Năm nay, Giáo hội kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate (Trong thời đại chúng ta – In Our Time) của Công đồng Vaticanô II được công bố (28.10.1965). Đây là Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo.
Trong lịch sử, nơi nhiều vùng miền và trải qua các thời đại, có hai cách nhìn của người Kitô hữu về các tôn giáo khác khá rõ nét, một khuynh hướng coi các tôn giáo khác là đối lập nên phải bài bác; khuynh hướng còn lại quan niệm mọi tôn giáo đều là những con đường cứu rỗi.
ĐTC gặp các chức sắc tôn giáo trong chuyến viếng thăm Sri Lanka |
Tuyên ngôn Nostra Aetate đã đúc kết: “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy, mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo” (số 2).
Điều đáng mừng là từ sau Công đồng, cách nhìn không thiện chí về các tôn giáo khác nơi tâm hồn hầu hết các giáo hữu suốt thời Trung cổ cho đến giai đoạn tiền Công đồng, dần bị triệt tiêu, nhờ nỗ lực của mọi thành phần Dân Chúa.
Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo. Trong nửa thế kỷ qua, có thể nhận diện quan hệ giữa Công giáo và các tôn giáo khác ngày càng đại kết, giảm thiểu những biểu hiện bài xích, chia rẽ.
Hẳn mọi người còn nhớ, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 đã nhận định: “Cuộc đối thoại vớicác tôn giáosẽ giúp Giáo hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16,13). Tại Việt Nam, chúng ta nhậnthấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật giáo, cảm thức tâm linh của Đạo giáo, triết lý xã hội của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc... Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại. Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ” (số 40).
Việc “đối thoại liên tôn” của GHCGVN đã và đang diễn ra thường xuyên ở nhiều cách thức, phạm vi và mọi thành phần - từ các vị giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân. Riêng đối với giáo dân, cuộc đối thoại diễn ra nơi mọi môi trường trong một cách thức quan trọng mà Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, trong một bài viết về đối thoại liên tôn trước đây, gọi là “đối thoại đời sống”.
Hằng ngày, người giáo dân đang “đối thoại đời sống” từ trong chính gia đình mình ra ngoài xóm ngõ, nơi làm việc và trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội; minh chứng về phẩm chất Kitô hữu và về đạo yêu thương, chan hòa, phục vụ, dấn thân; hợp sức với người có tôn giáo, người không tôn giáo để cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương trong cộng đồng.
Là thành phần chiếm đại đa số trong Giáo hội, sự kỳ vọng về “đối thoại đời sống” nơi người giáo dân không hề nhỏ, hơn nữa, sẽ thêm phần minh chứng về giá trị và tinh thần đại kết của Tuyên ngôn Nostra Aetate.
HOÀNG ANH
Bình luận