Trên con đường “hành hương” vào nghề báo, tôi vẫn thường rất hạnh phúc khi gặp được những vị chân tu như “Ơi” (cha lớn tuổi - cách gọi của người Jrai) Giuse Trần Sỹ Tín, dòng Chúa Cứu Thế (CSsR), vị thừa sai đã trải qua 50 năm thi hành sứ vụ tại trung tâm loan báo Tin Mừng - giáo xứ Pleikly (Gp Kontum). Diện kiến Ơi Tín, tôi ví mình như cô Maria xin được ngồi dưới chân nghe ngài kể chuyện từ một người Kinh trở nên Jrai, ươm mình thành hạt giống Kitô gieo vào lòng đất Jrai, được Chúa làm trổ sinh nhiều bông hạt.
![]() |
Người thừa sai lên đường tới những làng Jrai đang ước mong được nghe Lời Chúa
|
RA ÐI TẦM ÐẠO
Tôi gặp Ơi Tín tại Pleikly một ngày tháng 10, trong dịp Trung tâm Loan báo Tin Mừng kỷ niệm 50 năm hồng ân sứ vụ. Có rất đông anh chị em tín hữu sắc tộc nô nức về đây mừng lễ như ngày hội chung của buôn làng. Ðứng từ xa quan sát, để ý thấy ai gặp cha cũng niềm nở tiến đến gần bắt tay chào, và ngược lại hễ gặp bất cứ anh em dân tộc nào cha cũng vui cười, vỗ vai ân cần hỏi thăm, như thấu hiểu và nắm chắc cuộc sống của từng người. Bao nhiêu thứ tình cảm thân thương người đồng bào dành cho Ơi Tín, tình mục tử, tình cha con, ông cháu: “Nửa thế kỷ Ơi Tín đến ở cùng, gắn bó với chúng tôi, gian nguy cũng không rời. Giờ đây ông là một phần linh hồn của người đồng bào Jrai xứ này”, chị Rơ Mah Nhíu khi được hỏi ngẫu nhiên đã thổ lộ.
Bên trong căn phòng nhỏ, câu chuyện sứ vụ Pleikly như một thước phim quay chậm, được tái hiện lại qua lời kể của chính vị thừa sai tiên phong ra đi dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng trên miền đất hứa này. Cha hay nhắc nhiều đến việc phải xác định lại vấn đề từ ngữ: “Chúng tôi rất ngại dùng từ Truyền giáo. Ở Việt Nam, Missio (mission) chúng ta dịch là truyền giáo. Evangelisatio (évangalisation) cũng lại dịch là truyền giáo nữa. Trong khi Missio trước tiên dành cho việc được sai đến với lương dân (Missio ad gentes). Còn bây giờ từ Evangelisatio được dịch chính thức là Phúc Âm hóa, làm cho mỗi người thành Phúc Âm. Sau Công đồng Vatican II, Bộ Truyền Bá Ðức Tin (Congregatio pro Proganda Fidei) đã đổi là Bộ Phúc Âm Hóa Muôn Dân (Congregatio Evangelisationis Populorum): Proganda Fidei và Evangelisatio là hai khái niệm rất khác nhau đưa tới những tư tưởng và hành động rất khác nhau. Ở nước ta cứ duy trì từ Truyền giáo, không chịu thay đổi, bởi đó việc Phúc Âm hóa gặp nhiều bế tắc”. Cẩn trọng trong việc dùng chữ nghĩa, nhất là khi dịch từ văn bản gốc sang tiếng Việt hay tiếng Jrai nên cha thường có những tra cứu đối chiếu rất kỹ càng. Bởi nếu dùng sai từ đầu sau này thành thói quen sẽ rất khó sửa.
