Nơi đây Nước Mặn

Cái tên Nước Mặn xuất hiện vào thế kỷ XVII - XVIII ở Qui Nhơn, được biết đến thời đó như là nơi có thương cảng, phố thị sầm uất, trước khi bị chìm vào lãng quên hàng trăm năm. Ðịa danh này cũng gắn với cư sở truyền giáo đầu tiên ở Ðại Việt của các cha thừa sai dòng Tên: Buzomi, Pina, Borri và tu huynh Antonio Dias, và là nơi chữ Quốc ngữ được phôi thai. Vì lẽ đó, Nước Mặn nhiều năm qua thực sự thu hút bước chân của những nhà nghiên cứu Công giáo và văn hóa, sau khi đã đến với nhà in Làng Sông, giáo xứ cổ Gò Thị...

Đàng Trong Đại Việt - trích từ bản đồ các cha Dòng Tên xuất bản tại Paris 1650

1.

Giữa cái nắng gần chính Ngọ, nhóm chúng tôi đến thônAn Hòa thuộcxã Phước Quang, huyện Tuy Phước - Bình Định. Vì nhờ các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn dẫn đường, họ “rành sáu câu” ngõ ngang lối tắt, nên từ Làng Sông qua Nước Mặn rất nhanh chóng.Tất nhiên là đi bằng… đường bộ, vì Nước Mặn với một thương cảng sông nằm bênĐầm Thị Nại từng được đọc trong sử xưa, nay gần như không còn nhìn thấy một dấu vết nào.

Tôi từng đến đây một lần nhưng đã lâu rồi, khá ấn tượng và để lại trong ký ức nhiều hình ảnh, bởi vậy nên lần nàycó dịp so sánh cảnh vật với ngày cũ. Con đường trải nhựa cùng các ngôi nhà mới xây đã thực sự phủ lên trí nhớ tôi một màn sương mỏng. Chưa đầy 10 năm trước, lối vào di tích Nước Mặn chỉ là một con đường đất nhuốm màu làng quê, vắng vẻ đến cô tịch. Tuy nhiên, cánh cổng sắt đóng khung đài tưởng niệm Nước Mặn thì vẫn thân quen, không có sự thay đổi nào.Vẫn là ông Phêrô Võ Cự Anh, người hiến tặng đất xây dựng đài tưởng niệm di tích Nước Mặn có nhà ở cạnh bên đón tiếp. Ông vừa đi công việc về, vui vẻ chào khách và thân tình góp thêm câu chuyện, kể thêm lai lịch miếng đất nọ kia... Ông cắt nghĩa về sự bồi đắp khiến cho “bãi bể nương dâu”, rồi tự hào nói nơi đây - ngay vị trí vườn nhà ông mà chúng tôi đang ngồi - đã được các nhà nghiên cứu xác định chính là khu vực nằm trong phạm vi đất các thừa sai xây dựng trung tâm truyền giáo đầu tiên. Một cảng thị xưa nằm ngay trên con đường tơ lụa trên biển, trải qua mấy thế kỷ, ngày nay đã cách xa biển gần 20 cây số đường chim bay.

