Thứ Ba, 25 Tháng Mười Hai, 2018 00:24

Nỗi niềm đằng sau thiên chức

Mỗi người đỡ đầu có một cách thức riêng để dìu dắt con cái mình, nhất là đối với những trẻ nhỏ.

 

Nỗ lực kết nối

Có không ít trường hợp, hành trình đi cùng con đỡ đầu vướng phải nhiều khó khăn bởi khoảng cách địa lý. Anh Võ Đức Toàn (giáo xứ Khánh Bình, giáo phận Long Xuyên) kể, anh rời quê nhà lên Sài Gòn làm ăn vào thời điểm người con đỡ đầu của mình mới chập chững học giáo lý vỡ lòng. Vừa ở xa bé, công việc lại cuốn anh vào vòng xoáy bận rộn liên tục nhưng người tín hữu này vẫn cố gắng không để “mất kết nối” với con. “Những này cuối tuần, lúc con rảnh, tôi cũng không đi làm, tôi hoặc ba bé thường điện cho nhau và chuyền máy cho bé trò chuyện với tôi. Thực sự không gần gũi thì cũng khó mà theo sát được về tính cách, học tập cũng như việc giáo lý của bé. Nhưng bằng cách liên lạc thường xuyên, tôi cũng tranh thủ hỏi thăm, nhắc nhở, hỗ trợ với phụ huynh trong việc uốn nắn con”, anh Toàn nói. Không rơi vào tình huống nhận đỡ đầu rồi mới rời xứ đi, nhiều người dù đang ở xa vẫn được các ông bố, bà mẹ tín nhiệm chọn làm người nâng đỡ thiêng liêng cho con mình. Nếu lợi thế của anh Toàn là đã kịp kết một mối nối thân tình cùng con trước khi rời xa, thì chị Mỹ Hạnh (giáo xứ Rạch Vồn, giáo phận Vĩnh Long) ngay từ đầu phải nhờ ba mẹ ruột của đứa trẻ (hiện đang sinh sống tại xứ Sóc Trăng, giáo phận Cần Thơ) làm chiếc cầu nối giúp chị gần hơn với con. Chị Hạnh là bạn của mẹ bé hồi cấp 2. Lớn lên, mỗi người lập nghiệp một nơi nên lúc đồng ý nhận bé, chị lo hai bên không thân nhau được do hạn chế tới lui thường xuyên. Chị tâm sự: “May là bây giờ công nghệ hiện đại, mình có thể vừa trò chuyện vừa xem thấy mặt nên mẹ bé hay gọi để bé gặp tôi. Lúc này chưa biết nói thì bé chỉ ê a theo mẹ thôi, chủ yếu là nhìn mặt để làm quen với tôi dần dần”.

Luôn làm tròn trách nhiệm và nâng đỡ con bằng tình thương

Không bị vướng mắc về địa lý, một vài tín hữu lại gặp trở ngại bởi độ chênh tuổi tác với con đỡ đầu của mình. Như ông Bùi Quốc Toàn (giáo xứ Thanh Hóa, giáo phận Xuân Lộc) năm nay đã 60 tuổi, trong khi con đỡ đầu - cũng là cháu ruột của ông - chỉ mới lên 5. Tuổi cao, sức khỏe nhiều khi sụt sùi nhưng người cha này không vì thế mà lơ là với con. Ông thường xuyên sang nhà chơi cùng cũng như đưa bé đi học, đi lễ. Ba mẹ ruột của cháu bé tâm sự rằng, chọn anh mình làm người đỡ đầu cho con vì nghĩ người trong nhà có thể dễ dàng giữ lấy mối liên hệ. Thêm nữa, ông Toàn tuổi đã cao, nếu nhận đứa con nhỏ thì sau này cũng đỡ đần được cho ông ít nhiều. Về phía người tín hữu này, dù hiện tại có thể chu toàn bổn phận, lại biết rõ lòng quan tâm của em mình, nhưng vẫn cứ canh cánh trong lòng một nỗi lo. “Mình lớn hơn nó nhiều quá nên khoảng thời gian có thể song hành cũng không nhiều. Chỉ biết bây giờ tranh thủ gần con để dìu dắt, được bao nhiêu hay bấy nhiêu…”, ông trải lòng. Ngược với hoàn cảnh trên, nhiều người lại nhận đỡ đầu khi tuổi đời còn khá trẻ. Họ chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình cũng như không có nhiều kinh nghiệm đồng hành. Lúc này, chính những bậc cha mẹ họ sẽ là người hướng dẫn hoặc trực tiếp coi sóc đứa trẻ mà con mình đỡ đầu.