![]() |
Nghi thức Thánh tẩy cho người gia nhập đạo |
Theo luồng gió mới của Công đồng, nhóm bốn vị thừa sai Cứu Thế đầu tiên nhất trí ra đi tới một nơi nào đó, trong vùng đất của người thiểu số chưa theo đạo là cha Antôn Vương Ðình Tài, tu huynh Lêônard Hồ Văn Quân, hai phó tế Giuse Trần Sỹ Tín và Phêrô Nguyễn Ðức Mầu. Cha Tín chia sẻ, chúng tôi đều cảm thấy cần phải ra đi khỏi một cơ cấu hay thói quen nào đó vốn đã trở nên quá chật hẹp, xơ cứng. Và còn phải đi ra khỏi chính mình, vì đã bị điều kiện hóa quá nhiều. Nhưng thật ra khi đó nhóm vẫn chưa biết đi về đâu, làm gì, làm thế nào? Vậy phải cùng nhau đi tìm. Ra đi tìm người, tìm mình và tìm Chúa. Theo Tin Mừng thì có một đầu mối chính là người nghèo, người thiểu số. Từ đó trở thành nhóm tìm kiếm, tu đạo, chứng đạo và tầm đạo.
SỐNG GIỮA ANH CHỊ EM MÌNH
Ngày 10.10.1969 đánh dấu sứ mạng như là định mệnh của bốn vị thừa sai. Ðức cha Paul Seitz, Giám mục địa phận Kontum lúc bấy giờ đích thân chở các ngài tới vùng đất Pleikly và trao sứ vụ Phúc Âm hóa cho người đồng bào Jrai. Pleikly có thể nói là trung tâm của các làng có người Jrai sinh sống, lại nằm sát quốc lộ 14 thuận tiện cho việc di chuyển và liên lạc. So với các sắc tộc khác, Jrai có dân số đông nhất nhưng lại là sắc tộc ít được biết đến Tin Mừng hơn cả. Khi các ngài đến, duy nhất một linh mục ở Cheoreo nói được tiếng Jrai và chăm lo giảng đạo cho họ.
![]() |
Lao động cùng bà con đồng bào |
Công cuộc bắt đầu từ việc giành chỗ của mấy chú… dê trong một phòng học bỏ hoang để nghỉ tạm, vì không ai cho ở nhờ. Hành trình sống với dân, làm với dân, học với dân mở ra: “Học ăn, học nói, học gói, học làm, linh động trong cuộc sống của dân chứ không phải trong một cái viện nào. Cách học tiếng tốt nhất là trong môi trường lao động, sinh sống với bà con”, Ơi Tín bồi hồi nhớ lại. Mỗi sáng các vị lấy một hai lon gạo, gói muối, liềm, dao rựa, nước uống, vác cuốc gùi đi theo dân làng làm rẫy, làm ruộng, đi rừng săn thú, đi suối chài lưới bắt cá…, nhờ đó mà hiểu dân và dân cũng hiểu mình hơn. Người đồng bào bắt đầu tin tưởng giao con cái cho các cha dạy dỗ.
Những lớp xóa mù chữ trong làng bắt đầu được mở ra. Các vị thừa sai học được ngôn ngữ của người bản địa, từ đó dạy lại cho anh chị em nào chưa biết tiếng của mình và dạy cả tiếng Việt cho bà con, trẻ em trong làng. Khi biết rồi, họ lại đi chỉ cho những người chưa biết. Anh Kpa H’Lưi, một giáo dân dân tộc nơi đây kể : “Mãi đến năm 16 tuổi mình mới học viết được tiếng nói của mình, sau đó còn được Ama dạy tiếng Việt nữa. Học được ngôn ngữ làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hòa nhập với cộng đồng hơn và cộng tác giúp Ama các công việc trong xứ”.
![]() |
Đức cha Paul Seitz trao miền “đất hứa” Pleikly cho bốn thừa sai năm 1969 |
Nếp sinh hoạt này kéo dài từ năm 1969 đến năm 1987, gần 20 năm trời. Lối sống các ngài nhắm đến không phải để lấy lòng dân mà cố gắng thể hiện ngay trong chính cách sống thường nhật, làm muối làm men, đi theo con đường nhập thể, đồng hóa mình hết mức có thể với tất cả thân phận đồng bào Jrai. Cha Trần Sỹ Tín được Ðức cha Paul Seitz truyền chức linh mục giữa một cộng đoàn Jrai nhỏ bé ở Cheoreo vào năm 1972. Sau này, khi nhìn lại quãng thời gian sống với dân, cha nhận ra thời gian Chúa đã sống hơn 30 năm tại Nazarét: “Ðược sống trong giai đoạn này mang lại nhiều lợi ích cho bản thân tôi và cả cho người đồng bào. Khó mà đi vào sứ vụ nếu không trải qua giai đoạn Nazareth của Chúa Giêsu. Chúa không loan báo Tin Mừng từ bên trên, hay bên ngoài, mà từ bên trong”.
Chính trong lúc khó khăn thiếu thốn nhất, vào năm 1985, khi chuẩn bị Năm Thánh Ðức Mẹ, người Jrai tại Pleikly lại bắt đầu theo đạo. Ba năm sau toàn vùng Jrai chủ động đi tìm Chúa. Họ mong muốn tha thiết được học biết các giá trị về tinh thần, về tình yêu thương, về hạnh phúc, điều mà trước đây chưa ai hướng dẫn. Người thừa sai bỏ cày cuốc lên đường tới những làng đang khao khát được nghe Lời Chúa. “Trường của chúng tôi là trường Giêsu, sách của chúng tôi là Kinh Thánh và thầy dạy là Thần Khí”, một tín hữu Jrai chia sẻ như thế về con đường nhập đạo của mình.
![]() |
Những lớp xòa mù chữ trong làng bắt đầu mở ra |
MỘT DI SẢN LỚN
Sự can đảm ra đi vượt khỏi những pháo đài để dấn thân tận cùng vào sứ mạng thừa sai của các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế đã để lại một di sản tinh thần, vạch ra một con đường, một phương cách Phúc Âm hóa cho lương dân, cụ thể ở đây là anh em dân tộc thiểu số Jrai, góp phần truyền cảm hứng cho mọi thành phần Dân Chúa. Nhìn lại sứ mạng cuộc đời của mình, Ơi Tín cảm nhận: “Phúc Âm hóa chính là nhân bản hóa, linh hóa con người. Công cuộc này có tính hai chiều. Chúa không chỉ dùng người thừa sai để Phúc Âm hóa giáo dân, mà còn dùng giáo dân để Phúc Âm hóa người thừa sai. Mỗi người đều có một dấu ấn. Chính nhờ đi tìm kiếm mà Chúa làm cho mình trở thành Tin Mừng”.
Ngôn ngữ chính là chìa khóa mở cửa đi vào con tim của người dân tộc thiểu số. Việc học ngôn ngữ giúp cha Tín khám phá ra văn hóa của đồng bào sắc tộc, nền văn hóa toàn linh. Trong văn hóa chứa đựng cái linh thiêng, hồn cốt người bản địa. Vì thế theo cha, người thừa sai phải cẩn trọng hội nhập giúp các nền văn hóa bản địa, gìn giữ được căn tính và bảo tồn được nét đẹp truyền thống của họ.
![]() |
Cha Tín luôn sẵn sàng đến chia sẻ với anh em dân tộc mọi lúc có thể |
Trong khi đi vào sứ vụ ở với dân, những vị mục tử này cũng đã khám phá ra quy luật ngôn ngữ, góp phần bảo vệ, duy trì và phát huy chữ viết của người bản địa. Năm 1971, cha Tín cùng các anh em, cộng tác viên tham gia dịch cuốn Tân Ước sang tiếng Jrai. Ðây là tài liệu duy nhất các vị dùng để hướng dẫn bà con cầu nguyện. Chính Lời Chúa sẽ đánh động và thay đổi cõi lòng anh chị em Jrai. Những bài hát trong phụng vụ cũng được dịch qua tiếng địa phương để người dân hát những khi sinh hoạt cộng đoàn hay tham dự thánh lễ. Ðó là một công trình dài hơi đòi hỏi nhiều tâm huyết và cả tình thương.
Bây giờ, ở độ tuổi bát tuần, cha Tín vẫn miệt mài trong sứ vụ, âm thầm thực hiện kế hoạch chuyển thể sách Cựu Ước sang tiếng Jrai, và ước mơ hoàn thành cuốn từ điển Jrai, như một món quà, một di sản tinh thần về ngôn ngữ để lại cho anh chị em đồng bào sau khi mình về quê trời.
NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.