện sinh động của tình yêu thương đặc biệt mà vị cha chung của Giáo hội dành cho người tín hữu Việt Nam, những người đang khát khao được đón tiếp ngài trên mảnh đất đã vinh phúc nhận biết và sống Tin Mừng gần 500 năm qua. Tình yêu thương ấy thực sự đã in sâu đậm nét trong dòng suy tưởng, chiêm niệm, giáo huấn của ngài và ngang qua các hoạt động cụ thể. Ngài biểu dương Đấng đáng kính - Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận -“chu toàn các việc thường ngày một cách phi thường” (tông huấn Gaudete Et Exsultate, 17); chân phước Anrê Phú Yên, một trợ tá của các thừa sai và giảng viên giáo lý, kiên cường giữ vững đức tin (tông huấn Christus Vivit, 54). Khi tông du Thái Lan, ngài gởi sứ điệp khuyến khích giới trẻ Việt Nam can đảm sống trung thực, trách nhiệm, lạc quan để phục vụ xã hội và Giáo hội, ngõ hầu làm chứng cho Tin Mừng theo dấu chân anh dũng của tiền nhân. Nay, người tín hữu Việt Nam thật xúc động và chân thành cảm mến Đức Thánh Cha, và lắng đọng những chỉ dẫn khôn ngoan đầy Thần Khí. Cùng cầu xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn tất cả các thành phần Dân Chúa sống trong các tương quan với chính quyền dân sự và với mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa, đồng thời biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa. Trước lời giáo huấn đặc biệt này, giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể Dân Chúa hãy trở nên can đảm theo gương Chúa Giêsu.
XÂY DỰNG ĐỨC TIN VÀ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG
Nữ tu Anna Hồ Thị Hạnh (Giám tỉnh dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng): Bức thư được vị cha chung gởi cho cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam, nghĩa là cho mọi tín hữu không trừ ai. Trong thư, ngài trích dẫn lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Về dân tộc Việt Nam, thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng ai cũng biết và đánh giá cao chứng từ về lòng can đảm trong công việc, về sự kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn, về cảm thức gia đình cũng như các đức tính tự nhiên khác”. Đọc được lời trích dẫn này, với tâm tình của một công dân nước Việt, của một Kitô hữu trong Giáo hội tại Việt Nam, của một nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đã hiện diện trên quê hương Việt Nam 147 năm, tôi cảm thấy vui xen chút hãnh diện. Lời nhận xét ngắn gọn và súc tích ấy đã đánh dấu cho hành trình lịch sử của Giáo hội tại Việt Nam là một chặng đường đầy những thử thách và ngập tràn ơn Chúa. Trải qua bao thăng trầm và thử thách trong suốt dòng lịch sử, anh chị em tín hữu vẫn kiên cường trong đời sống đức tin, lịch sử truyền giáo của Giáo hội tại Việt Nam được lớn lên song hành cùng lịch sử của đất nước. Có một sự thinh lặng trầm tư chảy dọc dài qua mọi biến cố của dòng lịch sử. Nhưng sự thinh lặng ấy lại chuyên chở một thực tế thâm trầm và sâu sắc. Bởi lẽ những dấn thân nhỏ nhoi của từng Kitô hữu trong sứ mạng xây dựng quê hương, trong lắng nghe tiếng nói của những người nghèo, âm thầm và bền bỉ trong những bệnh viện dã chiến thời Covid-19..., đã là chứng từ sống động cho đức tin và tình yêu đồng loại. Lời nhắn nhủ của vị cha chung chất chứa niềm hy vọng cho tương lai của Giáo hội tại Việt Nam: “Hội Thánh tại Việt Nam đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, bằng cách đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin”. Quả vậy, cuộc sống của Kitô hữu tuy âm thầm, vất vả nhưng giàu tình thương và nhiệt huyết, được thể hiện qua các hoạt động tông đồ mục vụ, giáo dục, bác ái, từ thiện…, nhằm chia sẻ những bất hạnh và thăng tiến con người về mọi phương diện, và để thực hiện lòng thương xót của Chúa cho tha nhân. Theo chiều hướng của các tương quan tốt đẹp được ghi nhận trong những năm vừa qua, cùng với niềm hy vọng vị Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để phát triển quan hệ song phương, với niềm hứng khởi, tôi tin Giáo hội tại Việt Nam sẽ thực hiện tốt đẹp điều nhắn nhủ của Đức Thánh Cha.
TRÁCH NHIỆM GIÁO DÂN VÀ CÔNG DÂN
Nhà văn Bùi Công Thuấn (giáo phận Xuân Lộc): Tôi thấy Đức Thánh Cha nhắc nhở cộng đoàn Công giáo Việt Nam về thái độ sống đức tin trong tương quan với thực tại trần thế, qua nhiều điểm. Tôi chú ý sự đề cập về cách tôn trọng khác biệt và hợp tác khi mục vụ: “Nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt…, cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Về thể hiện căn tính “người Kitô hữu tốt và là công dân tốt”: “Bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế… đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế”. Về hành động bác ái: “Quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ”. Ứng xử với cái nhìn rộng mở: “Trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa”. Qua lời dạy của Đức Thánh Cha, là giáo dân, tôi nhận thấy Giáo hội Việt Nam từ những năm 1980 đến nay đã “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Người Công giáo đã dấn thân trong nhiều môi trường, đặc biệt là việc thực thi bác ái xã hội. Điều này bây giờ lại được Đức Thánh Cha khích lệ. Bản thân tôi rất tâm đắc lời nhắn gởi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mà trong thư này cũng nhắc lại :“Anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Nhóm phóng viên (thực hiện)
Bình luận