Cùng con đi lễ là cách để người đỡ đầu nối mối dây liên kết tinh thần

 

Niềm vui nhỏ bé

Luôn làm tròn trách nhiệm và dìu dắt con bằng tình thương, người đỡ đầu đã nhận lại hạnh phúc đến từ những hoa trái mà mình vun trồng. Mấy cụ đông con đỡ đầu kể, mỗi dịp bọn trẻ tới thăm thì vui lắm, căn nhà thường ngày tự nhiên ấm áp hẳn và đầy tiếng nói cười. Còn riêng với người tín hữu đã chọn cho mình đời sống độc thân như chị Nguyễn Thị Trang (giáo xứ Thới Thạnh, giáo phận Cần Thơ), thì được đi với một đứa bé qua từng giai đoạn từ nhỏ đến lúc trưởng thành là một niềm an ủi lớn: “Hồi nó nhỏ thì mình vui theo từng tiếng khóc cười, ê a của nó, giờ lớn lên nó có chuyện vui buồn gì mình cũng mừng, sốt ruột không thua ba mẹ nó”.

Vì cùng đặt mối quan tâm vào những đứa con ngay từ khi chúng còn ẳm ngữa, giữa ba mẹ ruột và người đỡ đầu rửa tội hình thành sự gắn bó và cảm thông sâu sắc. Một số cặp vợ chồng bày tỏ rằng, nhờ có thiên thần nhỏ bé này mà họ lại như có thêm người thân để đỡ đần, sẻ chia những ưu tư xung quanh việc nuôi dạy con.

Bên cạnh việc hai bên gia đình đã là bạn hay người thân, vẫn tồn tại số ít người chọn đỡ đầu khi mối quan hệ chỉ ở mức quen biết nhau (vì lý do ít mối thâm giao, được giới thiệu…). Thế nhưng qua thời gian, họ dần trở nên thân thiết vì có chung một mối bận tâm và năng tới lui thăm viếng. Anh Nguyễn Văn Quốc (giáo xứ Phú Thọ Hòa, TGP TPHCM) kể câu chuyện của mình: “Tôi được bạn nhờ đỡ đầu giúp con một người quen. Trong suốt lúc làm hồ sơ rửa tội, tôi cũng hỗ trợ gia đình vì lúc bấy giờ ba bé đang ở nước ngoài, mẹ thì là tân tòng nên nhiều thủ tục chưa rõ lắm. Chỉ quen qua mối nối kết là bạn tôi nhưng giờ đây hai nhà thân nhau lắm. Cứ cuối tuần thường ‘hú’ nhau đi ăn uống, trò chuyện thoải mái như người trong nhà vậy”.

Cuộc trò chuyện trên điện thoại để con gần gũi hơn với người đỡ đầu

Vai trò đỡ đầu không chỉ đem lại cho người tín hữu những hạnh phúc giản đơn như trên mà còn tạo động lực để họ luôn soi rọi, hoàn thiện bản thân. Ý thức mình là tấm gương cho con, chị Ngọc Trâm (giáo xứ Xuân Hiệp, TGP TPHCM) luôn tự nhắc phải nề nếp trong sinh hoạt đạo và cả cuộc sống đời thường. Chị tâm niệm: “Trẻ con dễ bắt chước theo người lớn, nhất là người nào thân gần với chúng, thành ra người lớn chính là tấm gương, làm tốt thì hình ảnh phản chiếu mới đẹp được!”. Cũng không hiếm gia đình Công giáo hay chọn người thân trong nhà cho con vì đỡ phải… tìm đâu xa. “Nhưng quen thân quá thành ra nhắc nhở cũng khó lắm, người ta nói bụt nhà không thiêng là vậy. Bản thân tôi vì vui tính, trong nhà hay nói giỡn nên cháu nó cũng không sợ. Sau này mình cũng chú ý tiết chế một chút, nghiêm nghị khi cần để mỗi lần hướng dẫn cháu hiệu quả hơn”, anh Thế Nhân (giáo phận Vĩnh Long) nhận xét.

Để có thể chu toàn được vai trò của một người cha, người mẹ thứ hai không phải là chuyện dễ. Những câu chuyện về trải nghiệm của họ cũng sẽ gợi lại mối dây gắn bó thân thương giữa cha mẹ và người đỡ đầu, cho những ai lỡ làm đứt mất.

 

ÐỖ YÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm