Giáo xứ Kim Bích (hạt Hố Nai gp Xuân Lộc) đang xây dựng ngôi nhà thờ mới, giáo dân phải dự lễ tạm cách đó chừng một cây số. Nhân chuyến ghé thăm, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với cha chánh xứ Giuse Phạm Cao Thanh về công việc mục vụ nơi đây.
![]() |
Lm Giuse Phạm Cao Thanh |
CGvDT: Xin cha cho biết đôi nét về giáo xứ Kim Bích?
Lm. Phạm Cao Thanh: Năm 1954, một số giáo dân di cư từ Bắc đến khu vực xã Hố Nai, quận Đức Tu định cư lập nghiệp. Năm sau, giáo xứ được thành lập và cha G.B Trần Ngọc Thọ được bổ nhiệm chánh xứ trong tư cách là cha tiên khởi. Cùng năm, cộng đoàn đã xây dựng nhà nguyện bằng cây, mái lá để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Đến năm 1956, nhà thờ một lần nữa được xây mới bằng gạch, mái tôn cùng với việc xây dựng nhà xứ và nhà hội quán (1962). Năm 1972, cha Thọ khởi công xây dựng Kim Bích bằng vật liệu kiên cố với kích thước 45m x 15m. Bốn năm sau, cha G.B Nguyễn Văn Bình kế nhiệm phụ trách giáo xứ đến năm 1998. Trong giai đoạn này, cha cũng đã nhiều lần cùng giáo dân sửa chữa nhà thờ. Sau đó, lần lượt là thời gian quản nhiệm của cha Đaminh Trần Xuân Thảo (1998- 2002) và Giuse Nguyễn Kim Đỉnh (2002- 2009).
CGvDT: Có thể thấy giáo xứ đã nhiều lần trùng tu cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa ổn thoả và có phải cha hiện là người đang tiếp bước tiền nhân?
Lm. Phạm Cao Thanh: Kim Bích khánh thành năm 1973, hai năm sau, tháp chuông của Kim Bích bị hư hỏng khá nặng do chiến sự, trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn yếu. Thêm vào đó, nhà thờ dần xuống cấp, cũ kỹ, từ bàn ghế, mái che tới tường nền dù xây dựng không lâu. Mặt khác, số lượng giáo dân ngày một tăng và trước những nhu cầu phát sinh, giáo xứ quyết định khởi công xây mới nguyện đường, tính từ ngày khởi công vừa được năm tháng và dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm, nhân dịp mừng 60 thành lập giáo xứ. Còn năm 2009, lúc mới về, tôi thấy nhiều thiếu nhi không có chỗ học giáo lý, phải ngồi rải rác trên sân hoặc trong nhà thờ vì nhà sinh hoạt trước đã xuống cấp trầm trọng và cũng không đủ phòng để học. Thấy vậy, tôi cùng giáo dân chung tay xây dựng nhà giáo lý mới với 18 phòng, diện tích 250m2 / phòng, vừa hoàn thành cách nay hai năm. Giờ thì 700 em thiếu nhi có thể học hành, sinh hoạt thoải mái và tiện nghi hơn.
CGvDT: Đời sống giáo dân nơi đây như thế nào, thưa cha?
Lm. Phạm Cao Thanh: Giáo xứ có tất cả 1.074 gia đình, gồm 4.039 giáo dân. Nghề nghiệp chính là gò thùng (thùng hủ tiếu, bình tưới…), số khác thì làm bánh tráng, bánh đa, hủ tiếu, nhìn chung khá ổn. Tuy nhiên, cũng có một số hộ còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Nhìn chung, đời sống cộng đoàn hiện nay ngày càng thăng tiến và triển nở qua các hoạt động chung như giúp đỡ các em nghèo hiếu học, tặng học bổng cho học sinh giỏi, thăm nom người neo đơn, đào tạo đội ngũ giáo lý viên và hướng đạo sinh.
CGvDT: Trong tương lai, cha có thêm dự định nào khác không?
Lm. Phạm Cao Thanh: Tôi đã vạch định sẵn vài kế hoạch sau khi công trình xây dựng nhà thờ hoàn thành như sẽ xây nhà tổ chức tiệc cưới cho những ai có nhu cầu sử dụng, hiển nhiên là với giá hữu nghị. Giáo dân xung quanh ít có mặt bằng mà nhà cửa thì nhiều, ngang dọc san sát nhau, mỗi lần có đám tiệc rất bất tiện. Tôi thấy mô hình này cũng khá thành công ở những xứ khác. Song song đó, tôi nghĩ đến việc xây nhà quàn cho giáo xứ, có nơi tổ chức riêng biệt như thế tang lễ vừa trang nghiêm, trật tự vừa giúp đỡ những nhà khó khăn. Đây là hai kế hoạch trước mắt, hy vọng sẽ tốt đẹp.
CGvDT: Được biết trước khi về đây, cha từng gắn bó với giáo xứ Kim Lâm một thời gian dài, vậy giữa hai nơi này, vai trò phục vụ có gì khác biệt không?
Lm. Phạm Cao Thanh: Đã là chủ chăn thì nơi nào mình cũng phải chăm lo, phục vụ. Một nơi ngay đô thị, một nơi lại xa xôi hẻo lánh nên nhu cầu của giáo dân cũng có chút khác biệt. Kim Lâm bấy giờ được coi là giáo xứ nghèo, khổ, lại thuộc vùng sâu của giáo phận. Giáo dân nguyên gốc Việt kiều Campuchia hồi hương năm 1972 với hai bàn tay trắng, khốn khó tận cùng. Để giải quyết mưu sinh, tôi kết hợp cùng một công ty tổ chức may áo thun, tạo việc làm giúp họ. Dần dà đời sống mới tạm đi vào ổn định. Về đàng thiêng liêng, tất cả phải đi lễ trong căn nhà dựng tạm trên đồi, cột là cây rừng, mái lợp tôn, gió lùa thông thốc. Sau nhiều năm cố gắng, năm 1991 tôi xây nhà thờ mới và năm năm sau thì khánh thành, đó là niềm vui, hạnh phúc nhất đối với cả cha lẫn con. Kim Bích tuy không khó khăn như thế, nhưng cũng cần có những công việc phù hợp như chúng ta vừa trao đổi.
CGvDT: Xin cảm ơn cha!
GIÁNG HƯƠNG thực hiện
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.