Dòng họ ông Võ Cự Anh đã sinh sống ở mảnh đất này nhiều đời, đến ông là đời thứ 14. Ngoài sự lưu truyền của gia tộc họ Võ, còn có các cuộc khảo sát qua những hố đào trong vườn nhà ông, đã phát hiện nền móng một công trình kiến trúc bằng đá ong cùng các mảnh gốm sứ niên đại nhiều trăm năm trước. Những nhà khảo cổ Công giáo cho rằng, đó chính là cư sở Nước Mặn xây dựng năm 1618, là trung tâm truyền giáo và là nơi các thừa sai dòng Tên nghiên cứu, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Chính vì vậy, cách đây mười ba năm, trước lời đề nghị của giáo phận Qui Nhơn, ông đã hiến tặng một phần đất để xây dựng đài tưởng niệm. Công trình gồm một cây đa lớn đắp bằng xi măng trên một nền đất đắp cao ráo, trổ sinh nhiều ngọn ngành, tượng trưng cho các giáo phận có gốc gác từ giáo phận Tông tòa Đàng Trong. Dưới gốc, phía chính diện là tấm bia khắc dòng chữ: “ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ - Tại nơi đây Nước Mặn: ba linh mục dòng Tên Francesco Buzomi (người Ý), Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), Cristofono Borri (người Ý) và tu huynh Antônio Dias (người Bồ Đào Nha) đã đến lập cư sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, khám lý phủ Qui Nhơn…” (ngoài bản chữ Quốc ngữ, còn có các bản khắc chữ Hán Nôm, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, La-tinh, Pháp, Anh có cùng nội dung gắn chung quanh - NV). Vì công trình ở sát bên nhà nên ông Anh cũng là người thường xuyên coi sóc. Theo ông, khách hành hương vẫn đến đây để thắp nén nhang tri ân tiền nhân; giới nghiên cứu sử học khắp nơi, kể cả từ nước ngoài, cũng thường tìm về để khảo cứu, quan sát... “Có khi mọi người ghé vào ngay lúc đang ăn cơm, nhưng thôi mình cũng sẵn sàng tiếp chuyện, đặc biệt các nhà báo ‘hành’ tôi ghê lắm, nhưng để nhiều người biết đến công cuộc truyền giáo của Giáo hội, nguồn gốc chữ Quốc ngữ chúng ta đang dùng - cũng chính là nguyện vọng của tôi khi hiến đất này - nên tôi rất sẵn lòng trả lời những gì mình biết…”, ông Anh hóm hỉnh nói. Được biết, công trình này do cha Gioan Võ Đình Đệ - Quản lý Tòa Giám mục Qui Nhơn - chịu trách nhiệm xây dựng. Ngày 20.11.2017, UBND tỉnh Bình Định đã xác lập đây là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, với bia đề hàng chữ: Nước Mặn - Nơi Phôi Thai Chữ Quốc Ngữ.

Rời Nước Mặn, vòng về lại Qui Nhơn, ghé qua Tòa Giám mục, chúng tôi đã có mấy tiếng đồng hồ trò chuyện với cha Gioan Võ Đình Đệ về di tích này, may mắn được cha tiết lộ thêm một số thông tin thú vị. Cha Gioan kể lại: “Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý và xin giấy phép xây dựng, công trình bia tưởng niệm đã nhanh chóng khởi công. Còn nhớ hôm đó là thứ Tư ngày 4.5.2011, khi đào móng, dưới phần đất tự nhiên khoảng 60cm, thợ hồ bắt gặp một phần móng gạch đất nung đã mềm gần như đất tự nhiên. Những người có mặt tự hỏi phải chăng đây là ‘chút gì để nhớ để thương’ của người xưa gởi lại? Ở đó còn có một giếng cổ, nước rất tốt, trong, mát và ngọt. Tại Nước Mặn, tất cả giếng đều bị nhiễm phèn, trừ cái giếng này. Từ xưa tới nay, trước khi có hệ thống nước công cộng, bà con trong vùng thường đến lấy nước từ giếng xưa đó về dùng trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình. Đến ngày 31.7.2011, công trình đã hoàn thành. Và ngày 6.8.2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn - Giám mục Qui Nhơn lúc bấy giờ - chủ sự nghi thức làm phép”.

Nền móng cư sở Nước Mặn xưa và các hiện vật tìm được tại nơi đây

2.

