Cuộc Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX do Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn TGP TPHCM tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên của nhà truyền giáo - thánh Phanxicô Assisi và Quốc vương al-Malik al-Kamil của Ai Cập - vương quốc Hồi giáo (1219 - 2019), trong thời kỳ Ðạo binh Thánh Giá lần thứ năm; mừng 150 năm ngày sinh nhà văn hóa, tôn giáo học Léopold Michel Cadière (1869 - 2019) và Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn của Tổng Giáo phận tròn 10 tuổi hoạt động.
![]() |
Hoạt cảnh Phanxicô gợi nhớ về cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo xảy ra 8 thế kỷ trước |
Chiều 27.10, đại diện các chức sắc cùng đông đảo tín hữu Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Baha’i, Minh Lý Thánh Hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hồi giáo, Cao Ðài… đã đến Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM họp mặt. Tại hội trường G.B Phạm Minh Mẫn, các chỗ ngồi chật kín. Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, đặc trách mục vụ Ðối thoại Liên tôn - HÐGMVN cũng hiện diện từ sớm.
Phần khai mạc được khởi đầu với tiết mục biểu diễn trống của các nữ tu dòng Thánh Phaolô Sài Gòn. Sau đó, tham dự viên cùng nhìn lại hành trình 8 kỳ hội ngộ trước. Giáo sư Thượng Văn Thanh, Hội thánh truyền giáo Cao Ðài khởi đầu cho các bài thuyết trình chuyên sâu với đề tài “Ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống văn hóa xã hội”. Theo ông, tôn giáo ảnh hưởng mọi mặt trong đời sống, đi vào thi ca nhạc họa, kiến trúc, ăn sâu vào văn hóa quần chúng. Tôn giáo hướng con người tới một cuộc sống tốt đẹp, đặt cái thiện lên trên. Tuy vậy, chính tôn giáo cũng bị một số người lợi dụng để trục lợi, mưu cầu lợi ích cá nhân, mượn đạo tạo đời, dựa vào tôn giáo để gây thế lực. Ðề cập nhiệm vụ của các tôn giáo trong xã hội ngày nay, ông cho rằng: “Ðồ chúng các tôn giáo nên trưởng dưỡng và phát triển nếp sống đạo nhằm hướng đến cứu cánh chung là giáo hóa nhân loại, hướng thiện, hướng thượng”. Còn Thượng tọa Thích Minh Thành gởi đến các cộng đoàn tham dự bài chia sẻ về “Ảnh hưởng của đạo Phật trên đời sống thông qua khái niệm: Nghiệp. “Nếu vô tình vun bồi nghiệp thiện thì chúng ta cứ vô tình nhiều lần”, vị Thượng Tọa khẳng định.
![]() |
Hội ngộ Liên tôn qua các năm đã là điểm hẹn sinh hoạt của các tôn giáo |
Trên sân khấu chính, các tu sĩ dòng Phanxicô tái hiện cuộc đối thoại được cho là đầu tiên của Kitô giáo và Hồi giáo. Ngược dòng lịch sử, sau vài lần cố gắng mà thất bại, thánh Phanxicô và một số anh em cùng dòng lên tàu để tới cảng Thánh Gioan Acri, ở mạn bắc Palestine, nay là thành phố Acri của Israel, với ý định gặp Quốc vương Ai Cập. Cuộc gặp gỡ có lẽ đã diễn ra trong đợt ngưng chiến giữa tháng 8 và tháng 9 năm 1219, tại cảng Damietta, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 200 cây số về hướng bắc. Tại đây, cháu của nhà vua Saladino đã tiếp các tu sĩ Phanxicô rất lịch sự, bất chấp sự can ngăn của các quần thần. Các tu sĩ Phanxicô cũng được tặng quà nhưng họ từ chối vì tuân giữ lời khấn thanh bần. Cuộc gặp gỡ này được coi là một trong những cử chỉ hòa bình ngoại thường nhất trong lịch sử đối thoại giữa hai nền thần học khác nhau. Linh mục P.X Ðinh Trọng Ðệ, dòng Phanxicô cũng trình bày khái quát “Di sản cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo al-Malik al-Kamil”. Cha nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ con người kiến tạo hòa bình để chỉ thánh Phanxicô. Trước khi kết thúc chương trình, cha Laurent Gatinois, Hội Thừa sai Paris đã lược thuật chân dung cuộc đời và sự cống hiến của nhà Văn hóa - Tôn giáo Léopold Cadière cho Việt Nam. Buổi gặp gỡ khép lại với phần cầu nguyện đại kết của tất cả các tôn giáo cùng hiện diện.
![]() |
Đại diện các chức sắc và tín hữu tham dự đông đảo - ảnh: Anh Nguyên
|
Dịp này, kỷ niệm hành trình 10 năm của Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn, ban tổ chức cũng khai mạc triển lãm, trưng bày một số ấn phẩm Văn hóa - Tôn giáo trước và sau 1975 của các đạo. Cuộc gặp gỡ thật sự mang đến niềm vui và tinh thần nối kết tôn giáo. Bạn trẻ Ngô Văn Ðịnh, tín hữu Cao Ðài, có hai lần tham dự kỳ họp mặt liên tôn tại Trung tâm Mục vụ chia sẻ nhờ tham dự chương trình đã mang đến cho bản thân nhiều bài học quý giá: “Những bài chia sẻ do các vị đại diện tôn giáo trình bày thường cô đọng mà ý nghĩa. Chỉ nghe ngắn gọn vài phút nhưng cung cấp cho tôi nhiều kiến thức về tôn giáo bạn. Tôi thường đi với chung với các anh chị trong nhóm. Tham gia ngày hội, tôi còn có cơ hội tiếp xúc, làm quen với bạn bè tôn giáo khác”. Nữ tu Anna Nguyễn Thị Tạo, Giám tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ nhận xét chương trình năm nay mang màu sắc mới mẻ. “Mỗi năm, ban tổ chức lại đưa ra chủ đề khác nhau, nội dung càng chất lượng. Ngày nay, việc thực hành đối thoại liên tôn là hết sức cần thiết, là bước tiên quyết để loan báo Tin Mừng. Tại nhà dòng, thi thoảng trong các hoạt động mừng lễ đặc biệt, dịp Giáng Sinh… có mời các đại diện tôn giáo bạn tham dự. Ngoài ra, cũng có sơ phụ trách mảng này, các chị em khi mục vụ cũng được mời gọi gặp gỡ, trao đổi để hiểu nhau hơn”, sơ chia sẻ.
Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn TGP TPHCM được ra đời năm 2009, dưới thời Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn theo tinh thần của tuyên ngôn Nostra Aetate - Công đồng Vatican II và hướng dẫn của Hội đồng Tòa Thánh về Ðối thoại Liên tôn. Linh mục P.X Bảo Lộc, trưởng ban cho biết thời gian qua Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn quy tụ những Kitô hữu tha thiết dấn thân trong việc tìm hiểu, gặp gỡ các tín hữu thuộc tôn giáo khác, theo hướng dẫn của Hội Thánh Công giáo; học hỏi giáo huấn và kinh nghiệm của Hội Thánh về đối thoại liên tôn, đồng thời tìm hiểu giáo thuyết và thực hành của các cộng đồng tôn giáo lớn đang có mặt trong giáo phận; thăm viếng, tiếp xúc và trao đổi với các tín hữu tôn giáo khác để xây dựng tình huynh đệ, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và có thể cộng tác với nhau trong lĩnh vực từ thiện; tổ chức và linh hoạt các cuộc gặp gỡ liên tôn… Thật vậy, có thể thấy, trong suốt 10 năm, nhờ sự nỗ lực của các thành viên, Ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn đã thực hiện nhiều chương trình đặc sắc, tạo sân chơi bổ ích cho tín hữu các tôn giáo. Ban cũng cho lưu hành tài liệu sinh hoạt là tập san Nhịp cầu Tâm giao; mở các lớp mục vụ Ðối thoại Liên tôn tại TTMV TGP; xây dựng tủ sách liên tôn giáo với trên 500 đầu sách giá trị... |
Hùng Luân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.