Thứ Bảy, 30 Tháng Giêng, 2016 00:01

Nô nức đón Chúa Xuân

Trong ánh nắng tươi mới của những ngày giáp Tết, “lửa” Xuân đang dần được thắp lên trong từng xứ đạo tại TPHCM.

Vui Tết cổ truyền

Những ngày này, các giáo xứ nói lời tạm biệt mùa cũ. Đồ trang trí Giáng sinh được thay mới bằng các vật dụng trang hoàng của Tết. Khuôn viên ở rất nhiều thánh đường thời điểm hiện tại đã kịp khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy chuẩn bị đón Chúa Xuân. Cũng như mọi năm, mai hoặc đào là hai sắc hoa không thể thiếu.

Giáo xứ Hợp An đang chuẩn bị đón Chúa Xuân

Tại giáo xứ Tân Sa Châu (quận Tân Bình - TP.HCM), năm nào sân nhà thờ cũng được tô điểm bằng cây mai vàng rực. Riêng năm nay, tận dụng khuôn viên rộng rãi, giáo xứ làm một cây mai cao chừng 7m để góp cho bầu khí Tết thêm rộn ràng.

Giáo xứ Tân Định (quận 1 - TP.HCM) đặt ba gốc mai và đào nơi góc sân trước, sắc hoa vàng, đỏ, trắng pha trộn, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà thờ cổ kính.

Cùng chung niềm vui đón Tết, giáo xứ Hợp An (quận Gò Vấp - TP.HCM) đã biến khuôn viên quanh ngôi nhà chung trở thành một khu vườn rực rỡ đủ chủng loại mai, đào, cúc, vạn thọ, bưởi, quýt, tắc... Ngoài ra, giáo xứ còn dựng nhiều tiểu cảnh, mô phỏng khung cảnh của miền quê, có hồ sen, lu nước, gáo dừa tạo điểm tham quan níu chân người đến. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐMVGX Hợp An giải thích: “Làm các mô hình thôn quê này một phần giúp cho nhà thờ thêm sinh động. Thứ nữa là để người sinh sống ở thành thị, nhất là các cháu nhỏ có thêm hiểu biết về nông thôn, đặc biệt là vùng quê Nam bộ, qua đó có được một bài học riêng cho bản thân. Ví dụ người quê ngày xưa hay có lu nước miễn phí trước nhà, đó là bài học về sự sẻ chia...”.  Cũng tại các giáo xứ này, đèn nhấp nháy là điểm nhấn cho những đêm mừng Chúa Hài đồng ra đời nay được tháo bớt đi, thay bằng một số mẫu vật mang sắc hương ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, pháo.

Các giáo xứ tổ chức gói bánh chưng như một cách để làm cho ngày Tết cổ truyền nơi xứ đạo trở nên ấm cúng

Ngày Tết cổ truyền không chỉ đậm nét ở các giáo xứ qua ý tưởng trang trí. Nhiều nơi, hương Tết còn nghi ngút trong nồi bánh chưng mà toàn xứ góp phần làm quà tặng cho các đoàn thể hoặc người di dân, người nghèo. Lời chúc lành cho cả năm - là những câu Kinh Thánh, được thành viên trong Hội đồng Giáo xứ gói gém vào từng chiếc lộc trao tận tay cho từng người trong thánh lễ đầu năm; hoặc có nơi, treo trên cây mai, cây đào để mỗi người đại diện cho gia đình đến “hái”.

Vài năm nay, giáo xứ Phanxicô Đakao (quận 1 - TP.HCM) đón năm mới bằng một đêm lễ Giao thừa thật đặc biệt. Cha sở cử hành thánh lễ với bộ trang phục truyền thống gồm áo dài, khăn đóng. Trong đêm này, giáo dân được nhận “lộc Lời Chúa” là một câu Kinh Thánh và “lộc tổ tiên” là một bánh chưng xanh.

Không khí hội hè càng được tô đậm thêm khi chương trình hội chợ Xuân lần lượt được tổ chức ở các giáo xứ. Ngoài ăn uống, mọi người có thể thỏa thích tham gia các trò chơi dân gian. Đây cũng là một dịp để quy tụ mọi người đến tham dự, giáo cũng như lương, gắn kết mọi người bằng niềm vui và nụ cười trong những ngày đầu năm.