Khái quát về một di tích mang nhiều ý nghĩa với người Công giáo như vậy đã có thể phần nào giúp bạn đọc mường tượng ít nhiều, nhưng để rõ hơn về nơi đánh dấu một giai đoạn lịch sử truyền giáo ở Đàng Trong và là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ thì phải sơ bộ lại đôi nét chính yếu.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa trong một bài viết trên Báo Bình Định đã ghi chép: “Ở Đàng Trong, đô thị cảng Nước Mặn (Bình Định) ra đời sau hai đô thị cảng Hội An (QuảngNam)và Thanh Hà (Huế), đã được ghi trong Hồng Đức bản đồ (1490) với tên gọi ‘Nước Mặn hải môn’. Đây là trung tâm buôn bán, xuất nhập khẩu không những cho phủ Qui Nhơn mà cho cả các dinh, phủ ở phía Nam thời đó. Tên Nước Mặn không được ghi trong bộ chính sử Việt Nam thời phong kiến nhưng lại được ghi trong các gia phả người Hoa sinh sống ở đây. Đầu thế kỷ XVII, đã có những luồng buôn bán giữa Hội An và Nước Mặn với một số trung tâm thương mại quốc tế, được thể hiện trên bản đồ vẽ vào năm 1608 với hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Hải Phố (Hội An) và Thị Nại (tức Nước Mặn), nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức Bắc Philippines)”. Và, như ở phần trên chúng tôi đã viết, Nước Mặn đã là cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên được thành lập tại miền truyền giáo Đại Việt, cách riêng tại Đàng Trong, qua sự giúp đỡ của ông Trần Đức Hòa, quan tuần phủ khám lý Qui Nhơn (năm 1618, tiếp đến là cư sở Hội An năm 1619 và cư sở Dinh Chiêm năm 1625 - NV)…Trung tâm truyền giáo Nước Mặn được các thừa sai Dòng Tên phụ trách đến khoảng 1665.

Ông Phêrô Võ Cự Anh bên đài tưởng niệm Nước Mặn nằm trong khuôn viên vườn của mình

Tại cuộc Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” diễn ra năm 2016, cố giáo sư Sử học Phan Huy Lê nhận định: “Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, HộiAnvà Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”. Còn linh mục Gioan Võ Đình Đệ, trong cuộc trò chuyện với người viết tại Tòa Giám mục trong đợt ra Qui Nhơn vừa rồi, đã cho biết cha tra cứu từ báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macau trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401 thấy ghi rằng: “Để phục vụ cho công cuộc truyền giáo, tại cư sở Nước Mặn có một thanh niên mười sáu tuổi, lanh lợi và thông minh, giỏi Hán văn, được dân làng yêu mến, là một tân tòng, tên thánh rửa tội là Phêrô. Dưới sự giám sát của cha Buzomi, anh giúp các thừa sai biên dịch sang tiếng địa phương quyển sách giáo lý gồm các kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, Mười điều răn… mà các Kitô hữu đã thuộc”. Theo cha Đệ, quyển sách phúc trình trong báo cáo này có thể được xem là sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đầu tiên, phục vụ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam; và tại Nước Mặn, với tư cách bề trên, cha Buzomi đã hướng dẫn việc nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ cùng cha Pina và Borri, trong đó cha Pina là người xuất sắc nhất. Sau này cha Đắc Lộ học tiếng Việt với cha Pina tại Dinh Chiêm và trở thành người có công lớn trong việc hệ thống lại và phát triển thêm chữ Quốc ngữ sơ khai. Nước Mặn cũng là trường dạy Quốc ngữ đầu tiên cho các thừa sai đến sau.

Lịch sử truyền giáo ở Đàng trong ghi lại, trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Kết thúc chuyến thăm viếng, trên đường trở về Xiêm, Đức cha Lambert de La Motte đã ghé lại Nước Mặn lần nữa. Đức cha ở đây 8 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 6 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert de La Motte đặt cha Giuse Trang (quê Quảng Ngãi và là linh mục người Việt đầu tiên) ở lại Nước Mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng Nước Mặn (bao gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay). Nước Mặn được định vị trên bản đồ của các cha dòng Tên vào thế kỷ XVII với tên phiên âm là Nehorman. Tên này xuất phát từ chữ cha Cristoforo Borri ghi lại trong tập ký sự của mình vào năm 1618. Cha chỉ đích danh là phố (ville). Ông viết: “Vị tổng trấn liền ra lệnh xây dựng cho chúng tôi một cái nhà rất tiện nghi ở thành phố (ville) Nehorman”.

Sau khi dòng Tên không còn phụ trách vùng này, các vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) nối tiếp công việc của các thừa sai dòng Tên. Như vậy, cả một quãng thời gian dài, Nước Mặn là một trung tâm truyền giáo sôi động với những dấu ấn về việc hình thành nên chữ Quốc ngữ. Dẫu vậy, trải qua thời gian lịch sử khá dài, tiếc là cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo nhiều dấu ấn này không còn lại gì.

“Để muôn đời ghi nhớ!” là lời của Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, được khắc trên tấm bia đá tại Nước Mặn, như một sự nhắc nhở hậu thế. Đây có lẽ cũng là lời ngắn gọn nhưng đủ đầy nhất để nhớ về nơi đây - Nước Mặn.

Minh Hải

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hội đồng Giám mục Việt Nam dự chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Singapore
Hội đồng Giám mục Việt Nam dự chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Singapore
Theo lịch trình tông du 4 nước Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore, ngày 12.9.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Singapore. Nhận lời mời của Đức Hồng Y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ hiện diện, hiệp thông cùng với...
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Sơ Maria Nguyễn Thị Bích Hằng, 36 tuổi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, có thể đã tử vong trong sự cố sập cầu Phong Châu - Phú Thọ sáng nay.
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
Vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát giáo đường mùa giải 3 với tên gọi “Thăng hoa”, do CLB Lửa Hồng tổ chức, vừa diễn ra ngày 8.9.2024 tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường (TGP. TP.HCM).
Hội đồng Giám mục Việt Nam dự chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Singapore
Hội đồng Giám mục Việt Nam dự chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Singapore
Theo lịch trình tông du 4 nước Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor, Singapore, ngày 12.9.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Singapore. Nhận lời mời của Đức Hồng Y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ hiện diện, hiệp thông cùng với...
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Một nữ tu có thể đã tử vong do sập cầu Phong Châu
Sơ Maria Nguyễn Thị Bích Hằng, 36 tuổi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, có thể đã tử vong trong sự cố sập cầu Phong Châu - Phú Thọ sáng nay.
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
“Tiệc âm nhạc thịnh soạn” trong chung kết “Tiếng hát giáo đường”
Vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát giáo đường mùa giải 3 với tên gọi “Thăng hoa”, do CLB Lửa Hồng tổ chức, vừa diễn ra ngày 8.9.2024 tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường (TGP. TP.HCM).
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
Tám nữ tu xông pha khắp nơi vì người nghèo
8 nữ tu chia thành 3 cộng đoàn hiện diện tại Việt Nam. Ðó là con số khiêm tốn khi nói về nhân sự dòng Ðức Mẹ Canvê, một hội dòng truyền giáo xuất thân từ Pháp.
Lễ tiệc trong đời sống Công giáo, thế nào là phù hợp?
Lễ tiệc trong đời sống Công giáo, thế nào là phù hợp?
Vừa qua, Tòa Giám mục Long Xuyên đã phổ biến“Hướng dẫn mục vụ về an táng và bữa tiệc áp dụng trong giáo phận Long Xuyên”. Riêng với tiệc mừng, bản hướng dẫn là dịp để nhìn lại và cải thiện những hạn chế vì lợi ích chung của cộng...
Linh và món ăn theo ước nguyện
Linh và món ăn theo ước nguyện
Phương Thị Tuyết Linh không chỉ vào bếp mỗi ngày cho bữa cơm của gia đình mình, mà nhiều lần còn tự tay nấu hàng trăm phần ăn phục vụ cho người khó khăn. Câu hỏi “hôm nay nên nấu gì cho người nhận ăn ngon và vui?” đã thôi...
Tượng Thánh Giuse ngủ khổng lồ thu hút đông đảo giáo dân
Tượng Thánh Giuse ngủ khổng lồ thu hút đông đảo giáo dân
Khi tượng ông Thánh Giuse ngủ với chiều dài 23m, cao 6m ở giáo họ biệt lập Hà Phát (GP. Xuân Lộc) hoàn thiện, hơn một tháng nay, đã có rất nhiều khách hành hương đến chiêm ngưỡng.
Lời chúc cho năm học mới
Lời chúc cho năm học mới
Niên học mới (2024-2025) lại bắt đầu, Ðức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục giáo phận Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo HÐGMVN đã gởi thư đến các học sinh, sinh viên với những tâm tình, kỳ vọng nơi thế hệ trẻ…
Tết Trung Thu
Tết Trung Thu
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam dành ngày Trung Thu cầu nguyện cho trẻ em. Hầu hết các giáo xứ sẽ có thánh lễ buổi chiều cho thiếu nhi, thường là sau giờ các cháu đi học về.