Đồng hành cùng người khó khăn

Bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, nhiều giáo xứ cũng không quên người nghèo trong dịp Tết. Tâm tình của xứ đạo gởi đến cho người dân có thể thấy rõ qua những phần quà Tết. Ông Trịnh Gia Thanh, Phó Chủ tịch nội vụ giáo xứ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp - TP.HCM) chia sẻ: “Trong năm, giáo xứ có nhiều dịp trao quà cho người nghèo, gần đây nhất là Giáng sinh. Nhưng quà mỗi lần đều khác nhau, Giáng sinh thì chủ yếu là bánh kẹo; còn Tết giáo xứ hỗ trợ nhiều hơn về nhu yếu phẩm như gạo, sữa, đường... để phần nào sưởi ấm cái Tết cho anh em khó khăn”.

Mai là sắc hoa không thể thiếu trong dịp Tết ở các giáo xứ

Quà ngày Tết không chỉ được chăm chút về mặt “nội dung” mà còn được để ý cả “hình thức”, thể hiện trong việc chọn lựa từng giấy hoa, cẩn thận từng nếp gấp khi gói quà, chia nhau đi đến từng nhà trao gởi trân trọng... Một số xứ, ngoài đợt tặng quà tại TP.HCM, còn tổ chức những chuyến đi đến các tỉnh có đông đồng bào dân tộc hay vùng sâu vùng xa ở miền Tây. “Khi nhìn thấy niềm vui của họ lúc nhận được quà Tết, chúng tôi cũng vui lây. Qua các chuyến đi, tôi lại cảm thấy bản thân mình còn quá may mắn và cần phải chia sẻ, cho đi nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này”, bà Đinh Thụy Miên, Chủ tịch HĐMV giáo xứ Tân Định bày tỏ.

Việc tổ chức gói bánh chưng ở giáo xứ không chỉ là một cách nhắc nhớ về ngày Tết truyền thống mà còn là dịp lan tỏa tình yêu thương. Như Khiết Tâm (quận Thủ Đức - TP.HCM), nồi bánh chưng của giáo xứ này trong đêm giao thừa đã ủi an được phần nào nỗi nhớ nhà của anh chị em di dân không có điều kiện về quê ăn Tết.

Còn giáo xứ Hợp An, mỗi năm cứ đến cận Tết là sân nhà thờ lại ấm cúng hẳn lên bởi mọi người trong xứ đều quy tụ lại để cùng nhau gói bánh chưng. Sản phẩm làm ra được chia cho từng giáo khu trong xứ, sau đó phân phát về cho từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi mùa Tết như vậy, xứ Hợp An gói đến mấy ngàn bánh. Bà Trần Thị Yến, một giáo dân nhiều năm gắn bó với công việc gói bánh chưng của giáo xứ Hợp An nhận xét: “Việc nấu bánh hằng năm trong khuôn viên nhà thờ giúp giữ truyền thống ông bà tổ tiên. Hơn hết, những người trực tiếp tham gia còn có được một cơ hội đến với người nghèo khó và khi lao động mọi người trong xứ cũng gắn kết với nhau hơn”. Vậy nên cứ “đến hẹn lại làm”, giáo xứ năm nào cũng náo nhiệt bởi người nọ lăng xăng ngâm nếp, người kia lau lá, người này đặt củi nhóm bếp, trẻ con thì chạy lăng quăng phụ giúp...

Công việc trang trí chuẩn bị đón năm mới giúp mọi người gắn kết nhau hơn

Cũng với tinh thần đồng hành cùng người nghèo, một số hội chợ Xuân ở không ít giáo xứ được tổ chức theo dạng bán vé gây quỹ hỗ trợ cho các cơ sở xã hội. Giáo xứ Phanxicô Đakao năm nay sẽ dùng số tiền có được từ hội chợ để giúp cho mái ấm Phan Sinh (tỉnh Đồng Nai). Ở Tân Định, hội chợ nhằm để tạo sân chơi cho người nghèo trong dịp Tết nên trước khi diễn ra, người có hoàn cảnh khó khăn trong xứ không phân biệt tôn giáo sẽ được phát một phần quà là những phiếu tham dự. Gian hàng tại hội chợ, ngoài phục vụ những trò chơi, tặng quà bánh, còn gởi đến người nghèo cả nhu yếu phẩm, vải vóc để họ được đủ đầy trong ngày cận kề năm mới.

Trong nỗi niềm quan tâm, thấu hiểu và cho đi, cứ mỗi mùa Xuân, các xứ đạo lại đong đầy thêm tình người, để rồi năm kế tiếp, lại có thêm động lực mà rộn ràng chuẩn bị, từ trang trí nhà thờ cho đến chương trình đến với những người anh em.

Thiên Lý

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm